Monday, July 12, 2021

THỔ NHĨ KỲ và TẦM NHÌN HƯỚNG ĐÔNG TẠI AFGHANISTAN (Minh Anh - RFI)

 


Thổ Nhĩ Kỳ và tầm nhìn hướng Đông tại Afghanistan

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 12/07/2021 - 15:05

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210712-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-v%C3%A0-t%E1%BA%A....BA%A1i-afghanistan

 

Ngày 09/07/2021, trả lời giới báo chí, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara và Washington đã thống nhất về những « phương thức » liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ thay chân Mỹ bảo đảm an ninh sân bay Kabul. Giới quan sát cho rằng, sự hiện diện quân sự này tại Afghanistan sẽ cho phép Ankara sưởi ấm lại quan hệ với Washington, đồng thời mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng sang phía đông, cụ thể là vùng Trung Á. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/8ea8dfbe-e30e-11eb-a2df-005056a90284/w:980/p:16x9/Panturquisme.webp

Bản đồ các vùng có nhiều người nói các ngôn ngữ Thổ. Tư tưởng "panturkism" cổ vũ cho ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa, về một nhà nước chung cho tất cả các sắc tộc nói tiếng Thổ, © Wikipedia

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/06/2021, trước khi lên đường đến Bruxelles dự thượng đỉnh NATO, từng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là « quốc gia đáng tin cậy duy nhất » có thể bảo đảm an ninh cho sân bay Kabul, lối thoát duy nhất cho các nhà ngoại giao và nhân viên các tổ chức nhân đạo. Và đề xuất này đã được tổng thống Mỹ nhanh chóng chấp thuận trong một cuộc trao đổi bên lề thượng đỉnh NATO ngày 15/06/2021, tại Bruxelles.  

 

Với sự hỗ trợ về tài chính của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ kể từ giờ được xem như là một tác nhân không thể thiếu một khi Mỹ ra đi. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có đội quân viễn chinh lớn nhất hiện nay với sự hiện diện của 500 binh sĩ. Ông Umar Karim, nhà nghiên cứu trường đại học Birmingham, khi trả lời Sputnik, lưu ý, tuy Ankara sắp tới sẽ đóng một vai trò trung tâm tại Afghanistan, duy trì một sự hiện diện quân sự trong khuôn khổ NATO, nhưng « các đạo quân của Thổ sẽ không tham gia vào các trận đánh và vai trò của nước này sẽ chỉ hạn chế ở việc bảo đảm an ninh sân bay Kabul ». 

 

Đương nhiên, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ không làm cho phe Taliban hài lòng, lên tiếng cảnh cáo quân đội Thổ có nguy cơ bị xem như là một lực lượng chiếm đóng nếu như Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quân đội ở Afghanistan. 

 

Câu hỏi đặt ra : Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có một đề xuất mạo hiểm như vậy ? Nếu như với Washington và NATO, đây còn là cách để phương Tây duy trì tầm ảnh hưởng với Afghanistan « thông qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ » như nhận định của ông Emil Avdaliani (giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Đông, thuộc tổ chức tư vấn Geocase, có trụ sở tại Gruzia), với tờ L’Orient-Le Jour, thì với Ankara, đề xuất này có thể mang lại nhiều lợi điểm cả trong ngắn hạn và dài hạn cho chiến lược địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.  

 

Thứ nhất, đề xuất bảo đảm an ninh còn là cách để Ankara hâm nóng lại những mối quan hệ căng thẳng với Washington kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng. Tổng thống Erdogan muốn thu hút sự chiếu cố từ Washington, điều thiết yếu để hỗ trợ cho nền kinh tế đất nước đang bị suy thoái, mà « không phải có những nhượng bộ về những vấn đề đang gây căng thẳng giữa Ankara với Washington và NATO, như từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga », theo như phân tích của ông Jenny White, giáo sư Viện đại học Stockholm chuyên nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ. 

 

Thứ hai, với tư cách là quốc gia Hồi Giáo duy nhất trong lòng khối NATO, chính quyền Ankara có thể duy trì được những mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ và nhân dân Afghanistan. Trong dài hạn và nhìn trên bình diện địa chiến lược, khi dựa vào những mối quan hệ văn hóa và lịch sử lâu đời giữa Ankara với các nước Trung Á và vùng nam Kavkaz, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng trong khu vực, theo đường hướng của hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa về một nhà nước chung cho tất cả các sắc dân nói tiếng Thổ (panturquisme).  

 

Cuối cùng, theo phân tích của tờ L’Orient-Le Jour, những tham vọng lãnh thổ trên sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận các nguồn năng lượng khí đốt dồi dào của khu vực, như tại Turkmenistan chẳng hạn. Một điều thiết yếu không thể phủ nhận cho Ankara, vốn dĩ phải nhập khẩu hầu như toàn bộ nguồn năng lượng dầu hỏa và khí đốt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

 

Chỉ có điều, trong chiến lược này, Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan vẫn còn phải đối mặt với hai địch thủ đáng gờm khác là Nga và Trung Quốc. Trong cuộc đua này, Matxcơva và Bắc Kinh còn có một công cụ hiệu quả khác : Kinh tế. Trong bối cảnh này, Ankara gia tăng nỗ lực để thiết lập một cơ sở kinh tế và văn hóa trong hợp tác với các nước này. Thế nên, theo giới quan sát, với việc tăng cường quyền lực mềm gia tăng ảnh hưởng bằng cách tài trợ cho các trường học trong khu vực, chính sách nhìn sang phía Đông của Thổ chỉ sẽ gặt hái được những thành quả chính trị trong một tương lai rất xa ! 

 

                                                     ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Quân Mỹ rút khỏi Afghanistan: Biden vẫn bảo toàn uy tín

.

IRAN - TALIBAN - AFGHANISTAN

Iran tổ chức cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Afghanistan và phe Taliban

.

HOA KỲ - AFGHANISTAN

Thượng đỉnh Mỹ - Afghanistan trước nguy cơ quân Taliban quay trở lại nắm quyền

 

 

 


No comments: