Wednesday, December 18, 2019

BREXIT & BRUSSELS (Lê Phan)




Lê Phan
December 16, 201

Hôm Thứ Năm tuần rồi, sau ba năm quanh co, sau cùng Anh Quốc đã có cuộc bầu cử mà kết quả là một ủng hộ quyết liệt một thủ tướng mà nghị trình chính là “Get Brexit Done.”

Chiến thắng của ông Boris Johnson là một sự tập hợp của nhiều yếu tố: Một lãnh tụ đối lập cực đoan cánh tả nhưng lại ủng hộ Brexit bị quá nhiều người không thích. Một sự phân chia giữa thành thị và nông thôn, với thủ đô London cương quyết từ chối ủng hộ ông Johnson trong khi ở tỉnh, những ủng hộ viên của đảng Lao Động lâu đời đột ngột đổi sang ủng hộ ông Johnson. Một vùng kỹ nghệ hóa ở miền Trung nước Anh bất mãn vì bị toàn cầu hóa làm mất đi công ăn việc làm. Và, sau ba năm một ước muốn thôi thì đây cũng là một cách chấm dứt giai đoạn bất định.

Nhưng nay, khi Liên Hiệp Vương Quốc Anh đã giải quyết được vấn đề nội bộ thì vấn đề tới sẽ là liên hệ với Brussels.

Người ta vẫn nói “It takes two to Tango,” trong trường hợp này người thứ hai chính là Liên Hiệp Âu Châu, bởi dầu cho trong lúc bầu cử ông Johnson có muốn nói đến thời hoàng kim của một Anh Quốc độc lập tha hồ đi điều đình với toàn thế giới, thực tế là Anh Quốc chỉ là một hòn đảo nhỏ đứng kế bên một lục địa to lớn mà dù muốn dù không họ phải liên hệ, làm ăn, buôn bán.

Ngay hôm Thứ Sáu vừa qua, chủ tịch Hội Đồng Âu Châu tức là quốc trưởng của khối, nói Brussels sẽ cả quyết đòi là Anh Quốc tiếp tục liên kết chặt chẽ với các luật lệ của họ để đổi lại việc họ cho ông Johnson một thỏa thuân mậu dịch, sau khi sự thắng cử của ông Johnson sẽ làm cho Brexit đến gần hơn và mở đường cho những cuộc điều đình gay go về tương lai liên hệ giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu.

Ông Charles Michel đã nói với báo chí là các công dân và doanh nghiệp cần ổn định và chắc chắn càng sớm càng tốt, với Anh Quốc nay đang chuẩn bị chính thức ly dị với Liên Hiệp vào ngày 31 Tháng Giêng. Nhưng ông cũng nói rõ là Liên Hiệp có những lằn đỏ cho các cuộc điều đình vốn sẽ theo sau việc chính thức ra đi, nói là tiếp cận thị trường Âu Châu sẽ chỉ có thể có được với cái giá là một hứa hẹn chính sách để ngăn cản doanh nghiệp Anh Quốc phá giá cạnh tranh với các doanh nghiệp Âu Châu.

Mơ ước trở thành một thứ Singapore hay Hồng Kông hay ngay cả Trung Quốc kế bên lục địa là một ước mơ hão huyền, Âu Châu thẳng thừng khuyến cáo.

Ông Michel, cựu thủ tướng Bỉ, vốn vừa nhậm chức chủ tịch Ủy Hội Âu Châu tháng này, thêm “…thật rất quan trọng là chúng ta bảo đảm một sân chơi bằng phẳng và sự bền vững của thị trường chung (Âu Châu). Chúng tôi sẵn sàng.” Và với những điều kiện đó “Liên Hiệp Âu Châu sẽ điều đình để có một hợp tác gần cận trong tương lai với Liên Hiệp Vương Quốc.”

Thủ Tướng Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan Leo Varadkar thì lạc quan hơn nói là Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu có thể đạt được một thỏa thuận hậu Brexit cho “một đối tác kinh tế mạnh mẽ mới” trong đó ông diễn tả là “một thỏa thuận mậu dịch cộng.” Rồi ông thêm là một thỏa thuận sẽ phải “bảo đảm là chúng ta có mậu dịch không có thuế quan và không có quota” với văn bản ghi nhận “những tiêu chuẩn căn bản để không ai cảm thấy là bị cạnh tranh bất công.” Ông Varadkar cũng bày tỏ “thở phào nhẹ nhõm” vì cuộc bầu cử đã kết thúc “sự bế tắc” ở Westminster (Quốc Hội Anh) về Brexit.

Ông Xavier Bettel, thủ tướng Luxembourg thì thẳng thừng hơn, nói là “đa số rõ rệt” mà ông Boris Johnson đạt được có nghĩa là “không có một biện minh nào không thực hiện nó bây giờ” một thỏa thuận Brexit.

Ông nói, “Boris thắng cử bằng cách bảo mọi người ông ta muốn thực hiện. Nay đến lúc thực hiện đi chứ.” Ông cũng nói kết quả ở Anh là tốt cho Liên Hiệp.

Khi được hỏi thông điệp quan trọng nhất ông đưa ra cho chính phủ sắp tới của Anh Quốc là gì, ông Bettel trả lời: “Nếu họ muốn hiện diện trên đất Âu Châu, nó sẽ vẫn là luật và lệ của Âu Châu, không phải luật lệ Anh.”

Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm Thứ Sáu, các lãnh tụ Liên Hiệp đã có một cơ hội đi vào chi tiết để trả lời cho kết quả bầu cử ở Anh, kể cả việc đưa ra nguyên tắc chỉ đạo cho các cuộc điều đình mậu dịch với Anh Quốc vốn sẽ bắt đầu nhanh chóng sau khi Anh Quốc rời khối.

Ông Johnson muốn hoàn tất thảo luận vào cuối năm 2020, nhưng các lãnh tụ Liên Hiệp Âu Châu khuyến cáo hôm thứ sáu là giai đoạn tới của cuộc điều đình giữa hai bên sẽ tỏ ra cũng đầy khó khăn và phức tạp như những thảo luận về ly dị.

Thủ tướng Anh đã tuyên bố ý định tách rời ra khỏi luật pháp và kiểm soát của Âu Châu sau Brexit, nhưng trong khi ông cả quyết là Anh Quốc phải có một sự tiếp cận cao cho Thị Trường Chung Âu Châu, kể cả bao gồm miễn thuế và miễn thuế quan cho mọi sản phẩm. Ở Brussel, thái độ này đã dẫn đến quan ngại là Anh Quốc muốn nhắm cạnh tranh với các công ty của Liên Hiệp qua một hệ thống kiểm soát ít chặt chẽ hơn.

Phản ứng lại, các lãnh tụ Liên Hiệp đã nhấn mạnh đến điều họ cả quyết là Anh Quốc phải tuân thủ thật sát với thị trường lao động Âu Châu và các tiêu chuẩn về môi trường, cũng như là chế độ trợ giúp của nhà nước của họ.

Một dự thảo tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh về Brexit đã nói rõ là “liên hệ tương lai sẽ dựa trên một sự thăng bằng giữa quyền và nhiệm vụ và bảo đảm một sân chơi công bằng.”

Các viên chức của các quốc gia hội viên của Liên Hiệp sẽ sử dụng Tháng Giêng để phác họa những vấn đề chính cho các cuộc thương thảo về một thỏa thuận mậu dịch tự do với Anh Quốc và các khía cạnh khác của liên hệ tương lai. Việc này sẽ sản xuất ra một điều khoản cho phép chi tiết của Âu Châu cho nhà điều đình chính về Brexit, ông Michel Barnier, mà các viên chức hy vọng sẽ được đồng ý vào Tháng Hai.

Một khi thảo luận bắt đầu, thời hạn quan trọng tới là cuối Tháng Sáu, hạn kỳ cho Anh Quốc yêu cầu gia hạn giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng mà họ đã đạt được. Giai đoạn chuyển tiếp là một giai đoạn đứng yên bảo vệ nguyên trạng liên hệ giữa Anh và Âu Châu.

Các lãnh tụ Âu Châu đều nhấn mạnh đến một cánh cửa sổ rất ngắn cho việc điều đình một thỏa thuận, với ông Johnson đã tự đặt cho mình một thời hạn và từ chối không chịu gia hạn tình trạng chuyển tiếp hơn là năm 2020. Ngoại Trưởng Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan Helen McEntee nói: “Chúng ta phải thực tế về thời biểu. Làm được một cái gì trong chưa đầy một năm thật là đầy thách thức.”

Nhưng bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Hội Âu Châu, tức là chính phủ của Liên Hiệp, tuyên bố hôm tối Thứ Năm, trong những lời lẽ rõ ràng, là Liên Hiệp Âu Châu “sẵn sàng” cho chuyện gì sẽ xảy ra. “Chúng tôi có cơ cấu nội bộ, chúng tôi sẵn sàng điều đình bất cứ cái gì cần thiết.”

Câu hỏi được đặt ra là liệu Anh Quốc có thực sự sẵn sàng chưa hay là một thủ tướng say men chiến thắng sẽ cả quyết đi theo nghị trình của mình để dẫn đến đổ vỡ. Anh Quốc sẽ ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu nhưng Anh Quốc sẽ vẫn phải sống kế bên Liên Hiệp Âu Châu và đó mới là vấn đề. (Lê Phan)






No comments: