Thu Hằng - RFI
Phát Thứ Hai, ngày 10 tháng 7 năm 2017
Vấn
đề lưu trữ tài liệu của chính quyền Pháp tại các thuộc địa được đặt ra ngay những
năm 1950, khi hàng loạt quốc gia nằm dưới sự bảo hộ của Pháp lần lượt giành được
độc lập. Bắt đầu từ Việt Nam với các thoả thuận ngày 08/03/1949, sau đó là quyết
định trao trả các khu nhượng địa của Pháp cho Ấn Độ vào tháng 09/1954 và tại
châu Phi là cuộc trưng cầu dân ý năm 1958.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp, Aix-en-Provence. Archives
Nationales
Ngay năm 1959, Cơ quan Lưu trữ Pháp được giao nhiệm
vụ quản lý hồ sơ lưu trữ và các bộ sưu tập từ bộ Hải Ngoại Pháp và cơ quan quản
lý thuộc địa, bị xóa bỏ năm 1960. Khối lượng tài liệu rất lớn vì ngoài hồ sơ của
riêng bộ Hải Ngoại Pháp, còn có kho lưu trữ thuộc địa ở các xứ Viễn Đông hay
châu Phi, lúc đó bị phân tán khắp nước Pháp, ở Paris, Vincennes, Bordeaux,
Marseille. Đến năm 1961, khối lượng tài liệu đồ sộ này còn tiếp nhận thêm lưu
trữ được chuyển từ Algeria, sau khi quốc gia Bắc Phi giành được độc lập.
Trước nhu cầu cấp bách này, giám đốc Lưu trữ Pháp thời
kỳ đó quyết định xây dựng một trung tâm nghiên cứu nằm trong một quần thể đại học
ở miền Nam Pháp để bảo quản và xử lý tài liệu lưu trữ của các chính quyền thuộc
địa. Kết quả là năm 1966, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (Archives
nationales d’Outre-mer, ANOM) được khánh thành tại Aix-en-Provence, nằm trong dự
án mở rộng chi nhánh của đại học Aix-en-Provence, trên đường Moulin de Testas.
Giới thiệu với RFI tiếng Việt về ANOM, bà Olivia
Pelletier, phụ trách kho « Đông Dương », cho biết :
« Ở đây, chúng tôi bảo quản hồ sơ lưu trữ của bộ Thuộc
Địa và nhiều cơ cấu hành chính tiền thân của bộ này từ giữa thế kỷ XIX liên
quan đến Đông Dương. Những kho đó chủ yếu là tài liệu hành chính, bổ sung cho
những kho lưu lại ở Việt Nam, Cam Bốt, Lào và nhiều kho khác được lưu trữ tại
Pháp trong bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao ».
Toàn bộ kho liên quan đến chính quyền Nam Kỳ được
lưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tài liệu lưu trữ Đông Dương được chính quyền thuộc
địa thảo tại chỗ được chuyển về Pháp từ năm 1954, sau khi Pháp thất bại tại Điện
Biên Phủ. Thế nhưng, theo bà Olivia Pelletier, trước đó cả hai bên đã có một
quá trình đàm phán dài để phân chia tài liệu :
« Ngay năm 1950, các chuyên viên lưu trữ Pháp và Việt
Nam, Lào, Cam Bốt, đã cùng ngồi đàm phán. Những tài liệu được cho là thuộc chủ
quyền về đến Pháp ngay năm 1954, còn tài liệu mang tính kỹ thuật, cho phép các
nước độc lập tiếp tục quản lý bộ máy hành chính, trong đó có các hồ sơ về công
chính, địa bạ, y tế, cảnh sát, thì được để lại tại chỗ. Hiện nay, những tài liệu
này có thể tra cứu được ở các trung tâm lưu trữ khác nhau ở Việt Nam, Lào và
Cam Bốt ».
Chùa Một Cột, Hà Nội.
Ảnh chụp khoảng năm 1895-1899. ANOM
Tài liệu lưu trữ liên quan đến Đông Dương tại ANOM
được chia thành hai kho lớn : Kho lưu trữ của bộ Thuộc địa (Fonds ministériels)
và Kho địa phương. Kho địa phương lại được chia thành ba kho nhỏ : Kho tài liệu
đô đốc và toàn quyền (1858-1945), kho Cao ủy Pháp tại Sài Gòn (1946-1954) và
kho thống sứ và ủy viên Cộng hòa Pháp. Bà Olivia Pelletier cho biết rõ hơn :
« Tại ANOM, chúng tôi bảo quản số lượng hồ sơ lưu trữ
liên quan đến Đông Dương dài khoảng 4 km. Những kho tài liệu này rất thú vị vì
chúng vừa liên quan đến công văn trao đổi, hồ sơ giao dịch trong mọi lĩnh vực,
từ đời sống kinh tế đến đời sống hành chính, xã hội trong giai đoạn Pháp. Ngoài
các kho này, còn có kho bản đồ, một thư viện và kho tranh ảnh ».
Theo đánh giá của chuyên gia phụ trách kho «
Đông Dương », trong khoảng 10 năm gần đây, số lượng các nhà nghiên cứu về
Đông Dương ở mức ổn định. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Á đến châu
Mỹ, và dĩ nhiên phải nhắc đến các nhà nghiên cứu châu Âu, từ sinh viên đến giáo
sư, giảng viên đại học. Chủ đề nghiên cứu cũng rất đa dạng, như lịch sử xã hội,
lịch sử kinh tế hay lịch sử văn hóa.
Để giúp các nhà nghiên cứu có thể định hướng và theo
dõi trình tự niên đại đề tài nghiên cứu, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại
xuất bản rất nhiều sách hướng dẫn, thống kê các tài liệu lưu trữ, đồng thời hợp
tác chặt chẽ với các trung tâm lưu trữ ở ba nước Đông Dương cũ :
« Chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng
nghiệp Việt Nam, vì từ vài năm nay, chúng tôi có một bản thỏa thuận được Cơ
quan Lưu trữ liên bộ của Pháp và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam ký kết.
Thoả thuận này giúp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ trong việc chia sẻ tài liệu
được số hóa, tổ chức các triển lãm ảo, đặc biệt là trong một dự án chung sắp tới.
Chúng tôi sẽ cung cấp các hình ảnh lưu trữ được bảo quản ở ANOM và sẽ tham gia
vào triển lãm kỷ niệm 100 năm lưu trữ Đông Dương được tổ chức ở Hà Nội ».
ANOM,
nơi chia sẻ lịch sử
Các kho tài liệu được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ
Quốc gia Hải ngoại Pháp rất đa dạng về nguồn gốc và phân loại, từ lưu trữ chính
quốc đến địa phương, lưu trữ chính thức về sự hiện diện và bánh trướng của Pháp
đến lưu trữ của các tham chánh biện, hay cá nhân và hồ sơ kinh tế.
Sự đa dạng này phản ánh muôn mặt nước Pháp ở lãnh thổ
hải ngoại trong suốt quá trình xâm chiếm đến thám hiểm và khẳng định vị trí, mối
quan hệ giữa người Pháp với dân địa phương từ quần đảo Antilles (Trung Mỹ) đến
Mascareignes (châu Phi, ngoài khơi Ấn Độ Dương), từ lục địa Mỹ đến châu Phi, từ
châu Á đến châu Đại Dương.
Ngoài khối lượng hồ sơ lưu trữ giấy dài khoảng 38
km, ANOM còn nổi tiếng với kho ảnh quan trọng, với nhiều tấm có thể tra cứu được
dưới dạng album trên website, trong đó phải kể đến khối lượng ảnh lớn liên quan
đến Đông Dương được tổng hợp trong một khối dữ liệu riêng.
« Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp có một
phòng đọc với 80 chỗ ngồi, mỗi năm đón hơn 2.000 độc giả. Chúng tôi có một
phòng đọc vi phim (microfilm).
Đặc biệt từ nhiều năm nay, ANOM chú trọng đến cổng
thông tin điện tử, giúp độc giả truy cập vào các công cụ tìm kiếm về tình trạng
các kho, tài liệu thống kê chung hoặc thống kê chi tiết, cho phép các nhà
nghiên cứu nước ngoài, thậm chí độc giả Pháp không sống ở Aix-en-Provence có thể
tham khảo được những bản thống kê. Có nghĩa là, họ có thể chuẩn bị từ nhà danh
sách tài liệu cần tra cứu, chuẩn bị cho chuyến nghiên cứu và áng chừng thời
gian lưu lại Aix.
Chúng tôi cũng có một phòng thống kê gồm 15 máy tính
để truy cập vào website của ANOM. Trang này thường xuyên được cập nhật những thống
kê mới, rất chi tiết, và có thể tra cứu được từ bất kỳ máy tính nào ».
Vịnh Hạ Long, Bắc Kỳ.
Ảnh chụp năm 1928. ANOM
Ngoài chức năng một trung tâm lưu trữ, ANOM luôn tìm
cách phổ biến thông tin và tài liệu trong khối lưu trữ quan trọng này. Tháng
06/2017, ANOM phối hợp với đại học Provence đón các nhà nghiên cứu và chuyên
gia tham gia hội thảo thường niên của Hội Nghiên cứu Lịch sử Thuộc địa Pháp
(French Colonial History Society, FCHS) với chủ đề chính là đề cao những gương
mặt nổi tiếng và chưa được biết đến trong giai đoạn thuộc địa.
Bà Olivia Pelletier cho biết ANOM và bộ Quốc Phòng
Pháp sẽ kết hợp với nhau để tổ chức một cuộc triển lãm liên quan đến Đông Dương
vào cuối năm 2017 tại Pháp.
« Đó là một dự án tiếp nối nhau thành nhiều chặng.
Vào cuối năm 2017, bộ phận lưu trữ ở Vincennes của bộ Quốc Phòng sẽ đón một cuộc
triển lãm dưới dạng tấm panô và tài liệu gốc liên quan đến biển và thuỷ thủ ở
Đông Dương. Còn ANOM sẽ trưng bầy triển lãm này vào đầu năm 2018 với hình thức
có thay đổi chút ít, được bổ xung thêm, với 15 tấm panô giải thích vai trò hàng
hải ngoài chức năng quân sự. Triển lãm này là cơ hội để chúng tôi giới thiệu
nhiều tài liệu đẹp trong kho của mình cho độc giả và khách tham quan ».
No comments:
Post a Comment