Việt
Nam phát hiện hàng chục vụ ‘lộ bí mật nhà nước’ trong năm qua
21/12/2021
https://gdb.voanews.com/7C6ED614-ACEE-48D8-9C3B-FC555B5163FA_cx33_cy22_cw66_w1023_r1_s.png
Cựu Chủ tịch TP Hà
Nội Nguyễn Đức Chung tại một phiên toà hồi tháng 12/2020 khi bị xét xử tội chiếm
đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Bộ Công an cho biết trong năm qua đã phát hiện
30 vụ lộ bí mật nhà nước.
Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện 30 vụ lộ bí mật
nhà nước với hơn 200 đầu tài liệu trong năm 2021 qua những lỗ hổng bảo mật mà bộ
này nói là “nghiêm trọng,” theo truyền thông trong nước.
Thống kê của Bộ Công an được đưa ra tại một hội
nghị phòng ngừa hành vi phạm tội trong chuyển đổi kinh tế số và đảm bảo an ninh
thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam hôm 21/12.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, cục trưởng An
ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 của Bộ Công an, được
truyền thông trong nước trích lời nói tại hội nghị ở Hà Nội rằng lực lượng an
ninh mạng phát hiện ra “nhiều lỗ hổng bảo mật ở mức nghiêm trọng” sau khi rà
soát 26 cơ quan, đơn vị ở các địa phương.
“Nhiều lỗ hổng như hệ thống bị nhiễm virus, chứa
phần mềm gián điệp nguy hiểm gây nguy cơ mất an ninh, an toà hệ thống thông tin
mạng,” ông Chính được Zing
News trích lời nói nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể về các vụ lộ bí
mật nhà nước này.
Cố ý làm lộ bí mật nhà nước là một trong những
cáo buộc được chính quyền Việt Nam dùng để xét xử các quan chức và cả các nhà
báo trong những năm qua.
Vụ xét xử liên quan đến làm lộ bí mật nhà nước
thu hút sự chú ý của truyền thông nhiều nhất diễn ra vào tháng 12 năm ngoái,
trong đó cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kết án 5 năm tù về tội
“Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” được quy định tại Điều 337 của Bộ luật
Hình sự 2015.
Trong vụ án này, ông Chung, từng là người đứng
đầu ngành công an Hà Nội, bị cáo buộc nhận tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà
nước liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường từ một bị cáo là cựu cán bộ Cục Cảnh
sát điều tra tội phạm của bộ cũng bị xét xử trong vụ này.
Trước đó vào năm 2018, cựu đại tá Phan Văn Anh
Vũ, còn được biết là Vũ Nhôm với các vụ thâu tóm và mua bán đất công sản, cũng
đã bị xét xử theo điều 337 BLHS và bị kết án 9 năm tù vì “Cố ý làm lộ bí mật
nhà nước.”
Nhóm Báo Sạch, gồm 5 nhà báo độc lập chuyên viết
về tham nhũng, từng bị cáo buộc và điều tra về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”
khi bị cho là lưu giữ các văn bản có “đóng dấu mật” và “tối mật” liên quan đến
vụ án Hồ Duy Hải gây tranh cãi. Tuy nhiên, cáo buộc này sau đó được huỷ bỏ và
nhóm bị kết án tổng cộng hơn 12 năm tù vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Giải thích về lý do loại tội phạm mạng diễn ra
nhiều hơn trong năm 2021, ông Chính được Sài
Gòn Giải Phóng trích lời nói do Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện quan trọng
cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo vị trung tướng của Bộ Công an, Việt Nam
hiện có 70 triệu người sử dụng internet và 68 triệu tài khoản mạng xã hội
Facebook. Do đó, theo ông Chính, bối cảnh này “đặt ra khó khăn, thách thức lớn
trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.” Ông
Chính cho rằng các đối tượng lợi dụng sức lan toả, đặc tính ẩn danh, xuyên biên
giới, bảo mật cao của internet để hoạt động tuyên truyền phát tán thông tin xấu,
chống phá Đảng và nhà nước.
Ngoài việc phát hiện ra 30 vụ lộ bí mật nhà nước
với 202 đầu tài liệu, theo vị trung tướng này, một số ứng dụng phòng chống dịch
COVID-19 cũng có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân.
Người dân Việt Nam được yêu cầu cài đặt các ứng
dụng phòng chống COVID, như Blue Zone trước đây hay hiện nay là PC-Covid, nhưng
cũng có nhiều người đã lên tiếng nghi ngại về độ bảo mật thông tin các nhân của
những ứng dụng do Việt Nam phát triển.
Tội phạm người nước ngoài xử dụng công nghệ
cao tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều trong thời gian qua, theo Bộ Công an. Bộ
này cho biết đã bắt và xử lý 819 đối tượng, khởi tố 48 đối tượng liên quan đến
tội phạm nêu trên, trong đó có 530 người Trung Quốc, 20 người Thái Lan, và các
đối tượng khác, theo SGGP.
No comments:
Post a Comment