Bức hình bên trái
chụp đúng lúc Mikhail Gorbachev vừa đọc xong diễn văn từ chức Chủ Tịch Liên Xô
và đang khép lại bài diễn văn sau bảy giờ tối ngày 25 tháng 12, 1991.
Bức hình mang ý
nghĩa một chế độ độc tài toàn trị kéo dài suốt 74 năm với 20 triệu người bị giết
trong các cuộc thanh trừng đẫm máu, đấu tố và lao động khổ sai trong các trại tập
trung vùng Siberia, vừa chấm dứt.
Liên Sô có đạo quân
hiện dịch 4 triệu 9 trăm ngàn và 35 triệu quân dự bị trong tuổi từ 18 đến 35.
Liên Sô có một ngân sách quốc phòng vào thời điểm 1990 đã lên đến 290 tỉ Mỹ
kim. Liên Sô vào năm 1986 có tới 45 ngàn đầu đạn nguyên tử.
Trước đó vài năm,
ai cũng có thể hình dung ngày Chủ tịch Liên Sô từ chức phải là ngày trọng đại,
thu hút hàng ngàn phóng viên báo chí, nhiếp ảnh khắp nơi trên thế giới và hàng
tỉ người hồi hộp đợi chờ.
Nhưng không. Một
phóng viên nhiếp ảnh Mỹ chính thức tham dự cũng không có. Một ngày trôi qua gần
như không tiếng động lịch sử nào. Bức ảnh có được cũng gần như một tình cờ vì
phái đoàn quay phim của hãng ABC từ Mỹ sang không có ai là phóng viên nhiếp ảnh.
Người chụp bức hình
này là nhiếp ảnh gia người Mỹ sinh tại Hong Kong Liu Heung Shing. Ông là phóng
viên của hãng AP tại Moscow.
Buổi sáng ngày lịch
sử đó, Liu Heung Shing nghe ngóng tin tức và biết đó là ngày Mikhail Gorbachev
từ chức nên tìm cách vô điện Kremlin. Mặc dù bị KGB ngăn cấm vào, Liu Heung
Shing cũng đã xoay xở vào được.
Khi Mikhail Gorbachev
đọc diễn văn, Liu và Tom Johnson của CNN là hai phóng viên duy nhất có mặt
trong phòng.
Phóng viên Liu
Heung Shing không được phép chụp hình nhưng ông ta biết lịch sử đang sang trang
và bằng mọi cách phải ghi lại cho được hình ảnh đó. Ông đặt máy hình đúng vị
trí, điều chỉnh khoảng cách, thông số của ống kính chính xác và kiên nhẫn chờ
cơ hội.
Khi Mikhail
Gorbachev đọc xong, khép lại bài diễn văn là lúc Liu Heung Shing bấm máy.
Bức ảnh độc đáo
mang ý nghĩa khép lại một kỷ nguyên sắt máu đó là phần bộ ảnh của AP được trao
giải Pulitzer Prize.
Được hỏi đặc điểm
nào trong nhiếp ảnh làm ông quan tâm nhất, Liu Heung Shing cho rằng những bức ảnh
đại diện cho tiếng nói của con người là ông quan tâm nhất.
Người viết kèm theo
bức ảnh Tập Cận Bình vừa đọc xong diễn văn để thấy chế độ CS Trung Quốc cũng vậy,
như tảng băng đang tan chảy và mỗi ngày một mỏng dần, yếu dần.
Lịch sử sự sụp đổ của
các đế quốc từ thời La Mã đến hiện đại và nay Trung Cộng, đều diễn ra theo một
con đường bành trướng và suy thoái giống nhau.
Nhật chiếm Triều
Tiên, Mãn Châu hay Tập chiếm Biển Đông cũng học từ một sách bành trướng giống
nhau.
Trung Cộng còn trầm
trọng hơn vì không phải chỉ mâu thuẫn quyền lợi với thế giới bên ngoài mà còn
mâu thuẫn đối kháng thuộc về bản chất bên trong của chế độ.
Giống như Liên Sô
1991, căn bịnh cơ chế của Trung Cộng không thể nào chữa trị bằng các biện pháp
vá víu về kinh tế.
“Đổi mới” chỉ kéo
dài thời gian tồn tại nhưng không chữa tuyệt được căn bịnh vì con người không
chỉ cần ăn.
Không phải nước nhỏ
nào cũng phụ thuộc vào các cường quốc. Mười lăm nước trong Liên Bang SoViet
tuyên bố độc lập trước khi Liên Sô chính thức cáo chung vào ngày 25 tháng 12,
1991.
Có những nước chỉ một
hai triệu dân như ba quốc gia Baltics đã “thoát Nga” từ 1989.
Họ không nằm chờ
trái sung Gorbachev rơi vào miệng. Họ không chờ Mỹ bật đèn xanh. Họ không sống
theo chủ nghĩa số phận.
Tương tự, đừng chờ
Trung Cộng sụp đổ mà phải nắm bắt mọi cơ hội quốc tế và tận dụng sự suy thoái của
chế độ CSTQ để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng.
Đảng CSVN vì quyền
lợi và quyền lực sẽ tiếp tục bám theo và chết theo Trung Cộng, nhưng những hạt nhân
tốt, chắc chắn đang có, trong 90 triệu người Việt Nam phải tìm cách vươn lên và
ngày cáo chung của chế độ độc tài CSVN sẽ đến.
Trần Trung Đạo
---------------------------------------
GORBACHEV, YELTSIN, SAKHAROV AI LÀ NHÀ
DÂN CHỦ?
Khá nhiều người Việt
yêu dân chủ và cũng vì quá tha thiết với dân chủ nên tôn sùng Mikhail Gorbachev
như là một nhà dân chủ vĩ đại, vị cứu tinh của nhân loại.
Gorbachev là một
nhà chính trị khôn ngoan và có ít nhiều tính cơ hội trong người nhờ đó ông ta
đã được Andropov, cựu Tổng Giám Đốc KGB, Tổng Bí Thư CS Liên Sô sắt máu và người
đàn áp cuộc nổi dậy của Hungary 1956, tin tưởng vào trao quyền trên giường bịnh.
Gorbachev đứng giữa
hai ngọn sóng lớn, một bên bảo thủ và một bên cải cách. Ông chọn hướng cải
cách. Đó là một trong những điểm son của ông.
Chọn lựa của Gorbachev
đương nhiên đóng góp rất lớn vào tiến trình dẫn tới sự tan rã của Liên Sô nhưng
ông chưa bao giờ là nhà cách mạng dân chủ. Bản thân ông ta cũng không nghĩ mình
là một nhà dân chủ theo quan điểm tam quyền lập pháp.
Trong cuộc bầu cử
542 đại biểu của Soviet Tối Cao vào tháng 3, 1989, để bảo vệ đảng, Gorbachev
dành riêng một phần ba đại biểu cho đảng CS Liên Sô và các cơ quan trực thuộc đảng
CS. Kết quả đảng CS chiếm 84 phần trăm số đại diểu được bầu. Gorbachev tái đắc
cử Chủ tịch Soviet Tối Cao.
Nói tóm lại,
Gorbachev đã làm tất cả những gì có thể làm được trong tình huống của thời điểm
1990 để cứu Liên Sô, để bảo vệ đảng CS Liên Sô, giữ sự thống nhất của 15 nước
“cộng hòa xã hội chủ nghĩa” kể cả việc dùng xe tăng để đàn áp các dân tộc nhỏ
vùng Baltics và để tiếp tục vai trò lãnh đạo đảng và nhà nước CS Liên Sô.
Giống Putin sau
này, chủ nghĩa dân tộc chế ngự trong tư tưởng Gorbachev. Do đó không ngạc nhiên
khi Gorbachev ủng hộ các chính sách bành trướng và độc tài của Putin khi tuyên
bố “Nước Nga cần một Sa Hoàng, chỉ vì tôi không thể làm được thôi.”
Mặc dù khá thân thiện
với các tổng thống Mỹ, Gorbachev chống Mỹ và mong Nga trở thành một nước mạnh
dù phải chấp nhận các biện pháp độc tài kiểu Putin.
Quan hệ giữa Putin
và Gorbachev trải qua nhiều cay đắng nhưng khi được hỏi liệu ông có đặt niềm
tin ở Putin để lãnh đạo Nga, Gorbachev trả lời dứt khoát “tin tưởng Putin”.
Gorbachev ở đâu
trong giai đoạn biến loạn 19 tháng 8, 1991 khi phe CS bảo thủ cướp chính quyền?
Giữa lúc đất nước
đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, Gorbachev dắt vợ con đi nghỉ hè ở
Crimea bên bờ Hắc Hải.
Hình ảnh Boris
Yeltsin đứng trên xe tăng buổi sáng ngày 19 tháng 8 và tuyên bố chống phe CS bảo
thủ trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất không bao giờ mờ đi trong lịch
sử Nga.
Yeltsin kết án phe
CS bảo thủ “vi phạm hiến pháp”, “phản động”, kêu gọi tổng đình công và yêu cầu
quân đội không tham gia phe CS bảo thủ. Cuộc phản loạn bị dập tắt không đổ máu.
Sau này, khi trả lời
phỏng vấn của nhà báo Jonathan Steele ở Moscow, Gorbachev thừa nhận việc rời
Moscow trong giai đoạn vô cùng cần thiết đó là một trong những điều sai lầm.
Những ai đã lãnh đạo
cách mạng dân chủ Nga?
Những người dứt
khoát với quá khứ CS đã làm nên lịch sử.
Họ là Viện Sĩ
Sakharov , cựu ủy viên Bộ Chính Trị Boris Yeltsin, sử gia Yuri Afanasyev, Thị
trưởng Moscow Gavril Popov, học giả Viktor Palm. Nhóm năm người này lãnh đạo
phong trào dân chủ Nga trong thời điểm nguy kịch 1990 là đầu tàu cách mạng.
Người viết đã trình
bày trong bài “Người Khách Trên Chuyến Tàu Điện Gorky-Moscow” trong Facebook
Page Chính Luận xin chép lại dưới đây.
Năm người làm nên đầu
tàu có quá khứ, nghề nghiệp, tham vọng và cá tính khác nhau. Chẳng hạn Yuri
Afanasyev là nhà nghiên cứu sử, Boris Yeltsin là cựu đảng viên CS cao cấp, Viktor
Palm là học giả người Estonia và Sakharov là nhà vật lý nguyên tử. Họ lãnh đạo
khối chống CS còn khá ô hợp trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga vừa được bầu.
Mục tiêu duy nhất của
nhóm năm người này là giới hạn độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng CS Liên Sô
cụ thể là xóa bỏ điều sáu hiến pháp, tương tự như điều bốn trong hiến pháp
CSVN. Sau đó nhóm lãnh đạo cánh đối lập với đảng CS có thể lập đảng chính trị
riêng và thậm chí chống nhau nhưng trong thời điểm 1988, họ rất đoàn kết.
Tiếc thay bịnh tim
đã cướp đi của phong trào dân chủ Nga một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Nhà vật lý
nguyên tử và nhà tranh đấu cho quyền làm người Andrei D. Sakharov qua đời tối
ngày 14 tháng 12, 1989 thọ 68 tuổi.
Với xu hướng các
nhà dân chủ trở thành lãnh đạo các quốc gia cựu CS như tại Tiệp, Ba Lan, các nước
Baltics, các nhà phân tích tin rằng, còn sống ba năm nữa, Andrei D. Sakharov với
tư tưởng dân chủ, tự do, nhân bản, sẽ trở thành tổng thống của Cộng Hòa Nga và
nếu vậy khuôn mặt chính trị thế giới sẽ khác hơn nay nhiều.
Ngoài ra, nền dân
chủ Nga còn được viết bằng máu của nhiều chục triệu người vô tội đã đổ xuống để
chiều 25 tháng 12 tràn ly cách mạng dân chủ. Không có sức bật, sức đẩy của họ
đã không có chuyện Gorbachev từ chức.
Do đó, nếu cần phải
ca ngợi hay tôn sùng, hãy dành một phút mặc niệm những người đã chết vì lý tưởng
tự do, chết trong oan ức, chết trong tù đày từ 1917 đến 1991 tại Liên Sô.
Cách mạng dân chủ
Nga Liên Sô để lại một bài học cho những người đang tranh đấu vì tự do dân chủ
cho Việt Nam rằng chỉ có dứt khoát với quá khứ CS, đoàn kết và kiên quyết bám lấy
những mục tiêu rõ ràng và cụ thể mới thắng được bộ máy cai trị CS. Việc mong đợi
đảng CS tự thay đổi chẳng những làm nhụt ý chí đấu tranh, chứng tỏ sự yếu kém của
mình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các phong trào dân chủ Việt Nam đang cố gắng
vươn lên.
Trần Trung Đạo
(Mời đọc 3 bài viết
có liên quan đến chủ đề ngày 25 tháng 12 tại Moscow trên FB Page Chính Luận gồm:
“Người Khách Trên Chuyến Tàu Điện Gorky-Moscow”, “25 Tháng 12, Ngày Cuối Cùng Của
Chế Độ Cs Liên Xô “, “Một Cách Nhìn Khác Về Mikhail Gorbachev”)
No comments:
Post a Comment