Wednesday, July 7, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 07/07/2021 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 07/07/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

07/07/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/07/07/the-gioi-hom-nay-07-07-2021/

 

Cơ quan quản lý internet của Trung Quốc thông báo điều tra các công ty có chủ sở hữu niêm yết ở Mỹ, vài ngày sau khi yêu cầu xóa ứng dụng của hãng gọi xe Didi Chuxing khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc. Cổ phiếu của Didi đã giảm tới 25% trong hôm thứ Ba. Ngoài ra ứng dụng gọi xe tải Full Truck Alliance và công ty tuyển dụng trực tuyến Kanzhun cũng giảm lần lượt 18% và 12%. Cả hai công ty này đều có niêm yết ở Mỹ.

 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tạm thời tránh được nguy cơ bị luận tội. Chủ tịch Hạ viện Arthur Lira cho biết không cần thiết mở cuộc điều tra chống lại ông và cho rằng quá trình này sẽ gây bất ổn nền kinh tế. Hiện các công tố viên đang điều tra ông Bolsonaro về những cáo buộc có sai phạm trong việc mua vắc-xin covid-19. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.

 

Giá dầu ở Mỹ lên mức cao nhất 6 năm qua, tiếp tục đà tăng do OPEC + không thể thống nhất việc tăng sản lượng. Cụ thể, câu lạc bộ các nước xuất khẩu dầu mỏ này và đồng minh của họ đã bế tắc suốt từ hôm thứ Sáu. Giá dầu WTI tương lai tăng lên 76,95 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014, trong khi dầu Brent đạt 77,77 USD/thùng.

 

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rút khỏi một hợp đồng điện toán đám mây gây tranh cãi. Sau khi hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la cho Cơ sở Hạ tầng Phòng thủ Doanh nghiệp Chung, gọi tắt là JEDI, được trao cho Microsoft vào năm 2019, Amazon đã khởi kiện với cáo buộc đối thủ của họ thiếu khả năng kỹ thuật cần thiết. Vì vậy, Lầu Năm Góc quyết định dùng một kiến ​​trúc đám mây khác và cho biết có thể mua công nghệ từ cả hai công ty để xây dựng nó.

 

Năm 2020 là năm đầu tiên kể từ 1976 tỉ suất tử vong của người Anh cao hơn tỉ suất sinh, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia. Đại dịch covid-19 khiến cho số người chết ở nước này cao hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Và tỷ lệ sinh cũng giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2003, nhưng dân số nói chung vẫn tăng nhờ nhập cư.

 

Quốc hội Israel không gia hạn một đạo luật gây tranh cãi cấm người Palestine ở Gaza hoặc Bờ Tây nhập quốc tịch hoặc cư trú ở Israel bằng cách kết hôn với công dân nước này. Đạo luật vốn được đưa ra hồi năm 2003 trong giai đoạn bất ổn đẫm máu của cuộc nổi dậy intifada lần hai của người Palestine. Quốc hội đã bỏ phiếu với tỷ số hòa 59-59, và khiến tân thủ tướng Naftali Bennett, một người theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan phải làm việc với một liên minh đa dạng ý thức hệ, tức giận.

 

Có chín người bao gồm sáu học sinh trung học đã bị bắt ở Hồng Kông vì một âm mưu khủng bố. Cảnh sát cho biết nhóm này định đặt bom tự chế trong các tòa án, đường hầm và trên đường phố. Trưởng đặc khu Carrie Lam thì nói “các hệ tư tưởng” là nguy cơ đối với an ninh quốc gia; bà kêu gọi phụ huynh và giáo viên kiểm soát thanh thiếu niên chặt chẽ hơn.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Mỹ rút đi để lại một Afghanistan tuyệt vọng

Việc quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự lớn nhất của họ ở Afghanistan đã gần như khép lại một chiến dịch quân sự kéo dài hai thập niên qua. Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ ước tính tiến trình rút quân đã hoàn tất khoảng 90%, dù vẫn còn vài tuần nữa mới đến thời hạn. Cuộc rút lui khiến các bên khá bối rối. Ví dụ như cuộc rút quân khỏi sân bay Bagram, một khu phức hợp rộng 30 dặm vuông về phía bắc Kabul từng là trung tâm đầu não quân sự của Mỹ. Vị tướng Afghanistan nhận tiếp quản căn cứ này nói ông chỉ biết người Mỹ rút quân khi đêm xuống. Và điều này giúp những kẻ hôi của xông vào khu trại trước cả quân đội. Đáp lại Lầu Năm Góc phủ nhận việc rút quân lúc nửa đêm.

 

Hơn nữa, lực lượng quân đội Afghanistan mà Mỹ bỏ lại tỏ ra vô cùng mong manh. Họ đánh mất hàng chục quận mà hầu như không bắn nổi phát súng nào, chưa kể hơn 1.000 lính đã tháo chạy sang Tajikistan. Trong cơn tuyệt vọng, chính phủ Afghanistan kêu gọi huy động các lực lượng dân quân, mà thực tế chính là các lãnh chúa cũ. Các lực lượng này có thể níu chân Taliban, nhưng bản thân họ cũng có hồ sơ đáng lo ngại.

 

Các nước Đông Nam Á bị giảm triển vọng tăng trưởng vì covid

Từng có thời điểm đại dịch covid-19 hầu như bỏ qua Đông Nam Á Nhưng không còn nữa. Khu vực này đang phải trải qua làn sóng ca nhiễm thứ ba rất nghiêm trọng, kìm hãm tiến độ phục hồi kinh tế. Vì vậy các nhà kinh tế đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia, Philippines và Thái Lan, ba trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực.

 

Triển vọng du lịch tồi tệ là lý do chính khiến họ kéo giảm dự đoán của Thái Lan. Với tiêm chủng chậm chạp còn giường bệnh bị thiếu hụt, khách du lịch sẽ khó có thể đến đây nghỉ mát. Ngoài ra các hạn chế đại dịch cũng là một lực cản tăng trưởng. Vì nhiều cửa hàng phải đóng cửa, triển vọng của Malaysia trở nên u ám; tương tự là Philippines. Và mặc dù dự báo tăng trưởng được điều chỉnh tăng cho Indonesia, nước này lại đang ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày tăng 500% trong những tuần gần đây.

 

Rủi ro lớn nhất đối với các nền kinh tế Đông Nam Á có thể là việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, từ đó làm tăng giá đồng đô la và khiến các khoản nợ doanh nghiệp bằng đồng đô la trở nên đắt hơn. Do đó dự báo GDP có thể còn giảm nữa.

 

Nhìn lại thành công trong điều trị HIV/AIDS

Phải mất 15 năm kể từ khi bệnh AIDS xuất hiện các nhà khoa học mới tìm ra được các phương pháp điều trị hiệu quả đầu tiên cho căn bệnh này. Kể từ năm 1996 các loại thuốc antiretrovial (kháng virus), với khả năng phòng ngừa triệu chứng vĩnh viễn, đã trở thành tiêu chuẩn chữa bệnh (tuy nhiên vẫn chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn). Kết quả là AIDS dần dần lắng xuống, để từ nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trẻ tuổi trở thành một chứng bệnh có thể kiểm soát được.

 

Ngày nay người ta có thể sống lâu với HIV. Dữ liệu về tỷ lệ tử vong của người Mỹ cho thấy điều đó. Phân tích được công bố tuần này trên tạp chí Annals of Internal Medicine đã so sánh tỉ lệ tử vong trong vòng 5 năm của 83.000 người có chữa trị lâm sàng HIV AIDS với dân số nói chung. Hồi đầu thiên niên kỷ khoảng cách là 11,1% giữa hai nhóm. Kể từ năm 2011 nó giảm xuống chỉ còn 2,7%.

 

Dĩ nhiên cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Và trọng tâm chủ yếu hiện nay là chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nhân hơn. Dù thế nào, cũng thật đáng mừng rằng sự tiến bộ chậm rãi của khoa học đã có thể áp đảo một kẻ thù vô hình.

 

 

 


No comments: