Monday, December 13, 2021

TRƯỜNG SA : NGƯỜI NHẠC SĨ LẤY BÚT HIỆU CON TÀU MÌNH RA KHƠI (Quốc Thành)

 


Trường Sa: Người nhạc sĩ lấy bút hiệu con tàu mình ra khơi

Quốc Thành
12 tháng 12, 2021

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/truong-sa-nguoi-nhac-si-lay-but-hieu-con-tau-minh-ra-khoi/

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/bia-truong-sa-1024x536.jpeg

 

Nói về mình, nhạc sĩ Trường Sa có lần từng tâm sự rằng “Tôi đến với âm nhạc là do sở thích. Hồi còn trẻ, tôi tìm sách, tôi học về ký âm pháp. Sau đó, nghiên cứu bộ Traité Dubois gồm có những phần hòa âm thuận, hòa âm nghịch, ký âm đối điểm, tôi dựa vào những tài liệu đó, Tôi cũng gặp gỡ những bạn như Anh Việt Thu chẳng hạn, và chúng tôi thường thảo luận về hòa âm này kia”.

 

Những người yêu nhạc thế hệ trẻ hôm nay, chắc ít ai biết rằng bút hiệu Trường Sa là do ông lấy theo tên con tàu tuần duyên hạm mà ông phục vụ. Nhạc sĩ Trường Sa sinh 1940, là cựu Thiếu tá Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (tốt nghiệp trường hải quân Nha Trang, khoá 12 – Đệ nhất song ngư, ra trường năm 1964). Ông có nhiều bài tình ca nổi tiếng, nhưng trong đó, bài mà ai cũng cũng biết, là Xin được gọi tên nhau. Bài hát được danh ca Lệ Thu trình bày và coi như là “đóng đinh” cho tác phẩm này. Có thể nói Lệ Thu diễn tả được tất cả những mong muốn mà tác giả Trường Sa gửi gắm vào tác phẩm – đứa con tinh thần và chiếm được cảm tình của nhiều người hâm mộ.

 

Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh tại Ninh Bình. Do cha là quân nhân, năm 1954 gia đình ông di cư vào Nha Trang, rồi đến năm 1957 thì định cư tại Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp Sĩ quan khóa 12 Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, ông giữ chức Hạm Phó tàu tuần duyên (chiến hạm) Trường Sa. Bút hiệu Trường Sa được ông chọn chính thức trong thời điểm này. Đơn vị phục vụ cuối cùng của ông là Giang đoàn 63 Tuần Thám.

 

Nhạc sĩ Trường Sa kể rằng nhạc sĩ Từ Công Phụng là người khích lệ ông bước vào cuộc đời viết tình ca. Đó là năm 1967, khi ông đã trải qua sầu muộn từ một cuộc tình dang dở. Nhạc sĩ Trường Sa viết những nốt nhạc đầu tiên của bài Rồi mai tôi đưa em kể về tâm tư của mình, nhưng mọi thứ cứ dây dưa, đến hai năm sau, mới hoàn tất.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/111-1280x544.jpg

 

Xin còn gọi tên nhau là ca khúc tiếp theo, và cũng trong năm 1969, bài Mùa Thu trong mưa là bản nhạc mà do cảm hứng dâng tràn, ông viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Bài Mùa Thu trong mưa lại cũng với giọng hát của Lệ Thu trình bày đầu tiên. Hầu hết tình khúc của Trường Sa cũng thế, Lệ Thu được coi là tiếng ca tri kỷ luôn đem giai điệu những bài hát của nhạc sĩ Trường Sa đến khán giả sớm nhất và hay nhất… Nhưng chính Trường Sa cũng từng thú nhận là ông yêu tiếng hát của Lệ Thu, nên khi viết bài nào, ông cũng nghĩ đến tiếng hát của danh ca này.

 

Thời đó, giới thưởng thức nhạc trẻ Sài Gòn ngày càng hâm mộ cái tên Trường Sa. Với ba nhạc bản đó được đưa ra liên tiếp, chẳng khác nào đợt sóng lãng mạn từng lớp ập đến với người nghe. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên nổi tiếng về tình ca, có ghi chép lại là khi nghe ba bài ấy, ông đã “yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, ngập tràn đau thương”. Vẫn theo nhận định của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên thì “lời ca của Trường Sa sâu lắng, man mác buồn, trau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng”.

 

Sang thập niên 1970, Trường Sa tiếp tục viết nhạc mà nổi nhất là bài Một mai em đi viết vào năm 1973 khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông. Các nhạc bản khác ra đời tại Trà Cú là Ru em một đờiSầu muộn sầuNhư hoa rồi tàn. Riêng Sầu biển thì phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Hải Quân để gom tiền ủy lạo gia đình Trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.

 

Khi CSVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào 30 Tháng Tư 1975, ông theo một chiến hạm đến đảo Guam. Tại đây ông không tìm thấy gia đình nên xin Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn can thiệp cho ông trở về Việt Nam bằng tàu Việt Nam Thương Tín. Khi về tới quê nhà, ông bị đưa đi cải tạo lao động tại Phú Khánh và Nghệ Tĩnh trong chín năm.

 

“Tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam thì người ta đưa tàu ra Nha Trang, bắt tôi lên Ty Cảnh sát cũ tại Nha Trang ở đó hai tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau thì chuyển ra Bắc, trại Nghệ Tĩnh đến năm 1984” – nhạc sĩ Trường Sa kể.

 

Năm 1986, ông vượt biên và tiếp tục bị bắt giam hai năm. Ông kể là mình bị bắt, đưa vào đất liền. Từ cửa biển vào Mỹ Tho, suốt dọc đường công an, bộ đội thay phiên đánh đập ông, sau đó giam ông 45 ngày trong xà-lim tối mới cho ra lao động. Hai năm sau thì thả ông về.

Nhạc sĩ Trường Sa kể tiếp: “Là Chỉ huy trưởng cái đoàn hộ tống công-voa các thương thuyền của các nước đi tiếp tế cho chính quyền Lon Nol tại Campuchia. Ngày 29 thì tôi ở Vàm An Long trên sông Cửu Long. Khi tôi liên lạc với các cấp chỉ huy của tôi thì người ta đi hết rồi, thành ra đêm hôm đó, tôi dùng một chiếc tàu nhỏ trở về Saigon nhưng không vô được bên trong nữa. Và từ đó, tôi gặp chiến hạm từ Saigon đi ra, tôi lên chiến hạm, đi tới đảo Guam luôn. Khi lên tàu, tôi tìm khắp trên các chiến hạm đang di tản, không có gia đình tôi. Không liên lạc được với gia đình và vợ con tôi ở Saigon, tôi không thể bỏ rơi gia đình trong cảnh khó khăn như thế. Khi đến đảo Guam thì tôi xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho tôi trở về Việt Nam. Hoàn cảnh nào, tôi cũng chấp nhận hết.”

 

Năm 1989, ông vượt biển lần thứ hai thành công, tị nạn tại trại Pulau Bidong, Malaysia rồi định cư tại Tillsonburg, Ontario, Canada kể từ năm 1991 đến nay. Năm 1992 thì gia đình ông đoàn tụ ở Canada. Năm 2003, trung tâm Thúy Nga vinh danh ông cùng với hai nhạc sĩ Lê Dinh và Phạm Mạnh Cương trong chương trình Paris By Night 70 – Thu Ca.

 

Tháng Bảy 2007, nhạc sĩ Trường Sa ra mắt tuyển tập nhạc gồm 26 tình khúc tức là khoảng phân nửa số nhạc bản của ông. Hiện ông vẫn sống tại Canada, an dưỡng tuổi già.

 

(Tổng hợp)




No comments: