Tuesday, July 20, 2021

THẦY CÔ GIÁO VĂN, XIN HÃY TỈNH LẠI (Thái Hạo)




THẦY CÔ GIÁO VĂN, XIN HÃY TỈNH LẠI  

Thái Hạo

22:06  19/07/2021    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1035326123943242&id=100023975920044

 

Bây giờ tuyệt đa số học sinh không còn thích Truyện Kiều nữa, nếu không muốn nói là thấy nhàm chán, ngớ ngẩn, nhạt nhẽo… Các bạn không tin thì cứ vào các trường phổ thông mà hỏi, 100 học sinh, khó có nổi một em trả lời rằng “thích”. Vì sao thế, vì văn học nhà trường đã trở nên hoàn toàn xa lạ với cuộc sống, nó chỉ còn là chuyện bình tán miên man, học thuộc và thi.

 

Khi bạn nói cái không liên quan gì tới người học, không đụng chạm gì tới thân phận và đời sống của chúng, không gắn gọng gì với cái bối cảnh xã hội mà chúng đang sinh tồn đây thì bạn đã thành người rỗi hơi ngớ ngẩn, bạn thành kẻ ác đầu độc tâm hồn trẻ bằng mớ chữ khô khốc vô hồn vô trí. Tôi sẽ bày cho bạn cách làm cho học trò yêu thích Truyện Kiều. Hãy lấy chất liệu cuộc sống ở thời đại chúng ta để minh họa, để liên hệ, để đánh thức, để khơi dậy…

 

Truyện Kiều kể về cuộc đời một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, thông minh, đa cảm nhưng đã bị một xã hội vô luân vùi dập xuống bùn đen. Kiều phải tự bán mình để lấy tiền cứu cha mẹ, đi làm đĩ để giữ mạng sống, bị trao qua đổi lại như một món đồ chơi trong tay bọn quan lại và lũ “đại gia”. Chuyện ấy có xa lạ gì với xã hội chúng ta đang sống không? Không, tuyệt nhiên không. Ngày xưa chỉ có một Thúy Kiều, ngày nay là hàng ngàn hàng vạn. Thúy Kiều ở khắp nơi, Thúy Kiều kêu khóc trên mọi miền của đất nước chúng ta.

 

Cái xã hội mà Kiều sống, với “Người nách thước kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, với “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh”, với “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” với “Ba trăm lạng việc này mới xong”; cái xã hội ấy thì có khác gì chốn ta đang sống đây, nếu có khác thì chẳng qua thời của Nguyễn chỉ một hai còn bây giờ thì nhan nhản, phủ kín mặt đất này. Có gì không phải mua bán chạy chọt, có gì không phải “trà nước, lót tay”; những nỗi oan khốc cứ từ trời giáng xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu phận người bị vứt ra lề đường…

 

Hãy lấy chính cuộc sống của các em học sinh, cuộc sống của cha mẹ các em, của gia đình các em, xóm giềng các em mà giúp chúng nhìn lại. Quay quắt, bơ phờ, đầu tắt mặt tối, bị móc túi, bị hà hiếp, bị bịt mồm; lo chạy cửa trên cửa dưới, lo đút cửa trong cửa ngoài… Rồi hãy giúp chúng hình dung ra tương lai cuộc đời chúng ở ngày mai khi phải sống trong một xã hội giả trá, hư ngụy, một xã hội vì tiền mà tán tận lương tâm, một xã hội dùng quyền mà hà hiếp đày đọa con người. Đó, đó chính là Truyện Kiều đó. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ chất liệu sinh động để minh họa cho văn học lại giàu có như thời đại chúng ta đang sống đâu, đừng lãng phí nó.

 

Thầy cô giáo phổ thông, xin đừng nói nhảm như kẻ mộng du nữa. Cái thứ văn vẻ ấy nó chỉ là biểu hiện của kẻ mất trí, của phường ngẩn ngơ ấm đầu.

 

Mọi tác phẩm đều có thể bắt đầu và đi tới như thế, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ trung đại đến hiện đại, từ văn học cách mạng đến văn học đương đại. Hãy đưa văn học trở lại với cuộc sống, đừng tiếp tục “tâm hồn treo ngược cành cây” nữa. Thiên hạ khinh giáo viên văn chúng ta cũng bởi cái diêm dúa, chập mạch, mơ mơ màng màng rất dở người ấy.

 

Thái Hạo

 

175 BÌNH LUẬN

 

 

 


No comments: