Thursday, July 8, 2021

LOẠN COVID và PHÁT BIỂU MÊ SẢNG CỦA LÃNH ĐẠO CSVN BÁO HIỆU ĐIỀU . . . (Jackhammer Nguyễn)

 



Loạn Covid và phát biểu mê sảng của lãnh đạo CSVN, báo hiệu điều...

Jackhammer Nguyễn

09/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/09/loan-covid-va-phat-bieu-me-sang-cua-lanh-dao-csvn-bao-hieu-dieu-gi/

 

Chủ tịch thành Hồ, ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi, rằng mỗi người dân thành phố này hãy là một chiến sĩ! Quái lạ, chiến sĩ đánh nhau với ai? Chiến hạm Trung Quốc vào tới… cảng Nhà Rồng?

 

À không, ông chủ tịch kêu gọi chống dịch Covid-19. May mà ông chưa tuyên bố … nắm lấy thắt lưng con virus mà đánh!

 

Nhưng virus lại thoắt ẩn, thoắt hiện còn hơn cả những du kích quân Cộng sản thế hệ tiền bối của ông Phong nữa, làm sao mà đánh đây?

 

Trong chiến cuộc Việt Nam, các du kích quân có hai thứ rất lợi hại để chiến thắng, đó là vũ khí tối tân của Nga Xô, và chiến thuật tuyên truyền rất hữu hiệu. Trong thời bình, Đảng và Nhà nước (cộng sản) của ông Phong, cùng các đồng chí của ông vẫn còn hai thứ vũ khí đó để đàn áp bọn “phản động”, bọn “diễn biến hòa bình”, bọn “cách mạng màu”…

 

Nào là dùi cui, nào là máy phá sóng điện thoại, các đội công an cơ động trang bị tận răng. Rồi biệt đội “dư luận viên” Lực lượng 47 (cảm hứng từ khẩu AK47 lừng danh của du kích cộng sản), tác chiến, tấn công mạng…

 

Nhưng hai thứ bửu bối đó đều thúc thủ trước con virus Covid-19 bé xíu, vào ra trại giam, bệnh viện như chỗ không người, từng tấn công cả một ủy viên trung ương (có thể là nhiều hơn một).

 

Có thể hiểu rằng, ông Phong, cũng như nhiều đồng chí, đồng mộng, đồng phe với ông, vẫn còn tâm lý chiến tranh cách mạng, như tôi từng nêu ra trong bài viết gần đây “Cái nắm đấm đẫm lệ và chủ nghĩa tư bản Vượng Vin”. Chúng ta hiểu rằng, ông Phong bảo các công dân thành Hồ hãy tuân theo chỉ dẫn chống dịch, hãy có kỹ luật, hãy tích trữ lương thực chờ giới nghiêm,… nói chung, như một chiến sĩ, theo cái nghĩa đen của nó, chứ không phải súng đạn, người giết người như nghĩa bóng, ẩn dụ.

 

Nhưng đoạn phát biểu sau đây của đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính thì phải hiểu ra làm sao? Hãy xem đoạn dẫn sau đây trên báo Chính phủ:

 

Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.”

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/1-10-933x420.png

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Chủ tịch thành Hồ Nguyễn Thành Phong.

 

Hãy đặt câu hỏi cho vài “ý tưởng” của ngài thủ tướng xem sao.

 

– Truyền thống và hiện đại: Ý thủ tướng nói là kết hợp thuốc đông y và vaccine? Đọc lại lịch sử Việt Nam, thì có những ghi chép về dịch bệnh, nhưng không thấy thuốc men gì cả, sau khi dịch giết chết một số đông cư dân, số còn lại miễn nhiễm thì dịch hết. Đó là ngày xưa, dân cư thưa thớt, phải đi xe thổ mộ cả ngày từ Bình Điền vào quận Nhất, nay virus đi theo xe gắn máy, máy bay,… thì làm sao mà kết hợp?

 

– Phân tán và tập trung: Ý ông Chính nói là tập trung những người bị bệnh lại và phân tán những người không bị bệnh ra?

 

– Bộ đội chủ lực và du kích: Ý ông thủ tướng, vaccine là bộ đội chủ lực; còn xét nghiệm là du kích? Hay ông nói bác sĩ y tá điều trị bệnh nhân là chủ lực, còn 300 em học sinh Hải Dương “đường mòn Hồ Chí Minh trên không” là du kích?

 

Quả là không thể dùng một loại logic ngôn ngữ bình thường nào để có thể hiểu cao kiến của thủ tướng, vốn xuất thân từ một viên công an từ Thanh Hóa.

 

Chỉ có thể hiểu là, lại một lần nữa, ông Phạm Minh Chính lại chơi trò ghép từ như các đồng chí của ông, từ đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cho tới ông bí thư xã. Đó là một loại từ điển, một loại cẩm nang từ ngữ cách mạng vô sản, chiến tranh cách mạng,… mà khi cần thì các ông ghép lại với nhau, thành một thứ diễn văn trị bá bệnh cho “công tác tuyên truyền”, từ “chống diễn biến hòa bình”, cho đến chống lạm phát; từ chống tham nhũng, cho đến công nghiệp hóa quốc gia.

 

Nay lại đến chống dịch Covid-19. Nhưng dịch Covid-19 không phải là một cuộc chiến với đối thủ cụ thể mà tấn công, du kích hay tổng lực, nó cũng không phải kiểu vô thưởng vô phạt như bầu cử Quốc hội cho vui, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Dịch Covid là chết người, là hết sạch giường nằm và máy thở trong bệnh viện, là hàng nấm mồ tập thể không kịp đào!

 

Thế cho nên, bên cạnh các phát biểu đầy tính “nâng quan điểm giai cấp đấu tranh cách mạng” của các ông Nguyễn Thành Phong, Phạm Minh Chính,… là tình trạng thực tế rất bi đát của dịch bệnh, có thể kể ra vài sự việc tiêu biểu như sau:

 

– Xếp hàng chích ngừa và xét nghiệm chật như nêm. Thuốc chưa kịp có hiệu quả thì virus hẳn đã bùng phát trong đám đông.

 

– Cấp giấy chứng nhận xét nghiệm như một loại căn cước đi xin việc, một loại giấy thông hành đi lại lúc giới nghiêm. Nhà cầm quyền không hiểu là người có xét nghiệm âm tính có thể nhiễm virus sau đó vài giây.

 

Việc rối loạn vì dịch Covid-19 ở thành Hồ và Việt Nam hiện nay gợi nhớ hình ảnh Đông Âu cộng sản sụp đổ, vì nhà cầm quyền không biết phải làm gì trước sự tan rã mà họ không hiểu.

 

Tình trạng dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, với trên dưới 1000 ca nhiễm mỗi ngày, không đến nỗi bi đát cho nhà cầm quyền cộng sản như vậy. Lệnh giới nghiêm và phong tỏa sẽ giúp kéo dài thời gian, chờ đợi vaccine tới, dù muộn, mà trớ trêu lại là các loại vaccine đến từ những nhà nước tư bản. Và cũng chẳng có một tổ chức nào khả dĩ có thể nắm lấy cái khoảng trống quyền lực, nếu nhà nước này sụp đổ.

 

Nhưng cơn hoảng loạn vì dịch Covid-19 ở thành Hồ, gây ra bởi nhóm cán bộ điều hành quốc gia thiếu kiến thức, thừa mệnh lệnh tuyên truyền chính trị, báo hiệu xã hội Việt Nam cộng sản có thể bị tan rã, hoặc sẽ trở thành một kiểu nhà nước thất bại (Failed State). Vì căn bản của xã hội cộng sản, hệ thống cộng sản là một hệ thống loại trừ (exclusive) đưa đến đỉnh quyền lực những người không có khả năng, chỉ biết hoạt động trong một cái khuôn có sẵn của công thức toàn trị, không đối phó được với những diễn biến của tự nhiên, của xã hội, đòi hỏi phải có kiến thức và tạo cơ hội cho mọi công dân (inclusive) cùng nhau quản trị quốc gia.

 

 

 

 


No comments: