Monday, December 20, 2021

NGƯỜI MỸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ CẢI THIỆN NỀN DÂN CHỦ MỸ VÀ THẾ GIỚI? (Việt Linh)

 


NGƯỜI MỸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ CẢI THIỆN NỀN DÂN CHỦ MỸ VÀ THẾ GIỚI?   

Việt Linh

December 13, 2021

https://www.baocalitoday.com/binh-luan/nguoi-my-can-lam-gi-de-cai-thien-nen-dan-chu-my-va-the-gioi.html

 

Khi TT Joe Biden triệu tập Hội nghị thượng đỉnh ảo về Dân chủ trong tuần này, ông cảnh báo rằng sự xói mòn dân chủ thể hiện một sự “ thách thức lớn của thời đại chúng ta ”. Điều TT Biden nhận định hoàn toàn đúng, không sai. Nền dân chủ thế giới đang bị tấn công, đặc biệt nhất là trong 5 năm trở lại đây và năm nay, được đánh dấu bằng các cuộc bầu cử tranh giành quyền lực quyết liệt đi cùng với các cuộc đảo chính. Đây là năm thứ năm liên tiếp với một số quốc gia đi theo hướng chuyên quyền, độc tài nhiều hơn số quốc gia theo hướng dân chủ. Trong số các nền dân chủ lớn nhất thế giới, bao gồm Brazil, Ấn Độ và Philippines. Những kẻ xấu đang chiến thắng. Và với việc Donald Trump kiên trì từ chối thừa nhận sự thua cử của mình trong năm 2020, ngay cả nền dân chủ của chính Hoa Kỳ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

 

Với tư cách là một ứng cử viên, TT Biden cam kết sẽ thay đổi mới nền dân chủ trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình, một phần bằng cách tập hợp các nhà lãnh đạo và đại diện từ các nền dân chủ trên thế giới để giải quyết chủ nghĩa độc tài, chống tham nhũng và thúc đẩy nhân quyền. Vào cuối hội nghị thượng đỉnh kết thúc vào ngày thứ Bảy vừa qua, các chính phủ tham gia dự kiến​​ sẽ đưa ra các cam kết nhằm tăng cường nền dân chủ trong và ngoài nước. Tình trạng của những cam kết đó sẽ được xem xét lại vào một cuộc họp tiếp theo vào năm sau.

Đảo ngược sự suy giảm toàn cầu của nền dân chủ là một yêu cầu thực sự khó khăn đối với nhiều quốc gia. Hội nghị thượng đỉnh phải đối mặt với một số trở ngại rõ ràng, và trở ngại quan trọng nhất lại đến từ người chủ trì hội nghị, là nước chủ nhà bởi sự tín nhiệm suy yếu của Mỹ về chủ đề hiện tại. Có lẽ thách thức cơ bản nhất là câu hỏi liệu ngoại giao có thể đạt được một cách có ý nghĩa những gì mà TT Biden đặt ra hay không.

 

Trong số hơn 100 quốc gia được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh, phần lớn đại diện cho các nền dân chủ mạnh. Tuy nhiên, danh sách khách mời cũng có nhiều nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm đã tạo tình trạng dân chủ bị thụt lùi bao gồm Narendra Modi của Ấn Độ, Jair Bolsonaro của Brazil và Rodrigo Duterte của Philippines. Đây là ba quốc gia đã bị suy giảm dân chủ nghiêm trọng nhất.

 

Khi quyết định mời những quốc gia nào đến với hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Biden đã tìm cách bảo đảm rằng “một nhóm các nền dân chủ đa dạng” được đại diện và từ chối, không mời những quốc gia đang có nền dân chủ bị suy giảm, chẳng hạn như Ba Lan, Việt Nam.

 

Dân chủ hóa là một quá trình thường diễn ra trong phạm vi của các quốc gia, và một số mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ là trong một đất nước bị phân cực chính trị, bị đàn áp cử tri và xã hội bị chia rẽ vì khác quan điểm chính kiến. Áp lực ngoại giao và kinh tế từ thế giới và các cường quốc dân chủ có thể khuyến khích và thúc đẩy các quốc gia non trẻ đạt được nhiều thành tựu hơn trong việc đưa nền dân chủ nước nhà tiến lên.

 

Trong hội nghị thượng đỉnh của TT Biden, ông đã cố gắng khuyến khích các quốc gia tham gia thúc đẩy các nhà hoạt động, các nhà báo và các thành viên khác của các tổ chức xã hội dân sự vào cuộc thảo luận, nhưng ông không muốn bị thế giới gán cho Hoa Kỳ và quốc gia dân chủ hàng đầu ra lệnh cho các nền dân chủ khác nên hành động như thế nào – và chính Hoa Kỳ là đất nước đang xảy ra tình trạng dân chủ đi thụt lùi, quyền bầu cử bị đàn áp, chính trị phân cực gay gắt, có thể nói ở Hoa Kỳ, tình trạng mất dân chủ trong nước thậm chí còn bị xếp hạng tương đương như một quốc gia dưới một chế độ chuyên quyền , độc tài.

 

Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, 19 tiểu bang của Mỹ đã ban hành luật khiến việc bầu cử của người Mỹ trở nên khó khăn hơn. Cuộc chiến để đưa những người trung thành với đảng phái vào các vị trí bầu cử quan trọng trước các cuộc bầu cử trong tương lai đã và đang được tiến hành trên khắp đất nước. Nhưng chính quyền liên bang và Quốc Hội cho đến nay gần như vẫn không có phản ứng hay có biện pháp nào để cứu vãn tình hình ngày càng xấu đi này.

 

Matt Duss, cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cho rằng: “Thật khó khi chúng ta lên tiếng kêu gọi những quốc gia khác hãy bảo vệ và gìn giữ nền dân chủ, thì chúng ta cũng sẽ gặp khó khi phải trả lời câu hỏi của họ, rằng chúng ta đang thực sự làm gì để bảo vệ nền dân chủ của mình?

 

Một thách thức khác đối với hội nghị thượng đỉnh rằng cuộc khủng hoảng dân chủ vốn có tính địa chính trị và bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh giữa các nền dân chủ trên thế giới và các quốc gia độc tài, chứ không phải là một cuộc xung đột nội bộ trong chính các nền dân chủ dưới hình thức ngày càng phân cực, bất bình đẳng và mất lòng tin vào ý tưởng rằng nền dân chủ có thể đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Bruce Jentleson, giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học Duke, đồng thời là cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Barack Obama và Bill Clinton cho rằng: “Các mối đe dọa từ bên ngoài đối với nền dân chủ của Hoa Kỳ ít hơn nhiều so với những mối đe dọa đến từ chính người Mỹ và phát xuất ngay trong lòng nước Mỹ. Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ cổ vũ những nỗ lực phá hoại trong tương lai nhằm lật đổ nền dân chủ của Hoa Kỳ, nhưng họ có thể không thể gây ra bất kỳ thiệt hại lớn nào đến Hoa Kỳ hơn những gì mà người Mỹ đã chứng tỏ sẵn sàng gây ra cho chính đất nước mình.”

 

Đặt nền tảng để cứu lấy nền dân chủ là mục tiêu cao cả cho bất kỳ hội nghị thượng đỉnh dân chủ nào, nhưng liệu những mong muốn và cam kết của TT Biden về một nền dân chủ tốt đẹp và ổn định cho thế giới và cho chính nước Mỹ của ông sẽ đem lại những kết quả tích cực nào trong tương lai hay không, nếu năm tới, 2022, khi hội nghị thượng đỉnh về dân chủ họp lại sau một năm để nhìn lại những gì Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ trên thế giới đã làm trong một năm qua, liệu Hoa Kỳ có thể khiến các nhà lập pháp tại Quốc Hội xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn để cải thiện tình trạng dân chủ đang ngày càng tệ hơn của chính nước Mỹ hay không, vì nước Mỹ cần phải có một nền dân chủ tốt đẹp, ổn định trước khi thúc đẩy các nhà lãnh đạo ở những quốc gia khác phải hành động.

 

Việt Linh

 




No comments: