Friday, December 20, 2019

DUY NGÔ NHĨ - TÂN CƯƠNG : NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU KÊU GỌI TRỪNG PHẠT TRUNG QUỐC (RFI)




NỘI DUNG :
Trọng Nghĩa  -  RFI
.
Trọng Nghĩa  -  RFI

==========================================
.
Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày: 20/12/2019 - 13:12

Nghị Viện Châu Âu ngày hôm qua, 19/12/2019 đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu ban hành những biện pháp trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các quan chức Trung Quốc can dự vào các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ nhằm đồng hóa thiểu số Hồi Giáo tại vùng Tân Cương.

Trong bản nghị quyết được thông qua tại Strasbourg, Nghị Viện Châu Âu đã cho rằng các công cụ được Liên Âu sử dụng cho đến nay để thúc đẩy các tiến bộ về mặt nhân quyền tại Trung Quốc đều không mang lại kết quả rõ rệt nào. Thậm chí tình hình nhân quyền còn trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.

Trên cơ sở đó, Nghị Viện Châu Âu đã kêu gọi giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đề ra “các biện pháp trừng phạt có chọn lọc và phong tỏa tài sản… nhắm vào các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vụ đàn áp nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương”.

Định chế lập pháp của Liên Hiệp Châu Âu đồng thời kêu gọi chính quyền Bắc Kinh “chấm dứt ngay các hành động giam giữ tùy tiện” người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ, kể cả ông Ilham Tohti, người đã được trao giải thưởng Sakharov năm nay”.

Hôm thứ Tư 18/12, Nghị Viện Châu Âu đã chính thức trao giải thưởng nhân quyền Sakharov của châu Âu, năm nay cho giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti. Nghị Viện Châu Âu ca ngợi ông là một “tiếng nói ôn hòa và hòa giải”, nhưng bị Bắc Kinh cáo buộc là “khủng bố” và đang bị giam giữ. Đích thân con gái của ông Ilham đã thay cha nhận giải.

Hôm qua, khi được hỏi là giáo sư người Duy Ngô Nhĩ còn sống hay đã chết, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từ chối trả lời.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc càng lúc càng bị quốc tế lên án về việc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số Hồi Giáo khác trong một mạng lưới các trại giam ở vùng Tân Cương, nơi đa số cư dân là người Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh thoạt đầu đã phủ nhận sự tồn tại của các trại cải tạo này, nhưng trước những bằng chứng ngày càng hiển nhiên, đã phải công nhận rằng đó là những “trung tâm huấn nghệ” cần thiết để chống khủng bố.

Vào tháng 11 vừa qua, nhật báo Mỹ The New York Times đã tiết lộ 403 tài liệu về chính sách đàn áp mà Bắc Kinh tiến hành đối với các sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo trong vùng Tân Cương. Trong các tài liệu này, có cả những bài phát biểu chưa được công bố của chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thúc giục các quan chức thẳng tay đối phó “không thương tiếc” với những người bị cho phần tử “cực đoan”.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.


---------------------------------------
.
Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày: 20/12/2019 - 15:00

Chưa đối phó xong với hai ngón đòn tấn công từ phía Mỹ trong vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, kể từ nay, Trung Quốc đã phải lo lắng thêm về hồ sơ Tây Tạng, với việc Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, ngày 18/12/2019 bật đèn xanh cho một đạo luật kêu gọi chính phủ Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho tôn giáo và nhân quyền tại Tây Tạng.

Mang tên gọi chính thức: “Đạo luật về Chính Sách và Hậu Thuẫn cho Tây Tạng - Tibetan Policy and Support Act”, luật mới này được cho là cứng rắn hơn với Trung Quốc so với “Đạo Luật Chính Sách Tây Tạng”, từng được thông qua vào năm 2002.

Theo một số điều khoản trong dự luật mới về Tây Tạng, bất kỳ quan chức Trung Quốc nào can thiệp vào vấn đề chuyển thế (tái sinh) của đức Đạt Lai Lạt Ma đều sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm việc phong tỏa tài sản của họ ở Hoa Kỳ và từ chối thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những người này.

Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu không cho Trung Quốc thành lập một lãnh sự quán mới tại Mỹ, trước khi Hoa Kỳ được đặt lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ vùng Tây Tạng.

Tiến trình thông qua luật mới về Tây Tạng mới ở bước đầu. Sau khi được Ủy Ban Đối Ngoại thông qua, văn kiện này còn phải được đưa ra bỏ phiếu tại phiên toàn thể của Hạ Viện mà ngày giờ chưa được ấn định, để rồi được chuyển lên Thượng Viện để thông qua.
Sau đó, hai viện Quốc Hội Mỹ lại còn phải thống nhất với nhau trên một văn bản luật duy nhất để chuyển qua Nhà Trắng cho tổng thống Mỹ ký ban hành.

Cho dù dự luật về Tây Tạng mới chỉ ở bước đầu như kể trên, Bắc Kinh đã lập tức cực lực phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào hôm qua đã lớn tiếng tố cáo Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ Trung Quốc và bắn đi “một tín hiệu sai lạc” cho phe đòi độc lập cho Tây Tạng.

Theo giới quan sát, phản ứng gay gắt của Trung Quốc cũng dễ hiểu, vì Tây Tạng là ngón đòn mới nhất mà Washington tung ra để tấn công Bắc Kinh trên mặt trận nhân quyền.
Riêng tại Quốc Hội Hoa Kỳ, dự luật về Tây Tạng đã được ủy ban chịu trách nhiệm bật đèn xanh, chỉ ít lâu sau khi dự luật về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được toàn thể Hạ Viên thông qua ngày 03/12 với một tỷ lệ áp đảo 407 – 1 phiếu.

Văn kiện về Tân Cương này cũng đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc, yêu cầu tổng thống Mỹ lên án các hành vi đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi Bắc Kinh đóng cửa các trại ở Tân Cương, và đòi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc can dự vào chiến dịch đàn áp ở Tân Cương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc là ông Trần Toàn Quốc, bí thư Đảng Ủy Tân Cương.

Trước đó, vào tháng 11, luật mang tên rõ ràng là “Đạo Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông'' cũng đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua vào hôm 27/11, sau khi được Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tán đồng cũng với một đa số áp đảo.

Mỹ không đơn độc trên mặt trận chống Trung Quốc về mặt nhân quyền, đặc biệt là trên hồ sơ Duy Ngô Nhĩ đã gây chấn động trên thế giới, với Liên Hiệp Châu Âu càng lúc càng tỏ rõ thêm lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Nghị Viện Châu Âu vào hôm qua 19/08 đã yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu phải có những biện pháp mạnh hơn đối với những quan chức Trung Quốc can dự vào chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trước đó, ngày 18/12, tân lãnh đạo ngành đối ngoại châu Âu là ông Josep Borell, đã cam kết thúc đẩy 28 quốc gia thành viên bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương.

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu vào đầu tháng, ông Borell đã đề cập đến hai vấn đề Tân Cương và Hồng Kông với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu, ông khẳng định: “Không ai tranh chấp quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc thực hiện các biện pháp hợp pháp để chống khủng bố và đảm bảo an ninh. Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, các chính sách được áp dụng ở Tân Cương dường như không tương ứng với mục đích đã nêu là đấu tranh chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.”

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.






No comments: