Wednesday, December 1, 2021

TẠI SAO GIỚI TINH HOA TRUNG QUỐC ĐANG ĐỐI MẶT NHIỀU BẤT TRẮC? (Gideon Rachman - Financial Times)

 


Tại sao giới tinh hoa Trung Quốc đang đối mặt nhiều bất trắc?

Gideon Rachman  -  Financial Times   

Phan Nguyên, biên dịch

02/12/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/12/02/tai-sao-gioi-tinh-hoa-trung-quoc-dang-doi-mat-nhieu-bat-trac/

 

Sự giàu có, quyền lực và danh tiếng không thể mang lại cho họ sự bảo vệ trước quyền lực độc đoán của Đảng Cộng sản.

 

Rui Chenggang đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Anh ấy là một người dẫn chương trình truyền hình trẻ của Trung Quốc, với phong cách ăn mặc hoàn hảo giống như tiếng Anh của anh ấy. Chúng tôi gặp nhau tại Davos hồi năm 2014, trong một cuộc họp báo với Shinzo Abe. Rui đã hỏi vị thủ tướng Nhật khi đó một câu hỏi hóc búa – đồng thời chỉ ra rằng, lúc còn ở Tokyo, anh ta đã tập tại cùng một phòng gym giống Abe. Tóm lại, anh ta rất hài lòng về bản thân mình.

 

Chúng tôi trò chuyện sau cuộc họp báo và Rui nói với tôi rằng tôi phải tìm anh ấy khi tới Bắc Kinh lần sau. Tôi không bao giờ có cơ hội làm việc đó. Rui đã bị bắt vì cáo buộc tham nhũng vào mùa hè năm đó và đã không xuất hiện trước công chúng một lần nào nữa. Năm sau ở Davos, tôi hỏi một trong những đồng nghiệp người Trung Quốc của anh ấy về chuyện của Rui. Cô ấy tỏ thái độ khó chịu và chạy sang phía bên kia của căn phòng.

 

Câu chuyện về Rui Chenggang như một lời nhắc nhở cá nhân của tôi về việc những người giàu có và quyền lực có thể sa cơ lỡ vận nhanh như thế nào ở Trung Quốc. Ví dụ nổi tiếng nhất hiện nay là vận động viên quần vợt Peng Shuai. Peng đã biến mất trong vài tuần sau khi đưa ra cáo buộc tấn công tình dục đối với một nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, trước khi xuất hiện trở lại trong một loạt các hình ảnh và video được dàn dựng. Tương lai của cô vẫn không có gì chắc chắn.

 

Ở Trung Quốc, những người giàu có, nổi tiếng và quyền lực đều dễ bị thất sủng, biến mất hoặc gặp phải những điều tệ hơn. Hiện tượng này được nhấn mạnh qua tiêu đề của một bài viết trên tạp chí Forbes hồi năm 2011: “Người tốt đừng để bạn bè mình trở thành tỷ phú Trung Quốc”.

 

Trích dẫn số liệu thống kê từ báo chí Trung Quốc, bài báo chỉ ra rằng 72 tỷ phú của nước này đã chết yểu trong 8 năm trước đó. Bản tin gốc trên tờ China Daily, do Đảng Cộng sản xuất bản, cung cấp chi tiết: “Trong số 72 tỷ phú, 15 người bị sát hại, 17 người tự sát, 7 người chết vì tai nạn, 14 người bị xử tử theo luật và 19 người chết vì bệnh tật.”

 

Bất cứ ai nghĩ rằng mọi thứ đã trở nên ít nguy hiểm hơn đối với những người giàu có và quyền lực ở Trung Quốc trong thập niên qua có thể nên đọc cuốn sách mới xuất bản gần đây của Desmond Shum, mang tự đề Red Roulette. Shum và vợ, Whitney Duan, đã vươn lên từ nghèo khó để trở thành những tỷ phú phát triển bất động sản. Họ từng lái một chiếc Rolls-Royce vòng quanh Bắc Kinh và đi khắp thế giới bằng máy bay phản lực riêng. Cặp đôi không nghĩ ngợi gì khi chi 100.000 đô la cho rượu vang trong một bữa ăn ở Paris. Whitney làm ăn phát đạt nhờ mối quan hệ của cô với giới tinh hoa chính trị Trung Quốc, cho đến khi bị bắt vào năm 2017 và biến mất.

 

Như cuốn Red Roulette đã nói rõ, kiểu đột ngột ngã ngựa như thế không phải là hiếm. Dự án xây dựng lại sân bay Bắc Kinh của Shum và Duan gặp phải vấn đề khi một trong những mối quan hệ chính của họ, Li Peiying, người từng là tổng giám đốc sân bay, biến mất mà không có lời giải thích. Ông này sau đó bị buộc tội tham nhũng và bị xử tử.

 

Một mối quan hệ chính trị quan trọng khác, được Duan vun đắp, là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), một quan chức đang lên nhanh chóng và được cho là người kế nhiệm tiềm năng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôn đã bị khai trừ khỏi Đảng và bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng hồi năm 2018. Shum lập luận rằng Tôn thực ra là nạn nhân của một vụ “ám sát chính trị”.

 

Mối liên hệ của Duan với Tôn có thể đã dẫn đến việc cô bị bắt. Hoặc cũng có thể là cô ấy quá thân thiết với vợ của cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, người mà gia đình cũng trở nên giàu có một cách đáng kinh ngạc. Mặc dù từng là người đàn ông quyền lực nhất nhì Trung Quốc, nhưng giờ đây Ôn cũng chỉ có thể giao tiếp bằng mật mã. Một cuốn hồi ký về mẹ ông đăng trên một tờ báo ít tên tuổi trong năm nay đã được đánh giá như một lời chỉ trích gián tiếp đối với ông Tập Cận Bình và nhanh chóng bị rút khỏi mạng internet.

 

Một số người tin rằng Peng Shuai cũng có thể đang giao tiếp bằng mật mã. Một trong những bức ảnh được tung ra để chứng minh rằng cô vẫn còn sống cho thấy cô đang đứng cạnh một bức ảnh của nhân vật hoạt hình Winnie the Pooh. Tập Cận Bình thường được so sánh một cách châm biếm với chú gấu đẫy đà này.

 

Danh tiếng quốc tế cũng không mang lại sự bảo vệ trước quyền lực nhà nước tùy tiện. Jack Ma, người sáng lập Alibaba và là doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã dám chỉ trích các cơ quan quản lý nhà nước hồi tháng 10 năm 2020. Kể từ đó, ông hầu như không được xuất hiện trước công chúng. Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) từng là chủ tịch người Trung Quốc đầu tiên của Interpol, nhưng ông đã bị bắt trong chuyến về nước hồi năm 2018, bị buộc tội tham nhũng và bị kết án hơn 13 năm tù.

 

Sự thông cảm dành cho các tỷ phú hoặc những quan chức đảng, bị đạp xuống bởi chính hệ thống đã từng nâng họ lên, có thể rất ít ỏi. Nhưng quyền lực của nhà nước Trung Quốc được sử dụng với mức độ còn dữ dội hơn để chống lại các luật sư, nhà báo và học giả bất đồng chính kiến. Như một báo cáo gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy, các nhà chức trách thường truy lùng cả gia đình của những người bất đồng chính kiến.

 

Bản chất của hệ thống Trung Quốc có nghĩa là không dính dáng đến chính trị cũng không có nghĩa là an toàn. Thế giới kinh doanh không rõ ràng và hoạt động dựa trên các mối liên hệ, vì vậy mọi người đều nằm trong cái mà Shum gọi là “vùng xám”, và do đó dễ bị buộc tội tham nhũng. Tất cả các thể chế đều nằm dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản. Một luật sư thông minh hoặc một nhà báo mẫn cán cũng sẽ chẳng là gì nếu bạn bị bắt. Các tòa án có tỷ lệ kết án lên tới 99,9%.

 

Đứng đầu hệ thống là Chủ tịch Tập Cận Bình, một nhà lãnh đạo không chỉ bảo vệ Mao Trạch Đông mà còn cả Lenin và Stalin. Chính trùm mật thám của Stalin, Lavrenti Beria, là người đã từng giải thích về tính dễ bị tổn thương vô hạn của bất kỳ cá nhân nào trong một nhà nước cảnh sát, khi nói rằng: “Hãy chỉ cho tôi một người, và tôi sẽ tìm ra tội của anh ta.”

 

 

--------------------------

 

Nguồn:

 

Gideon Rachman, “Why China’s elite tread a perilous path”, Financial Times, 29/11/2021.




No comments: