Monday, July 19, 2021

NGƯỜI THÁI LUÔN ĐI TRƯỚC NGƯỜI VIỆT (Jackhammer Nguyễn)

 


Người Thái luôn đi trước người Việt

Jackhammer Nguyễn

19/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/19/nguoi-thai-luon-di-truoc-nguoi-viet/

 

Một bản tin trên tờ The Diplomat của vùng châu Á Thái Bình Dương, nói rằng nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca của công ty Siam Bioscience của Thái Lan không đạt được đủ lượng sản phẩm theo dự định trước đó.

 

Đây là một tin không vui đối với người Thái, nhất là con số nhiễm virus trong ngày 17/7/2021 lên đến hơn 11 ngàn người.

 

Dĩ nhiên khi đọc tin này, một người Việt như tôi cũng cảm thấy buồn cho người Thái, bên cạnh nỗi buồn và lo lắng về những con số nhiễm bệnh ở Việt Nam cũng tiếp tục tăng cao.

 

Càng buồn hơn khi qua mẩu tin của tờ The Diplomat, biết rằng Thái Lan đạt được thỏa thuận nhượng quyền sản xuất AstraZeneca, vào cuối năm 2020, bên cạnh các cường quốc dược phẩm châu Á – Thái Bình Dương là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Trong khi đó Việt Nam, với khả năng của một số nhà máy dược phẩm, viện nghiên cứu, đã từng sản xuất vaccine lại không có được nhượng quyền nào (Siam Bioscience của Thái Lan chưa từng có kinh nghiệm trong việc sản xuất vaccine).

 

Người Thái luôn đi trước người Việt trong gần hai trăm năm qua. Và họ cũng không huênh hoang khoác lác như người Việt. Theo dõi báo chí Thái bằng tiếng Anh trong hơn một năm qua, không thấy những bài viết kiểu “cột điện từ Mỹ về Việt Nam”, “Việt Nam cường quốc chống dịch”, “đường Hồ Chí Minh trên không”…

 

Các bộ lạc Thái bị sức ép từ đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ 13, từ vùng Vân Nam Quí Châu, di cư dọc theo các con sông Mekong, Chao Praya để lập nên nước Thái ngày nay (đây là đợt di cư lớn nhất của họ, ngoài ra trước đó có một số người Thái đã đi về phương Nam từ gốc của họ ở vùng cao nguyên Vân Nam, Quí Châu).

 

Sự thành lập vương quốc Thái (Siam) đã góp phần kết thúc đế quốc Angkor của người Khmer. Kể từ đó, trên vùng Đông Nam Á lục địa, có hai sức mạnh cạnh tranh nhau là người Thái ở phía Tây và người Việt ở phía Đông. Ngoại trừ một cuộc viễn chinh của các viên tướng Thái vào cuối thế kỷ 18 đến vùng Đồng bằng sông Mekong bị quân nhà Tây Sơn đánh bại, cuộc cạnh tranh Việt Thái trên mọi bình diện đều có vẻ nghiêng về người Thái.

 

Đầu tiên là việc đối diện với các quốc gia thực dân phương Tây. Đành rằng người Thái có một vị trí địa lý có lợi là nằm giữa làm trái độn giữa hai đế quốc Anh, Pháp, nhưng người Thái cũng đã rất khôn khéo, không “bế quan tỏa cảng” như các vua chúa người Việt, từ từ giao hảo với các đế quốc thực dân, nhằm giữ vị trí độc lập của mình. Nước Đại Nam thì hoàn toàn thất bại.

 

Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, vương quốc Thái giao hảo với các tướng lãnh quân phiệt Nhật, để rồi ngày hôm trước khi Nhật hoàng đầu hàng đồng minh, người Thái tuyên bố đứng về phe… đồng minh.

 

Trong cuộc chiến ủy nhiệm Việt Nam, người Thái thu nhiều lợi lộc từ việc cho thuê đất làm các căn cứ quân sự cho người Mỹ, cung cấp nhiều dịch vụ hậu cần cho quân đội Mỹ.

Trong việc đương đầu làn sóng cộng sản Đông Nam Á, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Thái khôn khéo trở thành một quốc gia kết nối, tạo thành một mặt trận gồm Mỹ, Trung Quốc, các lực lượng Khmer, góp phần làm cho Việt Nam sa lầy trong cuộc chiến tại Cambodia, làm suy thoái nền kinh tế Việt Nam.

 

Nhưng người Thái cũng rất nhạy cảm, thấy rằng Hà Nội thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế lẫn ý thức hệ kinh tế, và thế là họ trở thành những người đầu tiên chủ trương “biến chiến trường Đông Dương thành thị trường”, nhảy ngay vào thị trường Việt Nam vừa mở ngõ, nhảy ngay vào Cambodia sau khi đất nước này đạt được giải pháp chính trị kết thúc nội chiến. Các sinh viên Việt Nam, với học bổng quốc tế hay quốc gia, lũ lượt kéo tới học viện AIT (Asian Institute of Technology) tại Bangkok. Hơn 30 năm sau cái gọi là đổi mới, tại Việt Nam vẫn chưa có một học viện có tầm mức quốc tế ở khu vực như AIT.

 

Trong suốt hơn 200 năm nước Thái hầu như không có một cuộc chiến tranh nào, ngoại trừ vài cuộc chạm súng trên biên giới Cambodia với quân đội Việt Nam khi Việt Nam còn chiếm đóng nước này, với quân đội Cambodia trong việc tranh chấp một ngôi đền. Cuộc viễn chinh của tiểu đoàn Mãng Xà Vương trong trận chiến Việt Nam bên cạnh người Mỹ, chủ yếu là tham gia cho lấy lệ, ăn có để chia lợi lộc từ người Mỹ.

 

Và trong tất cả mọi so sánh Việt – Thái, người Thái có lợi thế hơn hẳn khi không vướng vào vòng ý thức hệ cộng sản như người Việt. Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng hỗ trợ rất đắc lực cho việc thúc đẩy phong trào cộng sản Thái Lan, nhưng rồi thất bại. Có nhiều nguyên nhân cho sự khác biệt này, nhưng trên hết có lẽ là xã hội Phật giáo thuần thành của người Thái đã tránh cho họ làn sóng đỏ, trong khi mảnh đất hủ nho Việt Nam lại là rất màu mỡ cho chủ nghĩa cộng sản phát triển.

 

Hiện nay, Việt Nam cũng như Thái Lan và cả Đông Nam Á đang rơi vào đợt bùng phát dịch Covid-19 khốc liệt nhất, việc Bangkok sở hữu được bản quyền sản xuất vaccine AstraZeneca là rất quan trọng trong việc chủ động dập tắt đại dịch từ gốc. Việc thương thuyết nhượng quyền sản xuất vaccine Johnson & Johnson của Việt Nam không đi tới đâu, một trong những nguyên nhân là quá muộn màng.

 

Và điều đáng ngại nhất, làm người dân Việt cười ra nước mắt, là những người cầm quyền tại Việt Nam lại đang “vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh” để chống dịch Covid-19.

 

 

No comments: