Wednesday, December 15, 2021

TRÍ THỨC VIỆT NAM và CÁC VỤ XỬ ÁN : THỜ Ơ hay CHO ĐÓ LÀ 'NGÂY THƠ'? (KTS Bùi Uyên)

 


Trí thức VN và các vụ xử án: Thờ ơ hay cho đó là 'ngây thơ'?

Kiến trúc sư Bùi Uyên

15/12/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59663065

 

Nhân các vụ xử án nhân quyền liên tiếp, có câu hỏi là phải chăng 'sự dấn thân của những nhà hoạt động, sợ rằng, sẽ rất vô nghĩa, giữa một cộng đồng thờ ơ?'.

 

Ý kiến về việc 'trí thức Việt Nam thờ ơ hay thức tỉnh' được KTS Bùi Uyên nêu ra khi nghe tin nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt tháng 10/2020, và nay được tác giả nêu lại, sau khi bà Đoan Trạng nhận án tù 9 năm.

 

BBC News Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết:

 

Bất cứ ai trong số chúng ta, trong đời sống thế nào cũng có lúc gặp bất bình với thực trạng quản lý của bộ máy chính quyền, từ việc nhỏ những thủ tục hành chính đến việc to như tham nhũng, thất thoát. Đó cũng là một dạng "bất đồng chính kiến".

 

Bản án Phạm Đoan Trang: Ngoại giao ba nước G7 bất bình

Từ phiên tòa Phạm Đoan Trang, VN chờ đợi gì ở Mỹ trong vấn đề nhân quyền?

 

Chúng ta có thể chửi thầm, hay ra quán bia xả với bạn bè, rồi bấm bụng tìm cách thích nghi.

 

Nhưng người khác cũng có thể phản ứng theo cách khác, do họ bị động chạm quyền lợi trực tiếp hơn, hoặc là nạn nhân của chính sách chẳng hạn. Hay họ dũng cảm, điên rồ, có lý tưởng, nên muốn sửa đổi nó. Cái nhà dột, kẻ trèo lên mái sửa, người hứng nước, kẻ chui vào góc chờ tạnh, hoặc họ ngồi chỗ khô ráo, còn chả để mắt đến trời mưa. Vậy thôi.

 

Hôm nay nhân việc một người muốn "trèo lên mái nhà" bị bắt giữ, tôi muốn viết về những người không chọn chui vào góc khô ráo. Đầu tiên để trân trọng họ. Và hy vọng để những người "bình thường" như chúng ta, nhìn nhận họ một cách cởi mở hơn.

 

"Vá víu xã hội"

 

Nhóm này tập trung thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, cứu trợ, giáo dục, giúp đỡ các thành phần yếm thế, tôi tạm gọi họ là những người đi "vá víu các lỗ thủng của quản lý nhà nước". Họ đáng ca ngợi.

 

Tuy vậy, có một nguy hiểm tiềm ẩn mà nhìn rộng ra, chưa chắc đã có lợi lâu dài. Đó chính là tạo thói quen làm thay những việc cơ quan quản lý phải làm. Lấy công sức của mình, tiền của người dân nói chung (tiền ủng hộ) để chi trả bù cho những tiền tham nhũng của quan chức, của những quỹ cứu trợ nhà nước, những chi phí xã hội bị lờ đi...

 

Từ đó, người dân vừa nuôi bộ máy quản lý cồng kềnh, tham nhũng tiền thuế của họ, rồi lại một lần nữa móc túi riêng ra chi trả cho những việc xây trường học, xây cầu đường, bảo trợ lương thực, sách vở học bổng cho trẻ em nghèo, nuôi ăn cho bệnh nhân nghèo.

 

Những người hoạt động nhiệt tình theo mảng này, sớm muộn sẽ thấy rằng họ không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà đang đi cứu chữa hậu quả của nó. Một số nhỏ trong họ dần quan tâm những hoạt động lên án và muốn tác động vào những vấn đề gốc rễ như quản lý, tổ chức.

 

Lập tức, họ đối diện với nguy cơ bị coi là chống đối, chụp cho cái mũ "phản động", trở thành cái gai trong mắt bộ máy chính quyền, bị những người "bình thường" xa lánh, nghi kỵ.

 

Phần còn lại lựa chọn an toàn, "đấu tranh" một cách chừng mực, không trực tiếp, hoặc kín đáo, hay ở một số giới hạn nhất định, nhưng họ thông cảm và ủng hộ những người đi xa hơn họ bằng cách lên án, đối đầu, lộ diện thẳng thắn.

 

"Khai dân trí"

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/13404/production/_122225887_266998829_3393218057571638_5646480773926667813_n.jpg

Các nhà bất đồng chính kiến đã và sẽ được đưa ra xét xử từ nay đến cuối năm 2021: (từ trái qua) Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm

 

Nhiều người xếp mình ở vị trí "trí thức" hay có khuynh hướng cho rằng "dân nào quan nấy", xa hơn nữa, "chính quyền kém là lỗi tại dân dốt". Họ cho rằng không nên thay đổi cách thức quản lý, mà là nâng cao dân trí, tự khắc dân sẽ chọn ra chính quyền tốt hơn.

 

Đọc sách, giáo dục vì vậy là lựa chọn của nhóm hoạt động theo hướng "tăng dân trí". Họ dịch sách, viết, truyền bá sách về văn hóa, giáo dục theo mô hình các nước phát triển. Lựa chọn không để "nồi cơm" trông cả vào bộ máy chính quyền, họ thường làm nghề tự do, loay hoay với doanh nghiệp xã hội.

 

Không ít người dựng "tủ sách nông thôn", khuyến khích văn hóa đọc trong nhà trường. Họ viết những phản biện xã hội hoặc "khai trí" theo mức độ trực tiếp khác nhau. Chung quy cũng giống mục tiêu của những người đấu tranh dân chủ.

 

Cũng như nhóm hoạt động từ thiện ở trên, họ chọn cách không đối đầu, mà khéo léo, bóng gió, tránh những vấn đề "chính trị" nhạy cảm, mà chỉ giới hạn ở xã hội, giáo dục, môi trường...

 

Tuy vậy, tôi cho rằng những gì mà nhóm này đụng chạm tới chỉ là một nửa của vấn đề. Nếu bộ máy quản lý vẫn không nghe tiếng nói đối lập, độc đoán trong mọi quyết định, thì cơ hội cho người dân, dù dân trí có lên cao đi chăng nữa, cơ hội "phản biện", "lựa chọn chính quyền" là rất thấp.

 

Thế nên có những người, muốn tác động vào nửa khó hơn, là tác động vào chính sách, và nguy hiểm hơn nữa, họ chọn đối diện trực tiếp chứ không vòng vo dưới bất cứ vỏ bọc nào. Theo suy nghĩ "khôn" của văn hóa Việt, họ là người dại dột nhất.

 

Đấu tranh là 'ngây thơ'?

 

Trần Huỳnh Duy Thức là một kỹ sư tin học, chủ doanh nghiệp đầu tiên khai thác mạng Internet và công nghệ digital từ đầu thập niên 90 tại Việt Nam. Nhận thấy những bất hợp lý trong quản lý nhà nước với các doanh nghiệp công nghệ cao, với khả năng tài chính của một công ty lớn mạnh thời đó, nếu anh cũng biết "thức thời" quan hệ, chạy chọt thì có lẽ giờ anh sẽ là một cái tên lớn trong nền kinh tế?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1782F/production/_122230369__122215427_9af7e673-f33b-4497-ab64-2f1e6a7de063-1.jpg

Bà Phạm Đoan Trang tại phiên tòa 14/12/2021 (ảnh chụp qua màn hình)

 

Nhưng chữ "THỨC" trong tên anh lại vận vào mặt khác, đó là sự thức tỉnh, với nghĩa trong từ "trí thức". Anh phải ngồi tù hơn 10 năm nay vì đã dám lập đảng, thảo đề cương quản lý kinh tế, phác thảo đề cương "hiến pháp mới" cho đất nước, việc ở đa số các nước trên thế giới là bình thường.

 

Phạm Đoan Trang từng khởi đầu là cây viết sắc sảo và năng nổ cho những tờ báo mạng lớn của Việt Nam 20 năm trước khi mới ra trường như "VnExpress" rồi "VietnamNet". Nhưng "trót" quan tâm đến vấn đề biển đảo, "trót" tham gia những hoạt động liên quan đến biểu tình chống Trung Quốc, chị bị "điểm mặt".

 

Có lẽ lương tâm một nhà báo tài năng "trót" không chọn sự im lặng hay né tránh, dần dần, chị đã trở thành cây bút chỉ trích vạch mặt sai trái của chính quyền, qua những vụ việc lớn như chặt cây xanh Hà Nội, ô nhiễm biển Hà Tĩnh, Luật Đặc khu, trấn áp Đồng Tâm... đến những án oan dân sự, kinh tế...

 

Nhưng không dừng ở đó, nhận thấy hiểu biết chính trị - hai từ mà người Việt sợ nhất khi nhắc đến - chị bèn viết sách phổ biến kiến thức sơ đẳng về bộ máy nhà nước, thể chế chính trị, về bầu cử... - chủ đề chị quan tâm và muốn vận động thay đổi ở Việt Nam. Chị bị công an bắt, bị "kẻ lạ mặt" hành hung thành tàn phế, và giờ bắt giữ và hôm 14/12 vừa qua đã nhận án tù chín năm.

 

Người nhẹ nhàng thì bảo họ "ngây thơ"? Có vẻ rất đúng, xã hội này còn mấy ai ngây thơ như thế? Ai rỗi hơi bỏ hạnh phúc an ấm riêng để đấu tranh cho xã hội - tức là cho cộng đồng, cho người khác được hưởng?

 

Ai điên rồ chọn hiểm nguy, "chống" lại cả một chính quyền? Nhất là chính quyền đó không có đối lập, không có phản biện? Nắm toàn quyền sinh sát?

 

Cũng có một định nghĩa khác - "những người thức tỉnh lương tri". Nhưng có bao người dân Việt Nam biết đến, ít nhất, hai cái tên nổi tiếng nhất trong số những người bất đồng chính kiến này không? Và những người đang bị giam tù khác, đã đánh đổi sự an lành bản thân để chọn con đường đấu tranh cho quyền lợi của đồng bào mình?

 

Chúng ta còn bận bao điều quan trọng hơn, có ai rảnh mà quan tâm đến sự tồn tại, sống chết, và lý tưởng của những con người kia?

 

Vậy thì sự hy sinh của họ, việc chịu đựng tra tấn, cầm tù, tuyệt thực để đòi những điều như "trao cho người dân quyền quyết định thể chế chính trị" hay "cải cách bầu cử", "thay đổi luật đất đai", "phản đối luật đặc khu" được mấy ai hay biết? Và được mấy phần nhỏ bé trong số đó "thức tỉnh"?

 

Thậm chí, họ còn bị dè bỉu, ghê sợ, chửi rủa như những kẻ "chống phá sự bình yên của xã hội", "phản bội Tổ quốc"... bởi những người đa phần không phân biệt được Chính quyền hoàn toàn khác với Tổ quốc.

 

Thức thời quá 'hóa cọp'

 

Nhiều trí thức, gồm bạn bè tôi ở Việt Nam và ở nước ngoài thường như tự cho việc làm của mình với xã hội là cao đẹp hơn, "xây" chứ không "phá" như "bọn phản động" kia.

 

Nếu có được hỏi có quan tâm, có quan điểm, họ sẽ chối quanh, lảng tránh, không bao giờ công khai nói ra ý kiến, chứ còn không dám mong họ tuyên bố ủng hộ, cảm thông.

 

Những "tinh hoa" này bảo rằng "phải vào hang mới bắt được cọp", nôm na là phải "tham gia vào nó để biến chuyển nó". Họ là người có trình độ, địa vị, bào chữa cho mình như vậy, hoặc thực lòng tin là vậy. Họ vào Đảng, phấn đấu thăng tiến để làm quản lý, được quyết định, được tham gia cải cách, phát triển trong lĩnh vực của họ.

 

Nhưng khi ở vị trí quyền lực cao, được nể trọng, có danh và hưởng lộc, họ có còn nhớ động cơ ban đầu khi muốn "vào hang cọp"?

 

Hay dần dần, họ tìm ra hàng ngàn lý do bảo vệ vị trí của mình, thỏa hiệp với bộ máy quyền lực và dần dần thấy mọi thứ không tệ như mình tưởng.

 

Quan tham nhũng cũng dần được thông cảm, dân nghèo khổ là tại dân lười, dân chủ quá trớn thì dễ loạn với đám "dân trí thấp", dễ bị giật dây kích động, không có đảng đối lập như các nước dân chủ thì xã hội càng đỡ loạn, nhìn bọn Tây khủng bố, biểu tình, rồi Covid "toang", thấy chính quyền toàn trị thật nhiều ưu việt!

 

Họ tự hào "làm tốt trong vị trí của mình", việc của mình, cống hiến cho xã hội tiến bộ, là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Họ hưởng bổng lộc, có địa vị là tất yếu, do công sức họ làm nên, có phải gian dối gì đâu? Còn hơn "chửi bới" mà chả đóng góp gì, chỉ "phá hoại".

 

Dần dà, họ trở thành một phần của bộ máy đó, với quyền lợi không tách rời. Họ chưa chắc đã muốn sửa chữa bộ máy đó nữa. Họ thành cọp, chứ không còn "bắt cọp" nữa!

 

Sự dấn thân của những nhà hoạt động, sợ rằng sẽ rất vô nghĩa, giữa một cộng đồng thờ ơ từ trí thức đến dân thường.

 

Giá như, cùng có nguyện vọng tiến bộ dân trí, cùng làm việc thiện nguyện, công tác xã hội... nếu nhận ra người khác cùng mục đích tốt đẹp như chúng ta, dù con đường có khác nhau. Thì một lời cổ vũ, một sự ghi nhận, quý báu biết nhường nào!

 

Nhất là trong lúc xã hội nói chung còn thiếu thông tin, bàng quan và bị định hướng, cảm thông và chia sẻ là một hành động nhiều ý nghĩa và thêm thức tỉnh nhiều người cùng tham gia đẩy chiếc xe tiến bộ với chúng ta.

 

Nếu hôm nay chúng ta biết về những nhà hoạt động dấn thân, không cần phán xét họ chọn đường khôn hay dại, càng không cần phải "leo lên mái nhà" như họ, càng không vội vàng phán xét họ. Chỉ cần quan tâm hơn, suy nghĩ về tác động của việc mình làm đến xã hội.

 

Hôm trước vụ xử án Đoan Trang, rồi hôm sau là Bá Phương..ngày mai...ngày kia nữa...người dân vẫn thờ ơ? trí thức vẫn say sưa ngủ?

 

Liệu có sự thức tỉnh nào không?

 

----------------------------

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của kiến trúc sư Bùi Uyên, hiện sống và làm việc tại Paris, Pháp.

 

.

TIN LIÊN QUAN

 

TRỰC TIẾP : Các án nặng trong 2 ngày, nhân quyền Việt Nam đi về đâu?

.

Người ủng hộ làm thơ, viết thư gửi Phạm Đoan Trang trước phiên xét xử

14 tháng 12 năm 2021

.

Mạng xã hội Việt Nam nói gì sau hai phiên xử Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương

15 tháng 12 năm 2021

.

Từ phiên tòa Phạm Đoan Trang, VN trông đợi gì ở Mỹ trong vấn đề nhân quyền?

14 tháng 12 năm 2021

.

Ngoại giao phương Tây chỉ trích Việt Nam vì bản án Phạm Đoan Trang

15 tháng 12 năm 2021

 




No comments: