Vì sao Hà Nội gia tăng
đàn áp giới tranh đấu?
Hiếu Chân/Người Việt
December
17, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vi-sao-ha-noi-gia-tang-dan-ap-gioi-tranh-dau/
Những ngày
cuối năm 2021, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) gia tăng đàn áp với mức độ
chưa từng thấy, hàng loạt bản án tù khắc nghiệt được trút lên những tiếng nói
phản kháng.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/A1-Ha-Noi-tang-dan-ap-1-1536x1133.jpg
Cô Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, bị tuyên án chín
năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Luật Hình Sự của đảng Cộng Sản.
(Hình: Phạm Kiên/Thông Tấn Xã Việt Nam)
Dồn dập mở tòa, dồn dập trừng phạt
Hôm 14
Tháng Mười Hai, tòa án thành phố Hà Nội tuyên phạt cô Phạm Đoan Trang
– “nhà hoạt động nổi tiếng nhất Việt Nam” như nhận định của báo The Washington
Post – chín năm tù giam, tăng một năm so với đề nghị của Viện Kiểm Sát giữ vai
trò công tố.
Ngày hôm
sau, 15 Tháng Mười Hai, cũng tòa án này tuyên phạt ông Trịnh Bá
Phương 10 năm tù và bà Nguyễn Thị Tâm sáu
năm tù; mỗi người còn phải chịu năm năm quản chế.
Hôm sau nữa,
ngày 16 Tháng Mười Hai, một tòa án ở Nam Định tuyên phạt nhà hoạt động Đỗ Nam
Trung 10 năm tù; bản án tù thứ hai sau khi ông này đã bị một bản án 14 tháng tù
hồi năm 2014 cũng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”
Ngày 17
Tháng Mười Hai, tòa án phúc thẩm tại Sài Gòn tuyên y án 10 năm tù và ba năm quản
chế đối với ông Vũ Tiến Chi ở tỉnh Lâm Đồng.
Nếu không
có thay đổi vào phút cuối, vào ngày cuối năm 31 Tháng Mười Hai, tòa án sẽ xử ông Lê Trọng Hùng, một giáo viên trở thành nhà báo tự do, bị
bắt giam hồi cuối Tháng Ba vừa qua sau khi ông nộp đơn tự ứng cử vào Quốc Hội.
Tất cả những
người này đều bị buộc tội theo tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên
truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 117, Bộ Luật Hình Sự năm 2015, sửa đổi bổ
sung năm 2017; trừ cô Trang bị buộc tội theo Khoản 1, Điều 88, Bộ Luật Hình Sự
năm 1999, nhưng nội dung hai điều luật này gần như giống nhau và khung hình phạt
cũng gần bằng nhau: tù giam từ ba năm đến 12 năm.
Công luận
không thể không đặt câu hỏi, trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội, bão
lũ ở miền Trung, kinh tế suy kiệt, thất nghiệp tràn lan và đời sống các tầng lớp
nhân dân hết sức khó khăn, tại sao nhà cầm quyền lại đẩy mạnh chiến dịch đàn áp
những người có tiếng nói phản đối một cách ôn hòa? Hành động dồn dập như vậy có
mục đích gì? Hậu quả đối nội đối ngoại sẽ ra sao?
Thực
ra không phải đến bây giờ, guồng máy “công an trị” của đảng CSVN mới đàn áp khốc
liệt những người bất đồng chính kiến bằng những điều luật mơ hồ, phi lý và những
án tù giam dài tới mức không tưởng tượng nổi. Mục đích của việc đàn áp này
không có gì mới: Về đối nội, dập tắt tiếng nói phản kháng của các nhà hoạt động
và đe dọa, bóp chết từ trứng nước những mầm mống phản kháng có thể nảy sinh
trong tương lai. Về đối ngoại, sự đàn áp này là một cú đánh vỗ mặt vào các định
chế như Liên Hiệp Quốc, Liên Minh Châu Âu, vào các chính phủ luôn đề cao dân chủ
và nhân quyền như Hoa Kỳ, Anh, Úc và Nhật, đồng thời thể hiện lòng trung thành
với đảng và chế độ toàn trị Trung Quốc – tên láng giềng to xác và tham lam cùng
cực ở phương Bắc, có cùng ý thức hệ và mô hình thể chế với Việt Nam.
Dập tắt sự phản kháng hay gây thêm bất mãn?
Nhưng liệu
chiến dịch đàn áp tàn bạo đó có dập tắt được sự phản kháng của người dân Việt
Nam hay không? Không thể không thừa nhận rằng sự đàn áp của đảng Cộng Sản đối với
người dân trong nước là hết sức dã man và tinh vi, qua guồng máy tuyên truyền rộng
khắp và lực lượng công an chìm nổi “đông như quân Nguyên.” Cho tới nay, đảng Cộng
Sản đã thành công trong việc tiêu diệt mọi tổ chức, cá nhân có ý tưởng phản
kháng, đòi hỏi dân chủ nhân quyền, đa nguyên đa đảng, tự do ngôn luận, tự do ứng
cử và bầu cử v.v…
Sự đàn áp
khốc liệt và kéo dài đã tạo ra một xã hội “câm nín,” trong đó đại bộ phận dân
chúng chỉ lo đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm sống mà không quan tâm tới chính trị;
giới trẻ phần lớn đua đòi theo lối sống hưởng thụ, và giới trí thức thì thờ ơ với
vận mệnh đất nước, “mũ ni che tai,” tự huyễn hoặc mình rằng làm tốt công việc
chuyên môn đã là đóng góp lớn cho xã hội!
Thảng hoặc,
bất bình với thời sự kinh tế-xã hội, với sự thối nát cùng cực của guồng máy cai
trị thì người ta chỉ có thể thở dài, chỉ “lên tiếng” giữa các bạn nhậu hoặc viết
đôi dòng tâm tình trên các mạng xã hội. Nhà bình luận David Brown – một cựu giới
chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam – đã nhận xét có phần cay đắng nhưng chí lý
về hiện tình phong trào phản kháng ở Việt Nam: “Các nhà lãnh đạo giỏi nhất của
phong trào dân chủ Việt Nam đang ở trong tù hoặc lưu vong, trong khi nhiều người
trong số còn lại đang lãng phí thời gian của họ để ngưỡng mộ Donald Trump!” Liệu
có bao giờ xã hội câm nín đó sẽ thức tỉnh?
Nhưng bằng
việc trấn áp khốc liệt, nhà cầm quyền CSVN rơi vào một mâu thuẫn lớn mà những
lý luận gia của chủ nghĩa Cộng Sản đã chỉ ra: áp bức sinh ra đấu tranh, áp bức
càng nặng nề thì đấu tranh càng mạnh mẽ.
Cách đây
hơn 10 năm, khi kết án ông Trần Huỳnh
Duy Thức – một doanh nhân tài năng, có tầm nhìn xa và mong muốn canh tân đất
nước – 16 năm tù giam tại phiên tòa ngày 20 Tháng Giêng, 2010, Hà Nội hẳn nghĩ
rằng, trừng phạt nặng như vậy sẽ có tác dụng “răn đe” người khác, sẽ khiến những
người có ý tưởng dân chủ phải im tiếng phục tùng “đảng và nhà nước.”
Không phải
như vậy. Ông Thức ngồi tù đã hơn chục năm nhưng trên con đường của ông đã có
hàng trăm người khác tiếp bước, dù rất nhiều người, cũng như ông, đã phải đối mặt
với những bản án khắc nghiệt. Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), hiện Việt Nam giam
giữ khoảng 170 tù nhân lương tâm – một
con số kỷ lục; dự án 88 (88 Project) đưa ra danh sách hiện có 217 nhà hoạt động bị giam trong tù và 306 người khác đang gặp
nguy hiểm. Bản án tù 16 năm với ông Duy Thức hay 20 năm với ông Lê Đình Lượng sau đó đã không thể
làm các nhà hoạt động ở Việt Nam khiếp sợ hay bỏ cuộc.
Ngược lại,
áp bức đã sinh ra đấu tranh. Trường hợp bà
Nguyễn Thị Tâm nói ở trên và gia
đình họ Trịnh ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội (gồm ông cha là Trịnh Bá Khiêm,
mẹ là bà Cấn Thị Thêu và các con Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương; ông Khiêm đã ra
tù còn vợ con ông đang bị giam cầm với mức án rất nặng) là rất đáng chú ý.
Khởi đầu họ
không phải là những người đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền mà chỉ là những
nông dân hiền hậu. Khi nhà cầm quyền tước đoạt một cách phi lý đất đai mà họ
đang canh tác để giao cho các “cá mập đất” chia lô để bán thì họ phản kháng. Mất
đất, họ trở thành “dân oan,” và là dân oan, họ cảm thông sâu sắc với nỗi đau của
người nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm bị nhà cầm quyền cưỡng đoạt khu đất ruộng
đồng Sênh.
Khi công
an nửa đêm tập kích vào thôn Hoành, giết thảm cụ ông Lê Đình Kình, bắt hàng chục
người khác và bưng bít hết mọi ngóc ngách thì mẹ con bà Thêu thu thập thông tin
và phổ biến trên mạng xã hội cho mọi người biết tới thảm nạn Đồng Tâm. Từ nông
dân, họ đã trở thành “nhà đấu tranh dân chủ” một cách bất đắc dĩ. Trong lời nói
sau cùng trước tòa, anh Trịnh Bá Phương vẫn đau đáu với nỗi niềm của người dân
oan mất đất: “Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng ruộng đất với bờ
xôi ruộng mật là sinh kế của người nông dân bị đảng Cộng Sản cướp đoạt.”
Nhiều nhà
đấu tranh đang bị cầm tù, cách đây chưa lâu, còn là những viên chức, cán bộ
trong guồng máy nhà nước Cộng Sản; có điều họ không cam phận trước những nỗi thống
khổ của người dân nên đã lên tiếng và chấp nhận bị đàn áp. Trường hợp cô Phạm
Đoan Trang, một nhà báo làm việc cho báo VNExpress, VietNamNet trước khi trở
thành người bất đồng chính kiến là một ví dụ.
Đảng CSVN
thường vu cho một “thế lực thù địch” kích động sự phản kháng, gây bất ổn xã hội
để phá hoại chế độ của họ, nhưng xét cho cùng, nếu có một kẻ thù như vậy thì đó
chính là đảng Cộng Sản và guồng máy đàn áp của họ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/A1-Ha-Noi-tang-dan-ap-2-1536x1106.jpg
Cô Phạm
Đoan Trang về trại giam sau khi kết thúc phiên tòa. (Hình: Phạm Kiên/Thông Tấn
Xã Việt Nam)
Ảo tưởng “thay đổi qua thương mại”
Trên bình
diện quốc tế, thế giới không xa lạ gì với “thành tích bất hảo” về đàn áp người
dân của chính thể Hà Nội. Trong các bảng xếp hạng về tự do, dân chủ, nhân quyền,
Việt Nam đều nằm gần chót, cùng nhóm với Trung Quốc, Cambodia, Iran, Bắc Hàn.
Nhưng cho
đến nay, cách đối xử của Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây trong vấn đề dân
chủ, nhân quyền của Việt Nam vẫn mang nặng ảo tưởng: Họ hy vọng sự hợp tác ngày
càng sâu rộng với Hà Nội về kinh tế, thương mại, an ninh, văn hóa giáo dục… sẽ
có tác dụng làm thay đổi bản chất của chế độ Cộng Sản, giúp Việt Nam trở nên tự
do hơn, nhân bản hơn và hội nhập tốt hơn vào hệ thống giá trị của thế giới tự
do.
Ảo vọng
“thay đổi thông qua thương mại” thực ra không mới; nó đã được Mỹ và phương Tây
áp dụng với Trung Quốc khi mở cửa cho Bắc Kinh gia nhập tổ chức Thương Mại Thế
Giới (WTO) năm 2000 và đổ vốn liếng, công nghệ, bí quyết kinh doanh vào công cuộc
phát triển kinh tế Trung Quốc. Ảo vọng này cũng áp dụng ở Việt Nam từ sau khi Tổng
Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt
Nam năm 1995.
Hoa Kỳ thậm
chí còn làm những việc chưa có tiền lệ khi Tổng Thống Barack Obama cam kết
không làm thay đổi thể chế đảng trị của Việt Nam, còn tiếp đón ông đảng trưởng
Nguyễn Phú Trọng ở Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc – nơi tổng thống Mỹ đón tiếp
các nguyên thủ quốc gia trong khi ông Trọng chỉ là người đứng đầu một đảng
chính trị. Trong thực tế, cách tiếp cận “thay đổi qua thương mại” đó đã thất bại
thảm hại, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam.
Những người
Cộng Sản cầm quyền ở Bắc Kinh và Hà Nội rất khéo léo tận dụng những ưu đãi của
phương Tây để phát triển kinh tế, nhưng càng giàu lên, họ càng siết chặt sự kiểm
soát chính trị và tước đoạt các quyền tự do dân sự của người dân. Gần đây
phương Tây đã bắt đầu “vỡ mộng” với Trung Quốc; trước khi rời ghế thủ tướng Đức
tuần trước, bà Angela Merkel đã phải thú nhận bà “đã ngây thơ” với Trung Quốc.
Nhưng với Việt Nam, cách đối xử của Hoa Kỳ và phương Tây gần như chưa có thay đổi
gì, thậm chí còn “thân thiết” hơn do ngộ nhận rằng họ có thể lôi kéo Hà Nội vào
một “mặt trận dân chủ” chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh. “Các chính sách cứng
rắn của ông Trọng đã tồn tại trong đảng rồi. Thương mại tăng với Hoa Kỳ và Châu
Âu rõ ràng không ngăn cản họ thực hiện chính sách này. Và các chính phủ phương
Tây cũng chỉ dựa vào những lời hứa cải cách của Hà Nội, mà không cần đợi xem điều
đó có thực sự xảy ra hay không,” nhà bình luận David Hutt của báo The Diplomat
phân tích.
Ảo tưởng địa chính trị
Các chính
quyền Hoa Kỳ sau ông Clinton càng ngày càng thân thiết với Việt Nam. Tổng Thống
Donald Trump chưa bao giờ lên tiếng về nhân quyền ở Việt Nam trong khi mạnh tay
trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan tới đàn áp ở Hồng Kông và Tân
Cương. Chỉ trong vài tháng cầm quyền, Tổng Thống Joe Biden đã cử tới Việt Nam
những giới chức cao cấp nhất, từ Phó Tổng Thống Kamala Harris cho tới Bộ Trưởng
Quốc Phòng Lloyd Austin và viện trợ rất hào phóng vaccine ngừa COVID-19 cho Hà
Nội. Hướng dẫn tạm thời về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thậm chí còn nêu tên Việt
Nam – cùng với Singapore – như là đối tác an ninh quan trọng nhất trong khu vực
Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà theo giới phân tích quân sự, tư cách đó lẽ ra phải
dành cho Indonesia, quốc gia đông dân nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực
Đông Nam Á.
Nhờ vị trí
độc đáo trong cuộc cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc,
nhờ sự “o bế” của chính quyền Biden, Hà Nội càng ngày càng “lên mặt” với các đối
tác phương Tây. Họ gia tăng áp bức và biết Mỹ, Nhật, EU sẽ không làm gì vì
phương Tây cần có Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, cũng như trong
chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu toàn cầu.
Nhà bình
luận Bill Hayton ở Anh nhận xét sau bản án cô Phạm Đoan Trang: “Ban lãnh đạo Việt
Nam biết rằng họ có thể bỏ tù những nhà hoạt động như Trang vì Việt Nam đã trở
thành một thành phần quan trọng trong chiến lược của các cường quốc bên ngoài ở
Đông và Đông Nam Á.”
Nhưng
nếu Mỹ thờ ơ với hành động đàn áp chỉ để lôi kéo Hà Nội vào mặt trận dân chủ chống
độc tài, hay ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc thì đó cũng là một ảo tưởng.
Quan hệ lâu đời và mật thiết Trung Quốc và Việt Nam cho thấy rằng, chừng nào
hai nước còn nằm dưới sự cai trị của các đảng Cộng Sản thì chừng đó Hà Nội và Bắc
Kinh còn “chung vận mệnh,” và sẽ không có chuyện Việt Nam tách ra khỏi đàn anh
Trung Quốc để đi với phương Tây, nói chi tới chuyện đứng cùng với Hoa Kỳ để chống
lại Trung Quốc.
Những lời
lẽ “phản đối” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà Hà Nội phát ra đều đặn như một
chiếc dĩa hát cũ chỉ nhằm xoa dịu dư luận của dân chúng trong nước hơn là thể
hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ chống lại sự xâm lấn của nước láng giềng “núi liền
núi, sông liền sông.” Hoa Kỳ không muốn làm căng với Hà Nội vì e ngại Việt Nam
sẽ lún sâu vào ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng cần thừa nhận thực tế là nhà cầm
quyền CSVN đã nằm trong túi của Bắc Kinh.
Trừng phạt thay lời phản đối
Chiến lược
tốt nhất để lôi kéo Việt Nam khỏi quỹ đạo Trung Quốc là Hoa Kỳ hỗ trợ, thúc đẩy
dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam – những giá trị mà Trung Quốc không có. Một nước
Việt Nam dân chủ, tôn trọng nhân quyền mới có thể là đối tác tin cậy của thế giới
tự do chống độc tài chứ không phải là nước Việt Nam giàu có nhưng của cải và
quyền lực tập trung vào một thiểu số đảng viên cao cấp, phản dân chủ, phản tiến
hóa. Lợi thế của Hoa Kỳ trong chiến lược này là đa số người dân Việt Nam thuộc
mọi thành phần xã hội đều khao khát tự do, dân chủ, đều chống độc tài toàn trị
Trung Quốc và có thiện cảm với Hoa Kỳ, với phương Tây như các cuộc điều tra dư
luận gần đây cho thấy.
Ông Biden
và đảng Dân Chủ quan tâm đến nhân quyền và dân chủ. Đã đến lúc Washington phải
tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền thành nền tảng cho quan hệ giữa hai nước; nếu Việt
Nam tiếp tục chà đạp lên quyền tự do của người dân, làm trái những cam kết của
họ trong các công ước quốc tế thì phải bị Hoa Kỳ trừng phạt về kinh tế thương mại;
các quan chức chóp bu của guồng máy đàn áp phải bị cấm vận theo Luật Magnitsky
Toàn Cầu như Hoa Kỳ đang trừng phạt các quan chức Trung Quốc, Miến Điện và
Cambodia. Nếu Hoa Kỳ và phương Tây tiếp tục “mềm mỏng” với Hà Nội thì không chỉ
người dân Việt Nam tiếp tục đau khổ mà chiến lược kiềm chế Trung Quốc về địa
chính trị cũng sẽ chẳng đi đến đâu.
Chỉ những
lời phản đối ngoại giao và “kêu gọi trả tự do” thì chẳng thể ngăn cản bàn tay sắt
của Hà Nội. [qd]
No comments:
Post a Comment