Cao
điểm chống dịch và cuộc sống người nghèo
Tác giả: Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
09:22 16/07/2021
http://baovannghe.com.vn/cao-diem-chong-dich-va-cuoc-song-nguoi-ngheo-23295.html
Đô thị lớn nhất phương Nam đang trọng thương
vì Covid-19! Đó là điều mà hầu hết người Việt Nam đều cảm nhận rất rõ ràng. Từ
ngày 31-5, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của
Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 9-7 thì mức độ kiểm soát tăng lên để triển khai
áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Nói cách khác, Thành phố Hồ Chí Minh
phải phong tỏa để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nhiều phần quà được
các tổ chức, cá nhân, nhóm làm xã hội từ thiện trao tận tay người khuyết tật có
hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch Covid-19.Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Đã có nhiều nơi phong tỏa để chống dịch. Thế
nhưng, khi Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa thì ai cũng biết rằng cuộc chiến với
Covid-19 đã căng thẳng hơn, cam go hơn. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung
tâm mọi hoạt động giao thương và dịch vụ của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh trọng
thương thì Việt Nam không thể khỏe mạnh.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc những
người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương sẽ cách ly tại nhà 7 ngày rồi
thực hiện xét nghiệm theo lịch trình. Thế nhưng, các tỉnh vẫn yêu cầu có giấy
xét nghiệm âm tính mới cho vào địa phận. Có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm
có giá trị trong vòng 7 ngày, có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị
trong vòng 5 ngày, và cũng có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị
trong vòng 3 ngày.
Vậy, thử hỏi, giấy xét nghiệm có ý nghĩa gì?
Xét theo góc độ y học, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính, nghĩa là
lúc ấy trở về trước thì đối tượng được xét nghiệm chưa nhiễm bệnh. Còn đối tượng
được xét nghiệp có nhiễm bệnh hay không, kể từ khi rời khỏi khu vực lấy mẫu xét
nghiệm, thì không thể nào phán đoán được. Nói cách khác, giấy xét nghiệm
Covid-19 có kết quả âm tính chỉ có giá trị bảo chứng cho quá khứ, chứ không có
giá trị bảo chứng cho tương lai. Vậy mà, kỳ lạ thay, giấy xét nghiệm lại trở
thành giấy chứng nhận không lây nhiễm ngắn hạn ,để nhiều địa phương xem xét như
một giấy thông hành cho người lao động. Xét nghiệm Covid-19 cũng có những trường
hợp âm tính giả. Vì vậy, Bộ Y tế mới quy định thời biểu lấy mẫu xét nghiệm nhiều
lần cho F1, F2 để tránh rủi ro xuất hiện những đối tượng được xét nghiệm chuyển
qua dương tính ở những ngày tiếp theo.
Rõ ràng, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả
âm tính hoàn toàn không phải “kim bài miễn dịch”. Phương pháp tối ưu để đẩy lùi
Covid-19 là 5K và vắc xin, chứ không phải nỗi hào hứng với giấy xét nghiệm. Những
địa phương bắt buộc người lao động phải có giấy xét nghiệm, dường như không
màng đến yếu tố y học, mà chỉ cốt đặt ra một loại rào cản mới có vẻ trang
nghiêm và thuyết phục. Nhiều dịch vụ xét nghiệm Covid-19 lập tức bùng nổ với
giá cả khá linh hoạt từ 300 nghìn đồng/ lần đến 700 nghìn đồng/ lần. Chưa cần đề
cập đến khả năng có kiểm soát được giấy xét nghiệm bị làm nhái, làm giả hay
không, thì riêng chi phí giấy xét nghiệm đã thêm gánh nặng cho người nghèo.
Trong cao điểm dịch bệnh, không ai muốn di chuyển xa để làm việc, nếu đã đủ ăn
đủ mặc. Những lao động bất đắc dĩ phải ra khỏi nhà mùa Covid-19 đều có kinh tế
khá eo hẹp. Vậy mà, cứ 3 ngày, 5 ngày hoặc 7 ngày họ lại phải mất thêm tiền để
làm giấy xét nghiệm, thì chật vật càng thêm chật vật, khốn khổ càng thêm khốn
khổ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục
có những chuyến công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để chỉ
đạo công tác chống dịch. Việc Thành phố Hồ Chí Minh phải áp dụng giãn cách xã hội
theo chỉ thị 16 là một trong những sự kiện được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc
biệt quan tâm và chia sẻ. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi năm có 52 tuần,
có thể hy sinh 2 tuần để đổi lại 50 tuần bình yên. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh
Chính đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ chống dịch,
vì các thủ tục đã giảm 2/3. Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích Thành phố Hồ
Chí Minh cứ mạnh dạn làm, quan trọng dứt khoát không để bỏ sót, với tư tưởng
chăm lo, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm và đảm bảo
bình đẳng khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị
Thành phố Hồ Chí Minh thành lập các trung tâm cứu trợ, tổ chức đường dây nóng
và thông qua công nghệ, mạng xã hội để nắm bắt các khó khăn của người dân, những
người yếu thế. Đồng thời, tổ chức các xe hàng lưu động vào tận các ngõ hẻm, đường
phố gặp khó khăn để phục vụ nhân dân từng khu phố, tổ dân cư.
Sự gợi ý của người đứng đầu Chính phủ rõ ràng
đã mở đường cho đô thị lớn nhất phương Nam triển khai “việc nhân nghĩa cốt ở
yên dân”. Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp cho ngân sách hơn 1000 tỷ đồng.
Như vậy, hai tuần giãn cách thì Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể chi ra số
tiền khoảng 14 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân đang vất vả chịu cảnh phong tỏa.
Cao điểm chống dịch buộc phải hạn chế người dân ra khỏi nhà. Vì vậy, những đối
tượng lao động tự do sẽ mất thu nhập. Họ là những người bán hàng rong, tài xế
xe ôm, bán vé số dạo… Họ vốn không có khoản tiền dành dụm, hoặc nếu có cũng đã
dè sẻn chi tiêu hết trong suốt thời gian virus corona thâm nhập vào Việt Nam
hơn một năm qua. Hỗ trợ những người nghèo vượt qua được gieo neo thì chắc chắn
cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 cũng sẽ thành công như mong đợi.
Để người nghèo không bị đứt bữa, thì lương thực
là bài toán cần đáp số đầu tiên. Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp mã vận tải hàng
hóa cho 2.800 xe vận tải ra vào các cảng, khu công nghiệp, chủ động phân luồng
xanh, điều tiết từ xa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. Thành phố Hồ Chí
Minh cũng chủ động khai trương lại “siêu thị mini 0 đồng” tại 6 điểm cung cấp
nhu yếu phẩm cho khoảng 16 nghìn người nghèo. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí
Minh cũng quyết tâm không để bất kỳ người dân nào, trong đó cả những người
không thuộc 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo nghị quyết 09/NQ-Thành phố Hồ Chí
Minh, bị thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của
cả nước. Ở đó, có những người ngụ cư với hàng trăm nghề lao động tự do khác
nhau, không chỉ góp phần tạo nên sức sống cho một thị trường năng động, mà còn
cưu mang nhiều mảnh đời thân nhân nơi quê nhà. Hy sinh 2 tuần ngưng đọng tại
Thành phố Hồ Chí Minh, đừng ngần ngại sử dụng nguồn lực tài chính chăm lo cho
những mảnh đời khốn khó, để họ tin yêu cùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước
vun đắp 50 tuần bình yên như ý muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nguồn : Văn nghệ số 29/2021
No comments:
Post a Comment