Saturday, July 29, 2017

TƯ TƯỞNG ĐẠI QUỐC - TIỂU QUỐC : "MỘT NHỊN CHÍN LÀNH" CHỈ BẤT LỢI CHO CẢ HAI (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa Tạp Chí)




Jul 28, 2017 11:22 am

Sai lầm nghiêm trọng của một số lượng lớn người Việt Nam, và có lẽ cả Trung Quốc, là xem nhẹ vai trò của pháp luật quốc tế.

Quan điểm “nước lớn họ làm gì chẳng được” hay “luật quốc tế do nước lớn vẽ ra”, theo minh chứng lịch sử, khiến cho mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á trở thành một mô hình tôn ti trật tự lạc hậu. Chúng không những ảnh hưởng đến năng lực phát triển của quốc gia mà còn ảnh hưởng lên lối sống và tư tưởng của người dân.

Trong suốt lịch sử phát triển, các quốc gia châu Âu luôn tranh đấu lẫn nhau để giành được vị thế cân bằng, bất kể quy mô dân tộc, tôn giáo, sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự… điều mà họ chính thức thực hiện được với Hiệp ước Hòa bình của Westphalia (Peace of westphalia) 1648.

Trung Quốc, nhờ vào việc chỉ có các quốc gia láng giềng bé nhỏ và an phận, rất tự tin với vai trò thiên triều (all-under-heaven empire) và thiên tử (son of heaven) – Hoàng đế Trung Hoa. Điều này khiến cho đến tận thời nhà Thanh (Qing dynasty), Đông Á tuyệt đối không có khái niệm gì về công pháp quốc tế. Mối quan hệ ngoại giao giữa các triều đại Trung Quốc và các quốc gia khác tuân theo những lễ nghi mà đại quốc này đặt ra.

Theo John King Fairbank, một sử gia đã đặt nền móng cho ngành Trung Quốc học hiện đại ở Mỹ, quan hệ quốc tế trong tiềm thức của các triều đại Trung Quốc (và sau này trở thành tiềm thức của chính người dân) là “Trung Quốc” và “Bọn man di”, thường được biết đến với tên gọi dĩ Hoa vi trung (Sinocentrism), vốn có mối liên hệ đặc biệt với chủ nghĩa Đại Hán ngày nay.

Đây là một quan điểm vị chủng coi Trung Quốc là trung tâm của nền văn minh và ưu việt hơn tất cả các quốc gia khác. Điều này có vẻ được những quốc gia phong kiến láng giềng hết sức tuân phục, thể hiện qua việc dù sau bao nhiêu lần đánh bại các triều đại Trung Quốc, họ vẫn chấp nhận cúi đầu nhận tước và cống phẩm vật hằng năm. Đây cũng là căn cứ để dĩ Hoa vi trung xây dựng nên mô hình nhà nước triều cống – chư hầu (tributary system).

Một trong những lần đầu tiên người Trung Quốc tiếp xúc với tư tưởng công pháp của phương Tây là Hiệp ước Sino-Russian Nerchinsk vào năm 1689 về một tranh chấp biên giới giữa họ và người Nga. Hiệp ước được xây dựng theo đúng chuẩn tập quán công pháp quốc tế phương Tây với quy tắc về mẫu văn bản, chữ ký, cách trao đổi và đóng mộc (bản gốc là tiếng Latin, sau đó được dịch ra tiếng Mông Cổ, tiếng Mãn Châu và tiếng Nga).

Một trong các đại biểu và phiên dịch cho phái đoàn nhà Thanh, Thomas Pereira, ghi lại trong nhật ký của mình rằng ông đã cố gắng giới thiệu các ý tưởng về công pháp quốc tế hiện đại cho Hoàng đế Khang Hy (Kang-xi). Nhưng các học giả Trung Quốc đều đồng tình rằng Khang Hy có vẻ không hề hứng thú với những khái niệm bình quyền quốc gia trong công pháp. Sự tự phụ này khiến cho chính quyền trung ương Trung Quốc gần như không có chút hiểu biết nào về tư tưởng và sự phát triển của các quốc gia phương Tây vốn đang trên đà thịnh vượng.

Chỉ đến sau khi thất bại trong Cuộc chiến Nha phiến lần thứ hai (1856-60), chính quyền nhà Thanh mới nghiêm túc thành lập Tổng lý Nha môn (Zongli Yamen) nhằm học tập và quản lý các mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây. Đây cũng là lần đầu tiên họ nhìn nhận sự “ngang bằng” trong công pháp quốc tế và quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia cần phải nghiên cứu, ký kết, thay vì dựa vào mô hình chư hầu trước đó.

Các quan chức của Tổng lý Nha môn trong một cuộc họp. Nguồn: chinaforeignrelations.net.

Pháp luật quốc tế: Chính quyền Cộng hòa tuân thủ, Chính quyền Nhân dân hưởng lợi

Chậm chân trong việc tiếp cận pháp luật quốc tế nói riêng và thành quả kinh tế, khoa học, quân sự phương Tây nói chung, Trung Quốc dần dần bị trói buộc vào những hiệp ước không bình đẳng. Có hai quan điểm trong lòng người dân Trung Quốc về việc xử lý các hiệp ước này.

Một là hủy bỏ toàn bộ.

Tư tưởng này được Sun Yat-sen (Tôn Trung Sơn), lãnh tụ của Quốc dân đảng và là người sáng lập ra Trung Hoa Dân Quốc, nêu ra vào những năm 1920, và sau này được đảng Cộng sản Trung Quốc tích cực kế thừa. Tính cực đoan về tư tưởng của Tôn Trung Sơn là một lý do chính quyền cộng sản Trung Quốc ưa thích ông. Dù được tôn xưng là Quốc Phụ tại Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), Tôn Trung Sơn đồng thời được đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là cách mạng phi hành giả (nhà cách mạng tiên phong). Tên ông cũng được nhắc đến trong hầu hết các bản Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm cả phiên bản sửa đổi mới nhất năm 2004).

Duy trì tư tưởng Đại Hán từ dĩ Hoa vi trung, tư tưởng này được quần chúng hưởng ứng rất tích cực. Sự tồn tại của hệ thống hiệp ước quốc tế nói chung đối với người dân Trung Quốc đầu thế kỷ 20 là một điều sỉ nhục cho niềm tự tôn dân tộc của họ. Chính vì vậy, giới tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tích cực sử dụng tư tưởng này như một công cụ tuyên truyền chống phương Tây cũng như chống chính quyền Trung Hoa Dân Quốc và triều Thanh trước đó.

Quan điểm thứ hai là chấp hành nhưng vận dụng chính các nguyên tắc của luật quốc tế để sửa đổi.

Điều này có thể kể đến việc nhà Thanh chấp nhận sự điều chỉnh của công pháp quốc tế, sau đó vận đụng nguyên tắc bình đẳng chủ quyền (sovereign equality) để trút bỏ những gánh nặng mà các hiệp ước bất bình đẳng này mang lại. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục học tập công pháp quốc tế với thái độ nghiêm túc.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Wellington Koo (1888 – 1985). Ảnh: klimg.com

Tại Hội nghị Paris năm 1919, nhà ngoại giao Trung Quốc Wellington Koo (nhà ngoại giao Trung Quốc đầu tiên và duy nhất công khai dùng tên Latin) đã vận dụng nguyên tắc thay đổi tình thế cơ bản (clausula rebub sic stantibus – vital change of circumstance) để yêu cầu tuyên vô hiệu việc tiếp chuyển quyền lợi của Đức sang cho Nhật Bản tại Shandong (Sơn Đông).

Tính tích cực của các học giả Trung Quốc trong việc tham gia, nghiên cứu, đóng góp và sử dụng công pháp quốc tế nhanh chóng biến Trung Quốc trở thành một trong những nhân tố quan trọng đại diện cho châu Á. Học giả, nhà cải cách Liang Qichao (Lương Khải Siêu) đã hối thúc Trung Quốc tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, một cách để bắt kịp các xu thế công pháp thế giới, trở thành nhân tố thúc đẩy và đồng thời cũng giúp Trung Quốc chọn đúng phe trong cộng đồng quốc tế.

Wellington Koo là người đề xuất ý tưởng “cân bằng chủng tộc” (racial equality) khi tham gia hội nghị soạn thảo Hiến chương của Hội Quốc Liên (League of Nations), tiền thân của Liên Hiệp Quốc ngày nay. Khi Hội Quốc Liên được thành lập, ngoại trừ các thành viên thường trực của Hội đồng (Anh, Pháp, Mỹ, Ý, và Nhật), Koo cũng đấu tranh cực lực cho một ghế không thường trực của Hội đồng. Ông lập luận rằng, mỗi châu lục cần có đại diện của nó nhằm đảm bảo sự công bằng và lành mạnh của Hội Quốc Liên. Lập luận này trở thành quan điểm chung của các quốc gia và có ảnh hưởng cho đến tận ngày nay. Trung Quốc nhờ đó có một ghế không thường trực cùng với Tây Ban Nha, Bỉ, và Brazil.

Koo tiếp tục cuộc đấu tranh của mình cho vai trò của Trung Quốc trong Tứ Hùng của thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai (bên cạnh Anh, Mỹ, Liên Xô) và thành công vang dội khi giành được một ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Đáng tiếc cho những công sức này, họ để rơi ghế thành viên thường trực vào tay Trung Hoa đại lục vào năm 1971.

***

Công pháp quốc tế được tạo ra để duy trì hòa bình và ổn định, nó có yếu điểm của nó. Nhưng công pháp quốc tế cũng được tạo ra để mang lại cho các quốc gia nhược tiểu một kênh chính thống để bảo vệ quyền lợi của mình. Trung Hoa Dân Quốc đã làm được điều đó, và chính quyền Trung Hoa đại lục ngày nay cũng đang hưởng lợi từ đó. Khinh thường vai trò của công pháp quốc tế và chấp nhận mối quan hệ tiểu quốc – đại quốc chư hầu phong kiến sẽ chỉ mang lại bất lợi và sự đình trệ mà dĩ Hoa vi trung đã từng mắc phải mà thôi.

*
Tài liệu tham khảo:
  • J King Fairbank, (Ed) The China World Order: Traditional China’s Foreign Relation, Harvard University Press.
  • T Hamashita, China, East Asia and the Global Economy: Regional and historical perspectives, Routledge London.
  • Constitution of China.

-------------------------------








No comments: