Như cỏ cây cần ánh sáng, như chim muông cần không
khí, văn học, nghệ thuật, khoa học và giáo dục cần TỰ DO HỌC THUẬT. Có TỰ DO HỌC
THUẬT thì văn học, nghệ thuật, khoa học và giáo dục mới phát triển muôn sắc màu
không giới hạn.
TỰ DO HỌC THUẬT VÀ ĐÔI ĐIỀU VỀ CÁC BỘ SÁCH
GIÁO KHOA MỚI CÙNG TRƯỜNG HỢP BỘ SÁCH GIÁO KHOA CỦA GS HỒ NGỌC ĐẠI
Giáo dục đang nhận
được sự quan tâm liên tục của Chính phủ và toàn dân trong nhiều thập kỷ qua. Bởi
vì giáo dục giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển
của đất nước.
Kể từ khi đất nước
thống nhất (1975) nền giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều đợt cải cách trên nhiều
bình diện. Đó là những đổi thay về chương trình giáo dục, thời gian đào tạo, nội
dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông,
cách thức tuyển sinh đại học. Với việc ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục qua
các năm 1998, 2005, 2009 đã làm cho giáo dục Việt Nam liên tục thay đổi. Nó phản
ánh tính không ổn định, tính lắp ghép từ các nước và hậu quả là sinh ra một nền
giáo dục thử nghiêm. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến bộ
sách giáo khoa mới – đang là lần thay đổi sách giáo khoa (SGK) thứ 3, sau 2 lần
trước vào các năm1981và 2000.
Các bộ SGK hiện
đang được viết cho giáo dục phổ thông vào lần thay sách giáo khoa thứ 3 này,
tuy đang triển khai, chưa ra đời, nhưng đã thấy trước được sự hạn chế.
Có nhiều nhân tố giúp chúng ta nhìn thấy trước
sự hạn chế. Trong số đó là do sự thiếu vắng TỰ DO HỌC THUẬT.
I. MUỐN GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN NHẤT THIẾT PHẢI CÓ TỰ DO HỌC THUẬT
Trong sự sa sút của
giáo dục Việt Nam hiện nay, có sự góp tay của nhiều nhân tố. Có thể nêu tên
nhân tố bao trùm là CƠ CHẾ. Sau đó là nhân tố THÂU TÓM QUYỀN LỰC. Trong nhóm tiếp
theo có nhân tố TỰ DO HỌC THUẬT. Chúng ta sẽ đề cập dần đến các nhân tố này ở
các phần tiếp theo.
1. TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC
Có giáo dục thì mới
tiếp cận được khoa học, mà sinh ra phát minh khoa học. Ngược lại, có khoa học
thì giáo dục mới tồn tại và phát triển. Giáo dục và khoa học liên kết mật thiết
với nhau. Ở một phương diện xác định, khoa học có giữ vai trò là động lực thúc
đẩy giáo dục phát triển.
2. TỰ DO HỌC THUẬT LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY KHOA
HỌC VÀ GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN
Ở mặt khác, TỰ DO HỌC
THUẬT lại là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khoa học. Có TỰ DO
HỌC THUẬT thì con người mới có thể tự do sáng tạo. Từ đó mà sinh ra và làm giàu
thêm khoa học. TỰ DO HỌC THUẬT cũng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Nói
cách khác muốn giáo dục phát triển cần thiết phải có TỰ DO HỌC THUẬT.
II. TỰ DO HỌC THUẬT VÀ HẠN CHẾ CỦA BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA
Sau 2 lần thay sách
giáo khoa, Giáo dục Việt Nam lại đối mặt với một cơn bão mới về thay sách giáo
khoa ở bậc phổ thông lần thứ 3. Dù đã chuẩn bị khá lâu với chi phí khổng lồ,
các bộ sách mới sẽ không tránh được những khuyết tật hệ thống, mà hậu quả là sẽ
không tránh khỏi một đợt thay sách giáo khoa mới trong mươi năm tới.
Khuyết tật hệ thống
có nghĩa là khuyết tật không vượt qua. Muốn sửa chữa phải thay đổi hệ thống.
1. Khuyết tật hệ thống mang tính nguyên tắc đầu tiên nằm ở chỗ cả nước gần
100 triệu dân phải chịu sự giáo dục theo một chương trình khung duy nhất.
Chương trình khung duy nhất này do GS Nguyễn Minh Thuyết làm tổng thiết kế.
Như vậy, tất cả các
bộ SGK mới, dẫu ai viết, cũng phải chui lọt vào bộ khung chương trình duy nhất
của GS Nguyễn Minh Thuyết. Nghĩa là GS Nguyễn Minh Thuyết kiến trúc khung
chương trình như thế nào thì các bộ SGK, dù người soạn là ai, cũng phải phù hợp
với bộ khung chương trình của GS Nguyễn Minh Thuyết.
Nói một cách nôm
na, GS Nguyễn Minh Thuyết kiến trúc một khung nhà 3 gian thì không thể có nhà 5
gian hay nhà 2,3 tầng. GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ định lợp lá cọ thì không thể lợp
ngói…
2. Đất nước có cả ngàn kiến trúc sư có thể đưa ra cả trăm bộ khung chương
trình. Tại sao chỉ có 1 bộ khung chương trình duy nhất do 1 người tổng thiết kế
cho nền giáo dục của một quốc gia cả 100 triệu dân?
Đừng biện minh rằng
sau GS Nguyễn Minh Thuyết là cả một hội đồng. Thì đất nước này có hàng trăm hội
đồng như hội đồng của GS Nguyễn Minh Thuyết.
Đừng hiểu rằng nói
như vậy là không ủng hộ chương trình khung của GS Nguyễn Minh Thuyết hay cho rằng
bộ chương trình khung đó không tốt. Mà sự hạn chế TỰ DO HỌC THUẬT đã đưa đến hậu
quả chỉ có duy nhất một bộ chương trình khung, mà bất cứ ai muốn tham gia soạn
SGK đều phải chui lọt vào bộ khung đó.
Hiện nay, nếu không
nhầm thì đang có 5 tập thể viết 5 bộ SGK dưới một chương trình khung của GS
Nguyễn Minh Thuyết. Sẽ tốt hơn nhiều cho Giáo dục Việt Nam, nếu có 5 chương
trình khung mà mỗi chương trình khung chỉ có 1 bộ SGK. 5 tổng công trình sư của
5 chương trình khung chắc chắn sẽ tốt hơn chỉ 1 chương trình khung của 1 tổng
công trình sư.
2. Khuyết tật hệ thống mang tính nguyên tắc tiếp theo – đó là sự nhầm lẫn
chủ thể quyết định sử dụng SGK.
Người quyết định chọn
SGK phải là người tiêu dùng trực tiếp. Đó chính là các trường, các giáo viên,
các phụ huynh và các học sinh. Đó không thể là cấp Bộ, cấp Sở hay cấp Phòng.
Cho nên ấn định của Bộ GD&ĐT chỉ có 5 bộ SGK đang viết mới được sử dụng
trong giáo dục phổ thông nước nhà thì đó đã là hạn chế khung trời giáo dục. Nếu
Bộ GD&ĐT lại chỉ định chỉ có Sở giáo dục hay Phòng giáo dục mới được chọn bộ
sách nào trong 5 bộ trên thì điều đó chưa phù hợp với quy luật tiêu dùng.
3. Khuyết tật mang tính hệ thống thứ ba là áp đặt trình tự nhận thức khô cứng
theo lớp, lấy rời rạc thô để thay thế liên tục, lấy khuôn mẫu sẵn có để chứa đựng
các khuôn mẫu tự do.
Cụ thể là chương
trình khung quy định nội dung chi tiết đến các đề mục, các tiết học, thậm chí đến
cả lượng từ trong từng đề mục. Điều này có thể chấp nhận được với các môn tự
nhiên, nhưng làm khó khăn hơn cho người viết sách ở môn văn học. Chẳng hạn một
bài thơ rất hay có thể học càng sớm càng tốt, thì bị hạn chế lượng từ ở lớp dưới,
hoặc bị hướng dẫn phải dạy ở lớp trên. Ở mặt khác, nó hạn chế khả năng sáng tạo
của người viết sách. Hậu quả là thiệt thòi dồn cho học sinh.
4. Khuyết tật hệ thống mang tính nguyên tắc thứ tư là sự độc quyền khép
kín.
Sự độc quyền khép
kín dẫn đến chỉ có 1 chương trình khung. Sự độc quyền khép kín dẫn đến chỉ có một
tập thể những người hay viết sách liên quan đến Bộ GD&ĐT mới tham gia viết
sách. Sự độc quyền khép kín đã loại đi những tài năng trong xã hội không thuộc
nhóm khép kín.
Sự độc quyền khép
kín dẫn đến sự nhìn nhận chưa đúng về nơi tìm kiếm các bộ SGK hay. Những bộ SGK
hay được sản sinh bởi những trí tuệ có khả năng sáng tạo không theo lối mòn, chứ
không xuất phát từ những thợ viết quen khuôn định dạng cũ.
Cho nên, dẫu có đến
5 bộ SGK do năm tập thể tác giả soạn thảo dưới chung một chương trình khung –
mà đó cũng là đã cải cách so với 1 bộ duy nhất trước đây – thì cũng không đưa đến
những sáng tạo vượt trội. Kết quả cuối cùng là cả 5 bộ sách sắp ra đời sẽ không
khác bao nhiêu so với các bộ sách đã tồn tại, ngoại trừ các môn tích hợp sao
chép “khoang vện” từ giáo trình nước ngoài.
Xin đừng hiểu theo
chiều hướng tiêu cực, rằng viết như trên là không ủng hộ các bộ SGK mới. Trên
thực tế thì rất trân trọng các tác giả đã cống hiến trí tuệ và sinh lực để viết
nên những bộ SGK mới, làm cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Vấn đề là
TỰ DO HỌC THUẬT sẽ mở ra thêm nhiều bầu trời mới cho chính những người viết SGK
và cho chính số đông người tiêu dùng SGK. Đó mới là đích ngắm của bài viết.
III. VỀ TRƯỜNG HỢP BỘ SGK CỦA GS HỒ NGỌC ĐẠI
Nếu trước đây, bộ
SGK của GS Hồ Ngọc Đại được cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ủng hộ mà được phổ cập rộng
rãi trên toàn quốc là một lợi thế, thì chỉ một chương trình khung của GS Nguyễn
Minh Thuyết đã gạt bỏ cả hơn 40 năm công sức nghiên cứu và ứng dụng của GS Hồ
Ngọc Đại ngay từ vòng sơ tuyển. Một cách sòng phẳng, đó không chỉ là chưa công
bằng với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại mà còn tước đi 1 lựa chọn của người tiêu
dùng.
Chưa công bằng
không phải do Hội đồng thẩm định quốc gia không công bằng. Hội đồng thẩm định
chỉ dựa vào tiêu chí của chương trình mà Bộ GD&ĐT đã duyệt. Chính một
chương trình đã loại bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại. Nếu có một bộ chương trình
khác thì bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đã chui lọt. Minh chứng là các Hội đồng thẩm
định quốc gia trước đây đã duyệt cho bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại được đưa vào giảng
dạy. Được biết là Hội đồng thẩm định đã đề nghị GS Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa những
điểm chưa phù hợp với bộ khung chương trình. Nhưng ông không chịu.
Ở đây không bàn đến
ưu nhược điểm của bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại, cũng hoàn toàn không đổ lỗi cho Hội
đồng thẩm định. Chỉ khẳng định rằng chính bộ chương trình khung duy nhất đã loại
bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại, bất chấp cả trăm ngàn học sinh đã dùng sách của ông
trong thực tiễn.
Nếu là TỰ DO HỌC
THUẬT có nhiều bộ chương trình, thì bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại chắc chắn sẽ vượt
qua. Từ đó để thấy vai trò của TỰ DO HỌC THUẬT quan trọng như thế nào.
Còn nữa – là người tiêu dùng. Đây chính là khuyết tật hệ thống mang tính nguyên tắc thứ hai được nêu ở trên.
Không phải chương
trình khung, không phải Hội đồng thẩm định, mà người tiêu dùng mới là nhân tố
quyết định lựa chọn bộ SGK nào. Và theo tiêu chí này thì không ai có thể loại bộ
sách của GS Hồ Ngọc Đại đang có cả trăm ngàn người sử dụng. Dẫu lợi thế số đông
này có được là nhờ hậu thuẫn của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhưng phải công bằng,
nếu người tiêu dùng không chấp nhận thì bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đã bị đào thải
tương tự như VNEN.
Cần thiết phải lưu
ý, đừng hiểu nhầm nói như trên là khẳng định bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại không có
khuyết tật. Mà ưu điểm và khuyết tật của bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại sẽ do người
tiêu dùng quyết định. Bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại cũng có thể bị loại bỏ. Nhưng
đó là do người tiêu dùng. Thời gian mới là thước đo chính xác nhất.
Giải pháp nào ư?
Thì đã nói ở trên. TỰ DO HỌC THUẬT sẽ cho phép bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại tồn tại.
Tiêu chí NGƯỜI TIÊU DÙNG sẽ cho phép bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại được sử dụng
như là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn.
Ai mới có khả năng
vượt qua khủng khoảng này? Chấp nhận bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại dù không chịu điều
chỉnh có làm cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT tự ái vì phải xuống thang?
Sẽ có người nói,
trước đây không có bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại thì vẫn biết viết biết đọc, sau
đây không có bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại cũng biết viết biết đọc, bỏ đi cũng chẳng
sao cả. Nhưng bậc trí nhân quảng đại thì lấy cái lợi của toàn dân là quan trọng
chứ không phải là khuôn mặt cá nhân.
Hãy mạnh dạn cho
phép có bộ chương trình khung thứ 2. Nếu không thì mở rộng bộ chương trình
khung hiện nay tất là xuôi lọt.
IV. CỞI TRÓI CHO GIÁO VIÊN
Như đã nêu trên, sự
tụt hậu của giáo dục Việt Nam là do nhiều nhân tố. Nhân tố bao trùm là CƠ CHẾ –
mà nhiều lãnh đạo nước ta không chỉ một lần kêu gọi phải cải cách. Chính hạn chế
của CƠ CHẾ đã làm xuất hiện những bệnh tật mà giáo dục vừa là nguyên nhân,
nhưng cũng đồng thời là nạn nhân. Từ CƠ CHẾ dẫn đến sự hạn chế TỰ DO HỌC THUẬT
mà chúng ta đã đề cập ở trên.
Tham chiếu sang bộ
SGK mới chẳng hạn. Ở bình diện cá nhân, đó là sự khóa trí tuệ của giáo viên:
Không cho giáo viên được quyền tự viết giáo trình, không để giáo viên được quyền
tự chọn giáo trình, không để cho giáo viên sửa chữa khiếm khuyết của giáo
trình, không để cho giáo viên cập nhật kiến thức mới mà giáo trình đã lạc hậu…
Tất cả dẫn đến sự hạn chế năng lực sáng tạo của giáo viên. Hậu quả khác là
không thúc đẩy giáo viên bổ sung kiến thức theo kịp thời đại, làm cho giáo viên
chây lười.
Để lấy một thí dụ
minh chứng cho các nhận định trên là sách giáo khoa về công nghệ thông tin mà
có thầy giáo phải thốt lên “Việt Nam vẫn đang dạy cái thế giới không còn dạy”
(Thanhnien.vn, ngày 03/5/2019). Trong đó viện dẫn trường hợp ngôn ngữ lập trình
Pascal là ngôn ngữ lập trình xuất hiện khoảng năm 1970, đạt đỉnh cao phổ dụng
trong các năm 1980-1985, rồi thoái trào và lịm dần ở cuối thế kỷ trước (1999),
nhưng đến nay các giáo viên vẫn phải dạy Pascal mà không dám thay bằng ngôn ngữ
lập trình phổ dụng mới.
Khoa học và công
nghệ tiến bộ không ngừng. Sách giáo khoa một hay vài thập kỷ mới thay đổi một lần
thì làm sao bắt kịp kiến thức mới? Không phải sách giáo khoa với nội dung chỉ định,
mà giáo viên phải tự soạn giáo trình thì mới bổ sung kịp thời được các kiến thức
mới. Như thế mới hy vọng tiệm cận được tới một nền giáo dục tiên tiến.
Có người sẽ phản biện
rằng giáo viên của chúng ta chưa đủ năng lực để làm những việc vừa nêu, thêm nữa
là họ lười không muốn tự “chuốc việc”. Có một bộ phận như thế. Nhưng có một bộ
phận khác có năng lực để làm các việc vừa nêu. Tại sao vì một người chưa đủ
năng lực mà lại đóng cửa khả năng của người khác có đủ năng lực? Tại sao không
phải tìm người đủ năng lực để thay thế – vừa làm cho đội ngũ giáo viên ngày
càng tốt hơn, vừa không đóng cửa tự do sáng tạo của giáo viên? Tự hoàn thiện
năng lực là trách nhiệm nhưng cũng là khát vọng của mỗi giáo viên. Không được
chặn con đường tự nâng cao trình độ của giáo viên. Đồng thời cũng phải bắt giáo
viên phải không ngừng tiến bộ nếu không sẽ bị đào thải. Giáo dục chỉ tiến bộ
khi đội ngũ giáo viên ngày càng tiến bộ.
Trở lại vấn đề cốt
lõi, chính sự hạn chế TỰ DO HỌC THUẬT đã dẫn đến chỉ có một chương trình khung
cho các bộ SGK. Kết quả là học sinh trên khắp cả nước phải chịu một nền giáo dục
trong bộ khung chương trình này. Bộ khung chương trình này cao thấp, chật hẹp,
sáng tối như thế nào đều phải chịu. Sự hạn chế TỰ DO HỌC THUẬT đã đóng cửa sự tự
do sáng tạo, đẩy nền giáo dục nước nhà thành què quặt, bệnh tật và suy thoái.
Hậu quả của một
chương trình khung chi tiết là đã gạt ra ngoài bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại, mà
trong cơ chế TỰ DO HỌC THUẬT thì đó lại là sự chọn lựa thuộc về khách hàng – là
nhà trường, các thầy cô, phụ huynh và học sinh.
TỰ DO HỌC THUẬT
không phải cho phép – mà bắt buộc giáo viên phải tự mình chọn SGK; không chỉ 1
bộ mà tổ hợp từ nhiều bộ; Không chỉ lựa chọn mà phải soạn giảng; Không chỉ tổ hợp
mà phải sáng tạo. Quyền lựa chọn SGK phải là của giáo viên. Sáng tạo là quyền
và nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên.
Cho nên TỰ DO HỌC
THUẬT phải được bất khả xâm phạm. Có TỰ DO HỌC THUẬT thì giáo dục mới phát triển
lành mạnh.
V. PHẢN BIỆN CUỐI NHƯNG CHƯA PHẢI LÀ HẾT
Nếu ai đó vẫn khăng
khăng một chương trình khung là duy nhất đúng, thì hãy nhìn ra thế giới. Cả thế
giới này không phải được dạy theo một chương trình.
Nếu ai đó vẫn khăng
khăng rằng 1 tổng công trình sư thiết kế 1 chương trình khung là đủ, thì hãy
nhìn vào thiết kế máy bay. Lúc đó cả thế giới chỉ đi hoặc Boeing mà không có
Airbus hay ngược lại.
Nếu ai đó vẫn khăng
khăng rằng nhiều chương trình khung sẽ rối lọan, thì hãy nhìn vào sắc màu. Cả
thế giới không chỉ có 1 màu, hoặc đen, hoặc trắng, hoặc đỏ, hoặc xanh…
Một nền giáo dục gò
bó, trong đó giáo viên phải chỉ định hành động theo khuôn mẫu, không có đầy đủ
quyền tự do giáo dục, không có đầy đủ quyền TỰ DO HỌC THUẬT thì đó là một nền
giáo dục đóng khung và tự tìm đến tụt hậu rồi lịm tắt.
Muốn chấn hưng giáo
dục thì điều đầu tiên trong mọi sự đầu tiên là cần tôn thờ TỰ DO HỌC THUẬT.
Như cỏ cây cần ánh
sáng, như chim muông cần không khí, văn học, nghệ thuật, khoa học và giáo dục cần
TỰ DO HỌC THUẬT. Có TỰ DO HỌC THUẬT thì văn học, nghệ thuật, khoa học và giáo dục
mới phát triển muôn sắc màu không giới hạn.
No comments:
Post a Comment