Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 13-07-2017
Tròn
một năm vụ khủng bố tại Nice, tranh luận về ngân sách và thuế khóa nước Pháp
sau các thông báo đầu tuần của chính phủ, Trung Quốc không cho nhà ly khai Lưu
Hiểu Ba - ung thư gan giai đoạn cuối - được ra nước ngoài chăm sóc, là một số
chủ đề trang nhất các báo. Một trong các sự kiện nổi bật hôm nay, 13/07/2017,
là việc tổng thống Mỹ Donald Trump tới Paris tham dự Quốc khánh Pháp nhân dịp
tròn 100 năm Mỹ tham chiến tại châu Âu bảo vệ đồng minh chống lại đế chế Đức.
Chuyến viếng thăm có đi có lại, giúp cho tổng thống Mỹ bớt bị « cô lập »,
và nước Pháp khẳng định vị thế, tuy nhiên những cách biệt giữa hai bên thật khó
san bằng. Les Echos có bài xã luận : « Macron và Trump : Khoảng cách lớn ».
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và nguyên thủ Mỹ Donald Trump (P)
trong thượng đỉnh G20, Hambourg, ngày 07/07/2017.REUTERS/John MACDOUGALL,POOL
Sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin tới lâu đài
Versailles, đến lượt tổng thống Mỹ Donald Trump có mặt trên đại lộ
Champ-Elysées, dự lễ duyệt binh ngày 14 tháng Bảy mừng tròn một thế kỷ ngày Hoa
Kỳ đưa quân vào châu Âu hỗ trợ đồng minh. Tổng thống Emmanuel Macron chứng tỏ
« nước Pháp đang ở vị trí trung tâm » trong cuộc chơi tay ba Mỹ-Âu-Nga.
Về mặt hình thức, sự tham gia của các đơn vị Mỹ
trong đoàn duyệt binh, cùng với sự có mặt của tổng thống Trump, khách mời danh
dự trên lễ đài, « bằng chứng cho thấy Mỹ và Pháp gắn bó kể từ đây ».
Tuy nhiên, biểu hiện thân mật này không che lấp được « những tương phản »
giữa hai nguyên thủ.
Ông Donald Trump, kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ,
càng ngày càng lún sâu hơn trong bê bối nghi án Nga can thiệp (Russiagate). Ngược
lại, nước Pháp, từ khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống, đã lấy lại được vầng
hào quang trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Trong lần gặp tổng thống Nga,
nguyên thủ Pháp « đã thẳng thừng phê phán Matxcơva tìm cách can thiệp
vào bầu cử Pháp ».
Kể từ khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp,
nguyên thủ hai nước đã gặp nhau nhiều lần tại các thượng đỉnh NATO, G7 và G20.
Gặp lại lần này, hai bên muốn chứng tỏ trước hết những gì thống nhất Pháp và Mỹ,
cụ thể là trong « các quan hệ kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố ».
Tuy nhiên, theo Les Echos, nhiều dấu hiệu cho thấy khoảng cách khó san bằng.
Việc Paris tuyên bố cắt giảm ngân sách quân sự ngay
trước ngày Quốc khánh có thể được coi là đi ngược lại đòi hỏi của chính quyền
Trump, đòi hỏi châu Âu phải gia tăng chi phí quốc phòng. Liên minh quân sự
trong cuộc chiến tại Irak và Syria hay tại vùng nam sa mạc Sahara, châu Phi,
không che lấp được các bất đồng khác trong vấn đề tự do mậu dịch hay nhập cư.
Và hy vọng của tổng thống Pháp là Mỹ sẽ quay trở lại với Thỏa thuận khí hậu
Paris chỉ là « điều mơ tưởng », trừ phi là « uy tín
ông Trump đối với công luận trong nước sụt giảm nặng nề buộc ông ta phải xét lại
quan điểm », vốn được cho là « không thể đảo ngược ».
Xã luận Les Echos nhấn mạnh đến nguy cơ rình rập tổng
thống Pháp trẻ tuổi, đó là « hành động đơn thương độc mã », để mặc thủ tướng Đức
Merkel đối mặt với tổng thống Mỹ. Les Echos nhắc lại rằng « hiện nay chỉ
có châu Âu thống nhất mới » mới là một thế lực có trọng lượng, « mà
đây cũng chính là điều mà tổng thống Pháp mong muốn ».
Les Echos kết luận, dù sao thì « trong khi
chờ đợi, Hoa Kỳ và Pháp cần chứng tỏ với thế giới là những hy sinh, cách đây một
thế kỷ, của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ không phải là vô ích. Can thiệp của Mỹ
tham gia vào việc tránh cho sự sụp đổ của nước Pháp, của các đồng minh Anh và
Nga trước nước Đức đế chế. Hãy nhớ điều đó ».
Sở
thích duyệt binh của Trump và sức hấp dẫn của Macron
Vẫn về chuyến đi của Trump đến Pháp, bài « Macron
muốn kéo Trump khỏi thế cô lập » của Le Figaro giải thích lý do trước
hết khiến tổng thống Mỹ - một người vốn không thích các chuyến đi liên miên –
đã chấp nhận lời mời qua Pháp, khi mới chỉ từ châu Âu trở về Mỹ được vài hôm.
Lý dó đó là sở thích xem duyệt binh, có từ thời thơ ấu khi Donald Trump còn học
tại trường trung học Viện hàn lâm quân sự New York.
Tuy nhiên, điều mà Le Figaro nhấn mạnh là mối quan hệ
ngày càng mật thiết hơn giữa hai nguyên thủ, có thể được khai thác để mang lại
lợi ích cho vị thế của cả hai. Một cố vấn của tổng thống Mỹ, từng có mặt nhiều
lần tại văn phòng tổng thống Trump trong các cuộc điện đàm xuyên Đại Tây Dương,
ca ngợi Emmanuel Macron là « nhà cải cách có sức hấp dẫn kỳ lạ ».
Theo Nhà trắng, điện Elysée đã bảo đảm là sẽ « không có các cuộc biểu
tình lớn phản đối » tổng thống Mỹ trong thời gian chuyến công du.
Bê
bối Nga thêm trầm trọng, Trump khen quan hệ « rất tốt »với
Putin
Trong khi đó, Les Echos lưu ý là tuy đến Pháp, nhưng
mối lo cánh cánh của tổng thống Mỹ là bê bối Nga can thiệp, hiện đang bước sang
một bước ngoặt mới, sau khi con trai ông Trump thừa nhận có liên hệ với Nga. Một
cố vấn của Nhà trắng thừa nhận đây là « cuộc khủng hoảng nghiêm trọng
hơn tất cả những gì chúng tôi (tức ê kíp của tổng thống) đã trải qua ».
Tuy nhiên, theo Les Echos, trong lúc độ tin cậy bên
trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa của tổng thống đang rạn nứt, ông Donald Trump vẫn
tiếp tục đổ dầu vào lửa, khi bảo đảm trên truyền hình hôm qua là quan hệ với tổng
thống Nga Putin là « rất, rất tốt đẹp ».
Châu
Phi : Trung Quốc bám trụ tại Nam Sudan
Về thời sự quốc tế, sự hiện diện của Trung Quốc tại
châu Phi được chú ý nhiều hơn, sau khi Bắc Kinh chính thức cử đơn vị quân đội đầu
tiên đến Djibouti, một quốc gia đông Phi, nơi Trung Quốc sắp có căn cứ quân sự
đầu tiên tại nước ngoài. Bài « Châu Phi, một trắc nghiệm về can thiệp
Trung Quốc » của Les Echos đặt câu hỏi : « Phải chăng Bắc Kinh
đang lật lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác
? ».
Djibouti không phải là trường hợp duy nhất. Trung Quốc
đã tăng cường đầu tư vào Nam Sudan, quốc gia mới ra đời cách nay 6 năm, hiện
đang chìm trong nội chiến. Tập đoàn dầu mỏ Nhà nước Trung Quốc CNPC đầu tư vào
Nam Sudan, nơi cấp khoảng 2% đến 5% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Cho dù
dầu mỏ sụt giá, CNPC mất khoảng 2 triệu đô la/ngày, nhưng Bắc Kinh vẫn bám trụ
bởi lợi ích chiến lược của vùng đất này.
Kể từ 2013, khoảng 100 doanh nghiệp Trung Quốc đã có
mặt trong nhiều lĩnh vực trọng yếu ở Nam Sudan. Nhìn chung, đầu tư Bắc Kinh vào
châu Phi tăng vọt từ một tỉ đô la năm 2004, thành 24 tỉ vào năm 2013. Theo Les
Echos, căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti sẽ trở thành phương tiện chính để sơ
tán kiều dân Trung Quốc, một khi châu Phi – trước hết là Nam Sudan - biến động.
Đức
cải tiến luật để tự vệ trước « bành trường kinh tế » Trung Quốc
Làn sóng đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu
gây lo ngại. Hôm qua, thứ Tư 12/07, chính phủ Đức ra một sắc lệnh, siết chặt
quy định về đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực chiến lược. Theo Le Figaro,
tuy không nêu tên Trung Quốc, nhưng mọi người điều hiểu rẳng Berlin muốn bảo vệ
các doanh nghiệp trước « các thèm khát » của Bắc Kinh.
Tốc độ mua lại doanh nghiệp Đức tăng vọt. Nếu như
năm 2006, chỉ có một doanh nghiệp duy nhất, thì năm 2016, Trung Quốc mua tổng cộng
58, với tổng số tiền 11,6 tỉ euro, nhiều hơn 19 doanh nghiệp so với năm trước.
Trường hợp công ty sản xuất robot công nghiệp Kuka, một doanh nghiệp được coi
là chiến lược, bị tập đoàn Trung Quốc Midea mua lại hồi năm ngoái, với giá 4,5
tỉ euro, là một kinh nghiệm cay đắng đối với Đức. Berlin đã không kịp trở tay.
Bất chấp chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc đến
Đức mới đây, với khuyến nghị một thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu và Đức, Berlin
vẫn quyết định lấy phòng thân làm đầu. Kể từ giờ, các tập đoàn ở ngoài Liên Hiệp
Châu Âu, mua lại hơn 25% giá trị một doanh nghiệp Đức, sẽ phải chờ bốn tháng,
thời hạn xem xét đề nghị. Các lĩnh vực được coi là trọng điểm sẽ bao gồm thêm
ngành điện, nhà máy hạt nhân, hệ thống cung ứng nước, mạng lưới viễn thông, bệnh
viện hay sân bay.
Phản ứng trước quyết định của chính phủ, chủ tịch hiệp
hội giới chủ Đức BDI cho rằng nước Đức sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Ở cấp độ
châu Âu, đây là một vấn đề gây chia rẽ. Nếu như Đức, Pháp, Ý lo ngại nguy cơ
Trung Quốc, thì một số nước như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha - vốn ít có các
doanh nghiệp công nghệ cao - sợ rằng việc siết chặt thủ tục sẽ ngăn cản đầu tư
nước ngoài.
Số
phận Lưu Hiểu Ba soi tỏ thế yếu của Bắc Kinh
Tình trạng sức khỏe Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba
« nguy kịch », trong lúc Bắc Kinh từ chối để ông ra nước ngoài
chăm sóc là chủ đề trang nhất báo La Croix. Theo tờ báo Công Giáo, « cuộc
đời bi tráng của Lưu Hiểu Ba, trong một thời gian dài, vẫn sẽ tiếp tục soi tỏ vấn
đề sức mạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc một cách đầy nghịch lý … Việc (chính
quyền Trung Quốc) khăng khăng từ chối là một dấu hiệu của thế yếu. Với việc bóp
nghẹt một tiếng nói yêu cầu tôn trọng nhân quyền và bầu cử tự do, chính quyền
cho thấy tính chính danh của họ là mong manh ».
Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm mọi cách để duy trì quyền
lực. Bắc Kinh thường xuyên kiêu hãnh về hệ thống quyền lực độc đoán, được tổ chức
theo mô hình hình kim tự tháp, thả lỏng nền kinh tế thị trường, nhưng giới hạn
chặt các quyền tự do cơ bản. Trung Quốc đối lập mô hình này với nền dân chủ
phương Tây. « Cuộc chiến của Lưu Hiểu Ba chính là để tố cáo » mô hình
do đảng Cộng Sản Trung Quốc áp đặt. Không còn ông, nhưng sẽ có những người khác
tiếp nối ngọn cờ ».
Vẫn về Lưu Hiểu Ba, báo La Croix phỏng vấn nhà
nghiên cứu về Trung Quốc Marie Holzman, Người phụ trách Hiệp Hội Đoàn Kết Trung
Quốc giải thích lý do thực sự khiến Bắc Kinh không muốn Lưu Hiểu Ba xuất ngoại,
bởi « lo sợ là ông sẽ kể » về thời gian trong tù những năm vừa
qua.
Theo bà Marie Holzman, mong muốn ra nước ngoài của
Giải Nobel Hòa bình một phần còn để bảo vệ tương lai của người vợ, bà Lưu Hà và
người anh em rể, vốn rất nỗ lực vì ông. Bà Lưu Hà hiện đang bị quản thúc và ở
trong tình trạng sức khỏe tinh thần rất suy yếu. Lưu Hiểu Ba chắc chắn hy vọng
được ra nước ngoài để « cứu vợ mình ». Bởi « nếu ông
chết tại Trung Quốc, Bắc Kinh biết rằng cộng đồng quốc tế sẽ chỉ phản đối trong
vòng ba ngày, và rồi mọi sự trôi vào quên lãng. Đây lại là mùa hè, mọi người sẽ
đi nghỉ mát… ».
Pháp
: Ăn nhiều muối, ít xơ, ít vận động, dễ mắc bệnh
Thói quen ăn uống và tình trạng an toàn thực phẩm của
người Pháp là một chủ đề được nhiều báo chú ý, nhân dịp ngày hôm qua, Cơ Quan
Quốc Gia An Toàn Thực Phẩm (Anses) công bố nghiên cứu được thực hiện trong hai
năm 2014-2015. Nghiên cứu toàn quốc lần thứ ba về chủ đề này có mục tiêu cảnh
báo về các nguy cơ bệnh tật. Theo Anses, các thói quen ăn uống tiêu cực đi kèm
với xu hướng ít vận động mang lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Có đến 80% người
trưởng thành được đánh giá là ít vận động, tỉ lệ này là 71% ở thiếu niên.
Theo Le Monde, người Pháp có xu hướng ăn mặn hơn,
9gam/ngày với nam, 7gam/ngày với nữ, nhiều hơn khoảng một gam so với tiêu chuẩn.
Ngược lại, lượng xơ hấp thụ lại thấp hơn đến một phần ba so với tiêu chuẩn
(30g/ngày). Trong khi đó, việc dùng thực phẩm bổ sung như vitamin, khoáng chất,
hay cây cỏ…, có xu hướng gia tăng mạnh, đến 29% ở người trưởng thành, 19% ở trẻ
nhỏ.
Các thói quen tốt như ăn 5 trái cây và rau quả một
ngày được khoảng 25% người Pháp tuân theo, giảm so với tỉ lệ 30% năm 2010.
Thực
phẩm sạch : Người học vấn cao, người cao tuổi chú ý hơn
Vẫn về nghiên cứu này, La Croix ghi nhận việc sử dụng
các thực phẩm sạch hay « Bio » (còn gọi là thực phẩm tự nhiên) và thực phẩm sản
xuất tại địa phương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ là rất khác nhau, tùy theo lứa tuổi
và trình độ học vấn. Với người có trình độ tương đương đại học, 59% sử dụng thường
xuyên các sản phẩm này, so với 27% ở người có trình độ tiểu học hay trung học.
Người ở tuổi về hưu (65 tuổi -79 tuổi) chú ý nhiều
hơn đến thực phẩm sạch (65% so với 51% ở lứa tuổi 18 đến 44).
----------------------------------
Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 13-07-2017
Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã đến Pháp sáng 13/07/2017, bắt đầu chuyến công du chính
thức theo lời mời của đồng nhiệm Emmanuel Macron nhân lễ Quốc Khánh Pháp 14/07
và đánh dấu 100 năm Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến thứ nhất. Nguyên thủ hai nước sẽ
vượt qua những bất đồng để tìm tiếng nói chung trong một số hồ sơ quan trọng, đặc
biệt là chống khủng bố và cuộc chiến tại Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania, lúc đến sân bay Orly,
Paris, ngày 13/07/2017.Reuters
Về những điểm chung và điểm bất đồng giữa hai nguyên
thủ, thông tín viên RFI Grégroire Pourtier tại Washington phân tích :
« Macron-Trump là cặp đôi Pháp-Mỹ khó thành
hiện thực cách đây một năm. Đúng là cả hai đều được bầu vào chức vụ cao nhất
ngay trong lần đầu tham gia tranh cử tổng thống nhưng phong cách của họ hoàn
toàn đối lập nhau, và không phải chỉ do khoảng cách tuổi tác, tổng thống Mỹ 71
tuổi và tổng thống Pháp 39 tuổi.
Tại Hoa Kỳ, Macron được xem là người cản đường chủ
nghĩa dân túy trỗi dậy tại châu Âu, trong khi Trump và khẩu hiệu « Nước Mỹ trên
hết » lại là biểu tượng ngược lại. Cái bắt tay đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo rất
cứng rắn, và được bình luận rất nhiều ở Hoa Kỳ. Mọi người đều biết hai nguyên
thủ bất đồng về hồ sơ thương mại quốc tế và môi trường : Tổng thống Trump đã
rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về khí hậu.
Thế nhưng, ngay khi không muốn nhượng bộ nhau,
nguyên thủ Pháp-Mỹ tỏ ra sẵn sàng làm dịu mối quan hệ cá nhân. Nhà Trắng đã
nhanh chóng chấp nhận lời mời của chính phủ Pháp, vì ngay cả khi có bất đồng,
Paris và Washington cũng có những lợi ích và mục đích chung.
Tổng thống Trump chỉ trích Pháp về cuộc chiến chống
khủng bố. Còn chiến tranh tại Syria là điểm bất đồng giữa cựu tổng thống Pháp
François Hollande và đồng nhiệm Mỹ Barack Obama. Cả hai vấn đề này sẽ là chủ đề
nghị sự chính của Donald Trump và Emmanuel Macron.
Buổi làm việc dự kiến kéo dài ít nhất là 1h15, sau
đó sẽ có một cuộc họp báo chung. Có thể trong cuộc họp báo này, phóng viên của
Mỹ lại kéo tổng thống Trump trở về hiện thực với những rắc rối nội bộ ».
Theo chương trình, chiều thứ Năm 13/07, tổng thống Mỹ
được đón tiếp long trọng tại điện Invalides và thăm mộ hoàng đế Napoléon, sau
đó là cuộc hội đàm tại phủ tổng thống Elysée. Sau đó, tổng thống Mỹ và phu nhân
được mời ăn tối tại nhà hàng sang trọng Jules Verne trên tháp Eiffel. Ngày mai,
tổng thống Mỹ tham dự lễ diễu binh nhân Quốc khánh Pháp 14/07 trên đại lộ
Champs Elysée với sự tham gia của quân nhân Mỹ.
Phu nhân Melania Trump và Brigitte Macron sẽ thăm
Nhà thờ Đức bà Paris, sau đó đi du thuyền trên sông Seine.
AFP dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho
biết tổng thống Trump và phu nhân « rất háo hức đến thăm một cặp vợ chồng
như nhà Macron tại Thành phố Ánh sáng ».
Chuyến công du Paris giúp tổng thống Mỹ tạm gác sang
một bên những rắc rối liên quan đến con trai cả Donald Junior trong vụ «
Russia Gate ». Tuy nhiên, cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước cũng được đánh
giá là không dễ dàng gì. Cả hai phải vượt qua những điểm bất đồng để tìm tiếng
nói chung trong một số hồ sơ quốc tế quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực an
ninh : « Chống khủng bố và bảo vệ lợi ích trọng yếu quốc gia », được
tổng thống Emmanuel Macron đánh giá là điểm chung quan trọng giữa hai nước khi
trả lời phỏng vấn báo Pháp Ouest-France và tập đoàn truyền thông Đức Funke,
ngày 13/07.
No comments:
Post a Comment