Vac-xin
và chiến lược duy trì ảnh hưởng của Nhật Bản với Việt Nam
Thu
Hằng -
RFI
Đăng ngày: 05/07/2021 - 13:06
Đến đầu tháng 07/2021, Tokyo tặng Việt Nam 2 triệu
liều vac-xin AstraZeneca được sản xuất tại Nhật Bản : 1 triệu liều đầu tiên được
giao ngày 16/06 và 1 triệu liều tiếp theo được giao thành hai đợt, vào ngày 01
và 08/07. Món quà này có ý nghĩa rất lớn, “góp phần giúp Việt Nam
ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Việt Nam”, theo bộ Y Tế ngày
29/06, trong bối cảnh Việt Nam đang đôn đáo tìm mọi nguồn cung ứng vac-xin.
Ảnh tư liệu : Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) tiếp đón đồng nhiệm Nhật Yoshihide Suga (T)
tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 19/10/2020. AP - Minh Hoang
Phải nói rằng số 2 triệu liều được Tokyo viện
trợ cho Hà Nội, chiếm gần một nửa số vac-xin mà Việt Nam nhận được từ mọi nguồn
(kể cả chương trình COVAX), sắp tới là 5,3 triệu liều, trong đó 4,3 triệu liều đã
nhận được đến ngày 29/06. Việt Nam là một trong những nước trong khu vực
(Đài Loan, Indonesia, nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương…) được Nhật Bản viện trợ
vac-xin trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng “ngoại giao
vac-xin” trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tặng vac-xin ngừa Covid-19 cho Hà Nội cũng nằm
trong chiến lược duy trì ảnh hưởng của Tokyo. Việt Nam là đối tác thương mại lớn
thứ 12 của Nhật Bản, được thủ tướng Yoshihide Suga đánh giá “là đối tác
quý báu”. Đối với Tokyo, Việt Nam “đóng vai trò quan trọng để thực
hiện “Tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do” của Nhật Bản nhằm
làm đối trọng với tham vọng mở rộng ảnh hưởng và quảng bá mô hình Trung Hoa của
Bắc Kinh.
Điều này được thể hiện rất rõ qua chuyến công
du nước ngoài đầu tiên vào tháng 10/2020 của ông Yoshihide Suga trong cương vị
thủ tướng, kế nhiệm ông Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Ông Suga cũng là
nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Hà Nội đón tiếp kể từ khi đóng cửa chống
dịch Covid-19. Báo The Diplopmat ngày 11/09/2020 từng nhận định “dù người
kế nhiệm ông Shinzo Abe là ai, hai nước có rất nhiều lý do để mở rộng và thắt
chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực”.
Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử ngày
03/07/2021, nhà nghiên cứu N. T., chuyên về chính sách đối ngoại của Việt
Nam, phân tích một số lĩnh vực được Nhật Bản và Việt Nam tăng cường hợp tác
trong thời gian gần đây.
*****
RFI : Để giúp Việt Nam chống dịch
Covid-19, Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam hai triệu liều vac-xin ngừa Covid-19,
cũng như cho một số nước khác trong khu vực. Đây có phải là chiến lược đối trọng
của Tokyo trước việc Bắc Kinh liên tục tặng và bán vac-xin Trung Quốc cho các
nước trong vùng ?
Nhà nghiên cứu N. T. : Bản thân tôi cho rằng việc Nhật Bản gần đây gửi tặng hàng triệu
liều vac-xin AstraZeneca cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam,
không hoàn toàn là nhằm đối trọng với “ngoại giao vac-xin” của
Trung Quốc, do nhu cầu vac-xin của khu vực Đông Nam Á là rất lớn và một quốc gia
không thể một mình cung ứng. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của
mình tại khu vực Đông Nam Á, nhất là tại các quốc gia mà Tokyo có quan hệ chiến
lược như Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Ngoài ra, Nhật Bản có lẽ cũng nhận thấy rằng
dù Trung Quốc đã tặng và bán hàng trăm triệu liều vac-xin cho khu vực, nhưng
các quốc gia Đông Nam Á không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vac-xin của Trung
Quốc mà muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp. Do đó, việc Nhật Bản cung cấp
vac-xin đem lại cho các quốc gia Đông Nam Á thêm lựa chọn, qua đó tăng cường ảnh
hưởng của Nhật Bản và giảm bớt phần nào ảnh hưởng mà Trung Quốc có được qua hoạt
động ngoại giao vac-xin. Ngoài ra, Nhật Bản tặng trực tiếp số vac-xin này thay
vì thông qua Quỹ COVAX, có lẽ vì muốn đảm bảo số vac-xin đến được các nước mà
Nhật Bản muốn thắt chặt quan hệ.
*
RFI : Sau khi nhậm chức, thủ tướng Yoshihide Suga
đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến thăm Việt Nam, sau đó là Indonesia. Việt
Nam đóng vai trò như thế nào trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhật Bản
?
N. T. : Tầm
nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản gồm 3 trụ cột : (1) Thúc đẩy pháp
trị, tự do hàng hải, thương mại tự do ; (2) Thúc đẩy phát triển kinh tế thông
qua xây dựng cơ sở hạ tầng và củng cố quan hệ kinh tế và (3) Thúc đẩy hòa bình
và ổn định thông qua tăng cường năng lực cho các quốc gia (an ninh hàng hải,
phát triển nhân lực). Việt Nam có lợi ích và hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản
trong cả 3 trụ cột trên.
Hai nước đều phải đối mặt với một Trung Quốc
quyết đoán hơn trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nên đều
ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên quy tắc, tự do hàng hải và hàng không, giải
quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về
Luật biển 1982 (UNCLOS). Hợp tác kinh tế song phương sẽ còn được thúc đẩy hơn nữa
khi Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của hai hiệp định kinh tế lớn trong
khu vực là CPTPP và RCEP, và Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện cơ sở
hạ tầng.
Và trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán
hơn, Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải,
như xây dựng năng lực nhận thức biển (maritime domain awareness) và thực thi
pháp luật trên biển. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm chuyển giao tàu
tuần tra, diễn tập chung, huấn luyện và đào tạo là vì mục tiêu này. Nhật Bản hiểu
rằng một khi Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông, nước này sẽ dồn lực gây sức
ép với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Do đó, những năm gần đây Nhật Bản tăng cường
hợp tác an ninh hàng hải với các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển
Đông, nhằm giúp các nước này xây dựng năng lực đối phó với sức ép từ Trung Quốc.
*
RFI : Nhật Bản đã tạo được uy tín tại
Việt Nam về hợp tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng có tranh chấp
với Trung Quốc về biển đảo. Liệu đây có thể là cơ sở giúp Tokyo và Hà Nội tạo
niềm tin và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, trước một Trung Quốc
không ngừng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực ?
N. T. : Theo
tôi, hợp tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn toàn là cơ sở tốt để hai nước
thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Trong các năm gần đây, Nhật Bản
luôn nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhiều doanh
nghiệp Nhật Bản không chỉ đặt chuỗi cung ứng tại Việt Nam mà còn thâm nhập vào
thị trường tiêu dùng. Nhật Bản cũng là nhà cung cấp vốn ODA hàng đầu cho nhiều
lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, quản trị nhà nước, cải
cách pháp luật… Do đó, chính phủ Việt Nam có sự tin cậy chính trị rất cao đối với
Nhật Bản. Niềm tin chính trị cao sẽ giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng
Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao tàu tuần
tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời mời chào Việt Nam mua máy
bay tuần tra trên biển của Nhật Bản. Mặt khác, hai nước còn hợp tác trong huấn
luyện và đào tạo, an ninh phi truyền thống, đối thoại chính sách. Trong chuyến
thăm Hà Nội mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Suga, hai nước đã nhất trí về một thỏa
thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt
Nam. Đây là bước tiến lớn để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc
phòng.
Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại nhất định. Bất
chấp những thay đổi gần đây về chính sách đối ngoại dưới thời cựu thủ tướng
Shinzo Abe, Nhật Bản nhìn chung vẫn bị ràng buộc bởi bản Hiến Pháp hòa bình của
nước này, nên hợp tác quốc phòng Nhật-Việt hiện nay vẫn sẽ chỉ dừng ở các lĩnh
vực ít gây tranh cãi như an ninh phi truyền thống, đào tạo huấn luyện, tìm kiếm
cứu nạn. Trong chuyển giao, mua bán thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, Nhật Bản
sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Nga và Ấn Độ, vốn là những đối tác quốc
phòng lâu đời của Việt Nam và thiết bị của các nước này thường có giá thành dễ
chịu hơn so với thiết bị của Nhật Bản.
*
RFI : Đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước
phải đổi chính sách, đa dạng hóa các đối tác và nguồn cung cấp. Có thể coi đây
là cơ hội để Việt Nam và Nhật Bản thắt chặt hợp tác để tránh phụ thuộc vào
Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế ?
N. T. : Việt
Nam đã có chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại từ trước
và Nhật Bản là một trong các đối tác Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ. Hai
nước cũng đều muốn giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do nhận thấy những
rủi ro từ sự phụ thuộc đó đối với an ninh quốc gia và trong tranh chấp lãnh thổ
với Trung Quốc. Bản thân Nhật Bản cũng từng là nạn nhân của hành vi cưỡng ép
kinh tế của Trung Quốc hồi năm 2010, khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm,
một nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế tạo công nghệ cao của Nhật Bản,
sau khi quan hệ song phương trở nên xấu đi liên quan tới tranh chấp quần đảo
Senkaku.
Tôi cho rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác
hơn nữa sau đại dịch trên một loạt lĩnh vực. Ngoài các lĩnh vực nổi bật như xây
dựng cơ sở hạ tầng, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác để đưa Việt Nam trở thành
một trung tâm chế tạo tại khu vực Đông Nam Á. Bản thân Nhật Bản cũng có chủ
trương khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng
về Nhật hoặc sang các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam là điểm đến được
lựa chọn nhiều nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để hai nước giảm hoàn
toàn phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhất là trong chuỗi cung ứng, vì nước
này vẫn sở hữu một số lợi thế lớn như nhân công tay nghề cao, cơ sở hạ tầng tốt,
nhà cung ứng đa dạng và thị trường tiêu dùng lớn. Ngoài ra, quy mô sản xuất tại
Việt Nam còn quá nhỏ so với Trung Quốc, trình độ lao động còn chưa cao và cơ sở
hạ tầng còn kém.
*
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu N. T., chuyên về chính sách đối
ngoại của Việt Nam.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Covid:
Nhật tặng Việt Nam vac-xin, Hà Nội công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốc
Việt
Nam, Nhật Bản đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ quốc phòng
Tại
Việt Nam, thủ tướng Nhật lên án « các hoạt động bất hợp pháp » ở Biển Đông
No comments:
Post a Comment