Wednesday, July 12, 2017

BẢN TIN NGÀY 12/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tình hình Biển Đông
Bài viết trên RFI, Biển Đông: Việt Nam tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ. Dẫn nguồn từ trang Interpreter thuộc viện nghiên cứu Lowy của Úc, nói rằng, trong lúc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang làm cho quan hệ Việt – Trung căng thẳng trở lại, thì Việt Nam đang tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh (trái) và ngoại trưởng Ấn Sushma Swaraj ở New Delhi hôm 4/07/2017. Ảnh: Prakash Singh/ AFP

Trang Interpreter cũng nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở New Delhi hôm 4/7, rằng Việt Nam “hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục là một đối tác trong nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh chiến lược và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các công ước”. Và rằng “ ASEAN sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình”.

Ngay sau tuyên bố của ông Phạm Bình Minh, VN đã gia hạn thêm 2 năm cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh khai thác ở lô 128, ngoài khơi Việt Nam.

Hôm qua, báo Philippines Star có bài viết nói rằng, một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, mà phần thắng thuộc về Phlippines, hai nước Trung – Phi vẫn đang tiếp tục đàm pháp về các tranh chấp trên Biển Đông, và rằng cuộc đàm phán đang diễn tiến tốt đẹp.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (hàng đầu, trái) và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường ND ở Bắc Kinh ngày 15-5-2017. Ảnh: AP

Trang Nghiên Cứu Biển Đông có đăng bài viết của TS Nguyễn Thanh Minh, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: Vài suy nghĩ về giải pháp giải tỏa căng thẳng trên Biển Đông. Tác giả nhận định, thực tế cho thấy Biển Đông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Chính vì vậy, tác giả kêu gọi cần “xây dựng lòng tin” gữa các quốc gia trong khu vực quanh Biển Đông và cho đó là vấn đề ngày càng trở nên bức thiết. Nhưng mà làm sao “xây dựng lòng tin” với các nước cho được, khi có kẻ âm thầm “đi đêm” với “bạn vàng”?
Theo báo điện tử Chính phủ, trong chuyến thăm chính thức đến Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Thủ tướng Hà Lan cũng ủng hộ quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm 2013, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 2 tàu hộ vệ SIGMA-9814 của Hà Lan, trị giá khoảng 668 triệu USD.

Chuyện giúp đỡ ngư dân đánh cá trên biển, báo Người Việt có bài: Dân tin ‘đài bà Diệp’ hơn đài nhà nước, kể về một người phụ nữ 40 tuổi, mới học xong lớp 9, đã phải mày mò tự học và học lỏm từ những người làm thời tiết chuyên nghiệp, để phát sóng dự báo thời tiết, giúp ngư dân.

Bà Diệp nói trên đài canh Icom, hướng dẫn cho ngư dân ngoài biển. Nguồn: Báo Thanh Niên

Sở dĩ ngư dân tin “đài bà Diệp” hơn là vì ngoài dự báo chính xác, còn có sự tương tác qua lại giữa ngư dân và bà Diệp bởi bà luôn sẵn sàng để giúp đỡ ngư dân, cung cấp cho họ những thông tin quan trọng về thời tiết khi họ cần.

Thuyền trưởng tàu đánh cá Quảng Ngãi 90360 TS, ông Đặng Tằm cho biết: “Bà Diệp nói có gió là có, nói chừng đó hết gió là đúng hết gió. Mùa đông năm rồi, đài báo là có gió kéo dài, nhưng bà Diệp nói đúng 7 giờ sáng ở 112 (cách nói tọa độ của ngư dân – PV) hết gió thì tới giờ đó tự dưng im thinh, lặng sóng thiệt. Nhiều lần như vậy mà sao lại không tin”.

Thủy thủ Việt Nam bị phiến quân Abu Sayaff sát hại
Video clip của VOA cho thấy, gia đình nạn nhân bức xúc vì cách hành xử khó hiểu của chính quyền và phía công ty Hoàng Gia: https://www.youtube.com/watch?v=ne-PezGU61Q

Bà Lương Thị Luận, mẹ nạn nhân Hoàng Văn Hải, nói: “Thì chúng tôi lẫn anh em trong nhà trông ngóng đã 8 tháng nay rồi, lúc nào cũng trông chờ nhà nước cứu con chúng tôi về. Hôm tháng 3 dương lịch, chúng tôi ra chỗ công ty để ký tên để công ty vay thêm tiền. Không biết họ đi qua bên đó có gặp không nhưng họ bảo thiếu tiền không làm việc. Nửa tháng sau họ đi về, ông nhà tôi điện ra nhưng vẫn không có tin gì mới cả”.

Ông Hoàng Văn Tư, cha của anh Hoàng Văn Hải, nói rằng, trước đó công ty bắt ông và 5 gia đình phải ký khống vào 10 tờ giấy trắng. Nhân viên công ty cũng không biết những tờ giấy ký khống này để làm gì, chỉ có lãnh đạo mới được biết.

Ông Tư nói: “Bạn bè của Hải đưa tin nhiều lắm, điện thoại tôi thì chỉ gọi nghe được thôi. Rồi chị Loan bên công ty gọi đến bảo là gia đình bác đưa tin nhiều quá, đừng đưa nữa, ngay cả việc Hoàng Võ về cũng bí mật bác nhé, cái gì họ cũng bịt, bịt hết, đấy!

Quốc hội của ai?
Theo báo chí đưa tin, sáng 11-7, các phóng viên có mặt tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội, đã bất ngờ nhận được thông báo “Văn phòng Quốc hội có chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi buổi họp (để chụp hình ? – NV). Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên”. Đây là thông tin khá bất ngờ cho báo giới và người dân.

Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, lên tiếng: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Trả lời phỏng vấn đài VOA, nhà báo Võ Văn Tạo, nói: “Tôi bất ngờ trước quy định của UBTV Quốc hội, tại sao lại có một quy định đi ngược lại xu thế chung của thế giới: công khai, minh bạch, dân chủ mà lâu nay Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hay tuyên truyền và cổ xúy”.

Còn nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh, cho biết: “Tôi cho rằng quy định này là dân chủ giả hiệu, dân chủ nửa vời, một cách làm rất hài hước”.

Được biết, trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã có những bước đi có tính cởi mở hơn, như cho phép trường thuật trực tiếp những phiên chất vấn các ĐBQH, cho nên có sự so sánh, rằng Việt Nam đã đi trước Trung Quốc một bước trong tiến trình dân chủ hóa. Thế nhưng, với thông báo mới này, Việt Nam đã đi thụt lùi so với các nước trong khu vực.

Vẫn chuyện Thủ tướng đi Đức
Lại là trang mạng Thời Báo, đăng bài viết có tựa đề: Cảm thấy bất an, Thủ tướng Phúc đề nghị mang súng đến G20? Bài báo này đã đưa ra một thông tin đáng chú ý: Do phái đoàn Việt Nam lo ngại khủng bố gia tăng ở Châu Âu, nên “một văn bản đã được thảo ra và gửi thẳng đến bộ phận quản lý vũ khí của Chính phủ liên bang Đức,” để rồi sau đó “nội các Đức phải họp khẩn và cuối cùng đã ra một quyết định chưa từng có tiền lệ là đồng ý cho đội cảnh vệ của đoàn Việt Nam được phép mang theo súng sang Đức để tự bảo vệ lấy vị Thủ tướng của mình“.

Ối, còn đây nữa, Thời Báo đăng clip “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quạt xoành xoạch khi nghe hòa nhạc Elbphilhamonie tại Hamburg hôm 7.7“: https://www.youtube.com/watch?v=DpAEzPJAnho   

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
Một bức thư dài 23 trang, của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, từ nhà tù Nghệ An, ghi lại những dòng nhật ký từ ngày 20 đến ngày 26/5/2017, gửi cho con cháu của anh, chủ đề “Niềm vui hay bổn phận“, mà nội dung “không chỉ là câu chuyện quanh căn nhà, góc bếp. Gia đình là tế bào hình thành nên xã hội, ngược lại xã hội cũng tác động đến gia đình. Một xã hội mà động lực phát triển thay vì được xây dựng từ niềm vui, sự mưu cầu hạnh phúc lại được giao vào tay một nhóm người được kêu gọi các khẩu hiệu sáo rỗng về “bổn phận”, “nghĩa vụ”. Rồi khi đạt được một phần nhỏ sẽ có “quyền lợi” thì đó là những xã hội luôn nghèo nàn và lạc hậu, đạo đức giả“.

Ảnh chụp bao thư của anh Trần Huỳnh Duy Thức gửi gia đình.

Môi trường ô nhiễm
Liên quan đến việc Bộ Tài – Môi cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được “nhận chìm” ở biển gần 1 triệu tấn “vật, chất” thải, báo Nông Nghiệp Việt Nam đã gọi cách dùng từ “nhận chìm vật, chất ở biển” là cố tình đánh tráo khái niệm, mà phải gọi đúng là “xả thải ngoài biển”.

Theo bài báo, sự vô lý ở chỗ Sở Tài – Môi Bình Thuận lý giải khối lượng “vật, chất” này không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì “cần phải có diện tích lớn, đồng thời sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận“. Tuy nhiên họ lại cho phép “nhận chìm” xuống biển.

Còn theo báo Đất Việt, việc cho phép đổ chất thải ra biển sẽ tạo một “tiền lệ nguy hiểm”, vì hiện còn rất nhiều dự án đầu tư nhiệt điện than đã được thông qua chủ trương đầu tư.
Đây rồi! Theo báo Pháp luật TP, hôm qua, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, chỉ đạo thực hiện khẩn trương 5 nội dung, một trong số đó là: “Phải tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, các cơ sở sản xuất tôm giống, khu lấy nước nuôi tôm trước khi bắt đầu hoạt động nhận chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng với thông tin, số liệu môi trường tại các vị trí quan trắc, giám sát trước, trong và sau khi có hoạt động nhận chìm theo giấy phép“.

Trong khi đó, theo tin từ đài VTC, tại Thị xã Hương Trà – Thừa Thiên – Huế, cá nuôi trên sông Bồ lần thứ hai lại chết trắng:

Tim đập, chân run khi nghe tin “Dự án alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) sẽ được chính thức vận hành thương mại vào tháng 7 này“! Theo báo Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc TKV, khẳng định “các hồ chứa bùn đỏ bảo đảm an toàn” nhưng (cái này mới run này) “Tuy vậy, ông Hải công nhận đây là hai dự án thí điểm và đang chạy thử nghiệm nên không tránh khỏi những trục trặc phát sinh“. Lạy các ông!

Sự kiện Đồng Tâm
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, trong tháng 7, TAND huyện Mỹ Đức sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử 14 cán bộ liên quan đến các sai phạm về đất đai tại xã Đồng Tâm, khi các cán bộ này lợi dụng chức quyền giao sai đối tượng hàng ngàn m2 đất, tư lợi hàng tỉ đồng. Tất cả các cán bộ này mỗi người đều được hưởng lợi 2 suất đất, diện tích từ hơn 260- 334m2 mà không phải nộp tiền. Danh sách 14 bị can này gồm có 4 cựu Chủ tịch xã Đồng Tâm và một cựu Bí thư Đảng ủy.

Còn theo thông tin từ Facebooker Nguyễn Đình Ấm, khi ông yêu cầu được khai thác ‘quyết định 113 ngày 14/4/1980’ của Thủ tướng chính phủ, một nhân viên trung tâm lưu trữ quốc gia 3 cho biết, muốn sử dụng thì sang Bộ quốc phòng xin ý kiến. Theo ông, Bộ quốc phòng muốn bưng bít nên họ không cho tiếp cận văn bản này dù nó đã được ban hành hơn 37 năm trước.

Quân đội làm kinh tế
Ông Lê Việt Trường, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, bảo: “Đáng lẽ quân đội phải ngưng làm kinh tế từ lâu rồi!. Đúng thế, phải ngưng từ hơn chục năm trước kìa.

À mà quên, Quân đội giờ không nghe những “cựu” hết thời nhá, chỉ nghe “cựu”…thức thời thôi. Hề hề… Giờ này mà còn hỏi “Quân đội: sức mạnh ở đâu?“. Nó ở đây nè!

Công an cũng … làm kinh tế
Sự việc tại Gia Lai và Kon Tum mà báo Pháp luật TP đưa ra, hay việc “Các thanh tra giao thông Cần Thơ đều thừa nhận “mãi lộ” hơn 4 tỷ đồng” để bảo kê hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải, chẳng còn là chuyện lạ, mà đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam rồi. Nhưng đây chỉ là “vài con sâu” trong vô vàn những con sâu khác, đang nằm lúc nhúc trong ngành công an Việt Nam.

Công an (Law Enforcement) là những người có nhiệm vụ giám sát người dân thi hành luật pháp, bảo đảm luật pháp được thực thi, nhưng đó là công an ở xứ người, còn công an ở xứ ta có thêm việc khác là làm luật, mãi lộ… để kiếm tiền “mua thêm bánh mỳ“. Nhiều khi người dân tự hỏi, công việc của thanh tra giao thông, CSGT ở Việt Nam là gì, nếu không phải là ăn hối lộ?

Hà Nội lại tính chuyện làm đường sắt đô thị
Trong khi chưa biết hai dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội đến bao giờ mới hoàn thành và hiệu quả ra sao, thì Hà Nội lại nhăm nhe xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị, với tổng số vốn hơn 40 tỷ USD.

Theo báo Dân Trí, để thực hiện mỗi km dự án trên, Hà Nội phải chi ra gần 2.200 tỷ đồng, gần 100 triệu Mỹ kim! Còn đây là giá cả làm đường ở xứ tư bổn giãy chết:
– Loại 2 làn đường: Làm một dặm (1,6 km) đường ở Mỹ tốn $2-3 triệu cho loại 2 làn đường ở nông thôn và $3-5 triệu cho 1,6 km đường ở thành thị.
– Loại 4 làn đường: Mỗi dặm (1,6 km) đường tốn $4-6 triệu cho loại xa lộ 4 làn đường ở nông thôn và $8-10 triệu cho 1,6 km đường ở thành thị.
– Loại 6 làn đường: Mỗi dặm (1,6 km) đường tốn $7 triệu cho loại cao tốc 6 làn đường ở nông thôn và $11 triệu cho 1,6 km đường ở thành thị.

Còn đây, 500 triệu USD chống ngập Hà Nội: Thất thủ ngay mùa đầu. Dự án chống ngập chậm 12 năm, đội vốn 100 triệu Mỹ kim, nhưng cứ mùa mưa đến thì “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”! : https://www.youtube.com/watch?v=0PEeRh2Uoh0

Tin quốc tế

Ông Lưu Hiểu Ba đang nguy kịch
Đài CNN cho biết, ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình đang trong tình trạng nguy kịch. Một tuyên bố từ bệnh viện, nơi ông Lưu Hiểu Ba đang điều trị bệnh ung thư gan, cho biết, bệnh tình của ông ngày càng xấu đi và ông không thích hợp để làm xạ trị.

Hai bác sĩ đến từ Mỹ và Đức, đã đến thăm ông Lưu chiều thứ Bảy vừa qua, nói rằng, ông và gia đình ông yêu cầu được chữa trị ở Mỹ và Đức trong những ngày còn lại, nhưng Bộ Ngoại giao TQ từ chối, không cho ông rời khỏi đất nước này.

Phát ngôn BNG Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi hy vọng các nước có liên quan tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc và không sử dụng cái gọi là trường hợp cá nhân để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc“.

Bài viết trên BBC: Số phận Lưu Hiểu Ba: Trung Quốc muốn chứng tỏ ‘chính nghĩa’, cho biết, chính quyền TQ đang dựng một màn kịch bên giường bệnh của ông Lưu Hiểu Ba.

Một bức ảnh không rõ ngày tháng, chụp ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, bà Lưu Hà. Nguồn: EPA

Đại Sứ quán Đức cho biết, khi các bác sỹ Đức và Mỹ tham gia chữa trị cho ông Lưu, “các cuộc họp và hội chẩn đều bị giám sát về âm thanh và hình ảnh mặc dù trước đó, phía Đức đã yêu cầu Trung Quốc không được ghi âm và ghi hình các cuộc họp trên. Sau đó, những tư liệu này lại bị ‘rò rỉ’ một cách có chọn lọc cho các cơ quan truyền thông Trung Quốc do nhà nước quản lý nhằm đưa ra thông điệp rằng ông Lưu Hiểu Ba được chữa trị một cách nhân văn“.

Con trai Donald Trump chia sẻ email về chuyện Kremlin đề nghị giúp đỡ Trump trong chiến dịch tranh cử
Trên Twitter hôm nay, con trai trưởng của TT Mỹ là Donald Trump Jr. đã chia sẻ một loạt email, cho biết, điện Kremlin đãtừng đề nghị cung cấp cho ông “những thông tin cấp cao và nhạy cảm” có thể buộc tội bà Hillary Clinto và đó là một phần sự hỗ trợ của chính phủ Nga cho chiến dịch tranh cử của cha ông. Con trai ông Trump cũng đã đồng ý gặp bà Natalia Veselnitskaya, một luật sư làm việc cho chính phủ Nga, sau khi đối tác hứa hẹn cung cấp các thông tin gây hại cho bà Hillary Clinton.

Email cho thấy, ông Rob Goldstone, người Anh, là người đã sắp xếp cuộc gặp gỡ hồi tháng 6/2016 giữa con trai (Donald Trump Jr.), con rể của Trump (Jared Kushner), ông Paul Manafort, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump với đối tác là bà Natalia Veselnitskaya, luật sư người Nga. RFI có tin tóm lược: Con trai Donald Trump thừa nhận ý định bôi nhọ bà Clinton qua nguồn tin từ Nga.

Rơi máy bay quân sự ở Mỹ, 16 quân nhân thiệt mạng
Tối qua, một máy bay quân sự Mỹ KC-130, đã rơi ở tiểu bang Mississippi, giết chết 16 người. Chiếc máy bay rơi xuống một cánh đồng cách Jackson, thủ phủ bang Mississippi, khoảng 150 km về phía bắc. Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tai nạn này, nhưng toán cứu hộ đã tìm được 16 thi thể tại nơi xảy ra tai nạn, trong đó có 15 người thuộc Thủy quân Lục chiến và 1 người là thủy thủ, theo ông Richard Spencer, là người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân trong chính quyền TT Trump. https://www.youtube.com/watch?v=Bo0EbfR0DzA

Trung Quốc: Tàu tối tân chết máy, không tham gia tập trận
Theo tin từ báo VNExpress, tàu khu trục tối tân Type-052D số hiệu 173 của Trung Quốc không thể tham gia cuộc diễn tập với hải quân Nga trên biển Baltic do bị chết máy, không thể di chuyển trên Ấn Độ Dương trong hai tuần qua. Các chuyên gia cho rằng, tàu khu trục nói trên bị hư trục chân vịt. nhưng loại tàu này sử dụng tới hai trục chân vịt, rất hiếm khi xảy ra sự cố cả hai chân vịt cùng hỏng một lúc.






No comments: