Dân chủ đích thực và dân chủ ‘cuội’
Hiếu
Chân/Người Việt
December 7, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dan-chu-dich-thuc-va-dan-chu-cuoi/
Trong hai ngày 9 và 10 Tháng Mười Hai tới đây,
Tổng Thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì Hội Nghị Thượng Đỉnh về Dân Chủ (Summit For
Democracy) bằng hình thức trực tuyến. Theo thông cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ, “hội
nghị sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ đang đối mặt,
cung cấp một nền tảng để các nhà lãnh đạo công bố – cá nhân và tập thể – những
cam kết, cải cách và sáng kiến nhằm bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền ở trong nước
và nước ngoài.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/A1-Dan-chu-dich-thuc-hay-cuoi-1536x1022.jpg
Tại Trung Quốc và cả
Việt Nam, đảng đứng trên pháp luật và pháp luật được ban ra chỉ để cai trị người
dân. Đất nước này không có báo chí độc lập, tất cả các phương tiện truyền thông
đều do đảng kiểm soát. Trong hình, một phụ nữ mua báo Trung Quốc tại một sạp ở
Bắc Kinh vào ngày 12 Tháng Mười Một, 2021, để xem tin về hội nghị lần thứ sáu của
đảng Cộng Sản Trung Quốc. (Hình minh họa: Jade Gao/AFP via Getty Images)
Ba chủ đề chính của hội nghị kéo dài hai ngày
này là 1/ Bảo vệ nền dân chủ chống lại chủ nghĩa chuyên chế; 2/ Giải quyết và đấu
tranh chống tham nhũng; và 3/ Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền.
Sẽ không có nhiều chuyện để nói về hội nghị
khi nó chưa diễn ra nếu như không có một hội nghị tương tự vừa được tổ chức rầm
rộ ở Bắc Kinh.
Truyền thông quốc tế cho biết hôm Thứ Bảy, 4
Tháng Mười Hai, Trung Quốc đã tổ chức Diễn Đàn Dân Chủ Quốc Tế (International
Forum on Democracy) như một đối cực của hội nghị thượng đỉnh mà ông Biden sắp
chủ trì.
Cũng trong ngày này, Quốc Vụ Viện, tức Hội Đồng
Nhà Nước, lần đầu tiên công bố một “bạch thư” có nhan đề “Trung Quốc: Nền Dân
Chủ Hoạt Động Được” (China: Democracy That Works); trong đó xác định thể chế của
Trung Quốc tiêu biểu cho một hình thức khác của dân chủ – tốt hơn so với dân chủ
phương Tây khi giải quyết các thách thức như phát triển kinh tế xã hội và ngăn
chặn đại dịch toàn cầu.
Thế là thế nào? Hoa Kỳ (rộng ra là Châu Âu, Nhật
Bản và nhiều nước khác) với Trung Quốc, nước nào là dân chủ thực sự, nước nào
là dân chủ “tào lao” như kiểu nói của ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Việt
Nam?
Dân chủ là gì?
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về dân chủ từ
khi thể chế chính trị này xuất hiện đầu tiên trong xã hội Athens ở Hy Lạp cổ
cách đây 2,000 năm, sau đó tàn lụi và được phục hồi trở lại vào giữa thế kỷ 18
khi cuộc cách mạng ở Hoa Kỳ sản sinh ra được một nền dân chủ bền vững.
Tuy chưa phải là một thể chế chính trị hoàn hảo
tuyệt đối nhưng có thể khẳng định dân chủ là mô hình quản trị đất nước tốt nhất
mà nhân loại có được sau hàng ngàn năm tiến hóa. Và tuy có nhiều định nghĩa
khác nhau, hầu như ai cũng đồng ý rằng dân chủ là thể chế mà trong đó mọi người
dân đều có tiếng nói, đều có quyền tham gia chính trị trực tiếp hoặc cử người đại
diện cho mình tham gia điều hành xã hội thông qua quyền bầu cử phổ quát. Năm
2000, tại hội nghị Diễn Đàn Thế Giới ở Warsaw (Ba Lan) đại diện hơn 100 quốc
gia đã tuyên bố rằng “ý chí của nhân dân” là “nền tảng của quyền lực nhà nước.”
Dân chủ đi cùng với đa nguyên; xã hội dân chủ
tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng, nó cần có nhiều hơn một đảng chính trị và
nhiều hơn một nguồn thông tin. Căn cứ vào các đặc điểm này, khoa học chính trị
đã lập ra những thước đo, những tiêu chuẩn để đánh giá một đất nước nào đó là dân
chủ-tự do, dân chủ khiếm khuyết, dân chủ phi tự do, độc tài chuyên chế (phi dân
chủ) v.v…
Đơn vị Tình Báo Kinh Tế (Economist
Intelligence Unit – EIU), một tổ chức nghiên cứu có uy tín thuộc báo The
Economist của Anh, hằng năm đều đưa ra bảng Chỉ Số Dân Chủ (Democracy Index), xếp
hạng các quốc gia dựa trên 60 tiêu chuẩn trong năm nhóm vấn đề lớn: quy trình bầu
cử và đa nguyên chính trị, quyền tự do dân sự, hoạt động của chính phủ, sự tham
gia chính trị của người dân và văn hóa chính trị. Trong báo cáo xếp hạng 167 quốc
gia năm 2020, EIU đánh giá chỉ có 23 nước, chiếm 8.4% dân số toàn cầu, là những
nền dân chủ đầy đủ, 52 nước (41% dân số) là các nền dân chủ khiếm khuyết; 35 nước
(15% dân số) là các nền dân chủ phi tự do và 57 nước (35% dân số) là các nhà nước
độc tài chuyên chế.
Na Uy, Iceland, Thụy Điển, New Zealand và
Canada là “top 5” những nền dân chủ tự do đầy đủ của thế giới. Hoa Kỳ xếp thứ
25, cùng với Pháp, thứ 24, là hai nước dẫn đầu nhóm các quốc gia có “nền dân chủ
khiếm khuyết,” có điểm số cao về quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị, quyền
tự do dân sự, sự tham gia chính trị của người dân nhưng có điểm rất thấp về hoạt
động của chính phủ và văn hóa chính trị. Trung Quốc, với 1.4 tỷ dân, bị xếp vị
thứ 151, nằm trong nhóm nước độc tài chuyên chế; tất cả các điểm số đều dưới
trung bình, riêng điểm số về quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị là zero
(0.00). Vị thứ tệ hại của Trung Quốc làm cho hơn một phần ba dân số thế giới phải
sống dưới chế độ độc tài.
Trong báo cáo đánh giá về tự do của 210 quốc
gia và vùng lãnh thổ năm 2021 do Freedom House, một tổ chức nghiên cứu phi lợi
nhuận, phi chính phủ có uy tín của Hoa Kỳ thiết lập, ở mục điểm tự do toàn cầu
(Global Freedom Score), Hoa Kỳ được 83/100 điểm, trong đó quyền tự do chính trị
của người dân nhận được 32 điểm và quyền tự do dân sự nhận được 51 điểm, xếp hạng
“nước tự do.” Trong khi đó Trung Quốc được đánh giá âm (-) 2 điểm về quyền tự
do chính trị, 11 điểm về quyền tự do dân sự, cộng chung là 9 điểm trên thang điểm
100 điểm, và xếp loại “không tự do.”
Về tự do Internet, Trung Quốc được 10 điểm
trên thang điểm 100, xếp loại “không tự do.” Với thành tích bất hảo như vậy
Trung Quốc không phải là thành viên của cộng đồng các quốc gia dân chủ-tự do và
do đó không được mời tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về Dân Chủ của Hoa Kỳ.
Dân chủ xã hội chủ
nghĩa kiểu Trung Quốc
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn được thế giới coi
là một nước độc tài toàn trị, do một đảng chính trị duy nhất là đảng Cộng Sản
Trung Quốc (CSTQ) cầm quyền từ khi thành lập nước năm 1949 đến nay. Tổng Bí Thư
Tập Cận Bình và Bộ Chính Trị đảng CSTQ nắm tất cả các nhánh quyền lực và ban
hành mọi quyết định chính sách cho đất nước 1.4 tỷ dân, nhưng người dân Trung
Quốc không thể có tiếng nói trong việc đưa các nhân vật này lên đỉnh quyền lực,
dù vẫn phải đóng thuế và phải chấp hành mọi quyết định mà những người này đưa
ra.
Đại hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức Quốc
Hội Trung Quốc, có gần 3,000 thành viên chọn lựa từ các tỉnh thành, các bộ
ngành nhưng hầu hết là đảng viên, mỗi năm họp một lần nhưng chỉ để “đóng dấu
cao su” vào các chính sách và quyết định đã được Bộ Chính Trị đảng CSTQ đề ra
trước đó trong một quy trình bàn luận bí mật. Khi ông Tập Cận Bình muốn sửa đổi
Hiến Pháp, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để ông được làm hoàng đế trọn
đời thì có đến 2,958 đại biểu bỏ phiếu thuận, chỉ hai người bỏ phiếu chống.
Đất nước này không có báo chí độc lập, tất cả
các phương tiện truyền thông đều do đảng kiểm soát, mọi tiếng nói bất đồng đều
bị bóp nghẹt cả trong đời sống lẫn trên mạng xã hội. Đất nước này cũng không có
tư pháp độc lập vì tất cả quan tòa đều do đảng bổ nhiệm và làm việc theo chỉ thị
của đảng. Đảng đứng trên pháp luật và pháp luật được ban ra chỉ để cai trị người
dân.
Người Việt sống dưới sự cai trị của đảng Cộng
Sản Việt Nam không xa lạ gì với mô hình “dân chủ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc,”
vì Việt Nam là một phiên bản thu nhỏ của mô hình đó.
Nhưng sau khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải
cách kinh tế theo hướng tư bản thị trường mà vẫn duy trì sự kiểm soát chính trị
của nhà nước chuyên chế, Trung Quốc đạt được những thành tích rất ấn tượng về
phát triển. Trong “niềm phấn khởi” đó, các lý thuyết gia Trung Quốc bắt đầu đả
phá hệ tư tưởng phương Tây mà trọng tâm là thể chế chính trị dân chủ-tự do, đề
cao mô hình “dân chủ xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc.” Họ lập luận “dân chủ”
không phải là một giá trị phổ quát, có thể áp dụng cho mọi xã hội loài người.
Đi xa hơn, họ cho rằng mô hình của Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều so với nền dân
chủ phương Tây và ít bị vướng vào tình trạng bế tắc.
Đó cũng là căn cứ cho nhận định của ông Tập Cận
Bình: “Phương Tây đang suy tàn, phương Đông đang trỗi dậy.” Trong một chuyến
công du Châu Âu năm 2014, ông Tập nói hệ thống dân chủ đa đảng không thích hợp
với Trung Quốc. Ông cảnh báo việc sao chép các mô hình chính trị ngoại lai có
thể gây ra thảm họa vì Trung Quốc có những điều kiện xã hội và lịch sử đặc thù.
Những năm sau này, nhất là khi bùng nổ đại dịch
COVID-19 từ đầu năm 2020, những người ủng hộ mô hình chính trị chuyên chế Trung
Quốc lại càng tin rằng sự tập trung quyền lực đó cho phép các nhà lãnh đạo
Trung Quốc giải một số bài toán lớn mà dưới chế độ dân chủ phải mất nhiều thập
niên mới giải xong. Chuyện ông Biden chật vật mãi vẫn chưa thuyết phục được Quốc
Hội Mỹ thông qua dự luật Tái Thiết Tốt Hơn (Build Back Better) trong khi ở
Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) hay
quân sự hóa Biển Đông, tiêu tốn rất nhiều mà không ai dám cãi là một ví dụ.
Chế độ chuyên chế có thể tập trung nguồn lực
xã hội để tạo ra sự tăng trưởng trong giai đoạn nào đó nhưng không ngăn chặn được
độc tài vì không có các cơ chế kiểm soát quyền lực, không có khả năng thừa nhận
khiếm khuyết để cải thiện vì không có phản biện xã hội, không có sự tham gia
tích cực của người dân.
Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn phát triển
thần tốc nhờ hội tụ được những điều kiện thuận lợi của công cuộc toàn cầu hóa
kinh tế cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhưng đã bắt đầu rơi vào thời kỳ độc tài
toàn trị, sùng bái cá nhân và mầm mống của sự suy thoái đã bắt đầu hiển hiện.
Thủy chung, Trung Quốc chưa bao giờ có dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
mà giới lãnh đạo Bắc Kinh huênh hoang thực chất chỉ là một thứ “dân chủ cuội.”
Ở Hoa Kỳ, thể chế dân chủ đang bị suy yếu, bị
đe dọa bởi vì tình trạng phân liệt về chính trị và sự yếu kém của quản trị quốc
gia. Nhưng thể chế dân chủ có một ưu điểm tuyệt vời mà tất cả các chế độ độc
tài không bao giờ có được, đó là khả năng nhìn nhận ra khiếm khuyết của mình một
cách công khai và minh bạch để từ đó “xây dựng một xã hội hoàn hảo hơn” như Hiến
Pháp Hoa Kỳ minh định. Hội Nghị Thượng Đỉnh về Dân Chủ, đối với nước Mỹ, “là cơ
hội để Hoa Kỳ lắng nghe, học hỏi và gắn bó với một tập hợp đa dạng những nhân tố
mà sự hỗ trợ và cam kết của họ là hết sức thiết yếu cho sự phục hồi dân chủ
toàn cầu”, như thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Lựa chọn nào cho
các nước nhỏ?
Đề cao, ca ngợi, quảng bá mô hình chính trị độc
tài chuyên chế của Trung Quốc và chê bai, phê phán thể chế dân chủ tự do phương
Tây một lần nữa lại được Bắc Kinh đẩy mạnh trong vài ngày qua nhắm vào hội nghị
thượng đỉnh về dân chủ sắp diễn ra ở Washington. Trung Quốc hết sức tức tối khi
trong danh sách 111 quốc gia được mời tham dự hội nghị không có đại diện Trung
Quốc mà lại có đại diện Đài Loan và Nathan Law – một nhà đấu tranh của giới trẻ
Hồng Kông hiện tỵ nạn chính trị tại Anh.
Các quan chức cao cấp của Trung Quốc luôn miệng
gọi hội nghị của ông Biden là một “trò hề.” Ông Tần Cương (Qin Gang), đại sứ
Trung Quốc tại Mỹ, cùng ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga, viết chung một bài ý
kiến đăng trên trang bảo thủ The National Interest phê phán hội nghị của ông
Biden là đạo đức giả và bá quyền. Ông Vương Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn Bộ
Ngoại Giao Trung Quốc, đã gọi nền dân chủ Hoa Kỳ là một “tình trạng thảm hại”
đã “tư nhân hóa” các giá trị dân chủ.
Hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Mười Hai, Bộ Ngoại Giao
Trung Quốc phát hành một báo cáo phê phán tình trạng dân chủ ở Mỹ, nói rằng
không nên sử dụng một “thước đo” duy nhất để “đo lường các hệ thống chính trị
đa dạng trên thế giới.” Trên mạng Twitter, hàng loạt quan chức, nhà báo Trung
Quốc liên tục đăng bài lên án nền dân chủ Hoa Kỳ “đầy khiếm khuyết,” “bị đồng
tiền dẫn dắt,” “bị chia rẽ và đối lập sâu sắc”…
Những hoạt động dồn dập đó của Trung Quốc có
thể nhằm xói mòn thẩm quyền đạo đức của Washington khi Hoa Kỳ tập hợp các nền
dân chủ cùng chí hướng ở phương Tây vào cuộc chiến đấu lâu dài chống lại thể chế
độc tài toàn trị của Trung Quốc. Trung Quốc cũng nhằm can ngăn các nước nhỏ đừng
đi theo con đường của Hoa Kỳ mà hãy hướng về Bắc Kinh và đi theo con đường mà đảng
CSTQ đã lựa chọn.
Bắc Kinh cũng không ngần ngại đe dọa các nước
nhỏ tham gia hội nghị sẽ phải chịu sự trừng phạt của Trung Quốc nếu ký kết vào
các chương trình hành động mà Washington đưa ra. Còn các nước có nghe theo lời
phủ dụ của Bắc Kinh hay không, sẽ chọn “dân chủ đích thực” hay “dân chủ cuội”
là chuyện chưa biết được, chỉ biết uy tín của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế
ngày càng thấp và ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Châu Á cũng đang suy giảm so
với ảnh hưởng của người Mỹ. (Hiếu Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment