Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 17/12/2019 - 14:54
Khủng
hoảng Hồng Kông, hồ sơ Tân Cương, xung đột về mậu dịch với Hoa Kỳ hay quyết định
hủy truyền hình các trận đấu thể thao vì cầu thủ nước ngoài bênh vực phe dân chủ
Hồng Kông hay và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương... Phải chăng những vụ việc này
đã hủy hoại những nỗ lực của chính quyền nhằm đưa ra hình ảnh một đất nước
Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, thân thiện với thế giới và là quốc gia ổn định
?
Ngoại trưởng Vương Nghị tại Bruxelles, Bỉ, quảng bá
cho hình ảnh của Trung Quốc. Ảnh ngày 17/12/2019. John Thys/Pool via
REUTERS
Hình ảnh của Trung Quốc bị xấu đi
Cơ quan đặc trách về chính sách tuyên truyền có nhiệm
vụ quảng bá hình ảnh của Trung Quốc với thế giới có lẽ nên bị kiểm điểm, theo
như đánh giá của Chauncey Jung, một chuyên gia về internet từng làm việc tại Bắc
Kinh trên nhật báo South China Morning Post số ra ngày 16/12/2019 bởi vì "Hình
ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế đã xấu hẳn đi năm 2019".
Vào lúc ngày càng có nhiều nhà ngoại giao và nhiều
tòa lãnh sự, tòa đại sứ của Trung Quốc mở tài khoản trên Twitter, thì đấy cũng
là lúc Trung Quốc thực sự đối mặt với "chiến tranh lạnh" của
trong thời đại kỹ thuật số. Bắc Kinh ý thức được rằng, trên các mạng xã hội
Trung Quốc không có sức hấp dẫn cao. Tác giả bài báo cho rằng, "đến giờ
Trung Quốc mới vỡ lẽ là chính sách tuyên truyền của họ không xuyên thủng được bức
tường của thế giới tự do".
Hình ảnh của chế độ xấu đi chủ yếu do trên vấn đề Hồng
Kông, Bắc Kinh thực sự quay lưng lại với "Tự Do" và "Công
Bằng". Tại Hồng Kông, Hoa Lục dùng đòn chia rẽ và uy hiếp thay cho đối
thoại. Với cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, Bắc Kinh đã tống giam
những con người vô tội vào các trại cải tạo.
Mạnh tay giới hạn quyền tự do tác nghiệp, rồi sách
nhiễu các phóng viên và giới nghiên cứu nước ngoài, không giúp Bắc Kinh tô điểm
hình ảnh của một quốc gia thân thiện với cộng đồng quốc tế. Đại sứ Trung Quốc tại
Luân Đôn, Lưu Tiểu Minh càng khẳng định không có tù nhân chính trị trên đất nước
ông, thì điều này lại càng làm trò cười cho thiên hạ. Chưa ai quên số phận của
giải Nobel Hòa Bình đầu tiên người Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba bị giam cầm cho đến
những ngày cuối đời. Báo cáo của Quốc Hội Mỹ đưa ra con số nửa triệu người Duy
Ngô Nhĩ bị tống giam tại các "trung tâm giam giữ hàng loạt người thiểu
số lớn nhất thế giới hiện nay"ở Tân Cương.
Chauncey Jung trên báo South China Morning Post cho
rằng, "các quan chức Trung Quốc càng nói dối bao nhiêu, càng làm mất
uy tín của Bắc Kinh bấy nhiêu".
"Trung Quốc chẳng hiểu gì về một nền dân chủ"
Tệ hơn thế nữa, tác giả bài tham luận trên nhật báo
Hồng Kông này cho rằng, Trung Quốc tuy đã trở thành nền kinh tế thứ nhì toàn cầu,
sau 40 năm mở cửa kinh tế nhưng thực ra Bắc Kinh chẳng hiểu biết gì nhiều về thể
thức vận hành của một nền dân chủ. Chẳng vậy mà Trung Quốc đã bắt giữ hai công
dân Canada với hy vọng gây sức ép lên chính quyền Ottawa để đổi lấy tự do cho
bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính và cũng là con gái nhà sáng lập tập đoàn
viễn thông Hoa Vi.
Không lẽ các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh lầm tưởng rằng,
Trung Quốc có thể thao túng các nền dân chủ lâu đời ? Từ Canada đến Mỹ đều đã
có những đòn phản công. Chauncey Jung kết luận, đi sai một nước cờ, Trung Quốc
chẳng những "đã không đạt được mục tiêu mong muốn mà còn phải đối mặt với
các áp lực ngày càng gia tăng (...)". Chiến lược tuyên truyền của Bắc
Kinh không thể đạt được hiệu quả, nếu không bao hàm hai giá trị nền tảng là tự
do và công bằng. Dù vậy trước mắt "chính sách kiểm duyệt và cuộc chiến
tuyên truyền" của quốc gia này tiếp tục là một mối đe dọa đối với các nền
dân chủ trên thế giới".
Trung Quốc mất điểm với thế giới ?
Theo thăm dò của trung tâm nghiên cứu Pew Research của
Mỹ được công bố hôm 05/12/2019, uy tín của Trung Quốc đã giảm mạnh trong mắt
công luận Hoa Kỳ và Canada. Theo thứ tự, tại hai nước Bắc Mỹ này, có đến 60 và
67 % người được hỏi cho biết "ghét" Trung Quốc. Tại
Canada tỷ lệ bài Trung Quốc này tăng 22 điểm so với cách này một năm.
Với châu Âu, ngoại trừ Hy Lạp hay Ba Lan, công luận
Anh, Thụy Điển, Hà Lan hay Tây Ban Nha đều không có thiện cảm với quốc gia
trong tay ông Tập Cận Bình. Tại Pháp, một trong những địa điểm đầu tư được các
doanh nghiệp Trung Quốc yêu thích, tỷ lệ có thiện cảm với Bắc Kinh cũng giảm mất
8 điểm so với năm ngoái. Nhìn sang Đông Nam Á là Indonesia và Philippines, tỷ lệ
có cảm tình với Bắc Kinh cũng giảm theo thứ tự là 17 và 11 điểm. Điều tra của
Pew Research không đề cập đến trường hợp của Việt Nam.
Trung Quốc dọa cả phương Tây
Ngày nay Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ để có một mạng
lưới ngoại giao "rộng lớn nhất thế giới", nhằm mở rộng ảnh hưởng
và quảng bá cho hình ảnh của Bắc Kinh trong mắt các "nước bạn".
Bắc Kinh cũng đã đẩy mạnh quyền lực mềm vì mục đích đó. Có điều, cũng các nhà
ngoại giao Trung Quốc ngày càng sử dụng đòn hù dọa. Khi thì đại sứ Trung Quốc tại
Luân Đôn Lưu Tiểu Minh dọa Anh Quốc chớ có hành động thù nghịch ở Biển Đông,
lúc thì đại sứ Trung Quốc ở Berlin cảnh báo chính quyền của thủ tướng Merkel
nên cân nhắc kỹ trước khi loại Hoa Vi ra khỏi các nhà cung cấp mạng 5G cho Đức,
bởi vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua vào xe hơi của Đức, là khách hàng
số 1 của các tập đoàn công nghiệp Đức.
Ngay cả trên sân chơi thể thao, Bắc Kinh cũng không
cho phép bất kỳ một tiếng nói chống đối nào được cất lên. Tháng 10/2019 đài
truyền hình nhà nước đã hủy chương trình phát hai trận bóng rổ của hiệp hội NBA
sau khi một lãnh đạo của tổ chức này lên tiếng ủng hộ người biểu tình vì dân chủ
Hồng Kông. Cuối tuần qua, cũng CCTV hủy buổi truyền hình trực tiếp một trận
bóng đá giữa đội Arsenal với Manchester City chỉ vì một trong những cầu thủ của
Arsenal là Mesut Özil trên Twitter chỉ trích Bắc Kinh cưỡng bức sắc tộc người
Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Hôm 13/12/2019 trên mạng xã hội cá nhân, tiền vệ
Mesut Özil bất bình khi thấy "những cuốn kinh Coran bị đốt, những đền
thờ Hồi Giáo bị phá hủy, nhiều trường học của người theo đạo Hồi bị đóng cửa,
giới trí thức và tôn giáo bị sát hại, những người anh em bị cưỡng bức đưa vào
các trại tập huấn". Thông điệp của Mesut Özil được viết trên nền cờ
màu xanh, biểu tượng của người Duy Ngô Nhĩ đòi độc lập.
Với 5 triệu người hâm mộ tại Trung Quốc theo dõi qua
mạng Vi Bác, đội bóng Arsenal của Anh vội vàng giữ khoảng cách với ngôi sao
bóng đá của mình là cầu thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Özil. Thông cáo chính thức
của Arsenal cải chính : "Đây là quan điểm cá nhân của cầu thủ Mesut
Özil".
No comments:
Post a Comment