BBC Tiếng Việt
14/12/2019
Việt
Nam vẫn còn 'phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ' trong thể thao và xã hội,
'thật đau lòng' khi nghe nhiều vận động viên nữ ở Việt Nam nói về khó khăn
trong cuộc sống và tập luyện của họ, một nhà báo và nhà bình luận chia sẻ với
BBC News Tiếng Việt ngay sau bế mạc SEA Games 30 năm 2019.
VIDEO :
'Tôi
đau lòng khi nghĩ về thể thao nữ Việt Nam'
"Chúng ta vẫn còn phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ trong xã hội
và trong đó là thể hiện trong thể thao. Chúng ta biết rằng đội nữ chúng ta đã 6
lần vô địch SEA Games, nhưng chưa lần nào đón tiếp một cách trọng thể, không được
đánh giá đúng đắn công sức của các bạn ấy," nhà bình luận trước hết nói về bóng đá nữ," từ Hà Nội hôm
11/12/2019, bình luận gia Trần Tiến Đức nói với BBC.
"Đứng trên bản đồ của bóng đá thế giới, thì thứ hạng của đội tuyển
bóng đá nữ Việt Nam cao hơn nhiều so với đội bóng đá nam, nhưng mà đãi ngộ, thu
nhập cũng như là vấn đề dinh dưỡng của các cầu thủ nữ Việt Nam theo tôi còn
thua xa so với những yêu cầu, những tiêu chuẩn để đạt được, để có thể duy trì
được trạng thái thể lực cũng như là có thể nâng cao được hơn nữa khả năng về mặt
kỹ thuật về mặt chiến thuật.
"Có một điều là các tuyển thủ nữ của chúng ta được thi đấu rất ít,
chúng ta chỉ có một giải ở trong nước đá hai lượt - lượt đi, lượt về và chỉ có
6 đội tham gia, thì như vậy là quá ít, không đủ để các cầu thủ có thể tích lũy
được kinh nghiệm.
"Thứ hai là việc đào tạo các cầu thủ nữ trẻ cũng chưa được chú ý
thích đáng. Bây giờ chúng ta thấy bóng đá nam có rất nhiều học viện, những
trung tâm đào tạo, thí dụ như chỗ VinGroup đã đầu tư vào trung tâm đào tạo của
PVF, chỗ Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đào tạo bóng đá trẻ tốt, rồi Hà Nội cũng có
trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tốt và một số nơi khác nữa.
"Nhưng mà nữ chưa có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và nếu không có
chú trọng đến đào tạo lớp trẻ thì đến khi các em lên thi đấu thì phải bập ngay
vào giải hạng nhất của bóng đá nữ, thì sẽ rất là bỡ ngỡ và rất là khó phát triển."
Nữ cầu thủ Phạm Hải Yến (số 12) của Việt Nam bị ngã
trong trận đấu với Indonesia ở bảng B, SEA Games 30 trên sân Biñan hôm 29/11.
GETTY IMAGES
'Nghe rất là đau lòng'
Về các bộ môn thể thao khác của Việt Nam có tham gia
của nữ vận động viên, nhà báo Trần Tiến Đức nói:
"Đối với các vận động viên khác, tôi cho rằng cũng thế, vừa rồi
chính các em đã tự nhủ, có em là đi tập rồi, nhưng một ngày phải dành hai tiếng
để đi chạy Grab, mà tôi chắc đấy là Grab-bike, tức là Grab bằng mô-tô, chứ
không phải là Grab ô-tô, để mà có thêm đủ tiền để mà sinh hoạt.
"Hay là như là Nguyễn Thị Huyền, là một vận động viên chạy rất tốt về
400 mét, mà em phải nói là được huy chương này thì sẽ có thêm tiền để mua sữa
cho con.
"Tôi nghe thấy như vậy rất là đau lòng! Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo
của quốc gia này, trong đó có những người lãnh đạo về thể thao phải thấy xấu hổ
khi nghe những lời thú nhận như vậy!
"Và tôi nghĩ rằng phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng lực lượng
nữ vận động viên, cũng như là phải tôn trọng và đãi ngộ họ tốt hơn nữa
"Nếu mà xem bảng thành tích của Việt Nam trong 98 huy chương vàng ở
giải SEA Games lần này, thì tôi nghĩ rằng các vận động viên nữ là chiếm một tỷ
lệ rất lớn, theo tôi còn là trên một nửa, tôi chưa thống kê được hết.
"Nhưng mà thành tích của thể thao Việt Nam lâu nay cũng dựa vào
thành tích của nữ. Trong điền kinh, trong bơi lội cũng vậy thôi, thì cái đó,
tôi nghĩ buộc chúng ta phải suy nghĩ kỹ.
"Và chúng tôi cũng nghĩ rằng xã hội cũng phải có thay đổi trong suy
nghĩ. Chúng ta phải thấy rằng các nữ vận động viên, thực ra là những người đã
mang lại vinh quang cho thể thao Việt Nam và đồng thời họ là người chịu nhiều
thiệt thòi nhất trong việc tập luyện cũng như thi đấu," nhà bình luận Trần Tiến Đức nói với BBC từ Hà Nội.
'Còn nhiều việc hơn nữa cần làm'
Tham gia chương trình hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm
12/12, Nguyễn Huyền Trang, một người hâm mộ thể thao từ TP HCM
cho rằng việc khen thưởng là cần thiết nhưng còn có nhiều việc hơn nữa cần làm.
"Tôi nghĩ không chỉ bóng đá mà còn các bộ môn thể thao khác nữa cũng
cần có sự quan tâm đúng mực.
"Chẳng hạn vận động viên điền kinh của chúng ta giành huy chương
vàng rồi mà về nhà vẫn phải kiếm thêm thu nhập bằng việc bán đồ thể thao trên mạng
là điều không xa lạ.
"Với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung thì tôi thấy rằng cần
có những chính sách ưu tiên nào đó cho họ.
"Với những đóng góp mang lại vinh quan và tự hào của họ thời thanh
xuân cho đất nước và được ghi nhận thì làm sao khi họ nghỉ thi đấu thì họ phải
có được cơ hội để ổn định cuộc sống.
"Và điều này cần thực hiện cho tất cả các môn thể thao chứ không chỉ
có bóng đá mà thôi," Huyền Trang nói.
VIDEO :
Nguyễn
Huyền Trang : Xã hội còn chưa công bằng với thể thao nữ VN
Còn từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thuộc
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), hôm 11/12, Tiến sỹ
Viện trưởng Khuất Thu Hồng nói với BBC:
"Câu chuyện thể thao là một ví dụ rất rõ rệt. Chúng ta nhìn thấy bằng
mắt rằng là sự nồng nhiệt, sự tán dương, sự tung hô, sự ủng hộ với bóng đá nam
nó khác hẳn với sự tri ân, sự tưởng thưởng cũng khác.
"Cho đến năm nay, nếu mà mạng xã hội không lên tiếng, sự bất bình đẳng,
bất công bình như vậy trong thái độ của xã hội cũng như là của các Mạnh Thường
Quân đối với đội bóng đã nữ, thì có lẽ năm nay họ cũng sẽ ra về không kèn,
không trống.
"Và những phần thưởng mang tính chất là tượng trưng thôi, chẳng hạn
nó không thể nào so sánh được với cái mà những đội bóng đá nam được hưởng.
"Thì những thí dụ như vậy cho thấy rằng bình đẳng thực chất ở Việt
Nam vẫn còn nằm ở trong tương lai," nhà nghiên cứu về
xã hội học và bình đẳng giới nói với BBC News Tiếng Việt.
Mời quý vị bấm
vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận Bàn tròn thứ
Năm về kỳ tích của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 30 năm 2019.
No comments:
Post a Comment