Bắc
Kinh hủy diệt chế độ ''bán dân chủ'' tại Hồng Kông như thế nào ?
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 20/12/2021 - 15:39
Không có ứng cử viên dân chủ nào có cơ hội tham gia
ứng cử Nghị Viện Hồng Kông trong cuộc bầu cử Nghị Viện ngày Chủ Nhật
19/12/2021. Thêm một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chế độ « bán dân chủ »
tại Hồng Kông hoàn toàn cáo chung. Tiến trình hủy diệt hệ thống chính trị bán
dân chủ ở Hồng Kông diễn ra như thế nào, và những bối cảnh nào đã tạo thuận
lợi cho tiến trình này ?
Cờ của đảng Cộng Sản
Trung Quốc và quốc kỳ Trung Quốc bên ngoài Văn phòng của chính quyền Trung ương
tại Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 25/11/2020. REUTERS - LAM YIK
Theo nhiều nhà quan sát, tiến trình hủy diệt
chế độ « bán dân chủ » tại Hồng Kông có ba khía cạnh nổi bật.
Thứ nhất là chấm dứt nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ »
(1), thứ hai là cải cách hệ thống bầu cử để gạt bỏ hoàn toàn cơ hội tham gia của
phe dân chủ và thứ ba là triệt hạ hoàn toàn các đảng phái đối lập (2). Cuộc
« chiến tranh thương mại » Mỹ - Trung là một nhân tố căn bản
thúc Bắc Kinh thâu tóm nhanh chóng Hồng Kông trở lại (3). RFI tổng hợp nhận định
của chuyên gia về chủ đề này.
***
Luật An ninh Quốc
gia : Khởi đầu tiến trình hủy diệt chế độ bán dân chủ ở Hồng Kông
Kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho
Trung Quốc năm 1997, đặc khu này được hưởng quy chế « tự trị »,
với một hệ thống chính trị « bán dân chủ », dưới sự lãnh đạo của
một chính quyền thân Bắc Kinh. Theo thỏa thuận Anh – Trung Quốc năm 1984, cựu
thuộc địa của Anh tiếp tục được hưởng một quy chế pháp lý khác biệt hoàn toàn với
Hoa lục trong vòng 50 năm, từ khi trở về với Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh
không đợi đến năm 2047, để lấy lại hoàn toàn Hồng Kông, như cam kết.
« Nhất quốc lưỡng chế » (Một
quốc gia, hai chế độ) là nguyên tắc được lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình
(Deng Xiaoping) đề ra năm 1983 trong quá trình thương lượng với chính quyền
Anh, thời thủ tướng Margaret Thatcher. Nguyên tắc « Một quốc gia, hai
chế độ » đã bị khai tử với việc áp dụng tại Hồng Kông Luật An ninh Quốc
gia mới ngày 01/07/2020.
Luật An ninh Quốc gia do chính quyền trung
ương trực tiếp áp dụng với đặc khu Hồng Kông, cho phép trừng phạt bốn tội
« ly khai, lật đổ, khủng bố và đồng lõa với nước ngoài ». Những
người bị buộc tội có thể bị phạt tù chung thân. Trước Luật này, Bắc Kinh đã nhiều
lần mưu toan, thông qua chính quyền đặc khu, áp đặt các quy định nhằm gia tăng
kiểm soát, thao túng xã hội Hồng Kông. Mỗi lần như vậy, các lực lượng vì dân chủ
ở Hồng Kông đều tổ chức những phong trào phản kháng. Phong trào Dù Vàng năm
2014 là một ví dụ tiêu biểu. Đợt phản kháng lớn cuối cùng là vào nửa sau năm
2019, sau khi chính quyền Hồng Kông mưu toan áp đặt luật dẫn độ nghi phạm sang
Trung Quốc xét xử. Cuộc phản kháng kéo dài nhiều tháng trời. Đàn áp dữ dội
không khiến phe đòi dân chủ lùi bước. Dự luật này đã bị hủy bỏ. Lần này, chính
quyền Trung Quốc đã trực tiếp ra tay với Luật An ninh Quốc gia.
Luật An ninh Quốc gia cho phép Bắc Kinh áp đặt
tại Hồng Kông một nhà nước « công an trị », giống như tại Hoa
lục. Luật cho phép thành lập tòa án riêng và một lực lượng cảnh sát riêng, để
xét xử những người bị cáo buộc theo luật An ninh Quốc gia mới. Nhà Trung Quốc học
Chloé Froissart, giáo sư Viện Quốc gia về các Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông
(INALCO), Paris, trong một hội thảo trực tuyến của Viện Pháp về nghiên cứu Đông
Á (IFRAE), hôm 13/12, nhận định là Luật An ninh Quốc gia và các định chế được lập
ra nhằm thực thi luật này đã áp đặt một chế độ « công an trị »
tại Hồng Kông và « định nghĩa lại Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước
có chức năng duy trì trật tự xã hội ».
Những bối cảnh thuận
lợi nào giúp Bắc Kinh cơ hội ?
Mục tiêu thao túng hệ thống chính trị bán dân
chủ Hồng Kông, để từng bước bóp nghẹt, của Bắc Kinh là điều được giới quan sát
ghi nhận. Tuy nhiên, bước ngoặt quyết định từ một năm rưỡi nay dẫn đến tiến
trình hủy diệt chế độ bán dân chủ Hồng Kông là điều hoàn toàn mới. Bắc Kinh đã
tận dụng được những điều kiện thuận lợi nào để làm việc này ?
Hai ngày trước cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông
19/12/2021, hoàn toàn bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát, Viện Pháp về nghiên
cứu Đông Á (IFRAE), phối hợp với trang mạng chuyên về thời sự chính trị châu Á
Asialyst có cuộc thảo luận về chủ đề này. Cuộc thảo luận - được giới thiệu trên
trang mạng Pháp ngữ của Asialyst, với tiêu đề « Bầu cử Hồng Kông:
Điếm kết cho bước chuyển sang chế độ độc tài trước sự bất lực quốc tế »
- đưa ra một số nhận định đáng chú ý.
Thỏa thuận Anh –
Trung không có giá trị ràng buộc
Về bối cảnh thuận lợi chung, nhà nghiên cứu
Guibourg Delamotte (INALCO), chuyên gia về các quan hệ quốc tế ở châu Á, nhấn mạnh
đến những « giới hạn của luật pháp quốc tế ». Mặc dù, Anh và
Trung Quốc đã có một thỏa thuận về Hồng Kông, để ngỏ khả năng đặc khu này được
hưởng quy chế bán tự trị trong 50 năm, nhưng « trong bản tuyên bố chung
được đệ nạp lên Liên Hiệp Quốc này không hề có thể thức phân xử »
trong trường hợp bất đồng giữa hai bên, và hoàn toàn « dựa vào thiện
chí của hai bên ký kết ». Hơn nữa, việc Trung Quốc là một thành viên
thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có quyền phủ quyết, khiến mọi
nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Hồng Kông sẽ bị ngăn chặn.
Anh, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu có đưa ra một
số biện pháp trừng phạt. Luân Đôn và Washington thiết lập lệnh cấm bán các
trang thiết bị mà cảnh sát Hồng Kông có thể sử dụng để chống người biểu tình.
Hoa Kỳ áp dụng một số biện pháp trừng phạt thương mại. Mỹ, Anh, Canada và Liên
Âu ban hành nhiều biện pháp tạo điều kiện tiếp nhận người Hồng Kông phải tị nạn
vì tình hình xấu đi tại đặc khu. Cuối năm 2020, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu cho
biết Liên Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt một số cá nhân và cơ sở liên
quan đến khủng hoảng Hồng Kông.
« Chiến tranh
thương mại » Mỹ - Trung thúc đẩy Bắc Kinh thâu tóm Hồng Kông
Về các bối cảnh thuận lợi giúp Trung Quốc có
được cơ hội, nhà Trung Quốc học Chloé Froissaert, đặc biệt nhấn mạnh đến hai yếu
tố. Thứ nhất là chính quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc tự tin vào thực lực
kinh tế đã lớn mạnh, đủ cho phép Bắc Kinh không còn cần đến Hồng Kông như một
điểm kết nối giữa nền kinh tế Hoa lục dưới sự điều hành của chính quyền cộng sản
với nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Hồng Kông giờ đã trở thành một bộ phận của
khu vực Vịnh Lớn « Greater Bay Area » (ngoài Hồng Kông, còn có
tỉnh Quảng Đông và Macao).
Điểm quan trọng thứ hai là việc Bắc Kinh quyết
định nhanh chóng thâu tóm hoàn toàn Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh Trung – Mỹ
rơi vào thế đối đầu, đặc biệt với cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, bùng
lên dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo nhà Trung Quốc học Chloé
Froissaert, Trung Quốc buộc phải « kiểm soát trở lại Hồng Kông »
để có thêm phương tiện khẳng định độc lập về thương mại với Hoa Kỳ.
Nhà Trung Quốc học Chloé Froissart ghi nhận
hai giai đoạn trong chiến thuật của chính quyền Donald Trump với Hồng Kông. Đỉnh
điểm của giai đoạn thứ nhất là việc chính quyền Trump ban hành luật ủng hộ cuộc
tranh đấu dân chủ của người Hồng Kông (Hong-Kong Human Rights and Democracy
Act), tháng 11/2019. Việc chính quyền Trump quyết định bãi bỏ quy chế
đặc biệt cho Hồng Kông (quyết định được đưa ra vào tháng 5/2020, tức một tháng
trước khi Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia mới) đánh dấu giai đoạn
thứ hai. Từ chiến thuật ủng hộ dân chủ, quyết định từ bỏ quy chế đặc biệt dành
cho đặc khu cho thấy chính quyền Trump đã chấp nhận thất bại trong chiến dịch bảo
vệ chế độ bán dân chủ Hồng Kông.
Dân chủ thắng lớn
trong bầu cử địa phương 2019: Phe thân Bắc Kinh lo đại bại
Phong trào dân chủ bắt rễ sâu trong xã hội Hồng
Kông, một đạo luật không đủ để bịt miệng hoàn toàn đối lập. Sau khi ban hành Luật
An ninh Quốc gia mới, chính quyền Bắc Kinh song song tiến hành hai việc. Một là
cải cách hệ thống bầu cử để gạt bỏ triệt để cơ hội tham gia của phe dân chủ và
thứ hai là triệt hạ hoàn toàn đối lập chính trị tại Hồng Kông.
Quan sát trước hết của nhiều nhà nghiên cứu là
việc chính quyền Trung Quốc cải cách hệ thống bầu cử để loại bỏ đối lập một phần
căn bản là do Bắc Kinh lo ngại phong trào dân chủ, vốn dành được sự ủng hộ của
đa số dân chúng Hồng Kông, sẽ tiếp tục gây khó khăn cho chính quyền thân Bắc
Kinh qua các cuộc bầu cử, bất chấp các đàn áp và Luật An ninh Quốc gia. Trong
cuộc bầu cử địa phương tháng 11/2019, phong trào dân chủ đã giành được 344 trên
452 ghế (chiếm hơn 76% số ghế). Phe thân Bắc Kinh chỉ dành được 58 ghế (gần
13%). Cuối năm 2019, 600.000 người Hồng Kông tham gia vào các cuộc bầu cử
sơ bộ do phong trào dân chủ tổ chức. Đa số thân Bắc Kinh kiểm soát Nghị Viện đứng
trước nguy cơ đại bại.
Cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông cuối 2020 đã bị
hoãn lại một năm, với lý do chính thức là dịch bệnh. Trong thời gian đó, chính
quyền tiến hành cải cách hệ thống bầu cử. Kể từ giờ, chỉ những người được coi
là « yêu nước », trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc, mới
được phép ứng cử vào Nghị Viện Hồng Kông. Số ghế do cử tri bầu trực tiếp cũng bị
cắt giảm từ 35 trên tổng số 70 ghế xuống còn 20 trên 90 ghế. Ngoài 30 ghế do
đơn vị bầu cử của các ngành nghề bầu ra, 40 ghế còn lại do sự chỉ định của một ủy
ban do lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga lập ra.
Phạt tù, đe dọa…:
Các thủ đoạn triệt hạ đối lập
Siết chặt bầu cử cùng lúc với triệt hạ hoàn
toàn các đảng phái đối lập là sách lược của chính quyền Hồng Kông. Tháng Giêng
năm nay, chính quyền Hồng Kông mở đợt trấn áp, ít nhất 55 dân biểu, chính trị
gia đối lập nổi tiếng đã bị bắt, 47 người bị kết tội lật đổ, theo Luật An ninh
mới.
Đàn áp trực tiếp bằng luật cùng với gia tăng
tuyên truyền đe dọa để gây áp lực. Đầu tháng 10/2021, ông Joe Wong Nai-yuen, chủ
tịch Liên hiệp các nghiệp đoàn công nhân (Confederation of Trade Union -
HKCTU), nghiệp đoàn đối lập quan trọng nhất của giới lao động tại Hồng Kông, đã
phải tuyên bố giải thể nghiệp đoàn này. Tổng cộng trong năm 2021 sắp qua, hơn
50 nhóm tranh đấu, nghiệp đoàn, đảng phái chính trị đã phải giải tán. Việc
chính quyền Hồng Kông bắt tỉ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh), ông chủ báo Apple
Daily, tờ báo độc lập nổi tiếng tại Hồng Kông, kết án ông 20 năm tù, cũng tạo một
áp lực rất lớn khác với giới tranh đấu. Apple Daily phải đình bản tháng
6/2021.
Nhiều nhà quan sát cho biết, trong thời gian tới,
những nhà tranh đấu còn trụ lại Hồng Kông sẽ phải đối mặt với một thủ đoạn mới của
chính quyền Hồng Kông. Chính quyền đặc khu dự định ra thêm một bộ luật mới, trừng
phạt các hoạt động bị coi là « gián điệp ». Năm 2003, một điều
luật tương tự đã từng được đưa nhưng rút cục bị hủy bỏ do bị phản đối mạnh. Lần
này, nếu luật ra, đường phố Hồng Kông ắt hẳn sẽ hoàn toàn im tiếng.
--------
Ghi chú
1/ « Luật an ninh quốc gia Hồng Kông:
Công cụ đe dọa những ai chống Bắc Kinh », RFI, 21/07/2020.
2/ « Élections à Hong Kong:
comment Pékin a détruit le système politique local », RFI, ngày 18/12/2021.
3/ « Bầu cử Hồng Kông: Điểm kết
cho bước chuyển sang chế độ độc tài, trong bối cảnh quốc tế bất lực », Asialyst, ngày 17/12/2021.
No comments:
Post a Comment