Monday, June 27, 2022

VƯỢT LÊN CUỘC XUNG ĐỘT : VIỆT NAM và TRƯỜNG HỢP RWANDA (Peter Osnos, The Christian Science Monitor, Jerome Clarke, Trần Quốc Việt)

 



Vượt lên cuộc xung đột : Việt Nam và trường hợp Rwanda

Peter Osnos, The Christian Science Monitor, Jerome Clarke, Trần Quốc Việt

26/06/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/25360-vu-t-len-cu-c-xung-d-t-vi-t-nam-va-tru-ng-h-p-rwanda

 

 

Ở Quảng trị, người lính vẫy tay nhau

Peter Osnos, The Washington Post, 27/01/1973

 

Lời người dịch : Tác giả Peter Osnos chứng kiến ở Quảng Trị "cảnh tượng phi thường và xúc động" vào ngày ngừng bắn ở nơi mà 80.000 người đã ngả xuống trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. (TQV)

 

Hình : https://live.staticflickr.com/65535/52174863054_09c0e4cfdb.jpg

Binh sĩ tụ tập thành từng nhóm nhỏ dọc theo bờ sông căng mắt nhìn cử động của lực lượng cộng sản ở phía bờ bên kia, cách xa độ 100 mét. Họ dựng những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên mọi đồ vật, khiến phong cảnh hoang tàn bừng sống lại dưới bao màu sắc.

 

Huế, 28/1/1973 - Ở Quảng trị vào sáng ngày Chủ nhật, trên chiến tuyến của Nam Việt, cuộc bắn pháo dữ dội chấm dứt ngay sau 8 giờ sáng và những người lính ở hai chiến tuyến thù địch hát và vẫy tay nhau qua đôi bờ sông Thạch Hãn.

 

Sương mù ban mai vẫn còn dày đặc khi Trung tá Nguyễn Thế Lương, chỉ huy thủy quân lục chiến đóng ở thành phố Quảng Trị, bước ra ngoài lô cốt chỉ huy, bắt tay những phóng viên đến thăm và nói bằng tiếng Việt :

 

"Cảm ơn quý vị rất nhiều vì có mặt ở đây nhân dịp ngừng bắn lịch sử này. Hòa bình có lâu dài hay không phụ thuộc vào thiện chí của kẻ thù".

 

Mọi người uống cà phê nhạt và lạnh chúc mừng.

 

Trong thành phố ngày xưa mà bây giờ đổ nát hoang tàn dường như có sự khởi đầu mới.

 

"Đây ly rượu Whiskey Việt Nam mừng hòa bình Việt Nam", một người lính hân hoan mời rượu có màu giống nước trà trông đáng ngờ.

 

Trời tờ mờ sáng. Cuộc bắn pháo càng dữ dội cho đến lúc sát 8 giờ, khi đấy những loạt pháo dường như rơi xuống cứ vài giây một lần. Bên trong lô cốt chỉ huy của tiểu đoàn một, cố vấn Mỹ, Đại úy Rich Higgins, liếc nhìn đồng hồ rồi nói với Trung tá Lương : "Đến giờ rồi. Bây giờ là 8 giờ 2 phút".

 

"Chúng tôi đang bị pháo kích", trung tá nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả hỏa lực".

 

Ai đấy phải dừng lại, và vào lúc 8 giờ 5 phút trung tá bắt đầu gọi điện ra lệnh ngừng bắn.

 

Chỉ vài phút sau trung tá và những sĩ quan khác xuất hiện trước cảnh yên tĩnh lạ thường.

 

Thoạt đầu dè dặt, những người lính thủy quân lục chiến bắt đầu bước ra khỏi các lô cốt. Các sĩ quan của họ ra lệnh họ vẫn phải mặc áo giáp và đội mũ sắt.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52174618693_1734b9fdba.jpg

Những người lính thủy quân lục chiến bắt đầu bước ra khỏi các lô cốt. Các sĩ quan của họ ra lệnh họ vẫn phải mặc áo giáp và đội mũ sắt.

 

Trong Cổ Thành, thành lũy đã bị B52 đánh thành tro bụi trong mùa hè qua, binh sĩ tụ tập thành từng nhóm nhỏ dọc theo bờ sông căng mắt nhìn cử động của lực lượng cộng sản ở phía bờ bên kia, cách xa độ 100 mét. Họ dựng những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên mọi đồ vật, khiến phong cảnh hoang tàn bừng sống lại dưới bao màu sắc.

 

Rồi, ở đằng xa, ai đấy nhận ra lá cờ đỏ cộng sản. Những người lính ở bờ bên này la lên, chỉ trỏ và vẫy tay nồng nhiệt. Một người lính cộng sản lẻ loi xuất hiện đằng sau hai tàu lá dừa lớn và vẫy tay lại.

 

Peter Osnos

Nguyên tác : "At Quangtri, Soldiers Wave", The Washington Post, 29/01/1973, trang A1.

Trần Quốc Việt dịch

 

                                                        ***********************

 

Thù xưa bỏ lại để tương lai lên đường 

Xã luận báo Christian Science Monitor, 13/12/2017

 

Sau khi ông tuyên bố chiến thắng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) vào ngày 9 tháng Mười Hai, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có một lời hứa quan trọng. Ông dự định bắt đầu giải quyết mối xung đột sâu rộng giữa người Sunni và người Shiite - vốn là căn nguyên của cuộc nổi dậy của ISIS cách đây ba năm.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52173587362_c8afc24547.jpg

Trẻ em Tutsi trong một lớp học

 

"Iraq ngày nay là của tất cả mọi người Iraq". ông nói và nhắc lại sự đoàn kết hiếm hoi giữa các lực lượng quân sự trong cuộc tấn công mãnh liệt cuối cùng chống ISIS.

 

Ông Abadi hiện nay là vị nguyên thủ mới nhất trên thế giới tìm cách hòa giải dân tộc và hàn gắn các vết thương xã hội sau khi kết thúc cuộc xung đột vũ trang hay sau khi chế độ chuyên chế sụp đổ.

 

Ở nước Tây Phi Gambia, vị tổng thống mới, Adama Barrow, dự định thành lập ủy ban sự thật nhằm đưa ra ánh sáng những vụ vi phạm nhân quyền trong hai thập niên cai trị của người tiền nhiệm độc tài, Yahya Jammeh. "Chúng tôi phải hiểu những chuyện đã xảy ra dưới chế độ Jammeh để chúng tôi tránh không bao giờ lặp lại", Abubacar Tambadou, Bộ trưởng Tư Pháp Gambia, nói.

 

Tuần qua ở Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos đã đi một bước rất quan trọng nhằm củng cố thỏa thuận hòa bình vào năm 2016 giữa chính quyền và nhóm kháng chiến lớn nhất trong nước. Ông lập ra ủy ban sự thật mà sẽ tiết lộ hoàn toàn mức độ các tội ác đã gây ra suốt trong nửa thế kỷ nội chiến. Và một tòa án khác sẽ thực thi công lý đối với các tội ác chiến tranh nghiêm trọng.

 

Ở Tunisia, ủy ban sự thật lập ra theo sau Mùa Xuân Ả Rập vào năm 2011 hiện vẫn tiếp tục hoạt động để khám phá ra những hành động tàn ác của chế độ độc tài trước đây. Trong khi ấy, Nepal và Sri Lanka đang cân nhắc những nỗ lực tương tự theo sau chiến tranh ở những nước này.

 

Mặc dù bất kỳ nỗ lực nào trong tất cả những nỗ lực này cũng đều có thể là những khả năng đầy hứa hẹn cho các quốc gia khác hiện nay đang diễn ra xung đột-Syria, Miến Điện, Libya, Ukraine, Yemen, và Nam Sudan - nhưng có lẽ tấm gương hòa giải tốt nhất và mới đây nhất là Rwanda, 23 năm sau khi cuộc diệt chủng ở đấy sát hại 800.000 người.

 

Trong bài báo mới trên tạp chí Foreign Affairs, học giả Phil Clark thuộc Đại học Luân Đôn viết về "những bước tiến cực kỳ lớn lao" mà Rwanda đã thực hiện được ở cấp cá nhân, địa phương, và toàn quốc để đạt được sự hòa hợp giữa người Hutu, dân tộc đa số, và người Tutsi, dân tộc thiểu số.

 

"Hôm nay không có quốc gia nào khác có rất nhiều thủ phạm tội ác tập thể mà lại sống rất gần với gia đình các nạn nhân của họ". ông viết sau khi thực hiện hơn 1000 cuộc phỏng vấn với những người dân thường Rwanda trong suốt 15 năm trời nghiên cứu.

 

Từ năm 2002 đến 2012 quốc gia này dùng tòa án cộng đồng để khởi tố 400.000 can phạm diệt chủng. Những ai thú tội và tỏ ra ăn hận thì được khoan hồng và tái hội nhập vào làng họ.

 

Nhà lãnh đạo Rwanda, Paul Kagame, đã dùng những dịp lễ tưởng niệm hằng năm và công dân giáo dục để mang hai nhóm dân tộc này hòa hợp lại với nhau. Quốc gia này cũng cảnh giác đối với sự tuyên truyền gây chia rẽ giữa các dân tộc. Và những nạn nhân ở cả hai bên đều thấy đau khổ của họ giống nhau nên tự tìm đến với nhau.

 

Quan trọng nhất, khoảng cách kinh tế giữa người Hutu và người Tutsi đã rút ngắn lại, qua đấy "góp phần sửa lại nhiều bất công sâu sắc mà đã gây ra những vấn nạn lớn và dai dẳng trong những cộng đồng địa phương suốt hàng chục năm trời, " ông Clark viết.

 

"Nhiều cộng đồng đã... lập ra những hợp tác xã kinh tế, bao gồm cả người Hutu và người Tutsi, góp chung của cải lại với nhau như hạt giống hay nhiên liệu. Họ đã bắt đầu những hợp tác xã này không chỉ xuất phát từ nhu cầu kinh tế mà cũng từ hy vọng rằng cùng nhau làm việc chung với nhau sẽ bắt đầu hàn gắn lại những rạn nứt lịch sử", ông viết thêm.

 

Những người một thời xung đột bạo lực lẫn nhau bây giờ làm việc với nhau trên cùng cánh đồng, cho con cái đi học cùng trường, bán hàng hóa cho nhau ở ngoài chợ, và thường kết hôn với nhau. Những hoạt động hằng ngày như thế đã thử thách đạo đức của trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng. Họ đã tạo ra nền tảng tin tưởng.

 

Nguy cơ bạo lực tập thể giờ dường như khó xảy ra. Mặc dù dân chủ tiến triển chậm, nhưng Rwanda chứng tỏ rằng một quốc gia bị chiến tranh hay giới lãnh đạo tàn ác xâu xé vẫn có thể hòa giải được bằng sự kết hợp đúng đắn giữa công lý, đối thoại, và phát triển kinh tế xã hội.

 

Hầu hết người Rwanda, Clark kết luận, "đã quyết định bắt đầu sống tiếp cuộc đời bình thường hơn là trả mối thù cũ".

 

The Monitor's Editorial Board

Nguyên tác : "People once at odds don't try to even the score", The Christian Science Monitor, 13/12/2017. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

 

Trần Quốc Việt dịch

 

                                                      ***********************

 

Niềm vui ở phi trường Rwanda 

Jeremy Clarke, The Spectator, 16/11/2019

 

Máy bay chúng tôi đáp xuống Rwanda vào lúc 7 giờ tối. Khi tôi bước ra cầu thang kim loại bên ngoài, tôi ngửi mùi đất, oi nồng, rữa nát không nhầm lẫn vào đâu được mà chứng tỏ rằng bạn đã đặt chân đến Châu Phi nhiệt đới và trong thời gian sắp tới mọi sự sẽ khác đi. Tôi băng qua phi đạo để đến phòng chờ dành cho khách đến mà mồ hôi đã vã ra rồi và xếp hàng để trình hộ chiếu và thị thực.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52173587342_aea95eeaa0.jpg

Cổng Phi Trường Quốc Tế Kigali

 

Tôi thật dại và sơ ý khi làm thị thực qua một công ty tư nhân trên mạng tên là Dịch vụ Thị thực Rwanda, mà tính giá lệ phí dịch vụ gần gấp hai lần giá thị thực bình thường. Bốn tuần trước ngày khởi hành, tôi làm trên mạng tất cả những gì họ yêu cầu và được thông báo là thị thực "đang chờ cấp".

 

Ba tuần rưỡi sau vẫn chưa nhận được thị thực, tôi gởi điện thư hỏi. Không trả lời. Hai ngày sau tôi thử gởi lại. Lần này một nhân viên của Dịch vụ Thị thực Rwanda nói ông ta rất tiếc là do những khó khăn không đoán trước được cho nên công ty ông không thể có thị thực nhập cảnh cho tôi theo ngày tháng yêu cầu. Tuy nhiên, nếu tôi ghi lại số gồm bảy con số sau và đưa cho nhân viên hải quan lúc đến nơi thì mọi việc sẽ tốt đẹp.

 

Tôi bước đến trình hộ chiếu cho nhân viên hải quan Rwanda, một người trẻ, lịch sự, khiêm tốn, điềm tĩnh, từ tốn, kiên nhẫn và tận tâm. Anh khiêm nhường đến mức tôi tự hỏi phải chăng anh đã ký thác lòng anh cho Đức Chúa Jesus Christ. Bảng tên anh ghi tên anh là Rukondo, mà có nghĩa là ‘tình yêu’. Anh hỏi tôi nhiều câu hỏi về bản thân tôi mà anh chợt nghĩ ra, như thể anh đang muốn biết về tôi với tư cách bạn bè hơn là với tư cách công chức.

 

Cuối cùng anh hỏi tôi câu hỏi mà tôi thầm mong anh đừng hỏi. ‘Ông Clarke, ông có thị thực chứ ?’ Anh nói. ‘Cảm ơn. Đây là thị thực của ông à ? Mảnh giấy này ư ?’ Tôi chỉ cho anh thấy số gồm bảy con số viết tay bằng bút bi. Vầng trán phẳng, sáng, trung thực của anh nhíu lại. Trán anh càng nhíu lại hơn khi tôi kể cho anh việc giao dịch của tôi với Dịch vụ Thị thực Rwanda. Trong lúc tôi giải thích thì anh vẫn nắm chặt mảnh giấy nhỏ bằng cả hai tay và nhìn chăm chú vào mảnh giấy như thể anh tin lời tôi rằng mảnh giấy ấy quả thực là một giấy tờ quan trọng. Sau cùng anh nói ‘Tôi sẽ cho ông biết tôi sẽ làm gì. Ông Clarke, tôi sẽ giúp ông.’

 

Rồi anh gọi một đồng nghiệp đến, người này cầm mảnh giấy của tôi đi khỏi. ‘Cô ta sẽ kiểm tra lại,’ anh nói. ‘Mời ông đứng chờ ở đằng kia ạ.’ Vào khoảng năm phút sau anh gọi tôi đến, rất tự tin đóng dấu vào hộ chiếu của tôi và nói rằng mọi thứ đều hợp lệ và anh hy vọng tôi sẽ có thời gian tuyệt vời ở nước anh.

 

Mãi cho tới lúc tôi đứng bên cạnh băng chuyền hành lý thì tôi mới nhận ra rằng tôi đã bỏ quên chiếc iPad mới toanh trên máy bay, mà sau khi tiếp nhiên liệu sẽ bay tiếp đến Entebbe với số hành khách còn lại. Một giờ nữa máy bay sẽ bay tiếp. Tôi muốn chết đi được.

 

Ngồi trong quầy kế bên cửa nơi những hành khách vừa đến túa vào vòng tay chào đón của bạn bè, người thân và tài xế là một viên cảnh sát. Tôi bước đến và với giọng ra vẻ bình thản tôi nói cho ông biết sơ suất mà không còn hy vọng gì nữa của tôi. Bảng tên ông ghi tên ông là Turatsinze, mà có nghĩa là ‘Chúng tôi là những nhà vô địch’. Với vẻ nghiêm trọng ông nhấc điện thoại lên và nói chuyện lâu và rất nghiêm túc với ai đấy ở đầu dây bên kia, chỉ gián đoạn một lần để hỏi tôi số ghế của tôi.

 

Trong khi chúng tôi chờ kết quả của cuộc nói chuyện này, tôi nói với ông rằng tôi rất cảm ơn ông vì dù sao ông cũng đã cố gắng giúp tôi. Ông đáp rằng ở Rwanda nếu du khách cần giúp đỡ thì bổn phận của mọi người Rwanda là phải cố gắng giúp đỡ họ hết mình. Nhận thấy tâm trạng bồn chồn lo lắng của tôi, ông khuyên tôi nên bình tĩnh vì tôi hầu như chắc chắn sẽ nhận lại được tài sản của mình. Rồi ông hỏi tôi chiếc iPad tôi đã mua bao nhiêu. Tôi bảo ông 1.500 đồng bảng Anh kèm theo bàn phím. Sau khi đổi số tiền ấy sang đồng tiền franc của Rwanda, ông nhận xét rằng với số tiền ấy ông có thể mua đất. Rồi ông nói có lần ông đã đến Birmingham và mọi người ông gặp ở đấy đều rất hay giúp đỡ ông và ông đã ủng hộ đội bóng Manchester United. Tôi bày tỏ sự cảm thông với ông về sự suy yếu gần đây của đội bóng này. Ông nói ủng hộ Manchester United là giống như có đứa con tàn tật vậy, ' nhưng thay vì giết con thì ta vẫn yêu thương nó như thường'.

 

Rồi một nữ cảnh sát cầm iPad của tôi đi đến.

 

Một khi tôi chứng minh nó là của tôi bằng cách mở nó ra bằng cách nhận diện mặt tôi, cô trao nó lại cho tôi kèm theo nụ cười rộng mở và hân hoan. Bằng một cử chỉ tế nhị tôi gợi ý muốn thưởng công cho cô nhưng cô ngay từ đầu đã nhất quyết không nhận. Tên cô là Giramata, mà có nghĩa là ‘có sữa’. Cầm chặt chiếc Ipad trong tay, tôi bước qua cửa để vào đất nước cô.

 

Jeremy Clarke

Nguyên tác : ‘The joy of a Rwandan airport’, The Spectator, 16/11/2019

Trần Quốc Việt dịch

 




No comments: