Wednesday, July 14, 2021

BÓNG ĐÁ và TRÍ TUỆ (Nguyễn Thọ)

 


BÓNG ĐÁ và TRÍ TUỆ  

Nguyễn Thọ

02:49  14/07/2021   

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/6133987406619281

 

Trước đây nhân loại được chia thành 3 thế giới: Thế giới thứ nhất gồm các nước tư bản phát triển, thế giới thứ hai gồm Liên Xô và các nước XHCN đông Âu đã công nghiệp hóa. Phần còn lại là thế giới thứ ba, hay còn gọi là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong nhóm này và coi mình là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngây thơ và hiếu thắng, hồi nhỏ tôi chỉ thích nước mình nằm mãi ở nhóm đó để luôn được vác cờ đi đầu.

 

Trong những năm 1960-1970, thời kỳ cạnh tranh công nghiệp, các nước XHCN ở thế giới thứ hai cũng phát triển đại cơ khí, làm ra mọi thứ nghiêng ngả với bọn tư bản. Mày có máy bay Concord, tao có TU-144. Mày có xe Cadillac, tao có xe Tschaika. Thậm chí tao có chó Laika bay vào vũ trụ, mày làm chó gì có con nào? Đại loại như vậy.

 

Còn các nước thế giới thứ ba như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ thì cứ đứng nuốt nước bọt nhìn thấy cái gì của hai bọn kia cũng thèm. Ấn Độ tư bản mà mua được máy bay MIG-19 của Liên Xô cũng mừng húm. Còn người Việt thì buôn từ cái nan hoa xe đạp, cái nồi áp xuất ở Liên Xô, Tiệp Khắc về tậu nhà.

 

Nhưng đến khi bon tư bản phát động cách mạng tự động hóa vào những năm 1980 thì phe XHCN hụt hơi, đuối dần và tan rã. Cái máy PC ông Việt kiều Tây Đức mang sang Đông Đức tặng vợ sẽ được bà con mua đi bán lại với giá gấp năm gấp bảy cho các cơ quan “Hi-Tech” Đông Đức. Và cái kết thì đã rõ.

 

Giờ thì thế giới phẳng chỉ còn một. One World, trong đó chỉ còn phe thắng và phe thua.

 

Bóng đã thế giới cũng vậy, với độ trễ khoảng vài chục năm.

 

Tiều phu tôi từng chia bóng đá ra thành 3 thế giới. Thế giới thứ nhất gồm các nước châu Âu. Người Âu với truyền thống đá bóng hàng trăm năm, với một xã hội sớm phát triển, kỷ cương, cầu thủ luyện tập có bài bản và với thể lực tốt đã thay nhau làm vua bóng đá.

 

Nhưng rồi nền bóng đá Nam mỹ xuất hiện, được coi là thế giới thứ hai, chọi lại Châu Âu. Ở những xứ sở nghèo nàn này, cầu thủ có tố chất thể lực của người Âu, lại suốt ngày dầm mưa, dãi nắng chơi bóng trên đường phố đã đảo ngược tình thế. Từ những năm 1930 trở đi, các cường quốc bóng đá Uruquay, Brazil, Argentina, Chile… lần lượt qua mặt Châu Âu. Các nghệ sỹ sân cỏ như Pele, Maradona, Kempes trở thành những tượng đài.

 

Phần còn lại là các nước chậm phát triển bóng đá, thế giới thứ ba. Kể cả dân da trắng như Mỹ, Úc, Tân Tây Lan tuy trông như tây, nhưng đá cũng như ta.

 

Từ cuối những năm 90, ưu việt về khoa học kỹ thuật, về xã hội, về con người ở châu Âu đã xóa dần bức tranh 3 thế giới. Các trường đại học Châu Âu đã đưa bóng đá thành một môn khoa học. Người ta không chỉ nghiên cứu ra các loại giày thông minh, các loại cỏ chịu lực, các kỹ thuật đường gôn (Goal technic) để xác định bóng vào gôn, các kỹ thuật trọng tài video (VAR)… mà còn đưa ra chiến thuật cho từng trận dựa trên các phân tích Big-Data về đối phương. Một ví dụ là Trường Đai học Thể thao Cologne có một trung tâm nghiên cứu, sử dụng hàng trăm sinh viên để dùng máy tính phân tích video các trận đấu. Từ đó họ tạo ra kho dữ liệu về các đội, về từng cầu thủ, từng sân vận động.

 

Bóng đá châu Âu bên cạnh việc trở thành một ngành kinh tế khổng lồ, còn là một nền bóng đá trí tuệ.

 

Hiện nay bóng đá trí tuệ, dựa vào đấu pháp, vào kỷ luật chiến thuật, vào tinh thần đồng đội đang dần bỏ xa nền bóng đá dựa vào kỹ thuật cá nhân của Nam Mỹ. Từ 2002 trở về trước, Nam Mỹ 9 lần vô địch thế giới trong 17 giải. Nhưng 4 giải gần đây cúp nằm lại ở Châu Âu. Hè 2014 Đức đã hạ gục Brazil 7-1 tại ngay thánh địa Maracana của bóng đá Brazil.

 

Trên bình diện giải quốc gia thì các CLB Nam Mỹ từng vang bóng một thời như River Plata, FC-Santos, Flamengo cũng không còn so được với các CLB trung bình ở Châu Âu. Các ngôi sao Nam Mỹ đều bỏ sang châu Âu đá thuê, làm cho nền bóng đá bản xứ lại càng nghèo nàn.

 

Vì bóng đá trí tuệ ít phụ thuộc hơn vào các siêu sao khiến cho các giải quốc gia châu Âu bỗng trở nên bất ngờ hơn. Các CLB nhỏ, vô danh như Leicester ở Anh hay Wolfsburg ở Đức từng giỡn mặt các ông lớn, giật cúp vô địch quốc gia. Các chú lùn bóng đá châu Âu, không hề có siêu sao như Áo, Thụy Sỹ, Tiệp, Đan Mạch, Hung… cũng dùng chiến thuật thông minh quật ngã các ông lớn tiền tỷ như Đức, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha tại EURO 2021.

 

Xu hướng này cũng đang giúp các nước “Đang phát triển” như Nhật, Nam Triều Tiên, Ma-Rốc, I-Ran v.v. tiến lên làm cuộc “Cách mạng giải phóng dân tộc”, thách thức “Chủ nghĩa thực dân bóng đá” của Châu Âu.

 

Trận Nam Triều Tiên hạ Đức 2-0 tại Kazan 2018 từng được mấy bố Việt Nam coi là một “Điện Biên Phủ” trên sân cỏ.

 

Ô hay, Đức là một trong những quê hương của bóng đá trí tuệ, với CLB Bayer Munich giành cúp C1 mà không cần siêu sao, với những trung tâm khoa học bóng đá như Đại học Cologne mà sao lại thảm hại vậy?

 

Nước Đức không hề thiếu nhân tài, từ cầu thủ, huấn luyên viên, đến các chuyên gia phân tích chiến thuật …Dù đang chiếm đỉnh cao trí tuệ, nhưng họ lại quá sùng bái một ông Löw ham ghế. Khi đã ham ghế thì dù có tài giỏi đến mấy cũng mất đi tính sáng tạo. Đã là dẫn dắt về trí tuệ thì không thể là những đầu óc già cỗi, đi vào lối mòn. Đó là bài học cho cả bóng đá và đời.

 

Bóng đá trí tuệ cũng tạo ra một lớp cầu thủ mới, vốn xưa nay vẫn bị coi là “vai u thịt bắp”. Cách các cầu thủ Đan Mạch xử sự khi Erikssen của họ bị trụy tim, sự đồng cảm của cầu thủy Phần Lan trong trận đó, hoặc thái độ của các Liên đoàn bóng đá chống lại quyết định kỳ thị người đồng tính của Quốc hội Hungary là những vẻ mặt của một nền bóng đá đầu óc.

 

Rồi việc các đội cùng nhau quỳ gối trước trận đấu để phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng cho thấy, những ai biết quỳ gối vì việc nghĩa là những người nhảy được cao.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=6133985766619445&set=pcb.6133987406619281

Cầu thủ của hai đội Anh và Đức quỳ gối bày tỏ thái độ chống phân biệt chủng tộc trước trân đấu loại vòng tám tại sân Wembley.

 

 

73 BÌNH LUẬN  

 

 

===================================

 

XEM THÊM

 

 

ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA BÓNG ĐÁ ĐƯƠNG ĐẠI  

Tác giả : Branko Milanovic

Dịch giảUlysse Lojkine

10.7.21

http://www.phantichkinhte123.com/2021/07/ia-chinh-tri-cua-bong-uong-ai.html

 

Ví dụ về bóng đá minh họa những hứa hẹn lẫn nguy cơ của toàn cầu hóa.

 

Các quy tắc của bóng đá thế giới cho phép các nước nghèo hưởng lợi một phần từ tình trạng “chảy máu đôi chân [cầu thủ nội ra nước ngoài thi đấu cho các câu lạc bộ nước ngoài – ND]”, trong chừng mực các đội tuyển quốc gia được quyền triệu tập những cầu thủ [đang thi đấu ở nước ngoài] của họ tham gia các giải đấu quốc tế, các nước này hưởng lợi từ những kỹ năng mà các cầu thủ của mình có được khi được các câu lạc bộ nước ngoài, ở một trình độ và chất lượng cao hơn tuyển dụng.[1]

 

Đây là một ví dụ về tính hiệu quả, nhưng cũng là sự bất bình đẳng gây ra bởi toàn cầu hóa, những thứ có thể được các định chế toàn cầu khai thác để giúp cải thiện những kết quả mà các nước nghèo đó được hưởng lợi.

 

Bóng đá là môn thể thao mang tính toàn cầu hóa cao nhất. Sự tự do dịch chuyển của cầu thủ đã gia tăng một cách đáng kể trong mười đến mười lăm năm qua, cùng với việc các câu lạc bộ nâng mức giới hạn số lượng cầu thủ nước ngoài thi đấu ở các giải châu Âu, và với việc các câu lạc bộ dấn sâu hơn vào các logic mang tính thương mại. Mặt khác, những quy tắc quản lý sự tranh tài của các đội tuyển quốc gia vẫn còn chặt chẽ: cầu thủ bóng đá chỉ có thể thi đấu cho quốc gia nơi họ được sinh ra. Từ mô hình này được đánh dấu bởi sự tự do di chuyển, tính kinh tế theo quy mô và sự nâng cao nội sinh về kỹ năng, là kết quả, một mặt của chất lượng thi đấu tốt hơn và của sự bất bình đẳng ngày càng tăng về kết quả giữa các câu lạc bộ với nhau, và mặt khác của tính không thuần nhất ít hơn giữa các đội tuyển quốc gia. Các ví dụ thực nghiệm từ lịch sử Giải bóng đá châu Âu [Champions League] và thế giới [World Cup] đã khẳng định những hàm ý của mô hình này.

 

Mô hình này là đơn giản và dựa trên nhiều giả định, trong đó quan trọng nhất là giả định hiệu suất theo quy mô tăng dần – một giả định được cho là hợp lý để áp dụng cho khá nhiều quy trình sản xuất phức tạp. Sự tự do dịch chuyển của lao động và hiệu suất tăng dần dẫn đến một sự gia tăng tổng thể của sản xuất, hoặc trong trường hợp liên quan đến bóng đá, là chất lượng của bóng đá, bởi vì những cầu thủ giỏi nhất được tuyển vào để cùng chơi với những người cầu thủ khác cũng giỏi nhất.

 

Thế nên vấn đề là: trong khuôn khổ các quy tắc thương mại thuần túy, sự cải thiện tổng thể về chất lượng của trò chơi [bóng đá] này đi kèm với sự gia tăng bất bình đẳng. Các nước nghèo (về bóng đá) chẳng hưởng được gì khi “xuất khẩu” cầu thủ của họ. Về phần các cầu thủ, họ được nhiều hơn, vì được trả lương cao hơn và vì chất lượng chơi bóng của họ ngày càng được cải thiện khi họ chơi bóng với những cầu thủ giỏi nhất, so với khi họ ở lại và chơi bóng tại quê nhà.

 

Các hiệu ứng lên phúc lợi cũng rất mơ hồ. Không nghi ngờ gì nữa, sự cải thiện chất lượng các trận đấu và chất lượng của ngành viễn thông (bao gồm việc truyền hình trực tiếp những trận đấu quan trọng nhất của các giải quốc gia từ khắp châu Âu) là nguồn vui cho những người hâm mộ bóng đá. Vì vậy, vào một ngày cuối tuần bình thường, một người hâm mộ bóng đá bình thường ở châu Âu có thể xem những đội bóng hay nhất của Ý, Tây Ban Nha hoặc Anh thi đấu với nhau, mà không cần rời khỏi căn phòng của họ. Môn thể thao này đã thực sự trở nên toàn cầu, không chỉ thu hút cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới, mà còn cung cấp các nền tảng người hâm mộ cho các câu lạc bộ, khác với những khán giả truyền thống [đến sân xem trận đấu]. Ví dụ, câu lạc bộ Manchester United có một lượng người theo dõi rất đông ở châu Á, và trong thời gian gần đây, ở Bắc Mỹ. Các trận đấu thuộc giải Ngoại hạng Anh, giải hạng nhất Anh, thường xuyên được phát sóng và được khán giả khắp châu Á theo dõi.

 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số nhược điểm. Những thành phố tầm cỡ trung bình, xét về mật độ dân số hay sự giàu có, đều mất đi cơ hội đón tiếp những câu lạc bộ xuất sắc trên thế giới trong sân đấu trên lãnh thổ họ. Trong khi giải Champions Cup, trong cấu hình tổ chức trước đây, cho phép các đội mạnh nhất của​​Thụy Sĩ hoặc Bulgaria gặp, nhờ may mắn bốc thăm trúng, đội Real Madrid, và như vậy cho công chúng địa phương cơ hội được xem những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, không chỉ trên truyền hình, mà còn bằng xương bằng thịt, thì các sân vận động mới khiến cho khả năng đó trở nên khá xa vời. Nếu đề xuất thậm chí còn triệt để hơn của Silvio Berlusconi[2] được chấp nhận, thì các đội mạnh nhất sẽ không bao giờ thi đấu với các đội hạng hai. Vì vậy, có một phân khúc rõ ràng: giải hạng nhất dành cho những đội hay nhất thi đấu với nhau, giải hạng hai dành cho những đội ở cấp độ thấp hơn, và cứ thế mà tiếp tục. Điều này có thể dẫn đến một số mất mát về phúc lợi đối với người hâm mộ, do sự gắn bó của họ với các câu lạc bộ địa phương của mình và mong muốn được nhìn thấy câu lạc bộ của mình, chí ít là thỉnh thoảng, được thi đấu với các đội giỏi nhất. Nhưng, như chúng tôi đã đề cập, điều này chỉ có thể xảy ra trong một bối cảnh mà chất lượng tổng thể của trò chơi được cải thiện đáng kể.

 

Để phân phối lại toàn bộ lợi tức thu được từ một nền sản xuất toàn cầu ở cấp độ cao hơn, thì cần phải thiết lập các quy tắc toàn cầu. Trong bóng đá, các quy tắc đó do FIFA soạn thảo, vốn là tổ chức bóng đá quốc tế quy định sự tranh đua giữa các đội tuyển quốc gia. Các quy tắc của FIFA nghiêm cấm việc thay đổi đội tuyển quốc gia. Thế nên, các nước giàu không thể mua cầu thủ bóng đá của một nước nghèo để thi đấu ở World Cup. Và các nước nghèo (về bóng đá) có thể hưởng lợi từ những kỹ năng vượt trội của những cầu thủ của họ được thi đấu ở nước ngoài, khi các cầu thủ này tạm thời trở về quê hương để thi đấu cho đội tuyển quốc gia của họ.

 

Câu hỏi là liệu các quy tắc “phân phối lại” hiện hành có đủ sức [điều tiết] hay không là một vấn đề khác. Nhiều người có vẻ tin rằng các quy tắc đó chưa đủ sức và các nước nghèo, những nước cung cấp hầu hết các cầu thủ cho các câu lạc bộ phương Bắc không hưởng lợi gì nhiều. Một trong số người đó là cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người đã mạnh mẽ phản đối các câu lạc bộ giàu có vì sự thờ ơ của họ đối với môi trường xã hội và vận mệnh bóng đá ở những nước mà họ tìm được hầu hết các cầu thủ giỏi nhất. Ví dụ, các câu lạc bộ phương Bắc đã bắt đầu thành lập các trung tâm huấn luyện bóng đá riêng của họ ở các nước nghèo, nhằm thu hút các tài năng trẻ với chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc phải trả tiền cho những cầu thủ đã được đào tạo.

 

Nhưng bất chấp ảnh hưởng tiết chế có phần khiêm tốn của FIFA, mâu thuẫn vẫn tồn tại, bởi vì chúng ta thực sự đang đối mặt với một sự không thích đáng giữa hai triết lý, vốn đã cùng nhau tồn tại lâu năm một cách khó khăn và có nguy cơ trở thành một sự đối lập trực diện.

 

Một mặt, bóng đá có thể tự miễn trừ hoàn toàn mọi quy tắc phân phối lại. Các câu lạc bộ xuất sắc nhất thậm chí có thể rời khỏi các liên đoàn [bóng đá] châu Âu và thế giới và tổ chức một giải đấu riêng của họ, điều mà 14 câu lạc bộ bóng đá giàu nhất châu Âu đã đe dọa làm. Đây là cách mà môn quyền anh đã chọn với sự tăng nhanh, gần như không thể hiểu nổi, các liên đoàn [quyền anh] chuyên nghiệp và các nhà “vô địch [quyền anh] thế giới”. Dưới sự tham mưu của Kasparov, môn cờ vua cũng đi theo con đường tương tự. FIDA, hiệp hội cờ vua quốc tế, trước đây từng đặt ra các quy tắc và tổ chức các giải vô địch cờ vua thế giới, đã bị PCA (Hiệp hội cờ vua chuyên nghiệp) do Kasparov cùng một số kỳ thủ giỏi nhất thành lập, bỏ ra rìa. Như người ta mong đợi, điều này đã tạo ra nhiều nhà vô địch thế giới, và làm giảm cấp các giải đấu xuống cấp độ một buổi diễn xiếc ngoạn mục. Trong bóng đá cũng vậy, đã có một tiền lệ. Vào đầu những năm 1960, nhiều câu lạc bộ Mỹ Latinh đã rời khỏi liên đoàn bóng đá Mỹ Latinh, và bắt đầu tổ chức một giải đấu theo các quy tắc riêng của họ. FIFA, với quyền lực đủ mạnh để dập tắt cuộc nổi loạn này từ trong trứng nước, đã cấm, thường là suốt đời, những cầu thủ nào thi đấu ở giải đấu mới. Điều này đã hạn chế phạm vi của liên đoàn [các câu lạc bộ Mỹ Latinh], làm nản lòng các cầu thủ khác tham gia giải đấu của liên đoàn mới và cuộc nổi loạn nhanh chóng đi đến hồi kết.

 

Nhưng nếu các câu lạc bộ mạnh nhất cùng nhau thách thức UEFA và FIFA, thì tình hình có thể sẽ khác đi khá nhiều. Các câu lạc bộ lớn nhất châu Âu đã nổi giận, ngay cả khi FIFA đặt ra một nghĩa vụ tương đối nhẹ cho họ, đó là nghĩa vụ để các cầu thủ được phục vụ cho đội tuyển quốc gia của mình – một cơ chế toàn cầu trù liệu việc phân phối lại một số thu hoạch hiệu quả. Sự phản kháng tương tự của các câu lạc bộ đối với các quy tắc toàn cầu cũng xuất hiện trong trường hợp của môn bóng rổ, khi Liên đoàn Bóng rổ Thế giới (FIBA) cũng yêu cầu các câu lạc bộ phải giải phóng cầu thủ của họ cho các đội tuyển quốc gia, chẳng hạn như khi đội tuyển quốc gia tham gia một kỳ Thế vận hội. Điều này gây khó, đặc biệt, cho Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ (NBA), nơi tập hợp nhiều cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Chủ sở hữu đội bóng rổ Dallas Mavericks gần đây đã phàn nàn, “Tại sao chúng tôi phải để cho tài sản quý giá nhất của mình [các cầu thủ châu Âu] thi đấu cho một giải khác [Thế vận hội], dù biết rằng khi buộc phải cung cấp sản phẩm của mình, thì điều đó có thể có một tác động tiêu cực.”

 

FIFA phản đối việc thương mại hóa quá mức này. Một triết lý khác là tiết chế sự thương mại hóa với việc phân phối lại thu hoạch nhiều hơn. Điều đó hàm ý đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn để áp đặt tinh thần trách nhiệm cho các công ty và chứng chỉ “công dân tốt” cho các câu lạc bộ giàu nhất, đặc biệt trong nội bộ các mối quan hệ với các nước nghèo. Và điều đó có thể gìn giữ bản chất tranh đua trong thể thao, cải thiện chất lượng thi đấu, đồng thời chia sẻ lợi ích một cách rộng rãi hơn.

 

Tương tự, nếu không chỉ đề cập đến bóng đá nói riêng mà còn đề cập đến các hoạt động khác của con người nói chung, nếu cho phép một sự tự do dịch chuyển lao động nhiều hơn, thì chúng ta có thể – tương tự như đối với ví dụ về bóng đá – mong đợi một sự gia tăng trình độ sản xuất ở cấp độ toàn cầu. Nhưng chúng ta cũng có thể phải trả giá cho điều đó bằng sự gia tăng bất bình đẳng, loại trừ thêm nhiều nước nghèo khác và gây thiệt hại đối với một số phúc lợi, từ việc đánh mất “hương vị địa phương”. Vì thế, để quá trình này có lợi về mặt xã hội, được chấp nhận và mang tính công bằng nhiều hơn, thì cần phải có một số quy tắc mang tính toàn cầu, phi mậu dịch, có khả năng thích ứng với quá trình toàn cầu hóa bằng thị trường. Lấy cảm hứng từ các quy tắc của FIFA [Liên đoàn bóng đá thế giới], chúng ta có thể hình dung một nghĩa vụ, được các cơ chế quốc tế áp dụng, theo đó tất cả người di dân có trình độ cao (kỹ thuật viên tin học, bác sĩ, kỹ sư, nhân viên đại học) từ các nước nghèo đến các nước giàu sẽ buộc phải trải qua một quá trình làm việc tại nước xuất thân, ví dụ, tổng cộng là bốn hoặc năm năm, trong suốt cuộc đời làm việc của họ.

 

Chúng ta có thể thực hiện điều đó, theo cách bắt buộc, trong việc cấp giấy phép lao động ở các nước giàu. Các quy tắc đó có rất ít khả năng được các nước giàu áp đặt và thực thi, bởi vì điều đó sẽ khiến họ gặp bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng nếu các quy tắc đó mang tính toàn cầu, thì từng nước giàu sẽ buộc phải tuân theo và sẽ bị ảnh hưởng theo cách giống nhau. Nếu sự đảo ngược tạm thời của tình trạng “chảy máu chất xám” góp phần mở rộng nền kinh tế toàn cầu – điều mà những công ty ở các nước giàu cũng hưởng lợi –, thì người ta có thể hy vọng là những nước giàu nhất sẽ có một cái nhìn bớt ảm đạm hơn về các quy tắc mới này.

 

Cũng giống như cách mà các nước nghèo về bóng đá hưởng lợi từ tình trạng “chảy máu đôi chân” mỗi bốn năm một lần tại các kỳ World Cup, thì những nước có thu nhập thấp có thể nắm bắt được một số hoạt động cải tiến “chất xám” người lao động của họ. Loại hình toàn cầu hóa này, có ý thức cao hơn về mặt xã hội, sẽ kết hợp những lợi ích thương mại thuần túy (được phản ánh qua thực tế những cầu thủ giỏi nhất được các câu lạc bộ giàu nhất tuyển chọn) với sự tồn tại của một cơ quan điều tiết toàn cầu; cơ quan điều tiết này sẽ áp đặt các quy tắc phi thương mại để tiết chế những tác động tiêu cực của các mục tiêu thương mại.

 

Các quy tắc phi mậu dịch trên thế giới chỉ có thể được thực hiện thông qua một quá trình vận động không mệt mỏi và những áp lực liên tục lên nước giàu trên các diễn đàn quốc tế. Song, nếu không có một quyền lực tối thượng, thì không thể có, như đã thấy trong bóng đá, việc các quốc gia nghèo nhất có được thu hoạch. Ví dụ về bóng đá minh họa kiểu toàn cầu hóa đáng mong muốn: loại bỏ các giới hạn về dịch chuyển lao động, nâng cao hiệu suất tổng thể thông qua tương tác với con người, sử dụng hiệu suất ngày càng tăng của các kỹ năng, nhưng cũng cần đảm bảo chia sẻ một số thu hoạch cho những nước không có đủ sức mạnh kinh tế. Điều đó cũng minh họa cho thấy thực tế là các nước giàu không hài lòng với các quy tắc toàn cầu, dù cho là khá giới hạn, và mong muốn bãi bỏ các quy tắc đó.

 

Như vậy, ví dụ về bóng đá minh họa những hứa hẹn lẫn nguy cơ của toàn cầu hóa.

 

Từ năm 1962 đến 2018, tôi đã theo dõi các kỳ World Cup trong hơn nửa thế kỷ. Đầu tiên là trên đài phát thanh, sau đó là trên truyền hình, truyền hình đen trắng rồi đến truyền hình màu, và cuối cùng là đến sân vận động. Khi so sánh các bộ máy và tổ chức mà ngày nay sự kiện này huy động, cũng như tác động toàn cầu của môn thể thao này, với cách mà mọi thứ đã diễn ra vào năm 1962, thì sẽ dễ nắm bắt hơn các bước tiến hóa chung của công nghệ và toàn cầu hóa, đó là một tiến bộ ngoạn mục. Nhưng chúng ta cũng cần phải khiêm tốn khi đánh giá những gì đã hoàn thành. Chúng ta tự hào về việc Thế vận hội Olympic và World Cup đã được tổ chức gần như không bị gián đoạn trong ít nhiều hơn một thế kỷ qua. Nhưng Thế vận hội Hy Lạp chưa bao giờ bị gián đoạn trong mười thế kỷ. Đội nào sẽ vô địch World Cup 2318? Liệu đó sẽ là sự tranh đua giữa các nước với nhau, hay giữa các lục địa châu Đại Dương, Đông Á, Á-Âu, v.v.? Liệu bóng đá còn tồn tại nữa hay không? Liệu World Cup có còn được tổ chức nữa hay không?

 

Ai biết được?

 

*

TÁC GIẢ

 

BRANKO MILANOVIC

 https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgybm2xPlYxA0OOXf9XhNDSm06-fBuzz_HkYqjVkz485JDpWv2XoDpmGMKZaXBHEkh7_9XX-D4Fz1B-9UQRJvGLm6uPYbOqg6bzSVrQ9hL5CLr903OLBpWrzHhUrfQaUAdJntNXoVBCR-DS/w125-h200/Branko+Milanovic+%25281953-%2529.jpg

Branko Milanovic là nhà kinh tế học người Mỹ gốc Serbia, chuyên gia về bất bình đẳng toàn cầu, trong đó cuốn sách mới nhất của ông Global Inequality [Bất bình đẳng toàn cầu] (NXB Harvard University Press, 2016) là một trong những nghiên cứu thực nghiệm hay nhất. Ông cũng đã từng nghiên cứu về nước Nga trong những năm 1990, nhân dịp Ngân hàng Thế giới công bố bản báo cáo về sự chuyển đổi của các nước phương Đông.

 

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

 

Nguồn: Géopolitique du football contemporainLe Grand Continent, ngày 15/07/2018.

 

 

 

No comments: