VOA Tiếng Việt
07/12/2019
Việt Nam nằm trong số 24 quốc gia trên thế giới
có không gian hoạt động dân sự ‘ngột ngạt’ (closed civic space), có ‘rất ít tiến
bộ’ và thế giới cần áp lực buộc Việt Nam thực hiện những cam kết của mình, một
tổ chức nhân quyền cho biết trong phúc trình thường niên về không gian dân sự
toàn cầu.
So với năm 2018 thì
môi trường dân sự Việt Nam không có gì thay đổi và quốc gia này vẫn nằm trong
nhóm nước bóp nghẹt các hoạt động dân sự nhiều nhất, theo phúc trình nhan đề ‘Quyền
lực Người dân bị Tấn công’.
Báo cáo này vừa được
CIVICUS, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi hoạt động dân sự toàn cầu có
trụ sở ở Nam Phi, công bố hôm 4/12 ở Bangkok, Thái Lan, trong đó đánh giá tình
hình thực hiện những quyền cơ bản của người dân ở các quốc gia.
Tổng cộng có 196 nước
và vùng lãnh thổ được khảo sát và đánh giá theo năm thang bậc: cởi mở, hạn hẹp,
cản trở, đàn áp và khép kín. Trên toàn cầu có 43 nước được đánh giá là ‘cởi mở’,
chủ yếu tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Hầu hết các nước và
vùng lãnh thổ được đánh giá là ‘khép kín’ đối với hoạt động dân sự nằm ở châu Á
và châu Phi. Cùng với Việt
Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Lào là các quốc gia Đông Á nằm trong nhóm
khép kín này.
Đại diện duy nhất của
châu Á được xếp hạng cao nhất là vùng lãnh thổ Đài Loan. Theo CIVICUS, Đài Loan
được đánh giá cao trong năm nay nhờ vào việc vùng lãnh thổ này đã hợp pháp hóa
hôn nhân đồng tính.
Trong khi đó, ‘điểm
tối’ trong năm 2019 mà phúc trình này kêu gọi cần sự quan tâm đặc biệt là Hong
Kong. Theo đó, kể từ khi cuộc biểu tình đòi dân chủ bùng phát từ tháng 6, cảnh
sát Hong Kong bị cáo buộc là ‘dùng vũ lực thái quá’ cùng với ‘nhiều vụ bắt giữ
tùy tiện’ mà trong đó có người ‘bị tra tấn’ và ‘bị ngược đãi’. Phúc trình cũng
thừa nhận là bên cạnh bạo lực của cảnh sát, người biểu tình Hong Kong ‘cũng leo
thang bạo lực’.
‘Rất ít
tiến bộ’
Trao đổi với VOA từ
Malaysia, ông Josef Benedict, nghiên cứu viên của CIVICUS, một trong những
người phụ trách phần đánh giá về châu Á trong phúc trình, cho biết Việt Nam ‘có
rất ít tiến bộ trong vòng một năm qua’.
“Về cơ bản có rất ít không gian cho các tổ chức xã hội
dân sự độc lập hoạt động ở Việt Nam và những người dám lên tiếng (phản đối
chính quyền) đang phải chịu rất nhiều sự thống khổ,” ông Benedict cho biết.
Ông nêu lên tình trạng
những người ‘dám nêu lên những vấn đề nhức nhối ở Việt Nam đang đối mặt với việc
sách nhiễu, dọa nạt và thậm chí là án tù’ và những cuộc ‘biểu tình ôn hòa’ chống
lại luật an ninh mạng ‘bị công an đáp trả bằng bạo lực quyết liệt’.
“Nhiều người đã bị
bắt và bị giam giữ,” ông nói với VOA.
“Chúng tôi cũng thấy rằng ở Việt Nam không gian cho
tự do báo chí và tự do truyền thông không hề tồn tại,” ông nói thêm.
Vị chuyên gia này
cho biết chính phủ Việt Nam ‘đã cam kết rất nhiều’ về nhân quyền, chẳng hạn như
đại diện của Việt Nam đã nói trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng họ sẽ
có những bộ luật đi vào nhân quyền nhưng trên thực tế thì nhiều nhà hoạt động bị
chặn lại ở sân bay và bị thẩm vấn sau khi đi nước ngoài về và có người ‘bị án
tù nặng nề’.
Ông cũng nêu lên một
‘vấn đề lớn’ ở Việt Nam là nhiều tù nhân chính trị ‘bị đưa đi giam rất xa nơi họ
sống’ và dẫn chứng là bà Trần Thị Nga, nhà hoạt động công đoàn, đã từng bị di
lý cách gia đình cả ngàn cây số, gây khó khăn cho việc thăm nuôi.
Trả lời câu hỏi của
VOA là nếu những nhà hoạt động này bị kết tội là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’
thì phải chăng việc họ bị tuyên án tù cũng là phù hợp với luật pháp, ông
Benedict nói rằng các đạo luật an ninh quốc gia ở Việt Nam ‘không có cơ sở gì hết’.
“Các luật này được chính phủ Việt Nam sử dụng để biện
hộ cho việc họ đàn áp các nhà hoạt động. Theo CIVICUS thì không có cơ sở gì để
truy tố và bỏ tù các nhà hoạt động,” ông nói.
Chuyên viên này
cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Liên minh châu Âu (EU), nên quan tâm
nhiều hơn nữa đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Theo đề xuất của
ông, khối EU nên xem nhân quyền là vấn đề quan trọng trong việc thực thi hiệp định
thương mại tự do Việt Nam-EU, tức EVFTA.
“EU nên đàm phán để buộc Việt Nam hành động nhiều
hơn nữa và cần phải lên tiếng cho những người bị bỏ tù chỉ vì họ đòi tự do ngôn
luận hay hoạt động dân chủ,” ông nói.
Ngoài ra, ông còn
kêu gọi các nước ASEAN cởi mở hơn và cấp tiến hơn như Malaysia hay Indonesia phải
‘nêu đích danh Việt Nam’ mỗi khi Hà Nội có những vi phạm nhân quyền trầm trọng
và đưa những vấn đề này đến các cuộc họp của khối.
Tuy nhiên, khối
ASEAN lâu nay hoạt động trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau và rất nhiều nước trong khối, từ Campuchia, Philippines Brunei, Lào,
Myanmar cho đến Singapore, Thái Lan đều có thành tích nhân quyền tồi tệ.
Ông Benedict cũng
thừa nhận điều này khi được yêu cầu so sánh tình trạng nhân quyền của Việt Nam
với các nước láng giềng nhưng ông cho rằng ở những nước có mức độ đàn áp cao
như Campuchia hay Singapore, các tổ chức xã hội dân sự độc lập vẫn có không
gian hoạt động trong khi ‘ở Việt Nam thì không’.
Về kiến nghị đối với
chính quyền Việt Nam, ông đề nghị dỡ bỏ các đạo luật về an ninh quốc gia (như
luật an ninh mạng), khôi phục quyền tự do ngôn luận cho người dân vì Việt Nam
đã ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền chính trị và Dân sự cũng như phải mở rộng
không gian hoạt động cho các tổ chức dân sự độc lập.
No comments:
Post a Comment