Friday, July 9, 2021

THÚ CƯNG THỜI ĐẠI DỊCH (Trần Kung)




 

Thú cưng trong đại dịch    -

Trần Kung (*)

Thứ bảy, 12/6/2021 | 18:00 GMT+7

https://doanhnhansaigon.vn/xa-hoi/thu-cung-trong-dai-dich-1105116.html

 

Ở các thành phố những nước phát triển Âu, Mỹ, gia đình ngày càng bị xé nhỏ bởi công việc mỗi người một nơi. Do vậy quan hệ giữa người với người ngày càng khép kín, xa cách; nhịp sống hằng ngày đơn điệu với việc làm, ngủ nghỉ... để rồi chẳng mấy chốc đến tuổi về hưu. 

 

Hai vợ chồng già sống với nhau thanh bạch nhưng đôi khi cũng tẻ nhạt. Xem tivi suốt ngày khiến đầu óc mụ mị. Du lịch được vài năm rồi cũng chán, nhà cửa lại thiếu người trông nom. Cuộc sống ở tuổi về hưu vốn đã buồn chán, sau khi người từng đầu ấp tay gối suốt mấy chục năm bỗng “rời xa nhân thế” thì nỗi cô đơn thật là ai oán. Nhất là vào thời buổi đại dịch Covid-19 toàn cầu, trước lệnh cách ly, giãn cách thì lại càng buồn bã đến có thể tự quyên sinh được. 

 

Cho nên không gì bằng nuôi một thú cưng. Đối với những người góa bụa sống thui thủi một mình thì không gì hay bằng có một chú mèo mun, vàng, trắng hay tam thể, ngày ngày meo meo quấn quýt bên mẹ hoặc nằm gọn trong lòng bà để được vuốt ve, mơn trớn. Nuôi một chú chó thì có cái lợi khác, vì chó mỗi ngày có nhu cầu phải ra ngoài vài lần cả sáng lẫn tối, bất kể nắng mưa hay Xuân Hạ Thu Đông. Thành ra, còn gì tốt hơn cho sức khỏe bằng việc dắt chó đi dạo đều đặn mỗi ngày, vừa hít thở khí trời tươi mát trong công viên, vừa ngắm cảnh đẹp dọc bờ sông, khe suối, thư giãn như thiền hành. Do đó, việc nuôi thú cưng giúp cho người già, trẻ em được thêm niềm vui, tinh thần thư thái, cơ thể dẻo dai, bớt béo phì, cao máu cao mỡ...

 

Hình : https://i.doanhnhansaigon.vn/2021/06/10/thu-cung-1303-1623311573.jpg

 

Tuy nhiên việc nuôi thú trong nhà cũng chẳng dễ dàng ở nước Đức với bao luật lệ ràng buộc. Muốn mua chó thì phải đến các trại nuôi chó hoặc trại bảo vệ súc vật, nơi nuôi giữ chó bị chủ “sa thải” vì một lý do nào đó hoặc bị chủ bỏ rơi. Chó chuộc từ những nơi này có giá từ 100-350 euro tùy loại và lứa tuổi. Riêng chó thuần giống thì phải mua ở trại nuôi chó giống chuyên nghiệp, giá có thể lên đến 2.000-3.000 euro. Dù chó mua hay chuộc cũng phải có giấy tờ ghi đầy đủ “lý lịch” tựa như giấy khai sinh của người. ]

 

Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra hồi cuối năm 2020 cho đến nay, do phải giãn cách xã hội, nhu cầu nuôi thú cưng tăng vọt dẫn đến tình trạng “cháy hàng”. Giá một chú chó con thuần giống ba tháng tuổi tăng từ 1.000 euro lên gần 3.000 euro, mà cũng không đủ để mua. Do đó xảy ra tình trạng buôn lậu chó con từ Đông Âu, với giá khoảng 100 euro, không giấy tờ lý lịch, không hộ chiếu chích ngừa, chở qua Đức có mối lái sẵn sàng mua với giá gấp 5, gấp 10. Vài năm trước, lính biên phòng có nhiệm vụ ngăn chặn người vượt biên trái phép vào Đức. Năm nay đến phiên hải quan phải ngày đêm canh cửa khẩu, truy tầm bọn buôn lậu chó con!

 

Mua được chó có giấy tờ xác nhận nguồn gốc xong, còn phải giải quyết nhiều thủ tục như khai báo địa chỉ chủ nuôi, chích ngừa, đăng ký “hộ khẩu” để nhận “thẻ bài cá nhân” buộc vào cổ. Chưa hết, phải đăng ký đóng thuế chó, mua bảo hiểm sức khỏe và quan trọng nhất là tìm trường học cho chó theo đúng phương châm “không thầy đố mày làm nên”.

 

Trường có nhiều khóa sơ, trung hay cao cấp, mỗi khóa một tuần 5 buổi, giá mỗi buổi từ 30-50 euro. Các siêu thị cung cấp thực phẩm, thiết bị, đồ chơi cho thú cưng ở Đức có mặt ở khắp các thành phố lớn nhỏ và có doanh thu khoảng 11 tỷ euro (khoảng 0,32 % GDP của Đức). Chuyện chó đi học là rất cần thiết để chủ hiểu thêm về chó và chó biết nghe mệnh lệnh để vào nề nếp kiểu như “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.

 

Nói chung, nuôi chó khá là nhiêu khê và tốn kém, ấy là chưa kể khi chó bị bệnh nặng phải đến bệnh viện thú y. Nhưng bù lại, chó và thú nuôi trong nhà mang lại tình cảm thân thiết, chia sẻ nỗi cô đơn cho người già, hoặc niềm vui cho trẻ em con một. 

 

Đặc biệt trong dịch Covid-19 hiện nay, cũng nhờ dẫn chó đi dạo nên mới được phép ra đường bất cứ lúc nào, kể cả trong giờ giới nghiêm, trong khi đi dạo với vợ hay người yêu thì lại bị... cấm. Thế mới biết  nước Đức trọng thị chú khuyển đến cỡ nào!

 

(*) Từ Friedrich Engels City - DE

 

 


No comments: