Wednesday, December 4, 2019

VỤ HỒ DUY HẢI : TỈNH MUỐN TRẢM, TRUNG ƯƠNG LẮC ĐẦU (Nguyễn Hùng)




NỘI DUNG :

.
.

===============================================

04/12/2019

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao lệnh huỷ án tử hình đối với thanh niên Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện video được thu từ một kỳ họp Hội đồng nhân dân Long An cách đây hai năm.

Video được đưa lại trên Facebook dẫn lời ông Đinh Văn Sang, Viện trưởng kiểm sát Long An nói cần “giết quách” tử tù Hồ Duy Hải nhưng có vẻ ông nói “dứt khoát” chứ không phải “giết quách” như người ta dẫn lại.

Đây là những gì ông Sang nói: "Đã nhiều năm, nhiều kỳ rồi, chúng tôi đề nghị chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc hội về vấn đề thi hành dứt khoát cái vụ tử tù Hồ Duy Hải.
“Tới hiện nay cũng chưa có xi nhê gì hết, lâu lắm rồi và hổng biết ra làm sao. Đề nghị các cơ quan trung ương ở đây các đồng chí tác động giùm bởi vì giam giữ cái tội này rất cực, phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương.”

Điều rõ ràng là người đứng đầu cơ quan công tố muốn nhanh chóng tử hình người mà có lẽ họ biết rằng không gây ra tội ác.

Lý do là dấu vân tay dính máu thu được ở hiện trường không phải là dấu vân tay của ông Hải nhưng chi tiết này bị bỏ ngoài hồ sơ.

Ngoài ra dao và thớt gỗ được cho là dụng cụ gây án không hề được thu tại hiện trường mà là mua ở chợ.

Nhân chứng duy nhất của vụ án nói nhìn thấy Hồ Duy Hải trong bưu điện, hiện trường của vụ hai nữ nhân viên bị giết chết, không được triệu tập. Trên thực tế nhân chứng này không hề quen biết Hồ Duy Hải và từng khai không chắc người ông nhìn thấy có phải là Hồ Duy Hải không.

Trong khi đó người yêu của một trong hai nạn nhân cũng được khai là có mặt tại bưu điện vào đêm xảy ra vụ án lại không hề xuất hiện trong hồ sơ vụ án, theo báo Người lao động.

Còn nhiều sai phạm khác trong quá trình điều tra vậy mà cả toà sơ thẩm và phúc thẩm ở Long An đều kết án tử hình. Người đứng đầu cơ quan tố tụng tỉnh muốn thi hành án càng nhanh càng tốt với đủ thứ lý do không thể dùng từ gì khác hơn là ngớ ngẩn. Thế nào là “giam giữ cái tội này rất cực”? Rồi “phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương”? Không rõ đã bao tỉnh giết người vì những lý do này? Một người ăn nói trơ tráo như vậy sao có thể đứng đầu ngành kiểm sát tỉnh?

Ông Sang cũng không phải là người duy nhất đứng ra bảo vệ ngành kiểm sát. Ngay cả người hiện giờ là Phó thủ tướng thường trực, ông Trương Hoà Bình, từng phát biểu khi còn là chánh án nhân dân tối cao hồi năm 2015:

“Điều tra phát hiện ra nghi can Hồ Duy Hải. Hồ Duy Hải cũng nhận tội có giết người. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác minh một số chứng cứ khác để chứng minh lời nhận tội của Hồ Duy Hải. Sau đó, Viện Kiếm sát tiến hành truy tố và đưa ra tòa án xét xử. Tại tòa sơ thẩm bị cáo vẫn nhận tội và bị cáo nhận không có bức cung, nhục hình.”

Tướng Trương Hoà Bình giờ còn là Đại biểu Quốc hội của Long An và không rõ chứng cứ ông nói tới có phải là con dao và chiếc thớt mua ở chợ để cho vào hồ sơ. Nếu không được chủ tịch nước yêu cầu ngưng thi hành án và những người đứng đầu Quốc hội yêu cầu xem xét lại quá trình điều tra, ông Hồ Duy Hải giờ đã chỉ còn là thây ma.

Điều này khiến có những lời kêu gọi bỏ án tử hình. Cây viết Trương Huy San đăng lại những hình ảnh chưa từng công bố của vụ xử tử những người trong vụ án Minh Phụng – Epco và viết:

“Không ai giải oan cho Tăng Minh Phụng, Phạm Huy Phước, Trần Quang Vinh... Mà ngay cả được giải oan họ cũng chỉ còn là nắm đất. Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh liên quan tới đất đai, Minh Phụng, Tamexco... mà so với tham nhũng ngày nay thì chỉ là rất "muỗi". Bắn không có giá trị răn đe khi chính sách quá màu mỡ cho quan tham đục khoét.
“Thay vì tử hình, kể cả các ủy viên BCT hay bộ trưởng. Đừng điều tra như trò đùa trong các vụ như AVG hay PVN... Có người dân nào tin Bắc Son chỉ nhận 3 triệu USD và Minh Tuấn thì chỉ 200 nghìn bạc lẻ. Làm sao chỉ có Son, Tuấn mà tiêu được 8.900 tỷ đồng. Làm sao tiền hối lộ lại chỉ chi cho cấp cao nhất là hai vị ấy...”

Vụ Hồ Duy Hải chỉ là vụ gần đây nhất chứ không phải là duy nhất trong chuỗi các vụ án oan sai ở Việt Nam. Chuyện ép cung, bắt bị can phải chứng minh mình vô tội thay vì cơ quan tố tụng phải có đủ chứng cớ để buộc tội xảy ra thường xuyên. Ngoài ra sự can thiệp của hệ thống chính trị vào các thẩm phán lớn tới mức khả năng xảy ra án oan ở Việt Nam không còn là điều phải nghi ngờ.

Cách đây nhiều năm khi còn làm cho BBC Tiếng Việt, tôi cũng đã mở diễn đàn cho công chúng bình luận về chuyện nên hay không nên giữ án tử hình. Diễn đàn xuất hiện do công dân Úc gốc Việt Nguyễn Tường Vân bị Singapore kết án treo cổ và sau đó án đã được thi hành vì thanh niên gốc Việt buôn ma tuý.

Diễn đàn dẫn lại lời cựu Thủ tướng Anh Quốc Ted Heath, người từng nói về những người ủng hộ án tử hình rằng: ''Phép thử thực sự là liệu người đó có sẵn sàng là người vô tội bị tử hình hay không?''

Một trong các độc giả từ Canada cũng viết: Không có ai có quyền tước đi sinh mạng người khác.

“Chỉ có những người lãnh đạo dùng án tử hình để xoá đi các bằng chứng sống về các vấn đề xã hội, để trốn tránh trách nhiệm của mình đối với xã hội.
“Án tử hình không bao giờ có thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Nó chỉ kéo xã hội loài người gần hơn về thời nguyên thuỷ, khi con người ta phải chém giết [lẫn] nhau để tranh giành sự sống.”

Cũng có những độc giả phản đối và kiên quyết bảo vệ việc giữ án tử hình. Nhưng phần đông cho rằng xã hội nên rộng lượng hơn với những người phạm tội lần đầu, nhất là những người trẻ tuổi.

Đó là trường hợp đã xác định chắc chắn hành vi phạm tội. Trong trường hợp ông Hồ Duy Hải và nhiều trường hợp điều tra và kết án cẩu thả khác, không có gì có thể biện minh cho chuyện nhiều quan chức khăng khăng đòi tử hình một người mới chỉ bị nghi ngờ chứ không hề chứng minh được rằng họ phạm tội.

-------------------------------------

04/12/2019

Vào sáng 14.1.2008, cả nước bàng hoàng trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.

Số tiền 1,4 triệu đồng, một số điện thoại, sim card và nữ trang cũng biến mất khỏi hiện trường.

– Ngày 21/3/2008: CQĐT khởi tố và bắt tạm giam Hồ Duy Hải (23 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) với tội danh giết người, cướp tài sản.

– Ngày 22/3/2008: VKSND tỉnh Long An ra quyết định phê chuẩn lệnh bắt số 03, ngày 21/3/2008 của CQĐT (nhưng trong quyết định này, tên người bị bắt là Nguyễn Duy Hải chứ không phải Hồ Duy Hải).

– Ngày 1/12/2008: TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản, đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 60 triệu đồng. Hồ Duy Hải đã làm đơn kháng cáo ngay sau đó.

– Ngày 28/4/2009: Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM bác đơn kháng cáo của Hồ Duy Hải, tuyên y án sơ thẩm. Ngay sau đó, Hồ Duy Hải đã làm đơn xin ân giảm gửi cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

– Ngày 24/5/2011: Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

– Ngày 24/10/2011: Viện trưởng VKS NDTC Nguyễn Hòa Bình ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới.

– Ngày 17/5/2012: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.

– Ngày 23/11/2014, bà Nguyễn Thị Loan mẹ Hồ Duy Hải gọi điện cho Luật sư Trần Hồng Phong cho biết con bà sẽ bị xử tử trong vài ngày tới. Luật sư Trần Hồng Phong gọi điện thoại nhờ sự hỗ trợ từ Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó GĐ CA TPHCM.

– Ngày 25/11/2014, Tòa án ND tỉnh Long An thông báo với gia đình về Quyết định thi hành án tử hình, theo đó, Hồ Duy Hải sẽ bị xử tử hình vào ngày 5/12/2014 (bằng cách tiêm thuốc độc).
– Biết được con trai sẽ bị tiêm thuốc độc vào ngày 5/12, gia đình bà Nguyễn Thị Loan sau vài phút hội ý trong nước mắt, người mẹ quyết định đặt vé bay ra Hà Nội ngay trong ngày để kêu cứu cho Hải.

– LS Trần Văn Tạo: Vào một ngày cuối năm 2014, có một số LS, nhà báo, nhà văn điện thoại cho tôi nói: Nếu bữa nay anh không tham gia thì Hồ Duy Hải sẽ chết (ngày mai là thi hành án từ hình); anh em hiện đã hết cách. Tôi nghe vậy nên đã điện thoại cho anh Tư Sang (Chủ tịch Nước) để trình bày và xin tạm hoãn thi hành án.

– Ngày 4/12/2014: VP Chủ tịch nước (Trương Tấn Sang) gửi công văn cho Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải và đề nghị chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.

– Đầu giờ chiều ngày 4/12/2014: Ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, Chủ tịch Hội đồng thi hành án, viết bút phê xác nhận với gia đình Hồ Duy Hải về việc tạm dừng thi hành án tử hình.

– Ngày 24/12/2014: Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp QH, làm việc với gia đình Hồ Duy Hải theo chương trình giám sát của Ủy ban TVQH.

– Ngày 05/3/2015: Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, và bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hải, gặp gỡ đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội, tìm cách nhờ EU giúp đỡ, can thiệp kêu oan cho Hải.

– Ngày 13/3/2015: UBTVQH chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình đáp: “Quá trình điều tra tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi vụ án, vì vậy Tòa vẫn giữ nguyên bản án tử hình”, “Bây giờ bản án đã có hiệu lực pháp luật. Chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị”.

– Ngày 20/3/2015: Tại phiên họp của UBTVQH, Bà Lê Thị Nga cho biết đã đủ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo điều 273 của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Bà nói: “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều lựa chọn, sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội nhưng không trung thực, khách quan đối với chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Đây là vụ án rất nghiêm trọng và tước đoạt mạng sống của một con người. Vì vậy, cần xem xét lại một cách thật thận trọng”.

– Ngày 18/04/2015, LS Trần Văn Tạo đã viết thư trình bày với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (trích):…”Nếu bản án tử hình Hồ Duy Hải được thi hành ngay như ý kiến của các anh bên Tòa án tối cao thì tình hình diễn biến sẽ hết sức phức tạp, khó lường. Với tư cách là một đồng chí, là người đã từng công tác nhiều năm với anh trong ban lãnh đạo thành phố, tôi tha thiết kính đề nghị anh có ý kiến thu hồi lại quyết định bác đơn xin ân xá mà anh đã ký trước đây và chỉ đạo để Tòa và Viện xem xét lại vụ án khách quan thận trọng hơn.

Tôi biết anh là một người luôn tận tụy phục vụ đất nước lo cho dân và yêu thương con người. Trong thâm tâm tôi không hề nghĩ anh sẽ có quyết định để chấm dứt mạng sống của Hồ Duy Hải trong tình trạng chưa thật rõ ràng như tôi đã trình bày ở trên.

Kính thư.

LS. Trần Văn Tạo”

___

– 5 năm kể từ khi quyết định tạm hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải, số phận của Hải cứ “treo” lơ lửng như vậy-Không có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cũng không có quyết định thi hành án tử hình được đưa ra.

– Ngày 22.11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đã kháng nghị giám đốc thẩm. Đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải.

Mạng người, công lý, cũng như chân lý, đều không phải là đồ ăn có sẵn. Nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thứ dễ dàng!

LS NGUYỄN VĂN ĐẠT

LS TRẦN HỒNG PHONG

BÀ LÊ THỊ NGA, Chủ Nhiệm UBTP Quốc Hội


------------------------


Nhiều người tò mò về cái chết của 4 người liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, mình copy lại bài này. Theo thực tế những người liên quan biết, chỉ có 3 người là liên quan trực tiếp đến vụ án, nên mình bỏ qua phần đầu bài viết.

Bài viết này có từ thời blog còn thịnh hành nên khá dài, tóm tắt như sau:

1. Công an viên Nguyễn Thanh Hải chết 2010 vì tai nạn giao thông.

2. Trưởng phòng CSĐT Phạm Văn Tiến – Phó ban Chuyên án, trực tiếp điều tra vụ án, phát ngôn viên vụ án. Đột tử trong cuộc họp tại cơ quan, năm 2012.

3. Kiểm sát viên cao cấp Trần Ngọc Lẫm – VKSND Tối cao HCM, đột tử tai biến mạch máu não tại nhà, 2013.

Từ 2013 đến nay chưa thống kê thêm.

Nhân chứng bí ẩn đoán được lời khai của Hồ Duy Hải trước tòa

Người đột tử thứ hai là Công An viên Nguyễn Thanh Hải chết năm 2010 vì tai nạn giao thông ngay trên đường từ tỉnh lộ vào trụ sở UBND và Công An xã. Tuy là công an nhưng Thanh Hải có vai trò quan trọng trong vụ án là nhân chứng. Tuy nhiên sự xuất hiện của Thanh Hải trong vụ án lại rất bí hiểm.

Theo lời bào chữa của luật sư Nguyễn Văn Đạt và đơn kêu oan của luật sư Trần Hồng Phong thì trong tất cả các bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải trong giai đoạn điều tra Hải đều nhận tội. Sau khi có kết luận điều tra, luật sư Đạt lần đầu tiên gặp Hải đã nghe Hồ Duy Hải kêu oan cho rằng không thực hiện hành vi giết người nhưng không nói chi tiết. Khi ra tòa sơ thẩm, lần đầu tiên Hải công khai kêu oan. Trả lời câu hỏi của tòa, nếu không giết người vì sao biết được diễn tiến vụ án. Hồ Duy Hải giải thích là do nghe Công an Viên Nguyễn Thanh Hải kể lại. Ngay lập tức, đại diện Viện Kiểm Sát đã lấy ra tờ giấy cam kết của Nguyễn Thanh Hải khẳng định không tiếp xúc, nói chuyện với Hồ Duy Hải về diễn tiến vụ án.

Điều kỳ lạ, bí hiểm ở đây là vì sao Viện Kiểm Sát đoán được Hải sẽ kêu oan và nêu lý do này để chuẩn bị sẵn tờ cam kết? Mặc khác điều bí ẩn là bản cam kết này được thu thập và trình bày tại phiên tòa lại sai về quy trình thực hiện thu giữ theo quy định tố tụng nhưng lại được Tòa Sơ thẩm chấp nhận xem như là chứng cứ bác bỏ lời kêu oan của Hồ Duy Hải. Kỳ lạ hơn nữa là chứng cứ quan trọng này cũng không được Tòa cập nhật đưa vào hồ sơ vụ án và đến nay đã không còn dấu vết. Tại phiên tòa Phúc thẩm, chi tiết này đã được nhắc lại trong phần xét hỏi nhưng rất tiếc Tòa đã không triệu tập nhân chứng Thanh Hải để tiến hành đối chất.

Khi được Tòa hỏi, Hồ Duy Hải đã trả lời (trích nguyên văn từ Biên Bản phiên tòa): “Bị cáo có nói có nghe ngóng những người đi xem về nói có hai người bị giết chết ở Bưu điện Cầu Voi. Nghe kể nhân viên của xã Nhị Thành đến bảo vệ hiện trường vụ án nên bị cáo lái xe đến UBND xã Nhị Thành gặp Hải và Hải thuật lại cho bị cáo nghe”.

Điều này có cơ sở vì tại thời điểm ấy Hồ Duy Hải là dân quân xã Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An, việc dân quân quen biết, nghe Công An viên kể chuyện là bình thường. Trước câu trả lời khá rõ ràng ấy, chủ tọa phiên tòa đã hỏi vặn lại Hồ Duy Hải một câu vô lý và phi lô gích: “Theo bị cáo, công an viên có được đến hiện trường không?”. Theo thực tế Hải không thể biết và theo pháp luật Hải cũng không cần phải biết điều này.

Tuy nhiên, cái chết của Nguyễn Thanh Hải làm cho câu hỏi vì sao Viện Kiểm Sát đoán trước câu trả lời của Hải trước phiên tòa để chuẩn bị trước bản cam kết phải rơi vào ngõ cụt.

Ông Trưởng phòng Cảnh Sát điều tra yêu cầu sếp cũ bào chữa cho bị cáo.

Người đột tử thứ ba là Trưởng Phòng Cảnh Sát điều tra Phạm Văn Tiến, Phó ban chuyên án. Ông Tiến là người trực tiếp chỉ đạo điều tra án và là người phát ngôn với báo chí. Nhiều bài báo trong thời điểm điều tra đã dẫn nguồn từ thông tin của thượng tá Phạm Văn Tiến. Ông đã thể hiện quyết tâm phá án là “Cái chết của hai cô gái quá thương tâm. Bằng mọi giá chúng ta phải tìm cho ra hung thủ”.

Trong những biện pháp bằng mọi giá ấy có việc làm kỳ lạ là ngay từ sau khi khởi tố vụ án, ngày 1-4-2008, Phòng Cảnh Sát điều tra đã có công văn trưng cầu trực tiếp với đoàn luật sư Long An, yêu cầu đích danh luật sư Võ Thành Quyết làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải mà gia đình hoàn toàn không hay biết. Điều này trái với quy tắc hỗ trợ pháp lý cho bị can, bị cáo là cơ quan tố tụng gởi công văn trưng cầu luật sư đến Trung tâm hỗ trợ pháp lý, trung tâm sẽ giới thiệu luật sư cho gia đình lựa chọn và sau đó Trung tâm mới chuyển yêu cầu đến đoàn luật sư.

Kỳ lạ hơn nữa là thời điểm này, công an điều tra liên tục khám xét nhà Hồ Duy Hải đến mức đào cả nền nhà, vào phòng em gái Hải thu giữ cả nữ trang được mua ở tiệm vàng Ngọc Sương có chứng từ hẳn hoi. Có người hướng dẫn gia đình thuê luật sư Quyết vì ông Quyết nguyên là thủ trưởng tiền nhiệm của Thượng Tá Tiến.

Vào tháng 6-2008, sau khí gia đình đã ký hợp đồng với ông Quyết, Thương Tá Tiến đã gọi điện kiểm tra xem gia đình Hải có thật đã thuê luật sư Quyết chưa. Khi gia đình Hải xác nhận đưa ra số hợp đồng thì ngay lập tức việc khám xét chấm dứt. Sau đó, khi gia đình thuê luật sư Đạt bào chữa thì cơ quan điều tra và Tòa án vẫn tiếp tục chấp nhận ông Quyết là luật sư chỉ định.

Sau đó, ông Tiến còn được dư luận quan tâm khi điều tra vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt. Nhưng sau vụ án này ông được chuyển sang phụ trách phòng chống ma túy. Ông bị đột tử trong trụ sở cơ quan, ngay trong cuộc họp vào năm 2012. Đây là cái chết bất ngờ, đột ngột, vào đêm trước đó, một cán bộ cấp dưới cùng ông đi nhậu và đưa ông về cho biết ông vẫn khoẻ mạnh bình thường. Hệ quả cái chết của ông là việc điều tra, làm rõ lại vụ án ở nhiều vấn đề trong đó có chuyện luật sư Quyết sẽ rất khó khăn.

Lời nhắn bí ẩn của ông Kiểm Sát Viên cao cấp

Người đột tử cuối cùng là Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát phúc thẩm, Viện Kiểm Sát tối cao tại TP.HCM Trần Ngọc Lẫm. Ông là người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm xử Hồ Duy Hải. Quê tại Thủ Thừa, Long An, ông Lẫm từng làm Trưởng phòng kiểm sát kinh tế của Viện Kiểm Sát tỉnh Long An trước khi chuyển về Viện Kiểm Sát Phúc Thẩm. Ông Lẫm được bạn bè đồng nghiệp quý trọng, là người giỏi nghiệp vụ, sinh hoạt mực thước.

Điều trớ trêu là ông Lẫm không phải người xa lạ mà chính là bạn học của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột Hồ Duy Hải và là người đồng hành với bà Loan, mẹ Hải, đi kêu oan). Theo lời bà Rưỡi, các cựu học sinh cùng học với bà và ông Lẫm hàng năm thường tổ chức họp mặt, bà vẫn thường đi dự. Nhưng từ khi vụ án xảy ra, bà buồn và mặc cảm nên nhiều lần vắng mặt. Gần đây do bạn bè khuyến khích, thúc đẩy bà có đi dự và gặp mặt ông Lẫm nhưng không nhắc đến chuyện vụ án. Nhưng trước khi mất, trong lần đi dự hội thảo ở Hà Nội, ông Lẫm đã điện thoại cho một bạn chung của hai người nhờ nhắn lại bà Rưỡi như sau: “Nói với nó (bà Rưỡi) đừng trách tôi đứng ra tuyên tử hình Hồ Duy Hải, chứ nó không biết ai xúi tôi tuyên. Hãy trách người xúi tôi xử”.

Theo người bạn này, ông Lẫm còn khuyên “gia đình hãy theo ông Luật sư Nguyễn Văn Đạt kêu oan đi, ông này giỏi lắm”. Ngay trong phần tranh luận tại phiên tòa, ông Lẫm cũng thừa nhân điều quan trọng là trong vụ án này các cơ quan tố tụng đã bỏ qua hành vi hiếp dâm qua hình ảnh thể hiện trên hiện trường, nhưng điều kỳ lạ là ông không hề kiến nghị hủy án điều tra lại trước tình trạng vi phạm tố tụng nghiêm trọng để sót người lọt tội. Ông Lẫm bị đột tử năm 2013, tại gia đình, được xác định là do tai biến mạch máu não.

Hệ lụy cái chết của ông trong vụ án này qua lời nhắn với bà Rưỡi là câu hỏi ai là người xúi ông xử y án tử hành Hồ Duy Hải sẽ mãi mãi không có lời đáp. Phải chăng chính vì lời xúi, sức ép nào đó cần đổ tội cho Hồ Duy Hải mà ông Lẫm đã vượt lên pháp luật chấp nhận bỏ qua chuyện lọt tội hiếp dâm.


--------------------------------

HỒ SƠ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI
.
HỒ SƠ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI
.
HỒ SƠ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI
.
HỒ SƠ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI

HỒ SƠ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI

[Chờ đọc kỳ 6: Hồ Duy Hải bị "biệt giam"]






No comments: