Monday, July 31, 2017

JOHN McCAIN GÂY CHẤN ĐỘNG (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
July 28, 2017

Hai giờ sáng Thứ Sáu, 28 Tháng Bảy, Nghị Sĩ John McCain, tiểu bang Arizona, đã bất ngờ bỏ phiếu “NO” bác bỏ bản dự luật thứ ba của đảng Cộng Hòa để thay đổi đạo luật y tế ACA, thường gọi là Obamacare. Lá phiếu NO của ông làm lệch cán cân, 51 NO, 49 YES. Dù Phó Tổng Thống Mike Pence có bỏ lá phiếu của ông thì cũng vô ích.

Ông McCain làm mọi người chưng hửng. Vì mới ngày Thứ Ba ông vẫn bỏ phiếu YES như các đồng viện Cộng Hòa khác, đưa vấn đề xóa bỏ Obamacare ghi vào nghị trình. Lá phiếu của ông giữ được tỷ số 50 thuận/50 chống, để Phó Tổng Thống Mike Pence bỏ phiếu quyết định. Tổng Thống Donald Trump lập tức ca tụng Nghị Sĩ McCain hết lời: “John McCain quay trở về để bỏ phiếu, thật vĩ đại! Can đảm – Một anh hùng của nước Mỹ! Cảm ơn John.”

Trong lời ngợi khen trên Tổng Thống Trump nói rõ, McCain là một anh hùng! Năm 2015, ông Trump từng nói trước công chúng: Ông ta không phải là anh hùng! Anh hùng gì mà bị địch bắt? Tôi không thích những người để quân địch bắt mình!

Ông McCain đã từng là tù binh của Cộng Sản Việt Nam. Máy bay ông lái bị bắn trúng, ông nhẩy dù, rớt xuống hồ Trúc Bạch, Hà Nội, rồi bị giam và bị tra tấn. Khi Việt Cộng đề nghị trả tự do cho ông (vì thân phụ ông chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương) ông từ chối. Ông không muốn hưởng ưu đãi hơn các bạn tù khác.

Với phiếu NO của ông McCain, đảng Cộng Hòa chưa thể xóa bỏ đạo luật ACA do Tổng Thống Barack Obama ký năm 2010. Cùng hai đồng viện Cộng Hòa khác là bà Lisa Murkowski, tiểu bang Alaska và bà Susan Collins tiểu bang Maine, ba người đã ngăn không cho đảng của họ thực hiện “lời thề” đã hứa từ năm, bảy năm qua. Trong ngày Thứ Ba, một dự luật của Thượng Viện đã bị bác bỏ với tỷ số 43 thuận, 57 chống và hôm sau một dự luật khác bị bác 45/55. Giới lãnh đạo Thượng Viện và Tổng Thống Trump hy vọng rằng ngày Thứ Năm sẽ có đủ 50 phiếu thuận cho bản dự thảo luật thứ ba, thường gọi là “skinny repeal.” Có tên “dự luật thu hồi gầy guộc” vì trong dự luật chỉ xóa bỏ vài điều quan trọng đạo luật của Tổng Thống Obama, mà không cắt giảm Medicaid (Medical) là điều bị nhiều đại biểu Cộng Hòa chống.

Nhưng trong số 49 nghị sĩ đã biểu quyết YES ngày Thứ Sáu, nhiều người cũng không hoàn toàn đồng ý với bản dự luật thứ ba này. Các nghị sĩ Cộng Hòa khác, ngoài ông McCain, như các ông Lindsey Graham và Ron Johnson, cũng không chấp nhận tất cả dự thảo gầy “da bọc xương” này. Tuy vẫn bỏ phiếu YES, nhưng nghĩ nó sẽ không trở thành luật lệ thật! Vì họ đã được Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan bảo đảm rằng khi dự luật từ Thượng Viện được chuyển qua, các dân biểu sẽ đòi xét lại nhiều điều trong đó. Tức là, sau cùng, tất cả các dân biểu và nghị sĩ sẽ còn thời giờ đưa ra các điều khoản tu chính, theo ý kiến của họ.

Nhưng nếu ông Paul Ryan bị áp lực của các đồng viện và của Tòa Bạch Ốc, không giữ được lời hứa đó, thì sao?

Khối Cộng Hòa ở Hạ Viện có thể suy tính rằng thà có một đạo luật nào đó xóa bỏ chút xíu luật ACA của ông Obama, còn hơn không làm gì cả sau bảy năm hô hào! Trong mấy năm tới, khi vẫn nắm đa số ở hai viện, đảng Cộng Hòa sẽ từ từ xóa nốt Obamacare, từng phần một!

Ðiều này có thể xảy ra. Hạ Viện sẽ chấp nhận, thông qua nguyên vẹn bản dự luật mà Thượng Viện đưa xuống! Khi đó, Tổng Thống Donald Trump chỉ cần đặt bút ký là xong. Luật ACA sẽ chính thức được sửa đổi, đảng Cộng Hòa có thể tuyên bố “thắng trận,” dù chỉ xóa bỏ một phần của Obamacare mà thôi.

Có lẽ đó là viễn tượng khiến ông John McCain quyết định bỏ phiếu NO. Bởi vì nếu dự luật gầy, “skinny repeal” trở thành luật, thì sẽ có những hậu quả khá nặng.

Dự luật này xóa một điều trong luật ACA bị nhiều người chống đối, là điều bắt buộc công dân Mỹ nào cũng phải có bảo hiểm, các xí nghiệp với 50 nhân viên trở lên phải tổ chức bảo hiểm y tế.

Nếu điều này bị xóa, chuyện gì sẽ xảy ra?

Trong 300 triệu dân Mỹ, ngoài những người không có bảo hiểm y tế, những người có bảo hiểm thuộc vào ba loại. Thứ nhất là người đang đi làm, mua bảo hiểm tại sở, số này đông nhất. Thứ hai là những người được chính phủ lo trong các chương trình Medicare (người về hưu đã từng đóng góp) hoặc Medicaid (Medical) cho những người thiếu thốn. Phần thứ ba là những người tự mua lấy bảo hiểm. Các nhà kinh doanh nhỏ, các luật sư, bác sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hay lực sĩ làm ăn một mình. Họ mua bảo hiểm của các hãng tư. Các hãng này có thể bán nhiều “món hàng,” với “phẩm chất” cao hay thấp, tính giá khác nhau. Một chương trình rẻ tiền sẽ cho phép bệnh nhân được sử dụng ít phương tiện y tế hơn một chương trình đắt tiền.

Các hãng bảo hiểm tính giá cả dựa theo mức độ rủi ro của những người mua bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nào cũng vậy, là nơi mọi người chia sẻ rủi ro, để bớt phí tổn. Như bảo hiểm xe hơi, mối rủi ro gặp tai nạn của người này được bù lại vì có người khác may mắn. Mức rủi ro trung bình tương đối thấp vì được chia đều cho nhiều người. Những người lái xe ít tai nạn thực ra đang góp tiền cho hãng bảo hiểm để họ trả cho những người hay bị tai nạn. Tính chung, hãng bảo hiểm vẫn kiếm lời. Ðối với bảo hiểm y tế, khi một công ty có 100 hay 1,000 nhân viên cùng mua, họ cũng giống thị trường bảo hiểm xe hơi. Hãng bảo hiểm biết rằng trong 1,000 khách hàng đó có người trẻ, người già, không phải ai cũng hay bị bệnh, mối rủi ro được chia đều cho nhiều người. Hơn bù kém, họ có thể tính giá bảo hiểm trung bình tương đối rẻ, áp dụng cho tất cả mọi người.

Thị trường bảo hiểm y tế cho cá nhân khác thị trường bảo hiểm xe hơi ở chỗ nhiều người không thích mua bảo hiểm, nghĩ rằng họ luôn luôn khỏe mạnh. Hậu quả là phần lớn những người mua bảo hiểm thuộc loại không được khỏe, hoặc đã mắc bệnh. Mối rủi ro chung cao hơn, hãng bảo hiểm phải tăng giá theo. Ðạo luật ACA buộc ai cũng phải có bảo hiểm với mục đích là chia mối rủi ro bệnh cho số đông người, mối rủi ro trung bình thấp xuống. Những người trẻ và khỏe mạnh than phiền họ phải đóng tiền chữa bệnh cho người già. Cũng như những người lái xe thận trọng than phiền họ đang trợ cấp cho những người lái xe ẩu! Khi điều khoản này được áp dụng, năm 2014, các hãng bảo hiểm đã tính sai khi cạnh tranh nhau đặt giá rất thấp, khiến họ bị lỗ lã. Năm 2016 họ tính lại, tăng giá bảo hiểm khiến càng nhiều người bất mãn.

Ðó là hiện tượng sẽ diễn ra nếu dự luật “gầy” của Thượng Viện xóa bỏ điều khoản bắt mọi công dân Mỹ phải có bảo hiểm. Những người trẻ tuổi và khỏe mạnh sẽ không mua bảo hiểm nữa. Giá bảo hiểm sẽ tăng vọt cho những người còn ở lại, khoảng 20%.

Một hậu quả dễ hiểu là nhiều người sẽ không có bảo hiểm nữa (dự tính 15, 16 triệu người Mỹ). Hậu quả bất ngờ hơn là chính phủ Mỹ sẽ tốn tiền hơn.

Chính phủ Mỹ sẽ tốn thêm tiền vì nhiều cá nhân không đủ tiền mua bảo hiểm sẽ xin Medicaid (Medical). Một số người khác không đủ tiền mua khi giá tăng sẽ được chính phủ trợ cấp, áp dụng phần luật Obamacare chưa bị xóa. Ðó là hai lý do khiến chính phủ sẽ tốn thêm tiền.

Nhưng một số người trung lưu vừa không đủ tiền mua bảo hiểm lại vừa không đủ điều kiện (lợi tức thấp) để được chính phủ trợ cấp. Họ sẽ mất bảo hiểm và đành chịu. Những chủ nhân cửa hàng nhỏ, những người hành nghề tự do thuộc loại này.

Với những hậu quả trên, hiệp hội các hãng bảo hiểm, hiệp hội y sĩ Hoa Kỳ, các nhà thương đều lên tiếng yêu cầu các đại biểu Cộng Hòa đừng xóa bỏ điều khoản trong Obamacare bắt buộc ai cũng mua bảo hiểm.

Nghị Sĩ McCain đã khiến đảng Cộng Hòa không thực hiện được ngay lời hứa xóa bỏ Obamacare. Nhưng ông không phải là người ủng hộ hoàn toàn đạo luật ACA. Ông thấy nhiều điều cần sửa đổi. Mục tiêu ông muốn đạt là gây chấn động, tạo áp lực buộc Quốc Hội chấm dứt tình trạng mỗi đảng làm luật theo ý mình, không hỏi ý kiến giới chuyên môn và bất chấp đảng đối lập.

Trong bài diễn văn ở Thượng Viện ngày Thứ Ba, ông đã kêu gọi nghị sĩ cả hai đảng phải hợp tác, nghĩ đến dân hơn là nghĩ tới đảng mình. Luật lệ y tế có ảnh hưởng trên 300 triệu dân Mỹ, cứ 6 đồng nước Mỹ làm ra thì một đồng chi vào y tế. Một đạo luật như vậy cần phải qua các thủ tục quang minh, không thể bàn kín trong một nhóm người, để các nhóm quyền lợi riêng tư có thể dễ thao túng.

John McCain nói: “Chúng ta phải trở lại làm công việc lập pháp một cách đứng đắn, đưa mỗi dự luật cho các tiểu ban thảo luận, mở những cuộc tham khảo các chuyên gia và công chúng, tiếp nhận ý kiến từ cả hai đảng, lắng nghe các vị thống đốc tiểu bang, để sau cùng cống hiến cho nhân dân Hoa Kỳ một nền y tế cho nhiều người thụ hưởng… Chúng ta phải chấp nhận công việc khó khăn đó, vì nhân dân đáng được hưởng (một nền y tế) như vậy.”

Không biết ông McCain có thực hiện được ước mơ đó hay không!








No comments: