Thursday, July 8, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/07/2021 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/07/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

08/07/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/07/08/the-gioi-hom-nay-08-07-2021/

 

Các nhà lãnh đạo thế giới đồng loạt tố cáo vụ ám sát tổng thống Haiti Jovenel Moïse. Tổng thống Joe Biden gọi vụ giết người là “ghê tởm”, và cho biết Mỹ luôn “sẵn sàng hỗ trợ” đảm bảo an toàn và an ninh cho quốc gia vùng Caribe này. Các nhà lãnh đạo Colombia và Anh cũng đưa ra quan điểm tương tự. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thì kêu gọi người Haiti “giữ gìn trật tự hiến pháp” trước “hành động ghê tởm”.

 

Donald Trump đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Facebook, Twitter, YouTube và các CEO của họ với cáo buộc kiểm duyệt. Cựu tổng thống Mỹ tuyên bố các công ty này là “tác nhân của nhà nước” và do đó phải bị ràng buộc bởi Tu Chính án thứ Nhất, cấm chính phủ can thiệp tự do ngôn luận. Các vụ kiện cũng yêu cầu tòa án bãi bỏ Mục 230 của Đạo luật Khuôn phép Thông tin, theo đó các nền tảng không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng.

 

Sau khi niêm yết trực tiếp trên Sàn Giao dịch Chứng khoán London (LSE), Wise (trước đây là TransferWise) được định giá 8 tỷ bảng Anh (11 tỷ đô la) —một màn chào sân ấn tượng giúp họ trở thành công ty công nghệ giá trị nhất trên LSE. Công ty này cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế giá rẻ, và đã tránh hình thức IPO thông thường. Với vụ niêm yết thành công, các hãng khác có thể sẽ muốn làm theo.

 

Iran nói với một cơ quan giám sát hạt nhân toàn cầu rằng họ đã bắt đầu sản xuất kim loại uranium làm giàu để làm nhiên liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu. Nhưng các nước lo ngại số kim loại này có thể bị dùng làm lõi cho một quả bom hạt nhân. Với hành động trên, Iran đã đi ngược các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015. Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều bày tỏ lo ngại sự việc có thể làm hỏng các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố cuộc cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2014. Động thái này là nhằm khôi phục danh tiếng của ông Modi, vốn bị tổn hại nặng nề vì cách ông xử lý đại dịch covid-19. Trước đó 12 bộ trưởng đã từ chức, bao gồm bộ trưởng y tế Harsh Vardhan.

 

Ever Given, chiếc tàu container bị mắc kẹt trong kênh đào Suez hồi tháng 3, đã được thả sau khi chủ sở hữu và công ty bảo hiểm đạt thỏa thuận với chính phủ Ai Cập. Theo đó, chủ tàu Shoei Kisen Kaisha bồi thường 550 triệu đô la, mặc dù các điều khoản cuối cùng không được công khai. Trước đó con tàu này bị mắc kẹt một tuần ở kênh đào Suez.

 

Sản lượng công nghiệp của Đức giảm 0,3% trong tháng 5, chủ yếu do sản xuất hàng hóa tư liệu như máy móc và phương tiện đi lại giảm. Trong đó thiếu hụt chất bán dẫn đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực ô tô. Song sự thiếu hụt không hẳn là tin xấu cho tất cả mọi người. Samsung Electronics của Hàn Quốc cho biết họ dự kiến ​​lợi nhuận hoạt động quý hai tăng 53% do nhu cầu chip lên cao.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Vụ ám sát tổng thống kéo Haiti chìm sâu hơn vào khủng hoảng

Đất nước Caribe bước vào những ngày bất ổn sau khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát vào đầu giờ hôm qua. Những kẻ đột nhập vào nhà và tấn công ông cùng vợ ở Port-au-Prince có lẽ là lính đánh thuê. Không rõ ai thuê họ – khi mà ông Moïse có khá nhiều kẻ thù. Phe đối lập, những người tuyên bố nhiệm kỳ của ông đáng lẽ đã kết thúc vào tháng 2, cáo buộc ông thiếu năng lực, tham nhũng và tiếp tay cho vấn nạn băng đảng tham gia chính trị ở Haiti. Và dĩ nhiên, có rất nhiều tin đồn về một màn nhúng tay của thế lực nước ngoài.

 

Vụ ám sát sẽ càng gây bất ổn cho một quốc gia vốn đang chìm trong bạo lực, khủng hoảng kinh tế và một vũng lầy chính trị. Trong trường hợp không có tổng thống, thủ tướng Claude Joseph sẽ nắm quyền tạm thời. Sau đó một thủ tướng mới sẽ tuyên thệ nhậm chức và thành lập chính phủ vào cuối tuần. Tuy nhiên số phận của chính phủ mới đó và cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ​​vào tháng 9 tới là không rõ ràng, một tình trạng chung của cả nước.

 

Mâu thuẫn giữa Ả Rập Saudi và UAE chia rẽ OPEC

Tranh cãi giữa các đồng minh đã và đang gây chia rẽ OPEC +. Nhìn chung tất cả đều đồng ý phải tăng sản lượng dầu, vì nhu cầu đã vượt xa cung. Song UAE muốn điều chỉnh lại đường cơ sở vốn dùng để tính toán các mục tiêu sản xuất, sau khi đã chi mạnh tay để tăng công suất. Trong khi đó Ả Rập Saudi (và Nga) muốn giữ khuôn khổ cũ cho đến năm 2023.

 

Căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và UAE, những đồng minh thân cận trên danh nghĩa, đang ngày càng gia tăng. UAE rút lực lượng khỏi Yemen vào năm 2019, khiến Ả Rập Saudi sa lầy vào một cuộc chiến tốn kém. Quan điểm của hai nước đối với Israel, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng khác biệt nhau. Và giờ đây, Ả Rập Saudi muốn thách thức vị thế trung tâm kinh doanh trong khu vực của UAE. Cụ thể, họ đã yêu cầu các công ty nước ngoài hoặc đặt trụ sở khu vực ở Saudi, hoặc mất hợp đồng và bị loại trừ ưu đãi thuế quan cho hàng hóa sản xuất tại các khu vực tự do – một phần quan trọng của nền kinh tế UAE. Cho dù có là đồng minh hay không thì hai nước vẫn cạnh tranh gay gắt.

 

Cổ phiếu Didi rớt mạnh sau khi chào sàn New York

Việc bổ sung cổ phiếu của Didi Global vào các chỉ số toàn cầu của FTSE Russell vào ngày 8 tháng 7 lẽ ra là một tin tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Nhưng thay vào đó, một số người bây giờ có thể lo lắng rằng công ty gọi xe Trung Quốc có thể là một lực cản đối với các chỉ số. Didi đã huy động được 4,4 tỷ đô la tại New York vào ngày 30 tháng 6, nhưng trong vòng vài ngày đã bị cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc điều tra và bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc. Điều đó đã khiến cổ phiếu của công ty giảm khoảng 20% vào ngày 6 tháng 7.

 

FTSE cho biết họ sẽ giữ nguyên kế hoạch ban đầu là bổ sung Didi vào Chỉ số FTSE All-World Index, Chỉ số FTSE vốn hóa lớn toàn cầu, và Chỉ số FTSE mới nổi. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một cảnh báo: nếu cổ phiếu của công ty bị đình chỉ, họ sẽ tạm dừng và theo dõi tình hình. Đây có lẽ không phải là cách người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Didi, Cheng Wei, hình dung về tuần đầu tiên của công ty mình trên thị trường chứng khoán.

 

Khía cạnh chính trị nhạy cảm của các tấm bản đồ 

Các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ rất nhạy cảm về bản đồ. Ukraine đã sử dụng bộ trang phục bóng đá Euro 2020 của mình để đòi lại Crimea do Nga chiếm đóng. Trong tháng này, Việt Nam đã yêu cầu Netflix loại bỏ một bộ phim truyền hình về tình báo của Úc, trong đó có một bản đồ mô tả đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Ấn Độ đặc biệt nhạy cảm. Xuất bản bản đồ mà không tuân thủ chính sách chính thức là bất hợp pháp. Nhưng không phải tất cả các vi phạm đều bị xử lý giống nhau. Những vi phạm gần đây của BBC và WHO chỉ bị khiển trách. Nhưng khi Twitter, một nền tảng truyền thông xã hội và là kẻ thù hiện tại của chính phủ, gọi sai tên các địa điểm hoặc để người dùng chia sẻ các bản đồ “không chính xác”, những sự việc như vậy sẽ bị điều tra như là các hành vi tội phạm.

 

Ngay cả các chính trị gia cũng bị dính đón. Tuần trước, một bản đồ được chia sẻ vào năm 2015 bởi Pushkar Singh Dhami, thủ hiến của bang Uttarakhand, đã xuất hiện trở lại trên mạng. Nó thiếu phần lãnh thổ Kashmir mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra. Có lẽ đó là bởi vì nó hiển thị “Akhand Bharat” (phần đất bao gồm Ấn độ trước khi bị chia tách thành 3 nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh), một hoài niệm dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Độ .

 

 

 

No comments: