Friday, July 9, 2021

NĂM NĂM SAU PHÁN QUYẾT BÁC BỎ ĐƯỜNG "LƯỠI BÒ" CỦA TÒA TRỌNG TÀI - TÁC ĐỘNG GÌ ĐỐI VỚI TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG? (Trường Sơn)

 


Năm năm sau phán quyết bác bỏ đường “lưỡi bò” của Tòa Trọng Tài - tác động gì đối với tình hình Biển Đông?

Trường Sơn
2021-07-09

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/5-years-after-pca-rullings-what-happens-in-scs-07092021084142.html

 

Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài vụ việc, được thành lập bởi Toà Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye, ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Động. Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trước toà. Sau năm năm, phán quyết trên đã có ảnh hưởng thế nào đến tình hình thực tế trên Biển Đông?

 

Nhưng trước hết cần phải hiểu đúng bản chất của phán quyết do toà trọng tài đưa ra vào năm 2016.

 

Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, chuyên gia về lĩnh vực Công pháp Quốc tế, cho RFA biết qua email về lĩnh vực này.

 

“Cần thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rằng trật tự công pháp quốc tế không cho phép chúng ta thực thi các phán quyết tương tự như phán quyết của Tòa Trọng tài (Aribitral Tribunal) bằng các công cụ cưỡng chế tư pháp như pháp luật nội địa.

 

Chúng ta khó có thể tưởng tượng ra cảnh hệ thống pháp luật quốc tế sẽ cử một đoàn cưỡng chế với xe ủi và cảnh sát… để tháo dỡ các công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông.” 

 

Thay vào đó, theo ông Nguyễn Quốc Tấn Trung thì các bên chỉ có thể dùng các công cụ chế tài phi tư pháp dành cho quốc gia không chấp hành (như trừng phạt về văn hóa, kinh tế hay chính trị); hoặc phải chờ vào sự tự giác thực thi của các quốc gia có liên quan.

 

Do không có hiệu lực cưỡng chế mà chỉ dựa vào sự tự giác của các quốc gia liên quan, nên tác động của phán quyết do Toà Trọng tài đưa ra có rất ít ảnh hưởng đến tình hình thực tế ở Biển Đông.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/000_99c3mu.jpg/@@images/cc27064c-0fb3-48aa-93bc-01d9a305c9aa.jpeg

Hình chụp hôm 27/4/2021: Tuần duyên Philippines theo dõi các tàu Trung Quốc ở bãi Sabina ở Biển Đông. AFP

 

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho RFA biết nhận định của ông:

 

Nếu hỏi câu hỏi liệu phán quyết có ảnh hưởng gì tới tình hình Biển Đông trên thực tế thì câu trả lời là gần như là không có. Trên thực tế ở Biển Đông, năm năm sau phán quyết thì hầu hết những hành động căng thẳng của Trung Quốc không hề dừng lại, mà còn được tiếp nối ở mức cao hơn.”

 

Cụ thể, Thạc sĩ Hoàng Việt chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng và quân sự hoá các thực thể ở quần đảo Trường Sa và thậm chí đã xây dựng pháo đài ở đây. Kể cả với trường hợp bãi cạn Scaborough vốn đã được Toà Trọng tài tuyên là thuộc chủ quyền của Philippines nhưng Trung Quốc đến nay vẫn đang chiếm đóng.

 

Ngoài ra, theo ông Hoàng Việt, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động xâm phạm vào các vùng biển của các quốc gia khác, ngăn chặn, đe doạ việc khai thác tài nguyên trên vùng thềm lục địa của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Gần đây nhất thì Trung Quốc cho các đội tàu dân quân dưới vỏ bọc là tàu cá neo đậu tại bãi Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, gây lo ngại về việc nước này sẽ chiếm thực thể này.

Mặc dù không có hiệu lực cưỡng chế, do vậy không thể buộc Trung Quốc ngưng các hành động khiêu khích và trái pháp luật trên Biển Đông, nhưng liệu phán quyết do Toà Trọng tài đưa ra có phải là vô tác dụng không?

 

Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung cho biết, phán quyết trên không phải là “con hổ giấy”, ông viết:

 

“Cần khẳng định lại rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là một phán quyết đặc biệt quan trọng trong các thảo luận pháp lý liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc nói riêng và biển Đông nói chung. Giá trị tư pháp và giá trị tham chiếu của phán quyết là không thể bàn cãi.”

"Trong môi trường công pháp quốc tế, tìm ra được một cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử tranh chấp của mình - và thật sự thắng kiện, đã là một thành công rất lớn.”

 

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, thạc sĩ Hoàng Việt  chia sẻ: 

 

Tác động của phán quyết này, thứ nhất là nó mang lại tính chính đáng cho Philippines, bởi vì trước đấy, cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có những giải thích khác nhau và ai cũng cho là mình đúng. Trong trường hợp này thì Philippines đã tìm việc giải quyết vấn đề này trước toà, và toà đã ra phán quyết cho thấy một loạt các tính chính đáng của Philippines”.

 

Phán quyết của Toà Trong tài cũng có những ảnh hưởng đối với Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt nói thêm:

 

“Điều này cũng có những ảnh hướng đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với sức mạnh mềm của Trung Quốc, trong đó có danh tiếng của nước này. Trung Quốc đã phải vất vả cử các nhà khoa học và bỏ tiền ra để truyền thông chống lại phán quyết, cũng như thể hiện vai trò của họ trong khu vực cũng như trên thế giới”.

 

Thạc sĩ Hoàng Việt cũng quan sát thấy một thay đổi khác ở phía Trung Quốc đó là gần đây nước này đã không còn nhắc đến “đường lưỡi bò” trong các tuyên bố của họ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/001_1e2211_jpeg.jpg/@@images/d8726b8c-03f3-4829-9b60-ad3530aec5be.jpeg

Đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. AFP

 

Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào về việc sẽ sử dụng Toà Trọng tài để phản đối các yêu sách của Trung Quốc.

 

Bình luận về vấn đề này thạc sĩ Hoàng Việt cho biết vấn đề không nằm ở luật pháp, mà nằm ở ý chí chính trị của Chính phủ Việt Nam.

 

“Cái việc mà phía Việt Nam có mang Trung Quốc ra Toà Trọng tài giống như Philippines đã làm hay không, về mặt luật thì hoàn toàn có thể, nó chỉ còn lại một cái vấn đề quan trọng duy nhất đó là Việt Nam có đủ ý chí chính trị để quyết tâm làm việc này hay không?”

 

Ông Hoàng Việt cho biết thêm rằng Chính phủ Việt Nam có lẽ lo ngại về khả năng Trung Quốc trả đũa về mặt quân sự, ngoại giao, và kinh tế một khi xảy ra vụ kiện, cho nên đến nay vẫn chưa có động thái đưa Trung Quốc ra toà.

 

Chuyên gia về lĩnh vực công pháp quốc tế, Nguyễn Quốc Tấn Trung, thì cho rằng Việt Nam có những tranh cãi rất riêng và rất đặc thù với Trung Quốc, từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa. Từ bỏ việc thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt ở các kênh tư pháp, là rất thiếu khôn ngoan.

 

VIDEO : Phim tài liệu ngắn: Lịch sử tranh chấp Hoàng Sa

https://www.youtube.com/watch?v=GMn76e3xsLk V

 

 


No comments: