Tuesday, December 24, 2019

PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC (Nguyễn Xuân Thọ)





Nước Đức từng phạm tội diệt chủng nên xã hội rất nhậy cảm với những gì liên quan đến „Phân biệt chủng tộc“. Từ các câu lạc bộ thể thao, các trường học, nhà máy đến các nghiệp đoàn, người ta luôn phản ứng quyết liệt với các biểu hiện chủng tộc.

“Kỳ thị chủng tộc” KTCT (Racial discrimination) là một hiện tượng khó định lượng, vì nó luôn được che giấu. Nhóm nghiên cứu World Value Survey (Thăm dò giá trị thế giới) đã đăt câu hỏi „ Bạn không thích ai là hàng xóm?“ kèm theo nhiều trả lời, tại hơn 80 nước [1]. Câu hỏi ngầm đó tạo nên bản đồ KTCT (hình 1)

Chỉ số KTCT được tô từ xanh đến đỏ tím nói lên tỷ lệ phần trăm người trả lời „Tôi không thích người khác chủng tộc là hàng xóm“ . Màu xanh là tỷ lệ thấp, màu đỏ là cao.

Có hơn 40% người Ấn độ và Libanon không thích người ngoại quốc ở cạnh. (Việt Nam có tỷ lệ 30%-39%, thuộc nhóm thứ nhì). Chỉ có dưới 4,9% người Mỹ, Canada, Thụy Điển và Na-Uy ngại ở gần người khác chủng tộc. Người Đức vốn bị coi là KTCT lại xếp thứ nhì về sự cởi mở (5%-9,9%).

Tuy nhiên khảo sát này không thuyết phục lắm. Ví dụ người Ấn Độ được hỏi đều coi người khác chủng tộc là người Pakistan hay người Hồi giáo, là những sắc dân gây nhiều vấn đề cho họ. 6 triệu người Libanon không hề kỳ thị chủng tộc với 1 triệu người tỵ nạn Syria và Palestine, vì là anh em chung dòng máu Ả-rập. Nhưng gánh nặng kinh tế do người tỵ nạn đem đến khiến hơn 40% dân chúng ngần ngại người ngoại quốc. Ngược lại, Mỹ và Canada là các nước nhập cư, đa chủng tộc, nên khi trả lời câu hỏi, người dân không coi gốc gác ở đâu là quan trọng. Do đó không có nghĩa là người Libanon kỳ thị hơn người Mỹ.

Trường Đại học Sheffield (UK) lại có phương pháp khác. Ho đưa ra chỉ số „Implicit Racist Attitudes“ IRA (Thái độ KTCT ngầm) để đánh giá mức độ KTCT ở các nước châu Âu. Nghiên cứu này dựa vào phương pháp IAT (Implicit Attitude Test) của đại học Havard để xem người Châu Âu da trắng liên tưởng đến các điều tốt hoặc xấu như thế nào, khi nhìn vào ảnh một người da đen. [2]

Các nước có IRA từ 0,3 đến 0,37 là những nước mà người da đen ít bị coi là xấu (dưới 37% người da trắng tham gia Test ngầm coi người da đen là xấu). Các nước Đông Âu: EE = Estonia, LT = Lithuania, BY = Belarussia, UA = Ucraine, CZ = Czech đều có chỉ số IRA trên 40%. Lý do là ở các nước này xưa nay ít có người nhập cư. Thêm vào đó, hiểu biết về dân chủ, nhân quyền và bình đẳng cũng chưa được cao như Tây Âu.

Ở Mỹ, tỷ lệ người da trắng có ấn tượng xấu về người da mầu cũng thể hiện trên bản đồ của Havard. Các bang miền Nam từng bảo vệ chế độ nô lệ trong chiến tranh Nam-Bắc, quê hương của đảng 3K, hiện vẫn đỏ sẫm (South Carolina, Mississippi, Louisiana, Georgia…)

Cả bản đồ IRA của châu Âu lẫn của Mỹ đều cho thấy một sụ thật nghiệt ngã: Người da trắng ở đâu cũng có định kiến về người da đen, chỉ khác nhau là 30%, 40% hay 48% mà thôi. Không một nước nào có chỉ số IRA bằng không, dù những nền dân chủ lâu đời, hàng trăm năm hòa bình.

Tuy nhiên điều an ủi là xã hội càng cởi mở, nền dân chủ càng vững mạnh thì tỷ lệ kỳ thị ngầm và định kiến chủng tôc càng giảm. Giảm một người cũng tốt, vì một người có thể là thủ phạm cho một vụ xả súng.

Ở các nước độc tài, thần quyền, sùng bạo lực thì nạn kỳ thị chủng tộc càng mạnh. Người da trắng kiêu ngạo ở đâu, nhưng nếu đến một số nước Islam mà ăn nằm với phụ nữ của họ có thể bị treo cổ. Nô lệ da trắng tồn tại đến tận đầu thế kỷ 19. Vụ tàn sát người Rohingya ở Myanmar vừa mang mầu sắc tôn giáo, vừa là diệt chủng.

Như vậy KTCT không nhất thiết do mầu da, mà còn do văn hóa, thể chế.

Dù ít được nói đến, nhưng người Việt không phải là không có định kiến đối với các dân tộc khác cùng sống trên mảnh đất này. Chúng ta cần nghiêm khắc hơn khi đánh giá sự tụt hậu kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số. Mong rằng sẽ có một cuộc điều tra tâm lý KTCT ở Việt Nam.

Nhưng KTCT ở người Việt còn thể hiện ở dạng khác, nguy hiểm hơn. Tôi xin gọi là tự kỳ thị (auto (self) discrimination). Hồi những năm 80, tôi đã phải gọi sân bay Nội-Bài là sân bay Bài-Nội, vì hộ chiếu Việt Nam và nước ngoài được đối xử khác nhau. Nay tiếng xấu này đã hết. Nhưng việc Tây được coi trọng hơn Ta vẫn còn nặng. Cô nhân viên ngân hàng vừa cười nói với một anh Tây xong, quay sang lạnh lẽo với một ông Ta là chuyện không hiếm.

Sản phẩm chất lượng cao đến mức „Export Quality“ khẳng định lòng sùng ngoại của dân ta: Hảo hạng đây, mời các bác ngoại quốc xơi! Đồ thứ phẩm đã có con cháu trong nhà tiêu thụ.

Một ông Việt kiều, có công ty , có thương vụ ở quê, than phiền:
- Mình về nó hành, cử mẹ thằng nhân viên Tây về, nó chịu ông ạ.

Người xứ ta trọng kẻ sang đi ô-tô, khinh người đi xe máy, xe đạp. Có ô-tô rồi, người ta còn săn lùng mua biến số xe của người nước ngoài (NN, NG) cho oai. [3]

Vụ đổi biển xe trắng thành xanh cũng là thành quả của nạn „Tự kỳ thị“. Một sự kỳ thị có hệ thống bởi quy ước: Xe ô tô „Da trắng“ là hèn, xe „Da xanh“ mới sang. Đây không phải là kỳ thị chủng tộc (Racism), mà là kỳ thị giai cấp (Classism).

Tự kỳ thị no nê, người ta còn kỳ thị hộ người khác. Họ quên mất bản thân đang là nạn nhân của tư tưởng White-Supremacy, coi người da trắng là thượng đẳng. Ông Trump bên Mỹ bị người này chê là phân biệt chủng tộc, nhưng có người khác tung hô là yêu nước. Ghét hay yêu Trump là quyền của mọi người. Nhưng vì quá yêu mà để lộ bản chất phân biệt chủng tộc thì không ổn. Nhiều người Việt tự dưng nhảy xổ vào chửi ông Obama là „da đen“, là „mọi“. Chắc họ muốn „trả ơn“ Trump, dù ngay cả ông ta cũng không dám nói toạc ra như vậy.

Vụ phóng viên RFA Chân Như là một điển hình. Anh ta viết trên trang cá nhân, gọi Obama là „tên da đen“, „tên lai đen“. Làn sóng phản đối thái độ kỳ thị đó đã khiến RFA sa thải Chân Như. Số lượng lớn người Việt cố bênh vực anh ta mới là thảm họa.

Bình đẳng về chủng tộc là một cột trụ của xã hội văn minh. Kỳ thị chủng tộc là hiện thân của sự man rợ.

Nhân dịp Giáng sinh, ngày của yêu thương, tôi chỉ muốn nói rằng: Ai đó trước khi đòi hỏi dân chủ, công bằng, trước khi lên án bạo lực, áp bức, xin chớ coi khinh người yếu hơn mình. Xin hãy bỏ thói tự kỳ thị dân tộc mình và chớ hủy hoại nhân phẩm bằng cách đi kỳ thị hộ kẻ khác .

Köln 24.12.2019
-----



*

Xin chia sẻ một stt cũ:

Người Việt nghĩ rằng mình hơn Mỹ đen vì mình có học, văn hoá cao, gia đình tử tế còn Mỹ đen thì lười biếng, tội phạm, lêu lổng. Họ ko hiểu đc rằng lịch sử người Mỹ đen bị đàn áp, khủng bố và đối xử bất công còn tệ hơn người Việt gấp trăm lần.

Họ nói “người Mỹ đen sao ko tự cố gắng để đổi đời mà cứ nương nhờ chính phủ?” Thưa, họ cố gắng hơn chúng ta rất, rất nhiều. Nhờ mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhiều người Mỹ đen, nhất là MLK, mà người da màu qua sau mới đc luật pháp bảo vệ khỏi bị ngược đãi và kỳ thị công khai. Nhưng cộng đồng Mỹ đen đã và vẫn luôn là nạn nhân lớn nhất của sự kỳ thị có hệ thống (institutional racism). Các trường công lập ở các khu đông Mỹ đen ko có kinh phí nên ko có tiền thuê giáo viên giỏi và mua sách vở, dụng cụ học tập, thậm chí đôi khi còn ko đủ để mở cửa trường. Con nít Mỹ đen ko có điều kiện đc đi học, chán học, bỏ học nhiều, đi lông bông, dễ sa vào con đường hút chích, chơi gái, phạm tội. Cảnh sát nhằm vào họ, có định kiến rằng da đen thì threat level cao, phải trấn áp mạnh, dẫn đến ko biết bao nhiêu người Mỹ đen chết oan uổng dưới mũi súng cảnh sát.

Thế nhưng đóng góp của người Mỹ đen cho văn minh nhân loại hơn người Việt xa. MLK thì lúc nãy đã nói rồi. Trước đó nữa có Frederick Douglass, Harriet Tubman là những nhân vật nổi tiếng tranh đấu cho cuộc giải phóng người Mỹ đen khỏi thân phận nô lệ. Còn vợ chồng Obama thì ai cũng đã biết. Nhưng người da đen có thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao. Nhiều trường phái âm nhạc lớn như jazz, r&b, rap có nguồn gốc từ người Mỹ đen và họ cũng sản sinh ra những nghệ sĩ vĩ đại. Mỹ đen cũng đặc biệt xuất sắc trong hầu hết các môn thể thao. Thậm chí trong các lĩnh vực tri thức họ cũng rất tài năng khi đc trao cơ hội. Bộ phim Hidden Figures kể về ba nữ khoa học gia Mỹ đen làm việc cho NASA góp công lớn giúp nước Mỹ đi đầu trong cuộc chạy đua vào không gian trước Liên Xô và dọn đường cho kỷ nguyên máy tính sau này. Một người Mỹ đen mà tôi rất ko ưa, Benjamin Carson, thì là một nhà giải phẫu thần kinh học hàng đầu nước Mỹ và thế giới.

Tôi phải nhấn mạnh một điều: chúng ta ko nên, ko có quyền và ko có tư cách để kỳ thị người Mỹ đen hay bất kỳ sắc dân nào cả. Chúng ta là người, họ cũng là người. Họ chịu nhiều đau khổ và áp bức hơn chúng ta, nhưng họ giỏi ko kém gì chúng ta. Ko nhờ người Mỹ đen đấu tranh cho bình đẳng sắc tộc, dân VN và các sắc dân khác còn lâu mới đc dân Mỹ trắng đối xử ngang hàng. Những vấn đề bên ngoài của cộng đồng Mỹ đen có nguyên nhân hệ thống và phải đc giải quyết từ hệ thống, chứ ko phải do “ko tự cố gắng vươn lên”. Người VN trước khi kỳ thị sắc dân khác thì nên tự thấy xấu hổ với chính mình.




No comments: