Wednesday, July 14, 2021

COVID-19 ĐANG DIỄN BIẾN RẤT NHANH VÀ NHIỀU BẤT NGỜ (Cù Mai Công)

 


COVID-19 ĐANG DIỄN BIẾN RẤT NHANH VÀ NHIỀU BẤT NGỜ   

Cù Mai Công

13/07/2021  lúc 10:38 

https://www.facebook.com/he.via.54/posts/1257914744654576

 

COVID rõ ràng là sự kiện "long trời lở đất" và đang diễn biến rất nhanh về mức độ, thực trạng lẫn chính sách, chiến lược, khó ai ngờ trước.

 

Những bãi, lò thiêu người chết vì Covid-19 ở Vũ Hán, Ấn Độ…; những con số bệnh nhân Covid chết ở Mỹ, châu Âu… dội về Việt Nam suốt hơn năm qua, dễ dàng khiến chúng ta lo ngại sẽ diễn ra ở Việt Nam. Số ca bệnh dịch đợt 4 hơn hai tháng nay, từ 27-4 ở Bắc Giang và đặc biệt, tháng rưỡi nay ở TP.HCM, đô thị lớn nhất nước về số dân lẫn kinh tế tăng vọt từng ngày càng tăng thêm nỗi lo ấy.

 

Vậy nên, tôi nghĩ ai làm lãnh đạo thành phố, ai chịu trách nhiệm phòng chống Covid cho TP.HCM cũng sẽ lần lượt áp dụng các chỉ thị 15, 10, 16… Nên chia sẻ và đồng cảm với họ. Thời điểm đó, thực tế chưa diễn ra, cảnh giác trước vẫn hơn.

 

Nhưng thực tế mới ở Việt Nam, ở TP.HCM dồn dập đặt ra cho tất cả chúng ta cách nhìn mới, suy nghĩ mới.

 

Gần cuối tháng 6, TP.HCM thiện ý mời hẳn hai nhóm nhà khoa học nghiên cứu độc lập về Covid cho TP. Cụ thể, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã cung cấp dữ liệu cho hai nhóm nghiên cứu này; gồm: nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - làm trưởng nhóm, và nhóm nghiên cứu Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến - trưởng khoa công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên - làm trưởng nhóm.

 

Các nhóm nghiên cứu này đã tổng hợp số liệu về số ca F0; số ca test ở bệnh viện hoặc cộng đồng, trong khu cách ly, phong tỏa; test dương tính lần 1, có hoặc không có triệu chứng; phân tích đánh giá xu hướng dịch theo các mốc áp dụng chỉ thị 15, 16 và chỉ thị 10.

 

Sở Thông tin và truyền thông đánh giá kết quả nghiên cứu của hai nhóm có tính tương đồng. Theo đó, nghiên cứu, việc áp dụng chỉ thị 10 đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh tại TP. Kết quả mô phỏng cho thấy dịch đã có xu hướng đạt đỉnh ở cuối tháng 6 và giảm nhẹ vào đầu tháng 7.

 

Cụ thể hơn, kết quả nghiên cứu nhóm Đại học Fulbright cho rằng: việc áp dụng chỉ thị 10 cho thấy xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dự kiến đợt dịch này sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021.

Nhóm nghiên cứu này đã đưa ra 2/4 kịch bản phòng, chống dịch có kết luận dịch sẽ kết thúc vào tháng 8-2021. Kịch bản thứ 1 là áp dụng chỉ thị 10 trong hai tuần tháng 7 và sau đó nới lỏng dần; tổng số ca nhiễm cả đợt sẽ là 11.000 người; dự kiến 7.000 giường bệnh. Kịch bản thứ 2 là áp dụng chỉ thị 16 trong 1 tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng; dự kiến ca nhiễm là 7.000 - 10.000 ca và 7.000 giường bệnh.

 

Con số ca bệnh hiện nay đã bỏ khá xa dự báo của họ: đã gần giữa tháng 7-2021, đỉnh dịch có lẽ còn ở phía trước và số ca bệnh đến tối 13-7 đã 16.573.

 

Trước đó, ngày 12-7, sang tuần mới, số ca Covid-19 ở TP.HCM hết tuần cũ 11-7 là 13.012. Khả năng hết tuần này, hết 18-7, theo tính toán chủ quan cá nhân của tôi, TP.HCM sẽ vẫn theo “nhịp” gấp đôi (từ giữa tháng 6-2021, cứ sau một tuần, số ca bệnh ở TP.HCM tăng gấp đôi): trên dưới 26.000 ca.

 

Đến tối nay, 13-7, TP.HCM có 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường, đang cách ly 7.977 người. Ngoài ra, thành phố có 19 bệnh viện dã chiến, hiện lập thêm năm bệnh viện, quy mô tổng cộng gần 50.000 giường.

 

Một con số bỏ xa dữ liệu ban đầu của TP.HCM: 5.000 ca. Khi đó, TP.HCM chỉ hơn 300 ca và ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM khá chủ quan khi nhận định ngày 4-6: "Dịch bệnh có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy TP đã truy vết, khoanh vùng kịp thời. Cần tiếp tục khoanh vùng, truy vết triệt để hơn nữa".

 

Covid -19 ở TP.HCM đang có những diễn biến thực trạng mới rất nhanh. Chắc chắn sẽ phải có thay đổi cách phòng chống Covid ở TP.HCM. Thậm chí, CHUYỂN TỪ CHIẾN LƯỢC ƯU TIÊN Y TẾ DỰ PHÒNG QUÁ SỨC TỐN KÉM TIỀN BẠC, NHÂN LỰC, BẤT AN LÒNG DÂN (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...) SANG ƯU TIÊN Y TẾ ĐIỀU TRỊ (TP.HCM tính đến tối nay 13-7 có 224 ca nặng, thở máy và Ecmo/16.573 ca bệnh (khoảng 1,2%). Còn lại 80% không triệu chứng và nhẹ, chủ yếu uống thuốc hạ sốt và vitamin C giá rẻ rề – như trị cảm cúm thông thường. Số 224 ca nặng thì ngành Y thành phố “xơi” cái một). Số ca tử vong còn ít hơn nhiều.

 

CHÍNH SÁCH NÀO CŨNG PHẢI TÍNH TỚI THỰC TẾ VÀ TÍNH KHẢ THI TRONG KHẢ NĂNG CỦA NÓ. Đây là chính sách nhiều nước đã và đang thực hiện: dựa trên thực trạng ca bệnh, ca chết/thực tế khả năng, sức chịu đựng (kinh tế, bệnh viện) và tính khả thi. Nước ta chưa giàu mà chống Covid kiểu “con nhà giàu” e không đúng lắm. Khổ đầu tiên vẫn là dân, nhất là dân nghèo.

 

Phải chăng vì vậy, thông tin mới nhất ngày 13-7, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM - cho biết ông ủng hộ phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà theo đề xuất của TP.HCM.

 

Theo đó, đối tượng thí điểm cách ly tại nhà theo ông là F0 không triệu chứng, bao gồm nhân viên y tế nhiễm COVID-19; các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm và những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

 

Không chỉ là chính sách, cách và thái độ phòng chống Covid hiện nay cũng nhiều điều đáng nói. Có chuyện mới hôm trước lập hơn 30 chốt kiểm soát trên đường, giữa các quận, trưa nay 13-7 gỡ hết vì theo Công an TP.HCM, “hơn 300 chốt nội thành TP.HCM đổi phương pháp hoạt động. Theo đó, thay vì trước đây chỉ đứng tại chốt kiểm tra, xử lý thì lực lượng tại các chốt sẽ vừa tuần tra, xử lý lưu động, vừa kiểm tra, xử lý tại chỗ”. Họ nói vậy chúng ta nghe vậy, còn dân thì thấy các chốt bỏ mừng thấy mồ. May mà chỉ hai, ba ngày là bỏ…

 

Rồi sau khi dẹp hết chợ vỉa hè, tự phát (không gian rộng), dồn khách vô chợ truyền thống (không gian kín hơn), siêu thị (không gian kín mít). Kết quả: mấy trăm chợ truyền thống, siêu thị dính F0 phải đóng cửa. Bây giờ đưa siêu thị ra bán vỉa hè, vậy đó lại là chợ vỉa hè chứ còn gì nữa?!

 

Và người nhiễm Covid vốn là nạn nhân, nhưng không phải hiếm những biểu hiện thái độ kỳ thị rất đau lòng.

 

Có một thuận lợi rất lớn: Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM vốn là người khiêm cung, chừng mực, biết người biết ta, không thích nịnh, luôn muốn lắng nghe. Và ông tìm cách thay đổi cách phòng chống mặc định – sao chép hiện nay, có phần lỗi thời so với thực tế dịch. Thực tế ông đã và đang tìm cách nghe nhiều hơn. Có những ý kiến khá gay gắt, không dễ nghe như ý kiến của BS Phạm Ngọc Thắng. Ông Nên có lẽ không chú ý thái độ góp ý (dễ quy chụp thiện ý) mà chủ yếu lắng nghe nội dung góp ý, phản hồi ngay trong ngày 11-7.

 

Đã nhiều năm nay, TP.HCM mới có một lãnh đạo thật sự chân thành nêu thiếu sót, nhìn đúng thực tế hơn là hô hào, kêu gọi. Nhiều lần ông Nên nói về thiếu sót của mình, của thành phố trong phòng chống Covid.

 

Mới đây, 10-7, ông đi gặp các chuyên gia, nhà khoa hơn năm tiếng đồng hồ vì theo ông, “đã đến lúc cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe các ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch COVID-19 của TP.HCM”.

Một thái độ lãnh đạo đáng tôn trọng và xét cho cùng, dù ổng danh nghĩa là dân Tây Ninh chớ cũng không xa lạ với Sài Gòn – Gia Định vì trước khi Pháp vô, Tây Ninh, Bình Dương thuộc tỉnh Gia Định (Nam kỳ lục tỉnh). Sài Gòn thuộc phủ Bình Dương.

 

151 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

No comments: