Wednesday, June 22, 2022

MỘT KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ về VUA HÀM NGHI (Nguyễn Thế Thanh)

 



Một kỷ niệm đáng nhớ về vua Hàm Nghi    

Nguyễn Thế Thanh 

08:42 | Thứ ba, 21/06/2022

https://nguoidothi.net.vn/mot-ky-niem-dang-nho-ve-vua-ham-nghi-35134.html

 

Tin tức về cuộc triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) diễn ra trong hơn ba tháng và sẽ kết thúc vào tháng 6.2022 tại Pháp, đã khiến tôi lập tức nhớ ngay đến một kỷ niệm mà tôi bất ngờ có được về vị cựu hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

 

·         TS. Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: Phát lộ di sản nghệ thuật của cựu hoàng

 

Đó là một ngày Paris lạnh giá, 24.11.2010. Nhờ bạn bè mà trong những ngày lưu trú ở Pháp tôi tìm đến được khách sạn Drouot - nơi chiều hôm ấy diễn ra phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bức tranh Chiều tà (Decline du jour) của họa sĩ Tử Xuân, tức cựu hoàng Hàm Nghi.

 

Thú thật, dù đã biết trong thời gian sống lưu vong ở Algiers, Hàm Nghi có theo học bài bản ở trường đào tạo mỹ thuật nhưng cho đến lúc đó tôi vẫn nghĩ như nhiều người khác rằng ông chỉ chú tâm chính trị, còn hội họa chỉ để giải khuây. Và, cũng cho đến lúc đó tôi mới tìm đọc lại để biết Hàm Nghi đã vẽ rất nhiều tranh và làm cả các tác phẩm điêu khắc. Ông thực sự là một họa sĩ dù ít được biết tới ở Pháp, và ở Việt Nam lại càng không.

 

Nay, với bức Chiều tà được đưa ra đấu giá tại khách sạn Drouot, giá trị nghệ thuật trong tranh Hàm Nghi đã được khẳng định và ông trở thành vị vua đầu tiên trong số các vị vua Việt Nam sống lưu vong có hiện vật cá nhân được đưa ra đấu giá ở nước ngoài.  

 

Ðúng 14g, người chủ tọa bắt đầu rao giá của hiện vật đầu tiên trong số 228 hiện vật nghệ thuật được chào bán hôm nay. Bức Chiều tà có số thứ tự 41 trong sách giới thiệu (khổ 22x33cm, in màu trên giấy láng rất đẹp, phát trước cho khách từ một tuần trước đó). Số thứ tự ấy cũng là số thứ tự để rao bán tại phòng đấu giá. Có những bức tranh giá khởi điểm là 35.000 euro và giá chốt là 59.000 euro. Có bức giá khởi điểm 500 euro và giá chốt chỉ là 600 euro.

 

Bức Chiều tà của vua Hàm Nghi được giới thiệu: “khổ 35x46cm, tác giả sinh ở Huế năm 1871, lên ngôi vua năm 13 tuổi, sau cuộc chính biến vào ngày 5.7.1885 bị Pháp đưa đi lưu đày trong cùng năm ở Algeria, mất năm 1944. Có chữ ký Tử Xuân (là họa danh của vua Hàm Nghi) ở góc trái của bức tranh”.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/9162deb2-13d4-46c2-9c7e-a4335ac4458b.gif

Cách làm chuyên nghiệp của nhà tổ chức phiên đấu giá khiến người tham gia có thêm niềm tin vào giá trị nhiều mặt của bức tranh Chiều tà của cựu hoàng Hàm Nghi.


 

Chủ tọa rao giá khởi điểm của bức tranh là 1.000 euro. Có người trả 1.500. Người kế tiếp trả 2.000. Rồi 2.100 euro. 2.500 euro… Cứ thế giá trả cao dần. Trong số những người dự phiên đấu giá này có đại diện của tỉnh Thừa Thiên - Huế và sứ quán Việt Nam tại Pháp, có vợ chồng con trai nhà báo Thẩm Tuyên - Mai Lan. Có ai đó ở đầu dây điện thoại bên kia phòng đấu giá (không biết là người Việt hay người Pháp) trả tới 8.000 euro.

 

Tại phòng đấu giá, chị Tố Nga (người bấy nay nổi tiếng trong cuộc đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam dioxin trong chiến tranh Việt Nam trước 1975) đẩy lên mức 8.600 euro. Rồi cũng là người ở đầu dây điện thoại gọi tới phòng đấu giá kia đặt mức 8.800 euro. Và đó cũng là giá chốt. Mấy người bạn người Việt đến hỏi ban tổ chức tên của người đã mua được bức tranh. Về nguyên tắc, tất nhiên họ không trả lời. Tuy nhiên họ cho biết người mua đã thỏa thuận ngay thời gian thanh toán tiền cho văn phòng Millon & Associes.

 

Điều đáng học hỏi đối với tôi từ phiên đấu giá này là tính chuyên nghiệp của nhà tổ chức. Sau khi hỏi rõ các thông tin về địa chỉ lưu trú, số tài khoản và số tiền mà khách tham dự có khả năng mua, nhân viên văn phòng Millon & Associes bảo họ đăng ký tên trước khi phiên đấu giá bắt đầu để ban tổ chức giữ chỗ ngồi, bởi vì lát nữa đây khi mở cửa chắc chắn sẽ có rất đông người phải đứng do không đủ chỗ và không đăng ký trước.

 

Họ cũng thông báo kỹ rằng khi bắt đầu phiên đấu giá, cùng lúc với việc rao giá, đấu giá tại căn phòng này sẽ có hệ thống tham gia đấu giá qua điện thoại do bộ phận nhân viên của Millon & Associes phụ trách, ngồi ngay sau bàn chủ tọa.

 

Thẩm quyền của người mua qua điện thoại không hề kém người mua tại phòng đấu giá và dĩ nhiên người mua qua điện thoại cũng phải thực hiện các thủ tục theo quy định (họ tên, địa chỉ, số tài khoản được kiểm tra hợp lệ...). Người tham gia đấu giá tại chỗ hoặc qua điện thoại đều được ban tổ chức thông báo trước rằng họ sẽ phải trả thêm 26% của giá trị hiện vật họ mua (là khoản hoa hồng cho văn phòng đấu giá, thuế...) và nếu đấu giá thắng thì người mua phải thực hiện việc thanh toán ngay theo quy định.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b8db9dd2-1df6-450f-9c23-d3efcf5baeb1.gif

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh bên bức tranh Chiều tà của cựu hoàng Hàm Nghi được đấu giá ngày 24.11.2010. Ảnh: TLTG


 

Cũng qua hỏi thăm ban tổ chức, tôi được biết khi có ai đó muốn bán một hiện vật, văn phòng Millon & Associes tiến hành thẩm định kỹ lưỡng giá trị nhiều mặt của hiện vật thông qua hệ thống các chuyên gia bậc thầy về tranh, tượng, cổ vật bằng sành sứ, đồng sắt hay bằng vải. Ðể từ kết quả thẩm định khoa học ấy mà định giá hiện vật đúng với giá trị của nó. Khi có kết quả thẩm định và xác định chính xác số lượng hiện vật có thể đem đấu giá, văn phòng Millon & Associes sẽ định giá khởi điểm, in sách ảnh giới thiệu hiện vật, thông báo rộng rãi địa điểm, thời gian trưng bày và đấu giá cho công chúng quan tâm biết và tham gia.

 

Buổi đấu giá ngày 24.11.2010, nhà tổ chức đấu giá tại Drouot có giao dịch với 67 tổ chức và 72 chuyên gia thẩm định. Hằng năm có 800.000 hiện vật (chủ yếu liên quan đến nghệ thuật sáng tạo) được bán tại đây.

 

Cách làm chuyên nghiệp của nhà tổ chức đấu giá tại Drouot càng làm chúng tôi thêm tin vào giá trị nhiều mặt của bức Chiều tà của họa sĩ Tử Xuân - cựu hoàng Hàm Nghi. Có một niềm tự hào và tình cảm thân thương dậy lên ấm áp lòng tôi hôm ấy trong tiết trời Paris lạnh giá. Cho đến tận bây giờ, sau 12 năm kể từ phiên đấu giá ấy ở Paris, tôi vẫn mang theo hai câu hỏi chưa được trả lời: Một, không biết người sở hữu bức tranh Chiều tà đã lộ danh tánh chưa và bức tranh có được đưa về thăm Việt Nam lần nào chưa? Hai, không biết những người biên soạn lịch sử mỹ thuật Việt Nam đã bổ sung tên cựu hoàng Hàm Nghi - họa sĩ Tử Xuân vào danh sách các họa sĩ Việt Nam chưa? 

 

Thôi thì, hy vọng sau bài viết này, hai câu hỏi đó của tôi sẽ có câu trả lời. 

 

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh

 

·         TS. Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: Phát lộ di sản nghệ thuật của cựu hoàng

 




No comments: