Vì
sao báo Nhà nước phải bỏ hình hoa hậu giơ ba ngón tay?
RFA
06/12/2021
Một người biểu tình
giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình chống lại Điều 112, luật phỉ báng
hoàng gia của Thái Lan, tại Bangkok vào ngày 31 tháng 10 năm 2021. AFP
Cô Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang cuộc thi Miss
Grand International 2021 vào tối ngày 4 tháng 12 vừa qua tại Thái Lan sau khi
có bài phát biểu truyền cảm hứng và động tác chào bằng cách giơ ngón trỏ, ngón
giữa và ngón áp út, đồng thời giữ ngón cái vào ngón út.
Đây là biểu tượng được người Thái Lan và người
Myanmar sử dụng trong các cuộc biểu tình phản kháng quân đội hậu thuẫn chính phủ
trong năm 2021 này.
Ngay sau khi cô Thùy Tiên đăng quang, một số tờ
báo chính thống trong nước đăng tin kèm hình ảnh cô hoa hậu giơ ba ngón tay,
nhưng chỉ vài tiếng sau, hình ảnh này được thay bằng những hình ảnh khác. Điển
hình là báo Thanh Niên với bài viết “Ứng xử thi hùng biện của Hoa hậu Thùy Tiên
truyền cảm hứng cho người trẻ”; Báo Sức khỏe và Đời sống với bài viết “3 ngón
tay và phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt 'nổi da gà' của Thùy Tiên” được
đổi thành “Phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt "nổi da gà" của
Thùy Tiên”. Dĩ nhiên hình ảnh cũng được thay đổi.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Theo tôi thì hệ thống an ninh văn hóa hay tuyên
giáo gì đó họ quan niệm đó là biểu tượng của những người đấu tranh ở Thái Lan,
Myanmar giơ ba ngón tay trong lúc biểu tình. Đấy là biểu tượng của chống độc
tài.
Cái mà nhà nước Việt Nam sợ nhất là biểu tình. Người
dân biểu tình phản đối chặt cây xanh hay phản đối Formosa bị Nhà nước dẹp tơi bời
bởi họ lo rằng một lúc nào đó, biểu tình bùng phát không kiểm soát nổi thì mất
chế độ, mất “ngai vàng”. Do đó họ phải chặn ngay từ đầu.
Trong tư tưởng như thế thì khi báo chí đưa hình ảnh
đó lên sẽ lập tức nhận được chỉ đạo miệng hoặc qua điện thoại để các tổng biên
tập lấy xuống. Bây giờ họ ‘khôn’ lắm rồi, họ không đưa văn bản đâu.”
Ông Tạo nói thêm, báo chí như thế là hèn nhưng
cũng khó mà trách họ khi các tổng biên tập đều do Đảng đưa lên, đặt vào ghế ngồi.
Có chuyên môn hay không không thành vấn đề. Việc của họ là phải nghe theo sự chỉ
đạo của Đảng mà thôi. Ông giải thích:
“Tôi biết nhiều tờ báo họ tuyển những người có chức
có quyền bên Đảng vì càng có chức có quyền thì bổng lộc càng lớn, bổng lộc nhiều
vô kể, đặc biệt nhưng tờ báo lớn. Mấy vị đó không có chuyên môn nhưng bám chặt
vào Đảng để ăn tiền thôi. Đảng cho lên chức tổng biên tập mà mất thì trắng tay.
Rất hiếm người còn có tư cách biết nghĩ đến cái chung của dân, của nước. Thế
cho nên khi báo chí đăng lên mà có lệnh là phải lấy xuống, không ông Tổng biên
tập nào dám chống lệnh cả. Chống lại là cắt ghế ngay tức khắc.”
Biểu tượng ba ngón tay khép lại lần đầu tiên
xuất hiện ở Thái Lan vào năm 2014. Đây cũng là năm mà bộ phim The Hunger Games
(tên tiếng Việt được dịch là Đấu Trường Sinh Tử) ra mắt. Trong phim, hình ảnh
ba ngón tay khép lại là biểu tượng chim Húng Nhại, loài chim là biểu tượng của
sự nổi loạn và cách mạng.
Những năm sau đó, người biểu tình ở Thái Lan,
Myanmar và cả Hồng Kông đều sử dụng cách giơ ba ngón tay như một biểu tượng chống
độc tài. Ngoài ra, đây cũng là cách chào của hướng đạo sinh quốc tế từ hơn 100
năm qua, như lời một hướng đạo sinh nói với RFA:
“Hướng đạo họ chào đúng như vậy. Ba ngón tay giữa
giơ lên, ngón tay cái đè ngón tay út. Nghĩa là thề tuân theo ba lời hứa trong
hướng đạo, đàn anh phải bảo vệ đàn em…”
Người biểu tình giơ
ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon
vào ngày 26 tháng 2 năm 2020. AFP
Có thể thấy, việc chào bằng
ba ngón tay được sử dụng nhiều trong các cuộc biểu tình đòi tự do, chống độc
tài ở Myanmar năm 2016, Hồng Kông năm 2019 hay Thái Lan năm 2021 đã ít nhiều là
hình ảnh ‘nhạy cảm’ với chính quyền các nước độc tài.
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn hiện ở Cộng Hòa Séc nhận xét, sở dĩ báo chí trong nước phải thay hình
hoặc đổi tựa những bài viết liên quan cô hoa hậu vì nó chạm vào tử huyệt của chế
độ. Ông phân tích:
“Hình ảnh cô hoa hậu giơ ba ngón tay biểu tượng của
tự do dân chủ và cả tự do bầu cử. Điều đó chạm vào yếu huyệt của thể chế độc
tài. Đưa hình đó lên thì vô hình chung họ cổ vũ cho thể chế tự do dân chủ. Đó
là điều cấm kỵ của họ. Đó là lý do chính. Tôi không ngạc nhiên khi báo chí
không đưa hình lên hoặc lấy hình xuống như thế.
Báo chí ở Việt Nam là công cụ của Đảng và chỉ có một
tổng biên tập là Ban tuyên giáo. Tiếp xúc với đồng nghiệp trong nước, tôi hiểu
rất nhiều người muốn đưa những hình ảnh như thế, nhưng vì nằm trong vòng kim cô
chịu nhiều sức ép nên họ không thể đưa được.
Nói đến Ban tuyên giáo thì tôi dị ứng lắm vì đấy là
những cái lưỡi gỗ trì độn không đi được với những bước chân văn minh của nhân
loại. Họ không chấp nhận quỹ đạo đấy mà chỉ đi theo thể chế độc tài.”
Trong khi thế giới văn minh cổ xúy cho quyền tự
do ngôn luận thì ngay tại Việt Nam, nhiều người bị tù vì lên tiếng đòi hỏi cho
quyền lợi chính đáng này. Dù Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,
biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định... không ai được
lạm dụng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi
ích Nhà nước, tập thể và công dân.
Hôm
20 tháng 4 năm 2021, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp
hạng Tự do báo chí năm 2020. Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia được
xếp hạng, trên Trung Quốc nhưng dưới Lào.
Thống kê được đưa ra vào cuối năm 2020 của RSF
cho thấy, hiện chính phủ Việt Nam vẫn giam giữ ít nhất 28 nhà báo, là những người
dám lên tiếng chỉ trích chính phủ, lên tiếng về các vấn đề kinh tế, xã hội,
chính trị ở Việt Nam. Họ cũng là những người thường xuyên bị đối xử tàn tệ
trong tù, như bị biệt giam, đánh đập, không được tiếp xúc với gia đình và luật
sư.
No comments:
Post a Comment