07/12/2019
Ngày Hoa Kỳ rút
khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2018, Đại sứ lúc bấy giờ là
Nikki Haley gọi tổ
chức này là “cơ chế bảo vệ cho chính những kẻ vi phạm nhân quyền trong một thời
gian quá dài”. Các nhà nghiên cứu cho rằng bà nói không sai.
Trong lịch sử hơn 70 năm của mình, chế định
nhân quyền có tiếng nói nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ) luôn phải gánh chịu những
chỉ trích nặng nề từ cả hai phía: những quốc gia có xu hướng độc tài cũng như
những quốc gia có xu hướng tự do.
Ra đời với mục tiêu cao cả là ngăn chặn sự trở
lại của những hành vi phi nhân tính đã từng xảy ra trong Đệ nhị Thế chiến, điều
gì khiến cho tổ chức này bị phê bình như vậy? Bài viết này tìm câu trả lời cho
câu hỏi đó.
Ủy ban LHQ về Nhân quyền: “Hiệp hội của những
Chí Phèo”?
Cho đến nay, sự phát triển của chế định nhân
quyền trực thuộc LHQ có thể phân chia làm hai giai đoạn.
Một là giai đoạn của Ủy ban Liên Hợp Quốc về
Nhân quyền (UN Commission on Human Rights), vốn chấm dứt vào năm 2006. Hai là
giai đoạn từ 2006 đến nay, với sự thế chỗ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
(UN Human Rights Committee). Đáng tiếc là trong cả hai giai đoạn, cả Ủy ban lẫn
Hội đồng đều chịu những chỉ trích tương tự nhau.
Một mặt, cần thừa nhận rằng Ủy ban là một bước
tiến cực kỳ quan trọng thời kỳ giữa thế kỷ 20. Khi đó, khái niệm nhân quyền và
khả năng can thiệp của các tổ chức quốc tế vào tình hình nhân quyền tại một quốc
gia còn rất mơ hồ.
Phiên
họp đầu tiên của Ban Soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trực thuộc Ủy ban
Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, ngày 9/6/1947 tại New York, Hoa Kỳ. Ảnh:
universal-rights.org.
Ủy ban chính là cơ quan đề xướng cho sự tham
gia của các tổ chức nhân quyền độc lập và biến nó trở thành một bộ phận không
thể tách rời của các chế định nhân quyền LHQ mới. Không chỉ vậy, hệ thống
thủ tục điều tra nhân quyền cùng với sự hinh thành của các chuyên gia độc lập (independent
experts) hay báo cáo viên đặc biệt (special rapporteurs) tiếp tục là
những sáng kiến, những thành tựu vượt thời gian và sẽ còn đóng vai trò quan trọng
trong tương lai của hoạt động bảo vệ và cổ xúy nhân quyền quốc tế.
Mặt khác, với bản chất là một cơ quan chấp
hành trực thuộc một tổ chức quyết định dựa trên đa số và đậm màu chính trị – Đại
Hội Đồng Liên Hợp Quốc – Ủy ban Nhân quyền nhanh chóng rơi vào tình thế
khó.
Đầu tiên là về cách tiếp cận đối với vi phạm
nhân quyền tại từng quốc gia, thường được gọi là hiện tượng chắt lọc đối tượng
(selectivity).
Khi vừa mới thành lập, dù Tuyên ngôn Nhân quyền
Quốc tế đã được xem là có hiệu lực tập quán pháp quốc tế, Ủy ban vẫn chưa có thẩm
quyền điều tra, đánh giá tình trạng, và cáo buộc nhân quyền của các quốc gia
thành viên LHQ.
Phải đến thời điểm Công ước Quốc tế về các Quyền
Dân sự và Chính trị 1967 và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và
Văn hóa 1970 có hiệu lực thì tình hình mới thay đổi. Qua các nghị quyết 1235 và 1503,
Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) chính thức uỷ quyền cho Uỷ ban để
tiến hành điều tra về “những hành vi vi phạm cơ bản và nghiêm trọng quyền
con người tại các quốc gia thành viên”, cũng như việc “xem xét những
hành vi vi phạm nhân quyền cụ thể thông qua nghị quyết chung”.
Ít ai ngờ rằng, chính sáng kiến thủ tục này
trở thành lý do khiến cho Ủy ban bị giải thể.
Trước tiên, do làm việc dựa trên số đông, chỉ
có những quốc gia ít có kết nối với địa chính trị khu vực và thế giới mới có thể
trở thành đối tượng của quá trình điều tra và bị lên án bằng các nghị quyết
chung.
Israel là một trong những quốc gia như thế.
Dù là đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ, Israel tương đối cô độc trong khu vực
khi so sánh với Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo (Organisation of Islamic Cooperation)
đông đảo (nay đã có hơn 50 quốc gia thành viên), vốn có thù “không đội trời
chung” với họ. Vì vậy, quốc gia này trở thành kẻ bị đấu tố trong các buổi họp về
tình trạng nhân quyền thế giới. Rất nhiều các nghị quyết phê phán tình trạng
nhân quyền được thông qua trong thời kỳ Ủy ban đều nhắm vào Israel.
Nhóm các quốc gia cũng có các vấn đề nhân quyền
nghiêm trọng trong khoảng thời gian đó cũng tham gia cuộc “đấu tố” có chọn lọc
để đảm bảo trường hợp của nước họ không bị mang ra bàn bạc. Nhóm này gồm có
Trung Quốc, Iraq, Cuba, nhiều quốc gia châu Mỹ Latin và kể cả Việt Nam.
Nam
Phi với vấn nạn Apartheid cũng trở thành một vật “tế thần” quen thuộc trong các
kì giám sát. Ảnh: Origins.
Song ngay cả khi các vấn đề của họ bị đẩy lên
nghị trình chung của Ủy ban, quá trình quyết định dựa theo số đông vẫn có thể bị
tác động nghiêm trọng. Bằng việc kêu gọi đồng minh ủng hộ, họ có thể khiến cho
ngôn ngữ nghị quyết bớt đi tính chỉ trích, những vi phạm nhân quyền cụ thể
không được thảo luận, và nghị quyết cuối cùng không thể được thông qua.
Do sự thao túng của các liên minh này, dự thảo
nghị quyết yêu cầu Nga trình bày về vấn đề Chechnya nhanh chóng bị từ bỏ.
Tương tự, là trường hợp yêu cầu Zimbabwe và Sudan giải trình về những vi phạm
nhân quyền đối với chính công dân của họ.
Sau khi thực hiện một cuộc đàn áp vô tiền
khoáng hậu bỏ tù liên tục 79 nhà hoạt động, trí thức vào năm 2003, Cuba cũng đã
bị Ủy ban nhắm đến. Song sự hậu thuẫn của những người “anh em” Algeria, China,
Pakistan, Russia, Syria, Việt Nam, Zimbabwe và Sudan đã giúp cho chính quyền
Fidel Castro thậm chí còn không phải giải trình ý kiến gì trước Ủy ban Nhân Quyền.
Trong nhiều trường hợp, các thành viên còn đồng
thuận sử dụng “no-action
motion”. Đó là một loại hình bỏ phiếu giữa thời điểm nghị luận của các cơ
quan trực thuộc LHQ, để quyết định việc có nên tiếp tục bàn và xem xét một vấn
đề hoặc một nghị quyết hay không.
Đến đầu
những năm 2000, Ủy ban mất gần như mọi uy tín của mình.
Theo nhiều chuyên
gia, thậm chí là các quốc gia thành viên cũng như Cao Ủy Nhân quyền Liên Hợp
Quốc, Ủy ban Nhân quyền giờ đây là một chiến trường để né tránh các cáo buộc
nhân quyền. Các thành viên dành nhiều thời gian để ngăn chặn thông qua các nghị
quyết hơn là tìm cách thỏa hiệp vì một mục tiêu nhân quyền chung.
Hội đồng
Nhân quyền: Bình mới, rượu cũ…?
Sự ra đời của Hội đồng Nhân quyền là một
trong những nỗ lực rất lớn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi
Annan để cải cách chế định nhân quyền cũ đã hoàn toàn mất uy tín. Năm
2005, ông kêu gọi giải thể Ủy ban Nhân quyền để thành lập nên một cơ quan mới với
những công cụ mới.
Trong đó, sáng kiến đáng giá nhất chính là cơ
chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (Universal Periodic Review – UPR). Cơ chế này bắt
buộc tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc phải lắng nghe và phản hồi ý kiến
về các vấn đề nhân quyền từ nhiều phía, kể cả các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức
phi chính phủ mà quốc gia sở tại không thừa nhận.
Một
phiên họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: UN
Photo.
Tuy
nhiên, sau gần 15 năm vận hành, bản thân Hội đồng Nhân quyền cũng đang rơi vào
tình cảnh tương tự của Uỷ ban tiền nhiệm.
Vấn đề cơ bản nhất nằm ở chính những thành
viên “lãnh đạo” Hội đồng.
Hội đồng Nhân quyền ngày nay bao gồm 47 thành
viên được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc bầu chọn ra ba năm một lần, được phân bổ dựa
trên khu vực. Khu vực châu Phi và châu Á đồng thời có 13 ghế. Khu vực châu Mỹ
Latin và Caribbean mỗi bên nắm 8 ghế. Tây Âu và các nước khác, bao gồm cả Hoa Kỳ,
Canada, Australia và New Zealand chỉ có 7 ghế. Và cuối cùng, Đông Âu được giao
quota 6 ghế.
Nhìn vào thành phần của cơ quan quyền lực cao
nhất về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, không cần am hiểu lắm cũng có thể thấy rằng
những nghị quyết chung về nhân quyền của Hội đồng sẽ do ai quyết định. Quyền lực
sẽ tiếp tục nằm trong tay của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, những anh chàng kỹ trị
châu Á và những quốc gia vi phạm nhân quyền khét tiếng đến từ Mỹ Latin.
UPR thật sự đã giảm thiểu tình trạng chọn lọc
và tấn công các mục tiêu đơn lẻ. Tuy vậy, với sự có mặt đông đảo của các “cựu
Chí Phèo” từ Ủy ban di dân sang, những quốc gia có tình trạng nhân quyền kém chỉ
cần duy trì được hệ thống đồng minh của mình là có được miễn tử kim bài.
Đa số các đóng góp trong những phiên họp UPR,
cũng vì vậy, chỉ để “cho qua chuyện”, không giúp ích gì cho việc tạo áp lực để
cải thiện và đổi mới hệ thống nhân quyền quốc gia.
Bên ngoài UPR, Israel tiếp tục bị chọn lọc trở
thành vật tế thần trong các buổi họp. Và những quốc gia phê bình Israel là ai?
Là Saudi Arabia, Venezuela, Philippines hay Ethiopia, những nước có tình trạng
không hề tích cực hơn.
Phái
đoàn ngoại giao Việt Nam tại phiên điều trần UPR tháng 1/2019 tại Hội đồng Nhân
quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: HRC Secretariat.
Saudi Arabia tiếp tục phổ biến các giá trị Hồi
giáo nguyên thủy và cực đoan, hạn chế quyền phụ nữ và cấm đoán quyền tự do tôn
giáo.
Venezuela đã trở nên quá khét tiếng với những
hoạt động đàn áp, vũ lực dành cho người biểu tình; can thiệp vào tự do bầu cử
cũng như thất bại trong việc duy trì an sinh xã hội cho người dân.
Trung Quốc vốn là “ông kẹ” trong giới vi phạm
nhân quyền thế giới và không có dấu hiệu thay đổi. Họ vẫn nghiễm nghiên ngồi
mâm trên dù đang bị toàn cầu phê phán kịch liệt trong các vấn đề tại Hong Kong
và Tân Cương.
Và còn rất nhiều những thành viên tương tự
khác nữa. Cơ cấu bầu chọn thành viên thiếu cân nhắc về tình hình nhân quyền
này là một trong những lý do khiến nhiều học giả, trong đó có Brett Schaefer,
cho rằng Hội đồng Nhân quyền là không
thể sửa chữa.
Khó có một nhà hoạt động nhân quyền, một luật
sư quốc tế nào dám nghĩ rằng họ có thể đóng góp được gì tích cực cho tình hình
nhân quyền thế giới với cơ chế này.
Từ bỏ
có phải là lựa chọn tốt?
Với tất cả những vấn đề đã kể đến ở trên, từ
bỏ có phải là cách? Liệu việc Hoa Kỳ quyết định rời
ghế của mình trong Hội đồng Nhân quyền có giúp các cơ chế nhân quyền LHQ vận
hành tốt hơn? Người viết không nghĩ là như vậy.
Đúng rằng cơ chế thành viên vẫn là một vấn đề
nhức nhối, khi mà Lybia và Syria chỉ bị tước bỏ ghế thành viên khi quân đội của
họ đã bắt đầu giết dân thường trên đường phố. Đúng rằng Israel tiếp tục là bị Hội
đồng Nhân quyền nhắm đến như vật tế thần, với hơn 70 nghị quyết chỉ trích và
lên án; so với 7 của Iran; 0 của Việt Nam và 0 từ Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc đó, việc có một cơ chế đối thoại
và kiểm tra nhân quyền như UPR đã và đang giúp rất nhiều tiếng nói của nạn nhân
được lắng nghe, ghi nhận và lưu trữ. Hội đồng Nhân quyền vẫn sẽ là nơi tiếp tục
ghi nhận những cam kết nhân quyền của những quốc gia khét tiếng nhất. Đó là những
việc cần làm để đảm bảo rằng các nguyên tắc nhân quyền sẽ được thừa nhận đủ rộng,
đủ sâu để trở thành những quy phạm tối cao (erga omnes) trong pháp luật quốc tế.
Người viết đồng tình với cố Tổng Thư ký Kofi
Annan rằng, Liên Hợp Quốc dù thế nào vẫn là rào cản cuối cùng cho những vi phạm
nhân quyền vô pháp của các quốc gia độc tài trên thế giới. Thể chế nhân quyền của
LHQ đòi hỏi chúng ta tích cực tham gia, sửa chữa và xây dựng lại khi cần. Từ bỏ
không phải là giải pháp, mà chỉ là chấp nhận thua cuộc mà thôi.
No comments:
Post a Comment