Nhật
ký phong thành (số 10): Chuyện mùa hè
https://nhacsituankhanh.com/2021/07/19/nhat-ky-phong-thanh-so-10-chuyen-mua-he/
Mùa hè năm nay ở Việt Nam có vẻ ít mưa. Trời hầm
hập nóng từ trưa. Nóng đến chiều, thậm chí đến hết nắng mới có được chút không
khí dịu mát. Nghĩ đến không biết bao nhiêu con người mặc những bộ PPE bảo hộ
lúc làm việc chống dịch mà sợ. Chỉ nóng và mất nước thôi cũng đủ xỉu. Các bạn cứ
tưởng tượng ở thời tiết nóng trung bình 35-38 độ C ở Sài Gòn, mà phải mặc suốt
một cái áo mưa bịt kín như vậy suốt 8-10 tiếng, thì hiểu.
Bà cụ sống trong con hẻm bên cạnh, căn nhà nhỏ
và thấp. Chiều nào cụ cũng bước ra đứng ở đầu hẻm đón gió. Ông dân phòng mặc bộ
đồ màu cứt ngựa đi ngang, phất phất tay “Thôi vô nhà đi, đứng ngoài đây nguy hiểm
lắm’. Bà cụ lắc đầu, nheo nheo mắt, “Đứng chút đã. Ở trong nhà ngộp cũng chết
mà”.
Nóng nực quá, rồi chuyện dịch bệnh tràn vào
các khu trại giam ở Chí Hòa, đã nên hồi ngày 6-7 đã xảy ra vụ hàng trăm tù nhân
ở đó nổi loạn. Trong đêm đó, tiếng súng nổ liên hồi. Anh L., một người sống gần
khu trại giam Chí Hòa kể là lần đầu tiên anh thấy tiếng reo hò của phạm nhân,
tiếng súng, tiếng quát tháo của cán bộ trại… kéo dài, bày ra một khung cảnh
chưa bao giờ có. “Lần đầu tiên mới thấy, đó, lâu nay, nhiều nhất là nghe còi hụ
thôi, chứ lớn như vậy thì chưa bao giờ”, anh L. kể.
Báo
chí cho biết có đến 81 phạm nhân, cán bộ trại, công nhân viên phục vụ trại… bị
nhiễm covid-19. Nhưng đỉnh điểm là tối 6-7, tin về một thanh niên 26 tuổi bị
giam ở đây đã chết, khi đang dương tính với covid-19 lan ra trong trại, khiến sự
kích động làm bùng nổ sự kiện.
Dù đưa tin dè chừng và nhỏ giọt, nhưng rồi ai
cũng biết là trại xa hơn như Bố Lá cũng đã có covid lây nhiễm trong đó. Còn xa
hơn nữa thì không ai biết. Các trại giam bao giờ tin tức cũng kín như bưng.
Chiều 18-7, người dân Sài Gòn nhìn thấy hàng
chục xe thùng, chuyển các phạm nhân ở Chí Hòa đến nơi khác. Nghe nói là đến trại
giam ở Củ Chi, nơi cái nóng đến điên người.
Sài Gòn đã vậy, còn ở những nơi khác như Nghệ
An, nơi có trại giam số 6 lừng danh khắc nghiệt, tù nhân sẽ trải qua những ngày
nóng như tra tấn, cùng chuyện an toàn trước dịch bệnh như thế nào?
Chị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh
Đức, người bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế,
nói chị cũng nghĩ đến điều đó, nhưng cũng không biết có tin gì, cũng không biết
làm sao. Trại giam lấy lý do là dịch bệnh, nên không gia đình tù nhân nào được
đi thăm, mà chỉ gửi đồ qua bưu điện. “Mỗi tháng được 10 phút gọi điện thoại về,
nói không được bao nhiêu thì hết giờ. Thăm hỏi, dặn dò… không sao đủ được. Mà hầu
hết người nhà không ai dám hỏi những gì sâu hơn, vì bất cứ khi nào cũng có thể
bị công an trực đang nghe, cúp máy ngang khi họ không đồng ý”, chị Kim Thanh
nói.
Chắc cũng không nhiều người còn nhớ. Hồi tháng
7-2019, đã có một cuộc tuyệt thực của 4 người là Trương Minh Đức, Nguyễn Văn
Túc, Đào Quang Thực và Trần Phi Dũng, để phản đối việc trại giam đột nhiên cắt
điện và tháo quạt trong phòng giam. Trời nóng hừng hực, chỉ ngừng quạt một chút
thôi đã không thể chịu nổi, nhưng cán bộ trại vì lý do gì đó, lẳng lặng mang quạt
đi, lấy cớ là hư.
Khi mọi người trong phòng đề nghị cùng chung
tiền mua quạt mới, và thậm chí là trả tiền điện trong phòng, cán bộ cũng từ chối.
Những người lớn tuổi và sức khỏe yếu như thầy Đào Quang Thực và ông Nguyễn Văn
Túc thì gần như rũ liệt trước tình hình này. Chuyện xảy ra hồi tháng 7, đến
tháng 12-2019, thầy Đào Quang Thực chết trong trại.
Chắc cũng phải nói thêm một chút, về cái nóng ở
Nghệ An. Sài gòn có nóng, thì cũng chỉ là tắm hơi giải trí. Còn ở vùng đó, đặc
biệt ở trại giam thì thật sự là lò nướng. Dân làm ruộng ở Nghệ An phải đi ra đồng
từ 2-3g sáng để làm việc và đến 9g thì về nhà nghỉ, chứ không ai chịu nổi cái
nóng.
Hoàng Đức Bình, người
bị tù 14 năm về việc đưa tin dân Nghệ An đi kiện Formosa, kể chuyện anh ở trại
tạm giam của công an ở đây, cho biết, thời tiết nóng đến mức tạt nước vào tường,
nước như muốn sôi lên và bốc hơi ngay. Ban ngày trong trại nóng quá, phải tạt
nước cho lấp xấp dưới nền nhà cho đỡ nóng. Đến tối thì trời lại lạnh, lau khô
sàn, nằm được một chút thì ngấm lạnh cả người. Sống qua được vài tháng mùa nóng
như vậy thì người khỏe cũng trở nên suy sụp.
Điều vừa cảm động, vừa nhói lòng, là những tù
nhân như anh Trương Minh Đức, Hoàng Bình… khi gọi về thường nhắc gia đình phải
giữ sức khỏe. Cuộc điện thoại mới nhất, anh Đức nhắc vợ mình nên đi xét nghiệm
covid hay ghi danh xin chích sớm đi. Bởi chị Kim Thanh nằm trong độ tuổi mà Nhà
nước đang kêu gọi phải chích sớm, đặc biệt chị lại bị bệnh phổi mãn tính nữa.
Nhưng đó cũng là một câu chuyện khác. Gia đình
của các tù nhân lương tâm dường như nằm rất khuất trong ánh nhìn kiểm soát xã hội
của chính quyền. Họ không được xem là những công dân bình thường. Con cái đi học,
người nhà đi làm… luôn gặp trắc trở. Trong phong tỏa ở Sài Gòn, nhiều gia đình
sống trong thành phố ngoài chuyện hoàn toàn không có ai được trợ giúp về thực
phẩm, hỗ trợ tiền thất nghiệp, việc có mặt của họ trên cuộc đời cũng giống như
không có thật. Chị Thanh nói muốn ghi danh đi chích, chị cũng không biết hỏi ở
đâu, và làm sao được nhận. Thành phần “hay lên tiếng” như chị, đi chứng giấy tờ
ngày thường còn gặp đủ chuyện khó, huống chi đến lúc này. Một người khác, xin
giấu tên, thì nói rằng chỉ mong là khi nào có dịch vụ chích ngừa covid-19, thì
họ sẽ dành dụm tiền để đi chích, chứ đợi đến nhà nước nhớ tới, gọi tên, thì quá
xa vời.
Không giống như bà cụ ở hẻm gần nhà tôi, cứ bước
ra đường để hóng gió chiều của mùa hè vắng, đầy nắng gắt. Nhiều gia đình của
các tù nhân, luôn phải cố giữ mình, phải tránh né mọi thứ để không rơi vào chuyện
bị buộc đi cách ly. Bởi cách ly trong khu tập trung, cũng rất vô chừng ngày
tháng, có khi là 14 ngày, có khi là 21, ngày… có người cho biết họ bị cách ly
45 ngày vẫn chưa ra khỏi trại. Nếu chẳng may như vậy, họ không thể chuẩn bị đồ
thăm nuôi tháng cho chồng, em, con… của mình, cũng có thể không may đón hụt cuộc
gọi về của người trong trại.
Số tù nhân lương tâm bị kết án ngày càng nhiều.
Gia đình của những người tù gặp khó khăn, cũng ngày càng dài. Trước đây, có những
người đại diện kêu gọi giúp đỡ cho họ, ở miền Nam thì có chị Dương Thị Tân, miền
Bắc thì có chị Nguyễn Thúy Hạnh. Nhưng giờ chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng đã bị bắt.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người gây quỹ giúp, thì mới ngày 18-7,
cũng phải tuyên bố ngừng vì nhận ra ông có thể rơi vào cái bẫy hèn hạ nào đó,
trong việc nhận tiền giúp các tù nhân lương tâm.
Mùa hè năm nay thật khắc nghiệt. Dịch bệnh và
phong tỏa đang làm kiệt sức quá nhiều người. Ai nấy mệt mỏi đến mức khi tôi nhắc
về những người tù đang bị phong tỏa đời theo năm chịu án. Sự cảm thông hiện lên
đôi mắt, hiện lên từ câu hỏi thăm. Nhưng chỉ có thể vậy thôi. Vì chẳng phải
ngay cả chúng ta cũng đang quay quắt, đang không thể cựa quậy gì trong cuộc sống
này sao?
===================================================
BÀI CŨ
Nhật
ký phong thành (số 9): A lô bác sĩ ơi!
Nhật
ký phong thành (số 8): Nhìn từ đáy
Nhật
ký phong thành (số 7): Đời biết ai thương mình
Nhật
ký phong thành (số 6): Vặt nữa đi em
Nhật
ký phong thành (số 5): Anh không chết đâu em
Thành
Long khát khao được làm đảng viên cộng sản
Nhật
ký phong thành (số 4): Chuyện không cũ bao giờ
Nhật
ký phong thành (số 3): Sài Gòn bao nhớ
Nhật
ký phong thành (số 2): Chuyện cách ly
No comments:
Post a Comment