NỘI DUNG :
Jackhammer
Nguyễn
.
Mai Vân – RFI
=========================================
Jackhammer Nguyễn
09/12/2019
Cuộc biểu tình đòi dân chủ hôm Chủ Nhật 8/12/2019 tại
Hong Kong có tới 800 ngàn người tham dự, theo các hãng thông tấn quốc tế. Cuộc
biểu tình đã diễn ra ôn hòa, chỉ có 11 người bị cho là quá khích bị bắt lúc cuộc
biểu tình gần kết thúc.
Diễn biến mới nhất này cho chúng ta nhận định gì về
tình hình Hong Kong sắp tới đây?
Ai phản đối?
Ghi nhận của các phóng viên cho thấy, có đủ tầng lớp
dân chúng tham gia. Ngoài nhóm thanh niên, sinh viên, được cho là bộ phận chủ lực
của những cuộc biểu tình từ tháng Sáu đến nay, còn có những người trung niên,
nhân viên các công ty, người buôn bán nhỏ,…
Tương tự như vậy, trong cuộc bầu cử các hội đồng địa
phương cách đây không lâu, người ta cho rằng không chỉ có các sinh viên trẻ tuổi
đã làm nên chiến thắng của nhóm đối lập, ủng hộ những đòi hỏi dân chủ, mà còn
có sự tham gia của tầng lớp trung niên. Báo Bưu điện Hoa nam dẫn một số bình luận
nói rằng, phe thân Bắc Kinh đã dự báo sai. Phe này cho rằng, đông đảo người
Hong Kong không ủng hộ biểu tình đòi dân chủ.
Theo Bưu Điện Hoa nam số ra ngay sau ngày phe đòi
dân chủ chiến thắng ở 17/18 hội đồng địa phương, nói rằng, mặc dù chưa có con số
chính xác thống kê về thành phần cử tri đi bầu, nhưng có hai điều như sau là có
thật:
– Đa số dân Hong Kong không thuộc lứa tuổi thanh
niên.
– Số người đi bầu cử vừa qua đạt gần 80% số cử tri
có ghi danh hợp pháp của Hong Kong.
Bắc Kinh nhìn Hong Kong như thế nào?
Cho đến trước khi cuộc bầu cử ngày 24/11 diễn ra, một
số nguồn thân cận với Bắc Kinh cho rằng, những người ở Trung Nam Hải nhìn những
diễn biến ở Hong Kong như là một xáo trộn có nguyên do kinh tế chứ không phải
là những quan điểm, đòi hỏi về dân chủ.
Quan điểm này có vẻ như hợp lý hơn nếu dựa trên một
số phân tích từ phương Tây, cho rằng vai trò kinh tế của Hong Kong ở châu Á và
thế giới đã bị xuống thấp, vì có các đấu thủ cạnh tranh vươn lên như Thượng Hải,
Thẩm Quyến. Điều này gây khó khăn cho giới trẻ Hong Kong đối diện với tương lai
kinh tế ảm đạm.
Từ cái nhìn đó, người ta cho rằng Bắc Kinh chọn giải
pháp để cho sự ủng hộ của dân chúng Hong Kong với những người biểu tình trẻ tuổi
sút giảm vì biểu tình cản trở công việc làm ăn của họ. Bên cạnh đó, chính quyền
Hoa lục tìm những giải pháp giảm khó khăn về đời sống cho người Hong Kong, đặc
biệt là nhà ở cho giới trẻ,
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy, sự ủng hộ dân chủ của
dân Hong Kong không giảm sút. Một số tin đồn nói rằng, Trung Nam Hải đã sửng sốt
trước kết quả cuộc bầu cử.
Kinh tế và dân chủ
Tôi không nghĩ rằng phân tích của Phương Tây về
nguyên nhân kinh tế của cuộc khủng hoảng Hong Kong là sai, vì nó dựa trên những
số liệu rất rõ ràng. Nhưng dựa trên những phân tích đó để cho rằng người Hong
Kong sẽ ưu tiên chuyện kinh tế hơn những vấn đề dân chủ, chính trị, rõ ràng là
không đúng.
Ta hãy đặt câu hỏi: Nếu như những người Hong Kong trẻ
tuổi lo lắng về tương lai kinh tế trên lãnh thổ này, thì những người đang có cơ
sở làm ăn ở đây có lo lắng cho chuyện đó không? Kể cả những chuyên viên như
nhân viên ngân hàng (những người này đã từng tổ chức biểu tình ủng hộ sinh viên
trong những tháng qua)?
Câu trả lời rất rõ ràng, với nền tảng giáo dục theo
kiểu Phương Tây lâu đời, sống trong một xã hội có trật tự dân chủ, người Hong Kong, dù già hay trẻ
ý thức được rằng, tình
trạng kinh tế của họ, vị trí kinh tế của Hong Kong dính chặt với những quyền
chính trị mà họ phải có. Họ muốn nắm trong tay vận mạng chính trị, mà thực
ra cũng là kinh tế của mình. Tất cả các cuộc cách mạng đều có nguyên nhân kinh
tế.
Có vẻ như việc nổi dậy của dân Hong Kong trong sáu
tháng qua rất gần với sự nổi dậy của tư thương, trí thức thành thị ở Hà Lan và ở
Anh, chống lại bọn lãnh chúa, vua quan, trong hai cuộc cách mạng làm thay đổi
hai đất nước này, hồi thế kỷ 16-17.
Chọn lựa của Bắc Kinh
Bắc Kinh không có nhiều chọn lựa. Họ đã và đang tuân
theo luật chơi của tất cả những nhà cầm quyền Phương Tây khi đối đầu với những
biến động xã hội. Họ đã để cho lực lượng cảnh sát Hong Kong giữ trật tự thay vì
can thiệp bằng quân đội.
Năm 1989, vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra, khi đó Bắc
Kinh mới làm quen với kinh tế thị trường vỏn vẹn 10 năm. Ba mươi năm sau, họ đã
học hỏi nhiều ở các xã hội mở Phương Tây, họ thấy rằng có một chút náo loạn như
các diễn biến Occupy Wall Street, Veste Jaune, hay xa hơn nữa, cuộc nổi loạn của
sinh viên Paris 1968, … cũng không hề chi. Họ không thể, và cũng không cần đàn
áp vào năm 2019 như đã làm vào năm 1989.
Ngay sau cuộc bạo động dữ dội ở Đại học Bách khoa
Hong Kong, là ngày bầu cử êm đẹp, không hề có một tai nạn nhỏ nào.
Đối với Bắc Kinh, dù kết quả cuộc bầu cử là một thất
bại lớn của những người thân Hoa lục, nhưng họ vẫn còn nắm chặt Hong Kong, họ vẫn
có quyền bổ nhiệm trưởng đặc khu. Việc cảnh sát cho phép cuộc biểu tình lớn vào
ngày chủ nhật 8/12 diễn ra, chứng tỏ rằng Bắc Kinh vẫn thấy họ làm chủ tình
hình.
Trang Vox, có khuynh hướng thiên tả tại Mỹ nói rằng,
giới đấu tranh tại Hong Kong là những người thuộc thế hệ sinh ra trước hoặc sau
thời điểm 1997, năm Hong Kong được Anh trả về Hoa lục, và những người biểu tình
thấy rằng thời điểm 2047, khi Hong Kong hoàn toàn chịu luật lệ như Hoa lục,
không còn xa nữa, nó bằng với thời gian họ lớn lên tại Hong Kong.
Trong 27 năm tới liệu Hoa lục có còn là Hoa lục hôm
nay?
-----------------------------
Mai
Vân – RFI
Đăng ngày 09-12-2019
Với
cuộc xuống đường ngày 08/12/2019 huy động được gần 1 triệu người tham
gia, phong trào dân chủ ở Hồng Kông như đã có thêm một sức bật mới
sau khi bất ngờ được đại đa số người dân ủng hộ bằng lá phiếu trong
cuộc bầu cử cấp quận cách đó đúng 2 tuần.
Biểu tình ở Hồng Kông, ngày 08/12/2019.
REUTERS/Danish Siddiqui
Kết quả cuộc bầu cử ngày 24/11 đã được
nhiều nhà phân tích đánh giá là một thất bại chua cay của guồng máy
tuyên truyền của Bắc Kinh, đã dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín phong
trào phản kháng Hồng Kông, nhưng rốt cuộc đã bị phản tác dụng.
Ngày 07/12 vừa qua, hơn 1000 người thân Bắc Kinh
tại Hồng Kông đã biểu tình đòi kiểm lại phiếu bầu nhân cuộc bầu cử
cấp quận đã chứng kiến thắng lợi vang dội của phong trào ủng hộ dân
chủ. Một người trong ban tổ chức cuộc biểu tình của phe ủng hộ Trung
Quốc đã cho rằng cuộc bầu cử “không công bằng” và “không minh
bạch”.
Đòi hỏi của những thành phần ủng hộ Bắc
Kinh đã bị thực tế chứng minh là hoàn toàn vô lý khi chỉ một hôm
sau, ngày 08/12, cuộc xuống đường do phong trào phản kháng kêu gọi, đã
tập hợp được đến 800.000 người, theo thống kê của ban tổ chức. Đây là
một con số cho thấy rõ hậu thuẫn mạnh mẽ mà người dân Hồng Kông
dành cho phong trào dân chủ, một sự ủng hộ đã được kết quả cuộc
bầu cử cách nay hai tuần hun đúc thêm.
Đối với các nhà quan sát, kết quả cuộc bầu
cử ngày 24/11 tại Hồng Kông mang một ý nghĩa rất to lớn: Khi được
quyền tự do chọn lựa, đại đa số người dân Hồng Kông không chọn đường
lối do Bắc Kinh áp đặt, bất chấp cả một chiến dịch tuyên truyền
chống phá phong trào phản kháng, với những người biểu tình bị cả
guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cho là một nhóm thiểu số “khủng
bố”, bị thế lực nước ngoài giật dây.
Tuyên truyền thất bại
Trong một bài phân tích một hôm sau khi có kết
quả bầu cử tại Hồng Kông, trang mạng quốc tế Quartz đã không ngần
ngại chạy tựa “Kết
quả gây chấn động của cuộc bầu cử cho thấy Bắc Kinh đã làm như thế
nào để trở thành nạn nhân của chiến dịch tuyên truyền mà chính mình
tung ra”.
Nói cách khác là để cho “gậy ông (lại) đập lưng ông”.
Theo ghi nhận của Quartz, cuộc bầu cử hội đồng quận
ở Hồng Kông hôm 24/11 đã được xem như là một cuộc trưng cầu dân ý về quan điểm
của dân chúng đối với các cuộc biểu tình. Bắc Kinh và chính quyền địa phương
dường như tin chắc rằng “đa số thầm lặng”, vì chán ngán trước
tình trạng đường xá bị chặn, trường học bãi khóa, sẽ dứt khoát bỏ
phiếu chống lại những kẻ “bạo loạn”.
Tác giả bài viết nêu bật ví dụ của nhật báo
Anh ngữ China Daily, trong một tin nhắn Twitter một hôm trước cuộc bầu cử
đã kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh để giúp Hồng
Kông “trở lại cuộc sống bình thường”.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Global Times, cũng kêu gọi người
dân Hồng Kông bỏ phiếu để “chấm dứt bạo lực”. Trưởng đặc khu Lâm Trịnh
Nguyệt Nga và chính quyền của bà đã hùng hồn lên giọng cho rằng những
thành phần cực đoan chuộng bạo lực đã lũng đoạn phong trào phản kháng và
đã đến lúc cử tri phải cắt đứt quan hệ với những phần tử này.
Và quả đúng là đa số thầm lặng đã lên
tiếng, nhưng ồ ạt loại bỏ những ứng cử viên thân Bắc Kinh và dồn
phiếu cho phe dân chủ, giúp phe này giành quyền kiểm soát 17 trên 18 hội đồng
quận. Trên bình diện cá nhân, các ứng viên ủng hộ dân chủ giành được
347/452 ghế đại biểu hội đồng quận, trong lúc các ứng viên thân Bắc Kinh
chỉ được vỏn vẹn 60 ghế, phần còn lại lọt vào tay các ứng viên độc lập.
Theo Quartz, thảm bại chưa từng thấy của phe
thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã làm cả bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc
gần như bị á khẩu. Vào lúc các kết quả bầu cử được lần lượt đưa
ra, các hãng tin lớn của Trung Quốc hầu như đều câm nín trước sự thất
bại của các ứng viên thân Bắc Kinh. Chỉ sau đó một vài tờ báo mới bắt
đầu phản ứng, chẳng hạn như Hoàn Cầu Thời Báo, đã nhai lại quan điểm xưa
cũ về sự can thiệp của nước ngoài để giải thích kết quả bầu cử.
Ở cấp Nhà nước, ngoại trưởng Trung Quốc Vương
Nghị cũng chẳng biết nói gì ngoài việc nhắc lại rằng Hồng Kông là một
phần của Trung Quốc.
Tung tiền mua chuộc cũng vô ích ?
Chiến thắng vang dội của phe đối lập Hồng Kông lại
càng gây sốc hơn nữa khi các đảng chính trị trung thành với Bắc Kinh đã được
văn phòng đại diện chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông không tiếc công
sức hậu thuẫn.
Một ví dụ là Liên Minh Dân Chủ vì Tiến Bộ của
Hồng Kông DAB, vào năm 2018 đã được văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại
Hồng Kông tặng cho một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, đã giúp cho
đảng này thu được hàng triệu đô la nhân một bữa tiệc gây quỹ.
DAB và các đảng thân Bắc Kinh khác đã có ngân quỹ
dồi dào để chi tiêu ở cấp cơ sở, điều mà các đảng dân chủ không có, chẳng hạn
có tiền tài trợ cho người già đi du lịch, hay mua vé xem phim cho trẻ
em.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có những cách khác để tác động
đến các cuộc bầu cử địa phương, ví dụ như thúc đẩy việc loại bỏ các ứng cử viên
đối lập mà họ không thích. Điển hình của thủ đoạn này là việc cấm
lãnh tụ thanh niên Hoàng Chi Phong tham gia cuộc bầu cử hội đồng quận với lý
do là nhân vật này đề cao quyền tự quyết. Có điều là nhiều ứng cử viên
dân chủ khác cũng có quan điểm tương tự, nhưng lại không hề hấn gì!
Xem thường dư luận Hồng Kông
Tuy nhiên, đối với tác giả bài phân tích, một
trong những sai lầm nghiêm trọng của Bắc Kinh là coi thường phản ứng
của người dân Hồng Kông.
Theo HK01, một trang tin trên mạng bằng tiếng
Hoa, Bắc Kinh biết rõ là họ đang trong tình thế bất lợi nhưng đã bị sốc
trước quy mô thảm bại của các đảng thân chính quyền trung ương. Liên
minh DAB đã đưa ra đến 180 ứng cử viên, nhưng chỉ giành được 21 ghế.
Đã có những dấu hiệu dự báo cho kết quả
tồi tệ đó, từ việc các cuộc biểu tình liên tục nổ ra từ tháng 6
bắt nguồn từ nỗi lo ngại về dự luật dẫn độ, cho đến những cuộc thăm
dò dư luận cho thấy sự mất lòng tin nơi cảnh sát và chính phủ Hồng Kông liên tục
gia tăng.
Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh chưa bao giờ quan tâm
đến việc đo lường tình cảm ở Hồng Kông, vì nếu không thì họ đã không để
cho tình hình sôi bỏng đến mức như hiện nay, trong khi lại bỏ lỡ nhiều cơ
hội có thể làm tình hình bất ổn ngừng leo thang.
Chính quyền Hồng Kông xa rời thực tế
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post,
thái độ chủ quan của Bắc Kinh đến một phần từ các phương pháp thu
thập thông tin thiếu phối hợp và lộn xộn được dùng để nắm bắt tình
hình trên thực địa, với nhiều mạng lưới báo cáo khác nhau.
Một nguyên do khác là những người mà Bắc Kinh dùng
để thu thập thông tin lại có xu hướng chú ý nhiều hơn đến những tiếng nói
trung thành, thay vì đến giới chống đối hay giới trẻ hơn. Đó là chưa kể
đến việc không cần đến những liên hệ cá nhân có thể giúp mở rộng tầm
nhìn, ví dụ như loại trừ những người ủng hộ dân chủ không cho đến dự các sự
kiện có sự tham gia của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trong khi đó thì các quan chức ở cấp cao nhất trong
chính quyền Hồng Kông hầu như hoàn toàn xa rời thực tế. Trong những
tuyên bố công khai vào đầu tháng 11 chẳng hạn, ông Trương Kiến Tông
(Matthew Cheung), quan chức số hai của Hồng Kông đã thản nhiên cho rằng ông
không hiểu vì sao mà mọi người lại giận dữ với chính quyền như vậy.
Đối với trang mạng Quartz, trong một hệ thống
chính trị đã trở nên độc đoán, không còn chấp nhận bất kỳ một chính
kiến bất đồng nào, dù có nhận được tin xấu về Hồng Kông, đảng Cộng Sản
Trung Quốc vẫn chỉ nghe thấy những gì mình muốn nghe và đã nhấn mạnh
thêm lập luận cho rằng những người biểu tình Hồng Kông là thành phần
đòi độc lập, đang có hành vi khủng bố, với sự giúp đỡ của các chính phủ
nước ngoài và phương tiện truyền thông phương Tây.
Sách lược này rất thành công đối với dư luận
ở Hoa Lục, nặng đầu óc tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là khi
tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình càng lúc càng leo thang.
Thế nhưng, sách lược đó trong thực tế đã làm cho đảng Cộng Sản không
còn đường lui và tìm ra những cách thức mới và linh hoạt hơn để giải quyết
các yêu cầu thực sự của phong trào phản kháng Hồng Kông, trong đó có quyền
được đại diện một cách dân chủ hơn và một cuộc điều tra về bạo lực quá
đáng của cảnh sát.
No comments:
Post a Comment