Bảo
Vương và « Biển đen » – Câu chuyện về một chuyến xuyên đại dương
Minh
Anh - RFI
Đăng
ngày: 22/06/2022 - 11:18
Một mầu
đen thẳm, nhưng vẫn lấp lánh một thứ ánh sáng huyền dịu. Những chuyển động nhấp
nhô như một khối ì ạch dầy đặc ,nhưng sao vẫn mềm mại. Lúc kinh hoàng, khi thì
êm dịu, tuy đáng sợ nhưng cũng mê hoặc đến lạ kỳ… Năm 2020, trang mạng The Gaze
of a Parisienne đã có những mô tả như thế về những bức tranh dầu của Bảo Vương,
họa sĩ người Pháp gốc Việt.
Họa
sĩ Bảo Vương và một bức họa trong chuỗi tranh dầu Crossing. © Bảo Vương
Mặt biển đen, bầu trời đen, và những áng mây đen… tất cả chỉ một mầu đen, là những
ấn tượng đầu tiên người xem ghi nhận tại cuộc triển lãm Coming Through ở phòng
tranh A2Z Art Gallery, nằm giữa lòng khu phố cổ sang trọng Saint-Germain-des-Prés
của Paris. Những bức tranh này nằm trong chuỗi tranh dầu mang một tên chung The
Crossing – La Traversée ( tạm dịch là Xuyên Biển ).
Crossing – Hồi ức « Xuyên biển »
Tốt nghiệp
trường Mỹ Thuật ở Toulon (miền nam nước Pháp), nhưng Bảo Vương lại bắt đầu sự
nghiệp nghệ thuật tại Việt Nam. Thời gian 10 năm sáng tác ở đó cũng là quãng thời
gian để anh đi tìm nguồn cảm hứng và nhất là để tìm lại chính mình, như lời tâm
sự của Bảo Vương tại phòng thu của đài RFI Tiếng Việt.
« Trong
khoảng một thời gian dài học tại trường Mỹ Thuật, người ta ít thấy những mối
liên hệ với quá khứ, với chiến tranh, với cảnh tha hương xứ người. Tất cả những
điều đó tôi thật sự chưa bao giờ nghĩ đến khi còn trong tuổi thiếu niên. Cũng
như bao di dân khác, tôi chỉ nghĩ phải nỗ lực hòa nhập, gần với bạn bè Pháp
càng nhiều càng tốt để hội nhập. Chỉ đến khi vào đến trường Mỹ Thuật, rồi qua
nghệ thuật, người ta mới chợt thấy nhiều điều và tôi đã chấp nhận điều đó. Sau
khi tốt nghiệp, tôi đã quay về Việt Nam để tìm lại chính mình. »
Năm 2018 mở
đầu sự nghiệp với hai cuộc triển lãm của riêng anh tại Hà Nội rồi Sài Gòn, để rồi
sau đó Bảo Vương tự nhủ : Sao mình không thử tiếp tục tại Pháp để trưng
bày những gì đã học được trong quãng thời gian mười năm đó ? Và thế là chuỗi
tranh vẽ có chủ đề The Crossing đã được bắt đầu cách nay hai năm.
Vì sao gọi
là The Crossing ? Đối với Bảo Vương, đó còn là cả một trang truyện của
chính mình. Đúng hơn là một trang hồi ức, phác họa hành trình vượt biển của cha
mẹ anh, cũng như là của bản thân anh với tư cách là những thuyền nhân Việt Nam
trong những năm cuối thập niên 1970.
Một câu
chuyện đã bị chôn vùi trong quên lãng, từ lâu cất giữ trong lòng mà mãi đến năm
25 tuổi khi lần đầu tiên về Việt Nam Bảo Vương mới được nghe mẹ kể lại. Nay những
nỗi đau khổ đó như được khơi dậy trong một mầu đen đơn nhất, như để trút hết mọi
nỗi sợ hãi, nỗi đau đớn mà cha mẹ anh đã phải trải qua trên con đường vượt biển
muôn trùng nguy hiểm. Theo anh, mầu đen là mầu của bi quan, nhưng điều đó không
có nghĩa là mất hết hy vọng !
Anh giải
thích : « Vì sao lại là mầu đen? Trong suốt thời thơ ấu, tôi cảm
nhận có một sự đè nặng nào đó và rồi cảm giác này đã được cha mẹ truyền đạt lại
từ tấn thảm kịch, từ những chấn thương đã được giấu kín như bao tấn thảm kịch
khác. Họ cất giữ chúng và chính thế hệ thứ hai sẽ phải làm điều gì đó về tấn thảm
kịch này.
Chính từ
điểm này mà tôi trút hết ra bằng cách vẽ với mầu đen, một mầu sắc mà đối với
tôi đại diện cho sự bấn loạn, nỗi buồn, tất cả những gì có thể thật sự là tiêu
cực. Tôi thậm chí còn nghĩ đến bóng tối thăm thẳm mà mẹ tôi trải qua ngay giữa
biển cả mênh mông trong đêm đầu tiên. Thế nên, mầu đen đó tất nhiên nói lên rất
nhiều điều.
Nhưng
trong các bức họa của tôi còn có một yếu tố thứ hai rất quan trọng :
Ánh sáng mà mầu đen đó phản chiếu. Điều này làm cho bức tranh của tôi thật
sự sáng lên. Và ánh sáng đó, đối với tôi, hiện thân cho mọi hy vọng mà chuyến đi
này có thể mang lại. Tất nhiên đó cũng là vì cha mẹ tôi muốn đổi đời và cũng muốn
mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hai đứa con của mình. »
The
Crossing số 57. © Bảo Vương
Đơn sắc nhưng không đơn điệu
« Biển
đen » của Bảo Vương được phơi bày dưới nhiều sắc thái khác nhau. Những cú
bay trát dầu khiến mặt biển lúc ghồ ghề hung hãn, khi chỉ lăn tăn gợn sóng, có
lúc dâng cao rất gần như muốn nuốt chửng, nhưng cũng có khi phẳng lặng hiền
lành xa mút tầm mắt.
Tối thiểu
hóa ngôn từ nghệ thuật sao cho câu chuyện được truyền tải trong sáng nhất, đơn
giản nhất và dễ tiếp cận nhất, nhưng không làm mất đi nội dung miêu tả. Với Bảo
Vương, đây cũng là cách để anh bày tỏ sự thành kính đối với những ai đã ra đi,
cách để tìm lại cảm xúc lo sợ mà cha mẹ anh đã nếm qua:
« Như
ai cũng biết, biển có khi đẹp lộng lẫy, lãng mạn, có khi gâychoáng ngợp. Đứng
trước biển, ta đôi khi khó có lời nào để nói lên vẻ đẹp của biển, giống như đôi
khi ta cũng không thể mô tả được về một bức họa, đến mức điều đó làm chúng ta
thay đổi ở trong ta vài điều gì đó.
Nhưng
có lúc biển cũng rất đáng sợ, nhất là khi tôi nghĩ đến những người chưa bao giờ
rời thành phố, quê hương của mình để ngồi trên một con tầu tạm bợ, một thuyền
đánh cá, như con thuyền cha mẹ tôi trải qua, thì mặt biển đó có thể nuốt lấy
chúng ta chỉ trong một giây.
Vì vậy,
những gì tôi muốn thể hiện ở đây, bức họa này có thể là đẹp, nhưng tôi sử dụng
tranh vẽ cũng để tìm kiếm một chút những cảm xúc lo âu. Khi quý vị xem tranh của
tôi, sẽ còn thấy đâu đó những vết sẹo vẫn còn hiện hữu mà tôi còn lưu giữ trong
lòng. »
Xuyên biển hay vượt cạn ?
Chính
trong cảm xúc này mà lúc ban đầu Bảo Vương muốn thử tìm cách thể hiện gương mặt
của các thuyền nhân bằng nhựa đường, để bắt đầu câu chuyện về cha mẹ anh. Một
thử nghiệm mà sau này anh phát hiện ra rằng đó là một sai lầm. Bảo Vương nhớ lại :
« Lúc
đầu tôi muốn sử dụng nhựa hắc ín như là chất pha mầu để miêu tả những con người
đó như những gì mẹ tôi kể lại, lúc đó chúng tôi núp trong hầm tầu và mùi dầu
máy đeo bám mẹ tôi trong suốt hành trình. Rồi chúng tôi bị cạn nhiên liệu, hỏng
máy ngay giữa biển cả. Điều đó thật sự in đậm dấu ấn trong câu chuyện của cha mẹ
tôi và chúng tôi suýt chúng nữa đã trả giá đắt mạng sống của mình. Thế
nên, nhựa hắc ín này dùng để vẽ lại những gương mặt đó, và một cách nhanh chóng
tôi quyết định đi đến vẽ tranh dầu, vì không những tôi tìm được khía cạnh chất
dầu mà cả phần mầu đen, dễ khai thác hơn. »
https://s.rfi.fr/media/display/8af67a02-f181-11ec-a05f-005056a97e36/IMG_0237.webp
Bảo Vương tại xưởng vẽ ở Vitry-Sur-Seine,
ngoại ô Paris. © Bảo Vương
Mầu đen
đơn nhất còn là một sự trầm lắng, một sự nội tỉnh giống như khi ta chìm đắm
trong những giấc mơ, trong nỗi bất hạnh đâu đó. Nhưng trong mỗi bức tranh, Bảo
Vương khẳng định ngoài mầu đen tuyền đó, ta vẫn thấy có ánh sáng, một thứ
ánh sáng ở trong ta. Sức mạnh đó, sự bền bỉ đó cho phép con người vượt qua
« những thời khắc khủng khiếp, ít nhiều cũng bi thảm, đôi khi cũng khiến
chúng ta mất phương hướng ».
Thế nên, với
Bảo Vương, « Hành trình "Xuyên biển" còn là cuộc vượt cạn,
một thử thách vượt qua tất cả những nơi nào mà rất nhiều trong chúng ta hay
trong gia đình chúng ta, phải băng qua với tư cách là một kẻ tha hương. Và tất
cả chúng ta luôn tự hỏi : Chuyện gì đang xảy ra ở phía bên kia thế giới
hay bên kia nhà hàng xóm ? Hành trình này ít nhiều gì cũng nhiều khó khăn.
Nên tôi muốn cho thấy là qua loạt tranh vẽ đó, chuyến đi này ai cũng có thể có,
và chúng sẽ làm cho chúng ta mỗi lúc thêm mạnh mẽ ».
No comments:
Post a Comment