Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 08-07-2017
Simone
Veil - một gương mặt lớn của chính trị Pháp vừa qua đời, nước Pháp thời Macron
vươn mình khẳng định vị thế trước Hoa Kỳ và Nga là một số trọng tâm của các tuần
báo Pháp đầu tháng 7/2017 này. « Trump đến Paris : Cú đánh đẹp của Marcon
» là tựa đề trích đoạn bài viết của nhà báo Anh Piers Morgan, nổi tiếng với các
quan điểm gây tranh cãi, được đăng tải trên tờ báo cánh hữu Anh Daily Mail,
Courrier International trích dịch (1).
Tranh minh họa bài "Trump đến Paris : Cú đánh đẹp của Marcon",
của họa sĩ Arend, Hà Lan.Ảnh chụp màn hình : Courrier International.
Tác giả thốt lên lời than đầy tiếc nuối bằng tiếng
Pháp : « C’est fini ! – Thế là hết ! Trump đã nhận lời mời của tổng thống
Pháp dự lễ Quốc khánh 14/7 tại Paris, niềm hy vọng cuối cùng của tôi về mối
quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ thế là tan vỡ ».
Tác giả mô tả nỗi đau khi đọc bản thông cáo Nhà Trắng
nhận lời mời của Paris, như một lưỡi dao « xuyên thấu trái tim Anh - Mỹ »
của mình. Nỗi đau chẳng khác nào một thiếu nữ thấy « người tình cũ cặp
đôi với kẻ đẹp trai nhất trường ».
Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù quan điểm và chính
sách của ông ta có thế nào, vẫn là « nhân vật quyền lực nhất thế giới ».
Anh Quốc lẽ ra đã có thể tiếp tục thừa hưởng « quan hệ mật thiết lâu đời với những
người bạn bên kia Đại Tây Dương ». Piers Morgan lên án « những dân biểu
ngớ ngẩn, ích kỷ », « những nhân vật nổi tiếng của cánh tả »
đã phá hỏng chuyến đi dự kiến tới Anh của tổng thống Mỹ.
Macron
quả là khôn !
Nhà báo Anh giải thích lý do vì sao tổng thống Mỹ lại
nghiêng về phía Macron. Tác giả khẳng định, theo « kinh nghiệm »
của chính ông, Donald Trump thích thú hai điều ở những người mà ông ta tiếp xúc
: thứ nhất là « một cá tính mạnh mẽ » và thứ hai là « sự
tôn trọng »… « Nếu quí vị đối xử đúng với ông ta, ông ta cũng
sẽ đối xử với quý vị tương tự ». Theo nhà báo Anh, trong chuyện này,
« Macron quả là khôn ».
·
Đọc thêm : Cái bắt tay rắn chắc của Macron khẳng định đẳng cấp
Nhà báo Anh cam chắc là Donald Trump « ngưỡng
mộ tư chất quả cảm » của tổng thống Pháp trẻ tuổi, đặc biệt qua hai cử
chỉ. Một là cú xiết tay rất chặt với chú bé hạt tiêu trong lần gặp đầu tiên tại
thượng đỉnh NATO. Và lần thứ hai : đối lại việc Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Khí
hậu, Emmanuel Macron kêu gọi toàn thế giới « hãy trả lại sự vĩ đại cho
Trái đất ! ».
Tác giả cũng thừa nhận một cách chua xót là dân Pháp
quả là thực dụng, trong khi những người Anh cao đạo hoan hỉ với việc « chống
được Trump », thì Paris sẽ trải thảm đỏ để đón ông ta. Paris sẽ có được
một thỏa thuận hợp tác đặc biệt với Hoa Kỳ, đúng vào lúc nước Pháp đang khó
khăn với khủng bố, « rất cần đến sự hậu thuẫn của những người bạn hùng
mạnh».
*
«
Làn gió mới trên Đại Tây Dương »
Về vụ tổng thống Pháp mời tổng thống Mỹ tham dự Quốc
khánh, l’Express phấn khởi. Bài « Làn gió mới trên Đại Tây Dương »
nhấn mạnh là việc này không chỉ khẳng định « Pháp là đồng minh gắn bó
nhất với Mỹ, mà còn cho thấy vị thế của Pháp với tư cách cường quốc bậc trung
hàng đầu thế giới ».
Tác giả cho rằng việc Donald Trump nhận lời tới quảng
trường Concorde, Paris, ngày Quốc khánh Pháp, có thể khiến nhiều người ngạc
nhiên, nhưng mối gắn bó truyền thống lâu đời của Mỹ với Pháp thực ra mạnh hơn
nhiều so với quan điểm riêng của tổng thống Trump, vốn có chủ trương rút khỏi
các hợp tác với châu Âu. Tân tổng thống Pháp hiểu rõ nhân duyên lịch sử này, đồng
thời ông cũng khai thác được thời điểm mà chính tổng thống Mỹ đang « cần
sửa sang lại hình ảnh của bản thân », sau khi đã tỏ ra quá thô bạo với
các đồng minh NATO.
Song điều chính yếu mà l’Express muốn làm nổi bật đó
là quyết tâm của Pháp, sẵn sàng thay thế Anh, can dự cùng Hoa Kỳ tại các mặt trận
nóng bỏng như Syria.
*
Putin
tìm chỗ dựa ở Macron
Nước Pháp dưới thời Macron không chỉ khẳng định vị
thế mới trong quan hệ với Hoa Kỳ, mà quan hệ Pháp-Nga cũng bước vào một giai đoạn
hoàn toàn khác. Bài « Putin đặt cược vào Macron » của
l’Express ghi nhận thái độ cứng cỏi của vị tổng thống trẻ tuổi, vừa nắm quyền
được 18 ngày, đối diện với tổng thống Nga, đã 18 năm tại vị, người thường được
ví như một « sa hoàng ».
·
Đọc thêm : « Putin muốn phương Tây phải đến gặp ông ta »
·
Trong cuộc họp báo chung tại với ông Putin tại lâu
đài Versailles, tổng thống Pháp trực tiếp lên án các xâm phạm nhân quyền nhắm
vào người đồng tính tại Tchetchenia (thuộc Nga), đe dọa không kích Syria nếu
chính quyền Damas dùng vũ khí hóa học, tố cáo các phương tiện truyền thông của
Nhà nước Nga lừa dối. Tổng thống Nga đứng bên lặng lẽ nghe.
Quan hệ Pháp-Nga chỉ trong một buổi chiều đã hoàn
toàn thay đổi.
Tuy nhiên, l’Express tỏ ra thận trọng, « còn
quá sớm để khẳng định đây là điểm khởi đầu cho một tuần trăng mật ».
Thay đổi ngoạn mục này có lý do sâu xa là : ở phương
Tây, Pháp hiện là « đối tác duy nhất » mà Nga có thể xây dựng
quan hệ.
Với Đức, có thể nói hai bên đã « chia ly »
sau vụ Ukraina. Anh Quốc thì chìm trong Brexit, hơn nữa Luân Đôn vốn lạnh lẽo với
Matxcơva từ cả thập niên nay. Với Mỹ, hy vọng khởi sắc sau chiến thắng của
Donald Trump tan biến, với những bê bối can thiệp mà FBI đang điều tra, trong
lúc đảng Cộng Hòa hoàn toàn không muốn xích lại gần Matxcơva.
Tổng thống Nga tìm chỗ dựa ở Pháp cũng còn vì những
vấn đề nội bộ. Con đường quyền lực của ông Putin đang ở bước ngoặt quyết định.
Năm 2018, Putin phải vượt qua cuộc bầu cử tổng thống tháng 3, thành công trong
cúp bóng đá thế giới tháng 7 - tháng 8, trong bối cảnh kinh tế sụt giảm, trừng
phạt quốc tế tiếp tục, và làn sóng phản kháng mới của giới trẻ trong nước, do
nhà đối lập đầy sức lôi cuốn Alexei Nalvany thúc đẩy.
Putin đang tìm kế sách mới. Một nhà ngoại giao ẩn
danh Pháp nhận xét là ông ta không thể cứ « mãi mãi chơi ngón bài kích
động chủ nghĩa dân tộc », điều này đã làm dân Nga « phát ngấy».
Trong nhiệm kỳ sắp tới, có thể là nhiệm kỳ cuối cùng
của mình, ông Putin rất có thể sẽ phải mở sang châu Âu để cân bằng lại ảnh hưởng
ngày càng lớn của láng giềng Trung Quốc ở sườn đông nước này.
*
Chiến tranh tin học : Trước hết hãy tìm cách
tránh
Hai vụ tấn công tin tặc quy mô toàn cầu gần đây nhất,
WannaCry (hồi tháng 5) và NotPetya (hồi cuối tháng 6), với các mã độc tống tiền,
khiến người ta lo ngại một cuộc « chiến tranh tin học » mà nạn
nhân trước hết là các cá nhân không có phương tiện bảo vệ hiệu quả. Courrier
International giới thiệu nhiều quan điểm khác nhau về chủ đề này. Nếu như một số
tờ báo nhấn mạnh đến vai trò trước hết của Nhà nước hay của các công ty sản xuất
phần mềm phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh của khách hàng, tờ New Yorker lại
nhắn nhủ mọi người không nên hoảng sợ, với lời khuyên : hãy tìm cách tránh, trước
khi tham gia vào một cuộc chiến tin học.
New Yorker lưu ý là báo chí có xu hướng thổi phồng
uy lực của các cuộc tấn công tin học là gần như « bất khả kháng cự »
và gần như « không có tiền lệ », trong lúc đối với nhiều
chuyên gia đây là chuyện « bình thường » và « có thể
tránh được ». « Các cuộc tấn công gây thiệt hại nặng nhất thường
lại hết sức đơn giản về mặt kỹ thuật », cụ thể là với các kỹ thuật cổ
điển như thư gài bẫy để tước đoạt thông tin cá nhân (phishing).
Theo một quan chức quốc phòng cao cấp, phụ trách
chính sách mạng thời Obama, ông Michael Sulmeyer, « sẽ là sai lầm khi
làm sống lại tâm lý chạy đua hạt nhân thời Chiến tranh lạnh» (2). Đối với
chuyên gia này, thay vì tập trung đầu tư cho các hệ thống phòng vệ tin học tối
tân, tốn kém, nên chú ý nhiều hơn xác định rõ các nguy cơ, thủ đoạn mà giới tin
tặc sử dụng, để giúp mọi người tự vệ.
*
Simone
Veil – Tấm gương dấn thân vì nghĩa lớn
Nói về các báo Pháp tuần này, không thể không giới
thiệu về Simon Veil, chính trị gia vừa qua đời, nổi tiếng với luật hợp thức hóa
việc phá thai của phụ nữ, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Nghị Viện
Châu Âu.
Le Point, l’Express và l’Obs đều dành số đặc biệt
cho nữ anh hùng của nước Pháp. « Phá thai tự nguyện (IVG) : cuộc tranh
luận dữ dội nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp » tựa của Le Point.
« Một mình đối mặt với hận thù »,
l’Express mô tả cuộc chiến quyết định trên nghị trường ba ngày hai đêm để dự luật
IVG được thông qua vào lúc 3 giờ 40 phút sáng, ngày 29/11/1974, trong bối cảnh
Giáo hội Công Giáo và giới bác sĩ phản đối quyết liệt. Những người bảo thủ lên
án phá thai như một hành động giết người.
Đối với người quan sát bên ngoài, bộ trưởng Y Tế
Simone Veil – người sống sót trở về từ trại tập trung của phát xít Đức – có lúc
tưởng như đã gục ngã. Để thu hút sự ủng hộ, hai dân biểu chống phá thai đưa cả
một chiếc máy ghi âm vào nghị trường, để cho tất cả nghe tiếng đập của bào thai
49 ngày.
Simone Veil đã không lùi bước, bà đứng về phía
300.000 phụ nữ phải phá thai trộm hàng năm, với tỉ lệ tử vong ước tính 10%. Nỗ
lực của Simone Veil vì « một giải pháp hiện thực, nhân văn và công bằng »,
được tổng thống và thủ tướng hậu thuẫn, rốt cục được 284 dân biểu ủng hộ (189
chống). Đóng góp của đối lập cánh tả mang tính quyết định, với 178 phiếu thuận.
Cho đến cuối đời, Simone Veil vẫn còn ngạc nhiên khi
được nhiều thiếu nữ đến cảm ơn về cuộc chiến trên nghị trường năm nào. Theo
l’Express, Simone Veil vẫn cho rằng thắng lợi quan trọng hơn nhiều, đó là việc
hợp pháp hóa tránh thai, luật được thông qua năm 1967, nhờ nỗ lực của một dân
biểu nam, ông Lucien Neuwirth.
L’Express cho biết, ngoài cuộc chiến nói trên,
Simone Veil đã từng là người không mệt mỏi tranh đấu cho quyền lợi của các tù
nhân, cho lý tưởng châu Âu, cho sự hòa giải Pháp - Đức, chống phân biệt chủng tộc,
bài Do Thái, trong hơn một thập niên với cương vị chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, rồi
nghị sĩ.
*
"Lý
tưởng nhân văn và nhân loại"
Nhà hoạt động theo tư tưởng cánh trung này gần như
suốt cả cuộc đời không gia nhập một đảng phái chính trị nào. Nhà xã hội học
Dominique Schnapper, nguyên thành viên Hội Đồng Bảo Hiển, nhận xét về đồng nhiệm
năm xưa : Simone Veil không phải là « một chính trị gia » theo
nghĩa thông thường, mà bà là một nhà tranh đấu « dùng chính trị »
để thực hiện những đức tin sâu xa của mình, với « lòng quả cảm phi thường ».
Giải thích về di sản tinh thần mà Simone Veil để lại,
nhà xã hội học nhấn mạnh đến « một truyền thống dấn thân » vì
một nước Pháp dân chủ, cộng hòa, bắt rễ sâu xa từ văn hóa gia đình của hai cụ
thân sinh, những người dân Do Thái tỉnh lẻ miền đông, gắn bó vô điều kiện với « những
lý tưởng nhân văn và nhân loại » của nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp.
Courrier International tập hợp những bình luận trên
các báo hàng đầu châu Âu về người vừa qua đời. Theo tờ Suddeutsche Zeitung (Đức),
ít có chính trị gia nào lại là hiện thân tiêu biểu cho thế kỷ XX như thế : trải
qua trại tập trung phát xít, tranh đấu cho nữ quyền, nỗ lực hết mình vì sự thống
nhất của châu Âu. Đối với nhiều người, việc bà trở thành chủ tịch Nghị Viện
Châu Âu là một « bước ngoặt » của châu lục. Tờ báo Ý La
Repubblica dẫn lại câu nói nổi tiếng của nữ anh hùng : « Việc kiến tạo
nên một châu Âu thống nhất đã khiến tôi hòa giải được với thế kỷ XX ».
Rác
Thải : Tương Lai Nhân Loại
Trong lĩnh vực kinh tế và môi trường, l’Obs mời nhà
xã hội học Baptiste Monseigeon kể với bạn đọc câu chuyện về lịch sử xã hội con
người qua rác thải. Nói chuyện xưa để ngẫm về cuộc sống ngày nay, tác giả chỉ
ra những thói xấu của nền văn minh đương đại đe dọa sự sống còn của nhân loại.
Tác giả cuốn « Homo detritus – Con người rác
thải », vừa ra mắt, xác nhận là cho đến thế kỷ XIX, rác thải thường xuyên
được tái sử dụng tại chỗ, ở khắp mọi nơi. Chỉ đến sau Thế chiến hai, việc sử dụng
túi nylon dùng một lần rồi vứt bỏ mới bắt đầu được phổ biến trong một số giới.
Vào thời điểm đó, dùng túi nylon một lần được quảng
bá như hành động « giải phóng phụ nữ», giải phóng khỏi gánh nặng việc
nhà. Đồ dùng một lần (như túi nylon, đĩa, cốc nhựa …) từng được coi như một
« biểu tượng của tiến bộ » (3).
*
Tăng
trưởng vô tận và thành phố « rác thải zero »
Theo tác giả cuốn « Con người rác thải »,
trong một thời gian dài, tại phương Tây, người ta đã đối xử không đúng cách với
rác thải.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế coi như « vô
tận », rác thải được ưu tiên sử dụng để làm nhiên liệu cho ngành điện.
Nhiều thành phố phương Tây tự coi là tái chế được gần hết lượng rác thải, nhưng
trên thực tế chuyển một phần lớn rác sang các nước nghèo. Người ta gọi hiện tượng
này là « rửa rác », để nháy lại cụm từ « rửa tiền ».
Để thoái thác trách nhiệm về tình trạng lãng phí,
người ta đổ phần lỗi lớn cho người tiêu
thụ. Trong khi thủ phạm chính là phương thức sản xuất, khuyến khích tiêu thụ mỗi
ngày một nhiều hơn, trong một thế giới mà các nguồn tài nguyên vốn hữu hạn.
Nhà xã hội học Pháp lên án lý tưởng giả dối hào
nhoáng của các thành phố mệnh danh l*à « zero rác thải », bởi
đằng sau một tấn rác thải của mỗi chiếc xe hơi hết hạn sử dụng, là cả chục tấn
vật chất đã được dùng để chế tạo ra chiếc xe, thì lại không được tính vào.
Trở
về với kinh tế xoay vòng
Để hóa giải thảm họa rác thải, theo tác giả, không
cách nào tốt hơn là trở lại với « nền kinh tế xoay vòng »
(économie circulaire), vốn rất thịnh hành trong các xã hội truyền thống, hay xã
hội công nghiệp thời kỳ đầu. Tác giả cuốn « Con người rác thải »
vinh danh 500.000 chiffonnier – những người làm nghề thu lượm rác thải ở Pháp
cuối thế kỷ XIX, một nghề đã bị cấm ở nửa sau thế kỷ XX. Làm sạch thành phố, đồng
thời họ cũng giúp cho những đồ phế bỏ có được một cuộc sống thứ hai.
·
Đọc thêm : Mẹo vặt đơn giản để giảm bớt rác thải
Những « chiffonnier » giờ là ai ?
Tác giả từng hai năm theo sát một khu chung cư đầu tiên tại Paris được trang bị
một « lombricomposteur » (tức thùng xử lý rác hữu cơ bằng giun
đất). Chứng kiến việc các cư dân cắt nhỏ những đồ phế thải hữu cơ, để giúp giun
tiêu hóa nhanh chóng, hay ngừng mua chuối vì giun không thích chuối, nhà xã hội
học nhận xét : điều chỉnh tiêu thụ của bản thân tùy theo khả năng xử lý rác thải,
chính là lối sống có tương lai.
----
(1) Theo Courrier International, Daily Mail là một
trong những tờ báo có nhiều ảnh hưởng nhất tại Anh. Báo có xu hướng bài châu Âu
này được coi là cơ quan truyền thông của giới trung lưu bảo thủ Anh (Middle
England).
(2) New Yorker dẫn lại một câu nói của chiến lược
gia quân sự Bernard Brodie, trích trong « Dark Territory », một
cuốn sách về lịch sử chiến tranh tin học. Vài tháng sau hai vụ nổ nguyên tử tại
Hiroshima và Nagasaki (năm 1945), cha đẻ của học thuyết răn đe hạt nhân Mỹ viết
: «mục tiêu chính của quân đội chúng ta trước đây là giành thắng lợi trong
các cuộc chiến. Bắt đầu từ bây giờ, vấn đề là tìm cách tránh chiến tranh »
(trích cuốn « Absolute Weapon »).
(3) Vài chục năm sau Thế chiến, người ta dần dần nhận
ra rằng các rác thải không tự tiêu hủy mà cần đến những không gian khổng lồ để
cất giữ, nhưng đất đai không phải là vô tận, còn rác thì gây ô nhiễm. Ý thức bảo
vệ môi trường bắt đầu nẩy sinh, đặc biệt với bộ luật về môi trường đầu tiên của
nước Mỹ Solid Waste Disposal Act (SWDA) (năm 1965). Môi trường trở thành vấn đề
toàn cầu.
No comments:
Post a Comment