Sunday, July 18, 2021

COVID-19 : VIỆT NAM PHONG TỎA MIỀN NAM, HÀ NỘI DÙNG 'BIỆN PHÁP CẤP BÁCH' (BBC Tiếng Việt)

 


Covid-19: VN phong tỏa miền Nam, Hà Nội dùng 'biện pháp cấp bách'    

BBC Tiếng Việt

18 tháng 7 2021, 17:26 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57854323

 

Việt Nam áp dụng lệnh phong tỏa đối với thêm 16 tỉnh thành phía nam trong vòng hai tuần, bắt đầu từ 0 giờ thứ Hai, 19/7.

 

Quyết định được Chính phủ công bố hôm thứ Bảy, giữa lúc cả nước đang đối diện với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay.

 

VN: Thêm 2.454 ca Covid, F0 tăng nhanh gây áp lực lên hệ thống y tế

Dân Sài Gòn lo âu trước giờ ‘phong thành’

TP HCM: Thiếu rau quả giữa đại dịch, dân chung sức giúp nhau

 

Chỉ vài giờ trước khi bước sang ngày 19/7, chính quyền Hà Nội ra Công điện số 15 tuyên bố 'áp dụng các biện pháp cấp bách' trên địa bàn thủ đô.

 

Trước đó, lệnh phong tỏa đã được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai từ 9/7.

 

Như vậy, trong những ngày tới, toàn bộ miền Nam với khoảng 35 triệu dân, chiếm chừng một phần ba dân số cả nước, được đặt trong tình trạng hạn chế nghiêm ngặt nhất trong nỗ lực đối phó bệnh dịch.

 

'Giãn cách toàn xã hội'

 

Đưa tin về tình trạng phong tỏa tại các nước, nhưng Việt Nam từ trước tới nay tránh dùng chữ "phong tỏa" đối với các biện pháp áp dụng trong nước.

 

Trong văn bản chính thức và trên truyền thông trong nước, các biện pháp này được gọi là "giãn cách toàn xã hội".

 

Trong số các biện pháp 'cấp bách' cần áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm "giãn cách toàn xã hội" lần này, giới chức "yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết", "giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp", và "không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng".

 

Trong những ngày qua, tại các tỉnh thành đã áp dụng "giãn cách xã hội", cảnh sát dựng chốt kiểm soát tại các điểm giáp ranh giữa các địa phương và chỉ những người có xác nhận xét nghiệm âm tính mới được đi qua. Các trường hợp đi lại trên đường đều có thể bị chặn để kiểm tra và nếu không chứng minh việc ra khỏi nhà vì lý do chính đáng đều có thể bị phạt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/DF7C/production/_119421275_gettyimages-1233881643.jpg

 

Tình trạng lây nhiễm đang tăng mạnh, với việc đã có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận trên 3.000 ca dương tính mới mỗi ngày.

 

Chủ Nhật 18/7 đánh dấu ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao nhất kể từ đầu dịch cho tới nay, với 5.887 ca mắc mới, tăng 2.182 ca so với hôm thứ Bảy 17/7.

 

Con số 39 ca dương tính khi nhập cảnh trong ngày khiến tổng số các ca được ghi nhận hôm Chủ Nhật là 5.926.

 

Các biện pháp được cho là đã đem lại thành công cho Việt Nam trong ba đợt bùng phát trước đây nay tiếp tục được áp dụng, trong đó có xét nghiệm diện rộng, hạn chế tiếp xúc với các ca lây nhiễm, kiểm soát đường biên và cách ly tập trung đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các ca F0.

 

Tuy nhiên, các ổ dịch mới liên tiếp xuất hiện và tốc độ lây lan nhanh trong những tuần qua đã khiến giới chức y tế quan ngại, và đang đẩy hệ thống y tế công vào tình trạng quá tải.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/154AC/production/_119421278_gettyimages-1233882011.jpg

TP Hồ Chí Minh, cổng thương mại và trung tâm đô thị lớn nhất nước với hơn 9 triệu dân đã trong tình trạng phong tỏa kể từ 9/7/2021

 

TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên điều chỉnh chính sách này, với việc để những người tiếp xúc gần với F0 được cách ly tại nhà, do các địa điểm cách ly tập trung của nhà nước đã quá tải.

 

Người dân trong các khu phong tỏa ở TP HCM kêu cứu

Covid-19: VN thay đổi phác đồ điều trị; Thí điểm cách ly F0 tại nhà

 

Dường như mức độ dữ dội của đợt bùng phát này khiến giới chức cấp địa phương chưa tìm được cách ứng phó, phối hợp xử lý phù hợp.

 

Trong cuộc họp trực tuyến hôm 17/7 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thừa nhận đã xảy ra tình trạng có các ca F0 tại các khu cách ly tạm thời ở các quận, huyện trở bệnh nặng, nhưng không được các bệnh viện tiếp nhận, dẫn đến một số trường hợp tử vong.

 

Mức độ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa của thành phố "là không ít", trang tin VietnamNet dẫn lời ông Phong nói.

 

Trên mạng hôm 12/7 lan truyền đoạn âm thanh đối thoại giữa người dân với nhân viên y tế cấp phường, cho thấy có tình trạng các ca F1 đang tự cách ly tại nhà trở bệnh nặng nhưng bị từ chối đưa đi cách ly vì lý do "hết giường bệnh". Giới chức y tế xác nhận sự việc, và đã đưa những người nghi bị bệnh tới một bệnh viện dã chiến sau đó vài giờ.

 

Trong đợt bùng phát này, ba phần tư các ca mới là ở khu vực miền nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tính từ đầu đại dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 50 ngàn ca lây nhiễm với 225 trường hợp tử vong, trong đó có tới 190 trường hợp chết trong đợt bùng phát mới nhất, tính từ 4/2021.

 

 

Hà Nội 'áp dụng các biện pháp cấp bách'

 

Chỉ còn ít giờ trước khi kết thúc ngày 18/7, lãnh đạo Hà Nội ký Công điện 15, "áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 kể từ 00h00 ngày 19/7/2021 trên địa bàn toàn thành phố".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2A87/production/_119478801_gettyimages-1233225336.jpg

 

Cũng giống ở các tỉnh miền Nam, người dân Hà Nội nay được yêu cầu "ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết", trong lúc thành phố "yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu".

 

Tuy nhiên, việc tụ tập ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện ở Hà Nội được giới hạn ở mức cao hơn so với miền Nam, là năm người.

 

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối tại thành phố vẫn mở cửa hoạt động nhưng "chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân", Công điện 15 viết.

 

Về chuyện hiếu hỉ, người dân Hà Nội được yêu cầu không tổ chức đám cưới trong thời gian này, trong lúc đám tang chỉ giới hạn trong phạm vi 30 người và "phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt".

 

Cạnh đó, Công điện 15 cũng nêu chi tiết việc quản lý lưu thông ra, vào thành phố, việc sắp xếp người lao động đi làm tại các cơ quan công sở, công ty, cơ sở kinh doanh, quản lý lao động nhập cư, yêu cầu đối với hoạt động của các phương tiện công cộng, và một số vấn đề khác.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/78A7/production/_119478803_hoguom.jpg

Trên vỉa hè quanh Hồ Gươm, Hà Nội nay được chăng dây cấm đi lại

 

Việt Nam hiện đang đạt tốc độ tiêm vaccine thấp nhất Đông Nam Á, với chưa đến 300 ngàn người được tiêm vaccine đầy đủ và khoảng trên 4 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều, theo số liệu do Our World in Data cập nhật tính đến ngày 14/7/2021.

 

Việt Nam đã nhận được gần 9 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nguồn khác nhau, và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam 3 triệu liều vaccine Moderna nữa thông qua chương trình phân phối Covax của Tổ chức Y tế Thế giới, theo Reuters.

 

Việt Nam có kế hoạch sẽ đạt mức độ tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số tính đến cuối năm nay.

 

                                                          ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

VN: Thêm 2.454 ca Covid, F0 tăng nhanh gây áp lực lên hệ thống y tế

18 tháng 7 năm 2021

.

Dân Sài Gòn lo âu trước giờ ‘phong thành’

8 tháng 7 năm 2021

.

Người dân trong các khu phong tỏa ở TP HCM kêu cứu

12 tháng 7 năm 2021

.

TP HCM: Thiếu rau quả giữa đại dịch, dân chung sức giúp nhau

13 tháng 7 năm 2021

.

Covid-19: VN thay đổi phác đồ điều trị; Thí điểm cách ly F0 tại nhà

15 tháng 7 năm 2021

 

 

 

 

No comments: