19/07/2021
https://www.voatiengviet.com/a/lam-phat-covid-cung-cau-fed/5970995.html
https://gdb.voanews.com/C704D0FB-FE05-458C-ADAB-C1D01735E0C7_w650_r1_s.jpg
Giá bánh mì trong siêu thị ở New York. Người dân nói giá cả đang lên
trong khi giới chức Fed vẫn đồng ý cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vào tháng Giêng 2021, một
chiếc xe Toyota Camry cũ ba năm có thể bán với giá $18,000 đô la ở một thành phố
Mỹ, như Cleveland. Đổ đầy bình xăng 60 lít tốn $28 đô la. Đến Tháng Năm, ai mua
chiếc xe Camry đó sẽ phải trả $22,000 và một bình xăng đầy tốn $36 đô la. Bộ
Lao Động Mỹ ghi nhận trong tháng Sáu chỉ số giá sinh hoạt tăng 5.4 phần trăm so
với năm ngoái, mức lạm phát cao nhất trong 13 năm.
Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng
nhanh, sắp trở lại bằng thời gian trước bệnh dịch Covid-19. Nhưng mối lo lạm
phát đang nổi lên, có thể ảnh hưởng đến cuộc cờ chính trị năm tới. Dân biểu
Kevin McCarthy, trưởng khối Cộng Hòa ở Hạ viện, mới “tuýt” rằng, “Lạm phát lên
cao vọt vì chính sách chi tiêu thả cửa của Tổng thống Biden và Dân biểu Pelosi
(chủ tịch Hạ viện).”
Lạm phát có thể trở thành
một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2022. Đảng của vị tổng thống tại
chức thường mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ; như đã xảy ra năm
2009, thời ông Obama và năm 2018, thời ông Trump. Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số
mong manh trong quốc hội; sang năm nếu họ mất một ghế nghị sĩ hoặc dăm ghế dân
biểu thì sẽ biến thành thiểu số. Nghị sĩ Joe Manchin (Dân chủ) sẽ phải tranh cử
ở West Virginia, một tiểu bang mà cựu Tổng thống Trump được nhiều người ủng hộ;
chính ông cũng đang lo các dự án chi tiêu của chính phủ sẽ tăng áp lực lạm
phát.
Không người dân nào thích
lạm phát, một hiện tượng kinh tế theo luật cung cầu giản dị. Khi người tiêu thụ
có thêm rất nhiều tiền để xài mà số hàng hóa, dịch vụ không lên theo kịp thì, Cầu
lớn mà Cung nhỏ, giá cả sẽ leo thang.
Từ đầu năm 2020, Covid
khiến guồng máy sản xuất của nước Mỹ ngưng trệ, các hãng xưởng, cửa hàng ngưng
hoặc giảm hoạt động. Trước cảnh mấy chục triệu người mất việc, quốc hội phải
đưa tiền thẳng vào túi người dân để họ tiếp tục tiêu thụ. Cuối năm 2020, Tổng
thống Donald Trump đã ký đạo luật chi $2.3 ngàn tỷ. Tổng thống Joe Biden khi nhậm
chức đã bắt đầu chi thêm $1.9 ngàn tỷ nữa. Hiện nay quốc hội đang bàn một dự luật
chi hàng ngàn tỷ mỹ kim để xây dựng hạ tầng cơ sở; và đảng Dân chủ ở Thượng viện
muốn chi thêm $3.5 ngàn tỷ nữa.
Từ khi nhiều người được
chích ngừa, bệnh dịch Covid bớt đe dọa, thì các xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ,
quán rượu, tiệm ăn, vân vân, mở rộng cửa. Người ta chen nhau mua sắm, ăn tiệm,
tiêu xài thoải mái. Cung và Cầu đều tăng, nhưng hai bên không tăng cùng một nhịp!
Cầu tăng rất nhanh, Cung chẳng may lại chậm chạp.
Cầu tăng lên nhanh vì bao
nhiêu người đã nhịn mua sắm cả năm trời, tiền tiết kiệm tích lũy, họ phải đem
tiêu. Những người nghèo được chính phủ trợ giúp đều thích xài ngay. Những người
khá giả cần phải đi ăn tiệm, đi du lịch sau hàng năm nhẫn nhịn!
Cung lên chậm chạp vì mạng
lưới tiếp tiệu bị Covid làm bế tắc vẫn chưa được khai thông. Nhiều xí nghiệp
không kiếm đủ công nhân được như cũ! Covid khiến nhiều người thay đổi công việc.
Những người làm tiệm ăn thấy công việc ở các nhà kho hay việc lái xe chở khách
hoặc giao hàng kiếm tiền nhẹ nhàng hơn.
Cung, cầu mất cân bằng,
sinh ra lạm phát. Muốn biết cơn lạm phát sẽ kéo dài bao lâu, cần phải coi những
món gì đã tăng giá và vì sao tăng giá.
Tăng giá ngoạn mục nhất
là xe hơi, kể cả xe cũ! Sau khi phải ngưng sản xuất vì bệnh dịch, các cơ xưởng
muốn mở cửa cũng không có việc làm, vì thiếu đồ tiếp liệu. Một thứ rất nhỏ bỗng
dưng khan hiếm là những con chíp điện tử để gắn trong xe hơi. Mỗi chiếc xe bây
giờ đều chứa nhiều “máy vi tính” chạy bằng chíp, giống như máy xe chạy bằng
xăng! Trong xe có những cái đèn nháy báo động khi bánh xe hơi mềm, báo động khi
gần hết xăng. Khi lùi xe, tài xế có thể nhìn hình ảnh phía sau xe qua các
camera. Trước kia người lái xe coi tốc độ xe mình chạy nhờ một chiếc kim quay
quanh trong một khung hình tròn. Bây giờ họ nhìn rõ con số trên mặt kính. Tất cả
đều chạy bằng những con chíp! Thiếu những con chíp rẻ tiền đó, không thể ráp xe
được, dù tất cả đã sẵn sàng! Các công ty làm chíp ở Mỹ đã bỏ, không thèm sản xuất
những món hàng rẻ tiền, công nhiều mà lãi ít như thế từ lâu rồi! Việc sản xuất
đã chuyển qua bên Trung Quốc và các nước Á châu. Tại sao không giải quyết nhanh
nạn khan hiếm này?
Năm ngoái, có lúc dân Mỹ
không mua được các loại giấy để lau chùi vì người ta chạy đua tích trữ; nhưng
chỉ trong mấy tháng nạn khan hiếm chấm dứt. Nhưng thiếu chíp thì khó giải quyết
hơn. Lập một nhà máy sản xuất chíp mất nhiều thời gian. Đặt mua các máy để làm
chíp, máy chế tạo ở Hòa Lan, Nhật Bản hay Nam Hàn, phải chờ sáu tháng đến một
năm. Dù các cơ xưởng ở Trung Quốc có mở hết tốc độ làm chíp thì việc chuyên chở
chíp sang Mỹ cũng chậm trễ, vì các bến, cảng cũng đang tắc nghẽn!
Xe mới lên giá thì xe cũ
cũng lên giá theo! Đó là những món hàng trong loại tăng giá nhiều nhất vì dòng
tiếp liệu ngưng trệ. Khi xe cộ lên giá thì tiền thuê xe, các chi phí vận chuyển
khác cũng lên theo! Nhưng cửa hàng ăn, khách sạn, vé máy bay cũng tăng giá, vì
chưa tuyển lại được đầy đủ người làm như trước. Nhiều công nhân vẫn còn sợ
Covid, không muốn mỗi ngày phải gặp gỡ quá nhiều người lạ, nhiều người lại
không đeo mạng.
Trong một năm bệnh dịch,
nhiều người bị cấm cung, không đi làm, dư thời giờ để sửa chữa nhà. Lãi suất rất
thấp khiến nhiều người muốn mua nhà, cũng vì đang dư tiền tiết kiệm. Nhưng các
công trường xây cất rất khó kiếm được công nhân! Tự nhiên thị trường nhà cửa
khan hiếm. Giá nhà mới và cũ tăng mạnh nhất, kéo theo tiền thuê nhà. Trong
tháng Tư 2021, giá nhà trung bình ở Mỹ tăng gần 15% so với một năm trước.
Vậy nạn lạm phát sẽ còn
kéo dài bao lâu nữa?
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ
(Fed) tiên đoán trong hơn một năm nữa chỉ số giá sinh hoạt sẽ tăng theo mức độ
bình thường là 2 phần trăm, giá cả sẽ ổn định. Lý do, vì nguyên nhân gây tăng
giá đều do Covid gây ra. Khi Covid lùi bước thì các đường tiếp liệu sẽ hoạt động
bình thường.
Trong sáu tháng, một năm
nữa, có thể dân Mỹ sẽ nghĩ khác nếu kinh tế phục hồi mạnh hơn. Hiện nay, bộ máy
kinh tế chưa hoạt động trở lại mức bình thường, tiềm năng còn rất lớn. Rất nhiều
công ty vẫn tuyển mộ đủ người làm mới. Trong tháng Sáu, các dịch vụ về du lịch,
giải trí, khách sạn, tiệm ăn, vân vân, mới lấy lại được bảy phần tám mức hoạt động
trước khi có bệnh dịch. Lương bổng trong các ngành này đã tăng 8% so với tháng
Hai năm ngoái nhưng vẫn thiếu người.
Nhưng đảng Dân chủ chưa hết
lo. Cuộc nghiên cứu dư luận của Đại học Monmouth cho biết 72% dân Mỹ nghĩ rằng
các dự án chi tiêu của chính phủ Biden sẽ gây lạm phát, chỉ có 28% nghĩ ngược lại.
Đảng Cộng Hòa sẽ khai thác tâm lý này, đảng Dân chủ chỉ hy vọng mức lạm phát sẽ
ngưng không tăng nữa.
Cũng nên nhớ rằng lạm
phát là một số đo tỷ lệ giá cả tăng lên chứ không đo mức giá cao hay thấp. Nếu
giá cả không thay đổi sau khi đã tăng rồi, thì lạm phát xuống trở lại số không.
Đầu năm nay nhà cửa khan hiếm vì giá gỗ tăng, nhưng trong tháng Sáu giá gỗ làm
nhà đã giảm bớt 40%, rồi giá nhà sẽ đứng lại. Khi hệ thống tiếp liệu đều hòa trở
lại thì số xe sản xuất sẽ tăng nhanh, vì các hãng xe thấy giá đang cao là một
cơ hội tốt!
Trong tuần qua, ông
Jerome Powell, chủ tịch Fed đã điều trần trước hai viện quốc hội Mỹ. Ông tuyên
bố không cần phải tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát. Nhưng có cần phải ngăn
chặn quốc hội và chính phủ Mỹ, không cho họ đổ thêm mấy ngàn tỷ mỹ kim vào nền
kinh tế nữa hay không?
Thực ra, các khoản chi một
ngàn tỷ tái thiết hạ tầng cơ sở, và dự luật chi $3.5 ngàn tỷ cho các chương
trình giáo dục và y tế, trợ cấp cho trẻ em, sẽ được trải dài ra trong nhiều năm
chứ không đổ ra cùng một lúc. Từ hai năm nay, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ vẫn bơm mỗi
tháng $120 tỷ mỹ kim vào thị trường, bằng cách mua các công trái của chính phủ.
Nếu Fed ngưng chương trình này thì cũng bù lại được số tiền chính phủ sẽ chi ra
mỗi tháng. Khi ra trước quốc hội, ông Powell tuyên bố không cần phải ngưng món
tiền $120 tỷ đô la đó, cho thấy Ngân Hàng Trung Ương Mỹ thấy chưa cần quá lo lắng
về lạm phát.
No comments:
Post a Comment