Saturday, July 17, 2021

HỌ LẠI MUỐN DẪM VÀO VẾT XE ĐỔ Ư? (Nguyễn Như Phong)

 


HỌ LẠI MUỐN DẪM VÀO VẾT XE ĐỔ Ư?  

Nguyễn Như Phong

03:17  17/07/2021   

https://www.facebook.com/NguyenNhuPhong55/posts/1250637608705863

 

Tôi đọc được thông tin về việc Bộ Nội vụ đưa ra kế hoạch dự kiến sáp nhập các tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít vào với nhau.

 

Về việc này, tôi cho rằng, những kẻ (Xin lỗi, tôi phải gọi đó là KẺ) nghĩ ra sáng kiến này là lớp hậu sinh. Đám này không biết gì về hậu quả của việc sáp nhập từ những năm sau 1975 và cơ bản đã tan rã hết sau năm 1990…

 

Tôi không hiểu khi họ đưa ra “sáng kiến” quái gở này, họ có nghiên cứu cho thấu đáo: Tại sao việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh của những năm xưa bị thất bại hay không? Và hậu quả để lại của việc làm duy ý chí đó là gì?

 

Hình như họ cũng không thèm nghiên cứu về đặc điểm văn hóa vùng miền của người Việt. Họ không biết rằng việc phân chia địa ranh giới địa lý của các tỉnh ngoài địa dư ra thì còn căn cứ vào đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của vùng đó. Không chỉ cơ sở văn hóa của mỗi tỉnh khác nhau mà giọng nói, tính tình của người dân cũng rất khác nhau… Chính vì thế mà không bao giờ có sự đoàn kết, đồng lòng, đồng tâm của các tỉnh bị sáp nhập.

 

Đã thế, người Việt mình có tính cục bộ địa phương khủng khiếp, vì vậy, ông nào làm quan cũng chỉ nghĩ đến vun quén cho tỉnh mình… Còn ai đó nói rằng cán bộ bây giờ công tâm thì đó là nói dối, là nói cho vui, nói dối lòng trên mà thôi.

 

Tôi đề nghị: Các cơ quan có chức năng về việc sáp nhập này nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, của các tầng lớp nhân sĩ, trí thức của các tỉnh “sẽ” bị sáp nhập và cần phải có một công trình nghiên cứu: “Vì sao việc sáp nhập đi lên sản xuất lớn XHCN của những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước bị thất bại và hậu quả”.

 

Ngày xưa, về chuyện sáp nhập đã có bài thơ thế này:

 

“Thông minh như đất nước Nga/

Người ta cũng chẳng tách ra nhập vào/

Thật thà như thể người Lào/

Người ta cũng chẳng nhập vào tách ra/

Chỉ có nước Việt Nam ta/

Quanh năm suốt tháng tách ra, nhập vào”.

 

77 BÌNH LUẬN

 

------------------------------------------

.

.

Đề xuất sáp nhập những tỉnh có quy mô như thế nào?  

Tiền Phong Online

14/07/2021 | 15:40

https://tienphong.vn/de-xuat-sap-nhap-nhung-tinh-co-quy-mo-nhu-the-nao-post1355350.tpo

 

https://image2.tienphong.vn/w890/Uploaded/2021/tcivlcvo/2021_07_14/tra-4118.jpg

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

 

TPO - Các tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ làm cơ sở cho việc sáp nhập đơn vị hành chính. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp sẽ được thực hiện thí điểm ở cấp tỉnh trong giai đoạn 2022 – 2026 và định hướng đến năm 2030.

 

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo lộ trình, dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2021.

 

Đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân ra hai loại, tỉnh miền núi và tỉnh không phải miền núi.

 

Về quy mô dân số: Đối với tỉnh miền núi, vùng cao, có quy mô dân số từ 900 nghìn người trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700 nghìn người trở lên.

 

Đối với những tỉnh không phải miền núi thì quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên.

Về diện tích tự nhiên, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên, tỉnh không phải miền núi từ 5.000 km2 trở lên.

 

Tương tự về tiêu chuẩn đối với cấp huyện: Quy mô dân số của huyện miền núi, vùng cao từ 80 nghìn người trở lên, trường hợp có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên theo quy định thì quy mô dân số từ 60 nghìn người trở lên.

 

Với huyện không phải miền núi thì có quy mô dân số từ 120 nghìn người trở lên.

Đối với tiêu chuẩn của “thành phố thuộc thành phố”, có quy mô dân số từ 250 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên. Đồng thời phải được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II, hoặc khu vực dự kiến thành lập “thành phố thuộc thành phố” đã được phân loại đạt tiêu chí đô thị loại I, hoặc II.

 

Như vậy, việc sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng đơn vị hành chính nào có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.

 

Trên cơ sở đó, các đơn vị hành chính được thành lập phải được rà soát, đánh giá theo từng tiêu chuẩn đưa ra. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính thì tiến hành sáp nhập, sắp xếp theo quy định.

 

Bộ Nội vụ cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết được căn cứ vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có yêu cầu nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp".

 

Đồng thời, căn cứ vào kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021 ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Đề xuất sửa đổi này sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2021. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ này.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị và có yếu tố đặc thù về an ninh quốc phòng, miền núi, vùng cao.

 

Trên cơ sở đó, quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, làm căn cứ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và làm điểm ở cấp tỉnh giai đoạn 2022 – 2026 và định hướng đến năm 2030.

 

Luân Dũng

 

 

 

 


No comments: