Thursday, July 13, 2017

LỊCH SỬ TÁI DIỄN ? - TT NIXON & TT TRUMP (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
July 2, 2017

Sáu tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump, nước Mỹ chia rẽ, Cộng Hòa – Dân Chủ chia rẽ hơn các nhiệm kỳ tổng thống trước, ngay đến đảng Cộng Hòa cũng không đoàn kết. Như thông lệ trong lịch sử cận đại sau kỳ bầu cử tổng thống, hai đảng phải mất một thời gian mới hàn gắn nhưng năm nay lý do chia rẽ một phần cũng từ Tổng Thống Trump. Thay vì cai trị nước, ông vẫn tiếp tục chính sách gây kích động như trong thời kỳ tranh cử. Cộng đồng Việt Nam cũng có phần chia rẽ vì ý thức hệ chính trị, đa số ủng hộ Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa với lý luận đảng Cộng Hòa chống Cộng và vì đảng Dân Chủ mà 42 năm trước VNCH thua. Ý tưởng đảng Dân Chủ chủ bại in đậm vào óc người Việt hải ngoại.

Chiến tranh Việt Nam khởi đầu với Tổng Thống John F. Kennedy (Dân Chủ) với câu nói lịch sử: “Nơi nào có áp bức thiếu tự do nơi ấy người Mỹ sẽ có mặt.” Với lý tưởng tự do dân chủ ngăn chặn làn sóng Cộng Sản trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Tổng Thống Kennedy tăng số cố vấn quân sự Mỹ ở Việt Nam từ thời Tổng Thống Dwight Eiseinhower (Cộng Hòa). Chiến tranh Việt Nam gia tăng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát năm 1963. Sau đó, vài tuần sau, Tổng Thống Kennedy bị ám sát, Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson (Dân Chủ) lên thay. Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được Quốc Hội Mỹ thông qua năm 1964, cho tổng thống toàn quyền sử dụng quân đội Hoa Kỳ ở Đông Nam Á mà không cần tuyên chiến. Quân đội Hoa Kỳ tăng từ 16,000 lên đến 525,000 năm 1967 với những cuộc dội bom Bắc Việt. Sau Tổng Thống Johnson, Tổng Thống Richard Nixon (Cộng Hòa) tiếp tục chiến tranh Việt Nam với cuộc oanh tạc nổi tiếng “dội bom Giáng Sinh” năm 1972 nhằm đưa Bắc Việt đến bàn Hội Nghị Paris. Hơn 20,000 tấn bom dội xuống Hà Nội, Hải Phòng có thể kết thúc chiến tranh Việt Nam trong vinh quang cho phía Hoa Kỳ và VNCH, nhưng Mỹ bỏ bom chỉ để điều đình với Bắc Kinh đứng sau cuộc thương lượng.

Ngoại Trưởng Henry Kissinger và Tổng Thống Nixon, sau chuyến thăm Bắc Kinh 1972, giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng cách bán đứng VNCH qua Hiệp Định Paris, để 300,000 quân Bắc Việt ở lại miền Nam với sự bất đồng ý kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng Thống Nixon không can thiệp khi Cộng Sản Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Paris. Ông tổng thống đảng Cộng Hòa đổ tội Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát bó tay ông vì vụ Watergate. Ông Nixon từ chức vì vụ Watergate. Phó Tổng Thống Gerald Ford (Cộng Hòa) lên thay ông, chứng kiến miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Những cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, ngay cả hồi ký Nixon và Kissinger, cho thấy người Mỹ không muốn thắng trong chiến tranh Việt Nam. Cộng Hòa và Dân Chủ đã đồng lõa chấm dứt chiến tranh Việt Nam vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh chấm dứt, Cộng Sản Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn đó, chỉ đổi hình dáng và màu sắc nhưng Watergate ám ảnh Nixon và đảng Cộng Hòa hơn 45 năm.

Những quan hệ rắc rối vẫn còn đang trong vòng điều tra giữa Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Vladimir Putin của Nga qua vấn đề điện thư của bà Hillary Clinton và đảng Dân Chủ trong mấy tháng nhiệm kỳ đầu của ông Trump khiến người ta nghĩ đến xì căng đan Watergate vào cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Nixon. Biến cố Watergate xảy ra khi tổng hành dinh đảng Dân Chủ đặt ở khách sạn Watergate, Washington, DC, bị xâm nhập vào ngày 7 Tháng Sáu, 1972. Chính quyền Nixon cố che đậy không cộng tác khi Quốc Hội điều tra. Tổng Thống Nixon dùng FBI, CIA và Sở Thuế IRS để “chơi” lại các nhóm đối lập.

Nền dân chủ Hoa Kỳ trên 200 năm với ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập lẫn nhau, không để tổng thống độc tài. Biện pháp kết tội tổng thống khi có những bằng chứng cho thấy tổng thống lạm quyền đưa qua quốc hội biểu quyết dẫn đến cách chức tổng thống hay tổng thống từ chức là một quan niệm từ luật nước Anh với tác giả Edmund Burke, triết gia và luật gia. Quan niệm này dựa trên nguyên tắc ngăn ngừa tổng thống lộng quyền thành một tiền lệ gây ra một không khí độc tài. Năm 1781, ông Burke tìm đủ bằng chứng để buộc tội Thống Đốc Bengal Warren Hasting ra Hạ Viện. Ông Edmund Burke đã giải thích với quốc hội rằng: “Những nhà lãnh đạo quốc gia không thể lạm quyền để làm lợi cho cá nhân.” Đây là quan niệm dựa trên nền tảng đạo đức và trách nhiệm của người đại diện dân chứ không phải là ông chủ của dân.

Trong vòng bốn thập niên qua, hai tổng thống, Richard Nixon (Cộng Hòa) và Bill Clinton (Dân Chủ), bị buộc tội. Tổng Thống Nixon phải từ chức vì ủy ban điều tra có đủ bằng chứng cho thấy tay chân của ông xâm nhập tổng hành dinh đảng dân chủ, và ông dùng quyền tổng thống che đậy tội. Các bị cáo trong vụ Watergate bị buộc tội tham nhũng, nói láo, cản trở pháp luật, rửa tiền, ăn gian thuế, trốn thuế, phi tang bằng chứng, vi phạm luật bầu cử kể cả luật lệ tài chánh trong khi tranh cử. Ông Alexander Hamilton, một trong những tổ phụ sáng lập Hoa Kỳ, từng nhấn mạnh tổng thống phải tôn trọng Hiến Pháp. Buộc tội tổng thống là một hành động có tính cách chính trị, giống như buộc tội Tổng Thống Nixon năm 1974, là một biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa lạm quyền đưa đến độc tài khiến tổng thống không làm tròn trách nhiệm như Điều 2 của Hiến Pháp quy định. Điều tra tổng thống như điều tra viên đặc biệt Robert Mueller đang làm không giống như điều tra tội ác thường lệ, cuộc điều tra nhắm vào những hành động của tổng thống để cách chức hay buộc tổng thống tội phản quốc, hối lộ hay các tội khác.

Vụ điều tra để tìm đủ bằng chứng buộc tội Tổng Thống Trump giống như điều tra Tổng Thống Nixon qua vụ Watergate cộng thêm những tội liên quan với Tổng Thống Vladimir Putin và Nga vi phạm luật bầu cử Hoa Kỳ, qua những tay chân bộ hạ nước ngoài, vi phạm luật cấm tham nhũng nhận tiền từ ngoài nước, nói láo với nhân viên điều tra liên bang, gián điệp, và phản quốc. Theo luật, ngay khi điều tra viên đặc biệt Robert Mueller không tìm thấy những bằng chứng trực tiếp từ Tổng Thống Donald Trump thì những bằng chứng, những lỗi lầm nặng của các cộng sự viên và phụ tá thân tín của tổng thống cũng đủ để buộc tội đưa ra Quốc Hội. Ông Lawrence Tribe, giáo sư luật đại học Harvard University, giải thích luật được áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống nhưng “những hành động tham nhũng, bí mật gian lận trong cuộc bầu cử trước khi tổng thống nhậm chức cũng được kể đến.”

Những nhân vật chính của Tổng Thống Trump liên quan đến Nga và Tổng Thống Putin giống như “Những nhân vật của tổng thống” (All the President’s men) của Tổng Thống Richard Nixon. Cựu Trung Tướng Michael Flynn là nhân vật nổi nhất và là vấn đề chính của Tổng Thống Trump. Ông Trump đã xem thường cảnh cáo của Tổng Thống Barack Obama và Thống Đốc Chris Christie, một Dân Chủ một Cộng Hòa, về những liên hệ với Nga khi ông Trump bổ nhiệm ông Flynn. Khi đổ bể, ông Trump đổ tội cho ông Obama như chiến thuật đổ thừa đánh lạc hướng thường lệ của ông. Bà Sally Yates, quyền bộ trưởng Bộ Tư Pháp, là người can đảm xem việc nước trọng hơn chức tước không quỵ lụy tổng thống đã cảnh cáo rằng ông Flynn đã thỏa hiệp với Nga. Ông Flynn nói láo với Phó Tổng Thống Pence về cuộc đàm thoại với Đại Sứ Nga Sergey Kislyak vào cuối Tháng Mười Hai, 2016. Tướng Flynn bảo đảm liên hệ Nga sẽ tốt đẹp hơn khi ông Trump làm tổng thống. Ông Trump bãi nhiệm tướng Flynn ngày 13 Tháng Hai khi bà Yates cảnh cáo trước báo chí, nhưng sau đó lại muốn mời ông Flynn trở lại.

Hai sự kiện lớn trong biến cố liên quan đến ông Trump, Nga, và ông Putin trong cuộc điều tra, xảy ra trong ngày 19 Tháng Năm, khi điều tra viên đặc biệt nhắm đến nhân vật quan trọng trong Tòa Bạch Ốc thân cận với tổng thống, sau đó được xác nhận là ông Jared Kushner, cậu con rể trẻ tuổi cố vấn tối cao của tổng thống, có vai trò như Henry Kissinger của Tổng Thống Richard Nixon (khác với Kissinger, ông cố vấn trẻ Kushner cũng gốc Do Thái, nhưng không có kinh nghiệm về ngoại giao, đã bị Kissinger chỉ trích nặng nề). Cuộc điều tra không còn chỉ nhắm vào một số nhỏ cộng sự viên và nhân viên không thân cận với Tổng Thống Trump như các ông Paul Manafort, chủ tịch ủy ban bầu cử tổng thống năm 2016; ông Roger Stone, cố vấn ủy ban bầu cử; và ông Carter Page, cố vấn chính sách ngoại giao của ứng cử viên Trump.

Ông Jared Kushner có nhiều điểm giống ông bố vợ Donald Trump. Cả hai là con nhà tỷ phú, thừa hưởng gia tài của ông bố, chuyển công ty thương mại của bố từ ngoại ô New York vào Manhattan. Cả hai vào Tòa Bạch Ốc chỉ biết thương lượng địa ốc không hề có kinh nghiệm về chính trị, cầm quyền, không rành luật pháp, Hiến Pháp, không suy nghĩ trước khi hành động, có quyết định vội vàng trước các vấn đề trọng đại, không nghe lời cố vấn. Ông Jared Kushner làm cho Tổng Thống Trump yếu thêm về mặt chính trị và cầm quyền, nhưng ông tổng thống ngạo mạn, nóng tính luôn luôn xem mình là nhất, cần cậu con rể vì chỉ có cậu con rể và cô con gái Ivanka có thể làm tổng thống bớt nóng giận, không nổi điên từng giờ trong Tòa Bạch Ốc. Cậu con rể đã cố vấn một cách thiển cận khi khuyên ông bố vợ cách chức Giám Đốc FBI James Comey vào hồi Tháng Năm, khiến giới điều tra FBI nghi ngờ thêm là ông Trump cố tình giấu diếm nhiều liên hệ với Nga và Tổng Thống Putin. Tổng Thống Trump chạm trán điều tra viên đặc biệt Robert Mueller, tiền nhiệm của ông Comey. Dư luận đồn tổng thống sẽ cách chức ông Mueller, nhưng ông Trump đã học bài học của Tổng Thống Nixon. Khi cách chức công tố viên đặc biệt Archibald Cox, ông Nixon đã phạm thêm lỗi trầm trọng trong vụ Watergate.

Giáo Sư Lawrence Tribe thu thập các bằng chứng có thể buộc tội Tổng Thống Trump từ ngày đầu tiên: Hiếp Pháp Hoa Kỳ cấm ứng cử viên nhận tiền từ chính quyền nước ngoài. Các ngân khoản có thể làm hại đến quyền lợi quốc gia ví dụ như tiền các chính quyền nước ngoài trả cho công ty khách sạn Trump. Sau khi nhậm chức, Tổng Thống Trump vẫn không cắt những mối liên lạc với các chính quyền này và không bỏ tên ra khỏi các dự án thương mại trên khắp thế giới, vẫn làm chủ công ty Trump bất chấp luật lệ và Hiến Pháp. Ông Trump thách thức và đứng trên luật pháp giống như các nhà độc tài khác trên thế giới: “Sau hiến pháp là tôi!” Tổng Thống Trump bị xem là cản trở cuộc điều tra của FBI kể cả hành động cách chức Giám Đốc FBI Comey, bắt ông Comey phải thề trung thành với tổng thống và câu nói được ghi âm “tôi cảm thấy bị áp lực vì vấn đề Nga” với Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov.

Tổng Thống Trump chối không thu băng cuộc đàm thoại với ông Comey, nhưng thói quen hay nói không suy nghĩ, nói nhiều là biết, không để ý đến câu hỏi và không thèm nghe người đối diện cộng thêm thói quen thay đổi câu chuyện qua Twitter, khiến Giáo Sư Tribe cho rằng ông Trump hay nói láo, khó tin. Nhờ những tiết lộ từ nhân viên Tòa Bạch Ốc, mặc dù tổng thống đa nghi luôn luôn nhắc nhở nhân viên phải trung thành, mà nhân viên điều tra FBI biết nhiều chi tiết. Các nhân viên làm việc với ông Trump, phải nghỉ hay bị đuổi, vì tổng thống nóng tính, la lối nhân viên, nạt nộ nói những điều họ không muốn nghe, đã tiết lộ các cuộc đàm thoại mật. Giới tình báo xem Tổng Thống Trump là mối đe dọa quốc gia, thiếu thận trọng như tiết lộ tin tình báo mật cho chính quyền Nga, không biết tin tức mật là điều có thể chấp nhận, nhưng biết là tin tức mật mà vẫn tiết lộ xem thường pháp luật là điều khó bào chữa.

Chức tổng thống của ông Trump có lung lay hay không tùy thuộc vào Quốc Hội. Giới quan sát chính trị chú ý đặc biệt đến Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, người có nụ cười khó hiểu, và Lãnh Tụ Đa Số Thượng Viện Mitch Connell, mặt mũi khó chịu, để xem khi nào hai ông quay mặt lại với tổng thống. Hiện nay, đảng Cộng Hòa đang kiểm soát Quốc Hội. Xác suất buộc tội 50% tùy thuộc vào sự kiên nhẫn của đảng viên Cộng Hòa trước sự kiện chia rẽ hỗn loạn của đảng hiện nay như dự luật y tế đưa ra Thượng Viện cho thấy đảng này không đoàn kết.

Đảng viên Cộng Hòa phân vân giữa buộc tội đưa đến cách chức hay ép buộc tổng thống từ chức. Năm 1974, Tổng Thống Nixon bị đảng Cộng Hòa áp lực từ chức sau khi bị kết tội lộng quyền trong giai đoạn lưỡng đảng đoàn kết hợp tác trong không khí chính trị ngay thẳng công bằng. Tổng Thống Nixon có chủ thuyết Nixon trong khi Tổng Thống Trump không đưa ra chủ thuyết nào từ khi nhậm chức, không đạt được thành quả từ chính sách y tế đến chính sách thuế. Tự hào “chưa tổng thống nào trong lịch sử đã làm được nhiều như tôi” và được nội các ca tụng như các nịnh thần trong các triều đại quân chủ, nhưng Tổng Thống Trump chỉ đạt được “kỷ lục Tweet.” Ngoại giao dựa trên chính sách thực tiễn. Chính sách hoàn toàn là chính sách chống Obama và thuận lợi cho công ty Trump. Hủy bỏ chính sách bang giao với Cuba dựa trên nhân quyền trong khi các bạn của ông Trump như Trung Quốc, Việt Nam, Saudi Arabia, Ai Cập, là các nước vi phạm nhân quyền trầm trọng. Tiếp đón lãnh tụ các nước này ông Trump cho thấy ông không đặt vấn đề nhân quyền là quan trọng như các tổng thống tiền nhiệm. Năm 2016, trong thời gian tranh cử, khi được báo chí hỏi về thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ứng cử viên Trump trả lời: “Thiên An Môn cho thấy chính quyền Trung Quốc là một chính quyền mạnh biết cai trị, Thiên An Môn do bọn phản loạn gây ra, phải có một chính quyền mạnh để dẹp bọn gây rối loạn.”

Ông Trump có chính sách thực tiễn và chính trị Hoa Kỳ từ trước đến nay cũng là chính trị thực tiễn. Một lý do ông Paul Ryan vẫn giữ im lặng là vì ông đang chờ đợi các chương trình của đảng Cộng Hòa sẽ được Tổng Thống Trump theo đuổi trong đó chương trình chính là chính sách giảm thuế của ông chủ tịch Hạ Viện. Tổng Thống Trump có lợi thế hơn Tổng Thống Nixon là ông biết nói cho dân Mỹ trắng nghe ông theo tinh thần quốc gia cực đoan.
Trong cuốn sách “Những người của tổng thống” (All the president’s men), nhà báo Bob Woodward cho thấy Tổng Thống Nixon là người cô đơn, luôn luôn cần cận thần. Cũng như Tổng Thống Trump, Tổng Thống Nixon đòi hỏi sự trung thành của các cộng sự viên. Ông Alexander Butterfield, phụ tá của Tổng Thống Nixon, giúp ông trong công việc hàng ngày, nhận những lệnh quái đản mà ông Nixon giấu kín các nhân viên khác. Khi ông Nixon phật ý, bực bội với ông Henry Kissingerm chỉ có ông Butterfield biết. Ông Butterfield là người phụ trách việc đặt máy nghe lén ở Watergate. Trung thành với tổng thống, một người bị xem là đáng ghét, không thích xã giao, kỳ thị chủng tộc, ghét người Do Thái, ông Butterfield lại khai hết tội của Tổng Thống Nixon.

Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Trump cũng có một không khí tương tự như thời Tổng Thống Nixon. Ông Trump gây ra lo âu hoang mang cho nhân viên, chỉ làm theo ý mình, không được các cộng sự viên kính trọng. Các cận thần của tổng thống: Steve Bannon, Kellyanne Conway, Jeft Sessions, Sean Spicer, và ngay cả Jared Kushner, cũng bị tổng thống la mắng chửi bới. Ông Jared Kushner có lúc bị mắng “thiếu khả năng.”

Năm 2018, Quốc Hội sẽ thay đổi bộ mặt sau bầu cử giữa nhiệm kỳ. Hiện nay, sau bầu cử đặc biệt ở Georgia, dù đảng Cộng Hòa thắng, chỉ có 40% dân Mỹ hài lòng với tổng thống, 50% muốn đảng Dân Chủ kiểm soát Quốc Hội để sân khấu chính trị cân bằng như trong các chu kỳ lịch sử hiện đại.

Ai sẽ là Butterfield của Tổng Thống Trump?






No comments: