Monday, December 23, 2019

LẠI CÓ THÊM NGÔI SAO THỂ THAO QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH TRUNG QUỐC (BBC)




NỘI DUNG :
BBC Tiếng Việt
.
BBC Tiếng Việt

==================================
BBC Tiếng Việt
23/12/2019

Một trong những cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng nhất thế giới vừa trở thành ngôi sao thể thao mới nhất chỉ trích Trung Quốc về cách nước này đối xử với cộng đồng Hồi giáo thiểu số Uighur.

Hình Sonny Bill Williams đăng trên trang Twitter cá nhân. TWITTER @SONNYBWILLIAMS

Trong một tin đăng trên Twitter, Sonny Bill Williams cũng chỉ trích các nước là đặt "lợi ích kinh tế lên trên lòng nhân đạo".

Trước đó, cầu thủ bóng đá Mesut Ozil của đội Arsenal cũng lên tiếng về vấn đề này.


Trung Quốc bị cáo buộc đã "giam giữ hàng loạt" khoảng một triệu người Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương.

Sonny Bill Williams là sao thể thao mới nhất lên án các nước vẫn im lặng về tình hình ở Tân Cương. GETTY IMAGES

Cầu thủ Williams, người New Zealand, đã cải sang đạo Hồi, đăng hình ảnh cho thấy một bàn tay in cờ Trung Quốc vặn một cánh tay in cờ của Đông Turkestan - vốn được những người ủng hộ ly khai sử dụng để chỉ vùng Tân Cương.
Cánh tay Đông Turkestan rỉ máu.


Williams, người gần đây ký hợp đồng với đội Toronto Wolfpack, đã đạt được những thành tích nổi bật trong bóng bầu dục.
Anh cũng có một sự nghiệp thi đấu boxing chuyên nghiệp ngắn ngủi nhưng thành công.
Phát biểu của anh đồng quan điểm với cầu thủ bóng đá Ozil, người chỉ trích cả Trung Quốc lẫn những người im lặng không lên tiếng.

Mesut Ozi.  GETTY IMAGES

"Kinh Koran đang bị đốt... Các nhà thờ Hồi giáo bị đóng cửa ... Các trường học Hồi giáo bị cấm... Những người anh em bị cưỡng ép đưa vào trại," cầu thủ người Hồi giáo Ozil viết trên Twitter bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, với hình nền là lá cờ Đông Turkestan.
"Người Hồi giáo im lặng. Tiếng nói của họ không được nghe."

Trung Quốc đã phản ứng đầy tức giận; đài truyền hình nhà nước bỏ phát trực tiếp trận Arsenal gặp Man City.
Ozil cũng bị xóa khỏi phiên bản tiếng Trung của video game Pro Evolution Soccer.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Ozil đã bị "tin giả lừa gạt", và mời anh tới thăm vùng Tân Cương để tự "chứng kiến".

Sau phát biểu của Ozil, võ sỹ Khabib Nurmagomedov người Nga đăng trên Instagram cá nhân một bài về lịch sử của người Uighur - nhưng post này dường như đã bị gỡ.

Hơn 20 quốc gia, trong đó có Anh Quốc, hồi tháng Bảy ký thư lên án Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Uighur.

Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật với nội dung chống lại điều mà họ gọi là "tình trạng giam giữ, tra tấn và sách nhiễu tùy tiện" người Uighur.
Dự luật nay sẽ cần được Thượng viện và Tổng thống Donald Trump phê chuẩn.

Người Uighur là ai?

Người Uighur là người sắc tộc Turk theo đạo Hồi, chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương trong tổng số 26 triệu dân nơi này; 40% dân còn lại là người Hán.
Trung Quốc tái lập quyền kiểm soát Tân Cương vào năm 1949 sau khi đánh bại nhà nước Đông Turkestan tồn tại trong thời gian ngắn.

VIDEO :
Bên trong trại 'cải tạo tư tưởng' của Trung Quốc

Kể từ đó, người Hán đã ồ ạt di dân tới đây, khiến người Uighur lo sợ đang làm xói mòn nét văn hóa của họ.
Tân Cương chính thức được coi là khu vực tự trị ở Trung Quốc, giống như Tây Tạng ở phía Nam.

Năm 2018, ủy ban nhân quyền LHQ nhận được các cáo buộc theo đó nói Trung Quốc đã "biến khu vực này thành một nơi giống như trại cải tạo khổng lồ."
Các tổ chức nhân quyền nói những người trong trại bị bắt học tiếng Trung Quan Thoại, tuyên thệ trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình và thậm chí có trường hợp phải tuyên bố từ bỏ tôn giáo của họ.

Những tài liệu rò rỉ mà BBC thấy được cho thấy tù nhân bị nhốt, tẩy não và trừng phạt.
Nhưng chính phủ Trung Quốc nói những trại này là tự nguyện, và cho người dân cơ hội học tập và tập huấn để chống chủ nghĩa cực đoan.

-----------------------------------------
.
BBC Tiếng Việt
23/12/2019

Nhà máy in thiệp cho Tesco bác cáo buộc 'lao động cưỡng ép'

Một nhà máy ở Trung Quốc phủ nhận đã dùng lao động cưỡng ép sau khi một bé gái sáu tuổi người Anh tìm thấy thông điệp bên trong chiếc thiệp Giáng Sinh mua ở siêu thị Tesco.

Một xấp thiệp Giáng Sinh có giá bán tại Tesco là 1,5 bảng Anh

Hãng cung ứng thiệp, Công ty In ấn Chiết Giang Vân Quang, nói với tờ Hoàn Cầu Thời Báo rằng họ "chưa bao giờ làm chuyện như vậy".
Tesco đã tạm ngưng hoạt động sản xuất với nhà máy này vì theo thông điệp được cho là do các tù nhân viết tay gửi ra, thì họ bị "cưỡng ép lao động".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cáo buộc này là "trò đùa".

Nói với Hoàn Cầu Thời Báo hôm thứ Hai 23/12, người phát ngôn của nhà cung ứng nói: "Chúng tôi chỉ biết về chuyện này khi có truyền thông nước ngoài liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ làm chuyện như thế cả. Vì sao họ lại nêu tên công ty chúng tôi?"
Người phát ngôn của Tesco nói họ đã mở một cuộc điều tra tại hiện trường nhà máy này hôm thứ Sáu "trước khi ngừng sử dụng nhà máy và báo quyết định này cho ban quản lý nhà máy hồi cuối tuần".
Ông nói thêm: "Nhóm phụ trách sản phẩm của chúng tôi cũng đã nói chuyện với nhà cung ứng để báo cho họ biết quyết định này."

Chuỗi siêu thị Tesco cho biết thêm hai bên sẽ có các cuộc họp bàn trong tuần này với đại diện từ cả nhà máy và nhà cung cấp, và rằng Tesco đã không đặt đơn hàng nào với nhà máy này kể từ hồi tháng Mười.

Thông điệp trong bức thiệp, do tờ the Sunday Times đưa tin đầu tiên, được bé Florence Widdicombe phát hiện khi cô bé viết thiệp Giáng sinh cho các bạn ở trường.
Bé phát hiện một tấm thiệp, có in hình mèo con đội mũ Ông già Noel, đã được viết bên trong.
Tấm thiệp có dòng chữ viết in hoa: "Chúng tôi là những tù nhân nước ngoài ở nhà tù Thanh Phố, Thượng Hải, ở Trung Quốc. Chúng tôi bị cưỡng bức lao động. Hãy giúp chúng tôi và liên hệ với tổ chức nhân quyền."

Bé Florence Widdicombe, sáu tuổi, nói cô bé thấy sốc khi phát hiện ra thông điệp

Thông điệp trong tấm thiệp nhờ ai đọc được nó liên hệ với Peter Humphrey, một nhà báo Anh từng bị giam ở nhà tù Thanh Phố bốn năm trước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với báo giới hôm thứ Hai rằng cáo buộc này là "một trò đùa" do ông Humphrey tạo ra.

Shu Yunjia, người quản lý nhà máy In ấn Chiết Giang Vân Quang, nói với BBC họ không hề thuê nhân công nhà tù Thanh Phố làm bất cứ công việc gì.

VIDEO :
Bé Florence Widdicombe nói em đang viết thiệp cho bạn bè Chủ nhật tuần trước thì phát hiện ra thông điệp (nội dung bằng tiếng Anh)

Trước đó, một người phát ngôn của Tesco nói: "Chúng tôi rất sốc về những cáo buộc này và đã ngừng ngay việc sản xuất ở nhà máy nơi các bưu thiếp này được làm và đã mở một cuộc điều tra."

Hãng nói họ có một "hệ thống kiểm toán toàn diện" để đảm bảo các nhà cung ứng không bóc lột lao động cưỡng bức.
Nhà máy có liên quan mới được kiểm tra hồi tháng trước và không có bằng chứng nào cho thấy họ vi phạm lệnh cấm sử dụng nhân công tù nhân, Tesco cho biết.

Doanh thu từ thiệp Giáng Sinh tại các siêu thị trong chuỗi Tesco gây được chừng 300.000 bảng/năm cho Quỹ Tim mạch Anh (British Heart Foundation), Quỹ Nghiên cứu Ung thư Anh (Cancer Research UK) và Hội Tiểu đường Anh (Diabetes UK).

Chuỗi siêu thị bán lẻ chưa nhận được phàn nàn nào khác từ khách hàng về các thông điệp bên trong thiệp Giáng Sinh.

*
Tin liên quan
·        





No comments: