Monday, February 27, 2017

TRỞ NGẠI TRONG LIÊN HỆ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (Cổ Lũy)




Cổ Lũy
February 22, 2017

Bài này lại trình bày những ý chính trong nghiên cứu đầu Thu năm qua của chuyên gia về Trung Quốc và Hoa Kỳ Mark Beeson, giáo sư chính trị học và bang giao quốc tế (University of Western Australia, Úc). Người viết cũng đưa thêm những giải thích cần thiết và ý kiến riêng như thường lệ. 

Liên hệ mật thiết hay xung khắc?

Liên hệ giữa hai siêu cường kinh tế hạng nhất (Mỹ) và nhì (Trung Quốc) rất là mật thiết; cộng thêm tranh giành vai trò bá chủ “địa chính trị” toàn cầu, liên hệ cũng khác hẳn những gì trước đây. Hai nước chẳng giống nhau mấy về cơ cấu chính trị và kinh tế nhưng lại rất lệ thuộc vào nhau dù cách xa nghìn trùng Thái Bình Dương (xin đọc bài “Năm mới, nhìn về liên hệ Mỹ Hoa” kỳ trước). Khoảng giữa thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã thay thế Anh làm bá chủ đưa thế giới về hướng tư bản và tự do. Bốn mươi năm Chiến Tranh Lạnh tiếp theo, trật tự này bị khuôn mẫu chính trị và kinh tế Liên Xô đe dọa. Cuối cùng kinh tế tư bản thắng thế, bành trướng hầu khắp rồi nối liền hai siêu cường cùng nhiều nước khác theo cơn lũ toàn cầu hóa.

Trung Quốc vươn lên cuối thế kỷ 20 là thách đố khác hẳn cho Mỹ. Ông Beeson nhấn mạnh ba yếu tố: (a) Trung Quốc là đe dọa thật sự vào thế lãnh đạo Mỹ trong chiến lược Ðông Á; (b) “Xã hội chủ nghĩa với dấu ấn Trung Quốc,” sau là “tư bản đỏ” tuy vô cùng khác với tư bản làm tại và xuất cảng từ Mỹ, lại hưởng nhiều phúc lợi qua việc nhập vào hệ thống thế giới; (c) Việc thắt chặt trong kinh tế hỗ tương – hàng hóa Trung Quốc đổi lấy hàng nghìn tỷ đô la – buộc hai bên phải thận trọng trong tác động chính trị và quân sự. Hai bên đều có lợi lớn trong liên hệ này; chỉ ngại là “những gì có thể xẩy ra nếu một bên mất niềm tin vào liên hệ, hoặc quyết định trừng phạt nước kia vì lý do này nọ” – như tân Tổng Thống Donald Trump đe dọa “trả đũa kinh tế” Trung Quốc chẳng hạn. Hỗ tương kinh tế củng cố liên hệ thân thiện và chặt chẽ, nhưng ông Beeson đặt câu hỏi: “Ðây có ngăn chặn được Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ khi ta nhìn tới những bất trắc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chăng?”

Ðồng minh Ðông Á lo ngại

Cuối năm 2011, đồng minh trong vùng (nhất là Úc, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật) vừa phấn khởi lẫn phân vân khi Tổng Thống Barack Obama tuyên bố quân bằng đối ngoại với chính sách mới về Châu Á: “Chuyển trục.” Úc từng đứng cùng với đồng minh Mỹ từ chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, hai lần Iraq, Afghanistan cho tới Syria. Hàng thế hệ lãnh đạo Úc đã bỏ nhiều vốn chính trị vào liên minh với Mỹ từ khi rời vùng ảnh hưởng của Anh. Cuộc chiến 30 năm ở Việt Nam và những hệ quả sau đó cũng trực tiếp ảnh hưởng vào hàng thế hệ người Việt và Mỹ; Nhật và Nam Hàn vẫn giữ liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Trước Quốc Hội Úc, ông Obama trấn an các nước trong Hiệp Hội Ðông Nam Á (ASEAN): “Hoa Kỳ là một nước Thái Bình Dương” cương quyết “đóng vai trò lớn và lâu dài hơn trong việc xây dựng địa chính trị và tương lai vùng, qua nỗ lực đề cao những nguyên tắc căn bản và hợp tác chặt chẽ giữa đồng minh và thân hữu.” Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấy Washington như quá bận tâm với những bất ổn ở Trung Ðông và tuyên truyền “khủng bố” tại Hoa Kỳ – dù thực tế chứng minh số người Mỹ bị khủng bố sát hại còn nhỏ hơn số người Mỹ chết ở hồ tắm. Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền giữa khó khăn kinh tế ảnh hưởng vào việc Bắc Kinh hung hăng đối ngoại, “chuyển trục” khó trấn an đồng minh Ðông Á, vốn luôn luôn cảm thấy bất an và bị bỏ quên. Họ Tập lại nhìn “chuyển trục,” và thỏa thuận kinh tế Hợp Tác Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau này, như hoàn toàn nhắm vào Trung Quốc. 

Thái Bình Dương dậy sóng

Cái nhìn thực tiễn trong chính trị học và bang giao quốc tế cho thấy: mọi cường quốc đều tìm quyền lực và thế thượng phong; nước đang lên đều thách đố nước đi xuống. Theo Giáo Sư John Mearsheimer (University of Chicago), mâu thuẫn sẽ xảy ra khi Bắc Kinh hăm he chiếm ngôi vị Washington ở Ðông Á. Thật sự, Bắc Kinh đã từ lâu chuyển nhiều vũ khí chiến lược vào sâu lục địa Châu Á, xa tầm hoạt động của Ðệ Thất Hạm Ðội của Mỹ ở phía Ðông Thái Bình Dương; gần đây lại ráo riết quân sự hóa các đảo trên Biển Ðông nhằm gia tăng kiểm soát đường biển huyết mạch và cũng để bù trừ cho việc hạm đội Trung Quốc chỉ có một hàng không mẫu hạm. Giới phân tích và làm chính sách Mỹ nghĩ rằng Washington có thể và cần ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. “Chuyển trục” cộng với “đôn quân” hẳn là giải pháp thích đáng, nhưng thực tế cho thấy đôn quân nho nhỏ không mấy hiệu quả.

Ông Beeson nhận xét và đặt câu hỏi:
(a) Thế siêu đẳng quân sự Mỹ không hẳn gây lo sợ ở Bắc Kinh;
(b) Washington liệu có dám tham chiến vì một nước Ðông Á dù không có ủng hộ rộng rãi trong nước, hoặc nhỏ hơn của một số chính khách Mỹ thôi? Washington có giữ nổi lời hứa tham chiến với một đồng minh không?
(c) Liệu tuyên bố tôn trọng luật lệ quốc tế mang hiệu quả gì chăng, nhất là khi cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không tuân theo luật Liên Hiệp Quốc về biển cả?
(d) Ai đóng vai trò lãnh đạo rất là quan trọng; ông Tập cần thổi phồng “tự ái quốc gia” nhằm tránh dân nổi loạn vì kinh tế bấp bênh. Ông Trump quen “huênh hoang, phách lác” và “trả đũa” (khác hẳn ông Obama luôn “cẩn trọng” trong chính sách, hành động). Thêm nhánh lập pháp Mỹ, tuy Cộng Hòa nắm thế đa số, lại thiển cận và nhu nhược nên không đóng đúng vai trò “kiểm soát và cân bằng” nhánh hành pháp – như hiến pháp qui định rõ ràng. Từ đây mầm mống xung đột như khó tránh khỏi.

Dĩ nhiên, một số đồng minh ở Châu Á vô cùng hoang mang và chỉ mong Hoa Kỳ tôn trọng những cam kết. Ông Beeson kết luận: “Dù xung đột không xảy ra… giải pháp đúng có thể sẽ đến từ hoạt động ngoại giao và xây dựng những định chế [nhằm duy trì ổn định, hòa bình]. Nhìn từ Washington, trong bối cảnh này, “Châu Á sau ‘chuyển trục’ mỗi lúc một thêm vấn đề.”

-----------------------

Cổ Lũy
February 8, 2017

Năm mới, cột báo “Từ Nam California” hân hoan trở lại với bạn đọc sau khi vắng bóng một thời gian. Cột báo tiếp tục trình bày lối nhìn hướng về công bằng, bao dung đặc thù của miền Tây Thái Bình Dương.

*
Tựa cột báo với chữ “nhìn về” cũng gợi ý nhìn qua bên kia Thái Bình Dương. “Nhìn về phương Ðông mù mịt,” may mắn thay được nhìn thấy ánh sáng qua những nghiên cứu, khám phá mới mẻ của giáo sư chính trị học và bang giao quốc tế Mark Beeson, thuộc Viện Ðại Học Western Australia, Úc Châu.

Năm 2016 vừa qua ông đã đưa ra bốn công trình nghiên cứu về chính trị và ngoại giao Trung Quốc. Ông cũng đi nhiều nơi để khảo sát, trao đổi và nhận giải thưởng về công trình của mình theo truyền thống nghiên cứu đại học.

Công trình thứ sáu vào cuối năm đặt nhiều câu hỏi về bang giao Mỹ-Hoa và cố gắng đưa ra một số trả lời. Liên hệ giữa hai siêu cường thượng đỉnh (dựa trên kích thước kinh tế, quân sự, chính trị cùng ảnh hưởng văn hóa tràn ngập) là đề tài vô cùng quan trọng cho cả thế giới; riêng trường hợp Việt Nam hệ quả từ đây có thể nói là rất sâu đậm và lâu dài.

Người viết xin trình bày những ý chính của tác giả, kèm thêm những giải thích cần thiết và góp ý.

Yếu tố ảnh hưởng đến ngoại giao

Cách đây vài năm Ðông Á (bao gồm Việt Nam) đã phát triển kinh tế vô cùng ngoạn mục. Nhiều giới quan sát tin rằng trọng tâm kinh tế đã xoay chuyển về phương Ðông, dẫn đường vào một “Kỷ nguyên Á Châu.” Nhưng ngày nay mức phát triển kinh tế Ðông Á lại không mấy “màu hồng” đi kèm với những “ bất ổn và nguy hiểm chiến lược,” thay vì hòa bình và tiến bộ.

Ðây có thể bị xem như hơi quá quắt và “la hoảng/alarmist;” tuy nhiên, nhiều dấu hiệu đáng ngại cũng dễ nhận ra nếu người ta để ý tình trạng kinh tế đi xuống kéo dài ở Trung Quốc song song với những phát triển quân sự cùng va chạm trong vùng biển Hoàng Hải, và Biển Ðông.

Cải tổ kinh tế từ thập niên 1980 bắt đầu khi Chủ Tịch Ðặng Tiểu Bình (“thực tiễn” và nổi tiếng với câu “Mèo trắng hay đen cũng tốt miễn bắt được chuột”) đưa vào Trung Quốc những nguyên tắc kinh tế thị trường Âu-Mỹ. Với thay đổi luật lệ, mở rộng thêm tư hữu hóa và thị trường toàn cầu thập niên 1990 Tổng Sản Lượng Nội Ðịa/GDP gia tăng, mức phát triển kinh tế hàng năm lên trên dưới mười phần trăm.

Một phần tư thế kỷ sau, Bắc Kinh đã đạt được những thành quả lớn lao: giảm thiểu nghèo đói, gia tăng lợi tức và mức sống nói chung. Nhưng nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn nắm giữ một số kinh tế then chốt và triệt để cấm đoán các tự do chính trị (tự do truyền thông, tôn giáo, hội đoàn,…). Ðường lối “đi hàng hai” này (tha hồ làm ăn, triệt để hạn chế tự do) dễ gây bất mãn trong giới trung lưu có học vì nó đi ngược lại mơ ước “thành quả kinh tế dẫn tới tự do dân chủ.” Rồi lại thêm yếu tố chênh lệch giai cấp ghê gớm do kinh tế tham nhũng kiểu “phe đảng, quen biết móc nối” đè nặng lên nhiều giai cấp thấp.

Gần đây, khi kinh tế đi xuống thúc đẩy người có tiền của chuyển của cải và tài sản ra nước ngoài, tình trạng băng hoại càng tệ hơn, dấu hiệu mầm nội loạn không kiểm soát nổi đã lấp ló trong nước với gần một tỷ rưỡi người.

Một cách đối phó cổ điển là “quạt” ngọn lửa tự ái quốc gia hướng dân tới tranh chấp với những “kẻ thù” quanh vùng lẫn từ xa. Hoa Kỳ là đối tượng này dù từng và vẫn đóng vai trò lớn thúc đẩy kinh tế Hoa: “khách sộp” tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ Hoa đưa đến mức thâm thủng ngoại thương Mỹ hàng trăm tỷ. Nhưng ông Beeson lại để ý đến khía cạnh khác.

Ði tìm vai trò ‘Con Trời/Trời Con?’

Theo Beeson, giống như nhiều nước Ðông Á, Trung Quốc mang rất nhiều tự ái dân tộc. Cùng với “năm nghìn năm văn hiến” trung tâm vũ trụ, nước này phải trải qua “thế kỷ nhục nhã” dưới áp chế từ người phương Tây, từ Chiến Tranh Thuốc Phiện Ðầu (1839) cho tới lúc Cộng Hòa Nhân Dân thành hình (1949).

Cũng dễ hiểu nếu sau “nhục nhã” giới lãnh đạo Bắc Kinh và dân chúng đều muốn lấy lại vai trò tối thượng trong vùng, nếu không nói là toàn cầu. Tây phương phải công nhận địa vị hàng đầu của Trung Quốc là “mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao” của Bắc Kinh. Bắc Kinh “vẫn bị ám ảnh bởi quyền bá chủ thế giới” nằm trong tay Hoa Kỳ dù Washington đã đóng vai trò không nhỏ trong việc “tạo dựng bối cảnh quốc tế” giúp Trung Quốc “lại đi lên như một cường quốc đáng kể.”

Nếu giới làm chính sách và trí thức, học giả Mỹ xem Hoa Kỳ như một nước “vô cùng cần thiết” trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng ở Ðông Á, qua lăng kính giới học giả, trí thức Hoa, Washington lại giống như “người gây hấn và kẻ lạ” với nhiều đồng minh và liên minh làm Bắc Kinh khó chịu. Ðây như một “sỉ nhục” rằng Bắc Kinh thật sự không nắm mấy liên minh, đồng minh. Bắc Kinh vẫn không muốn công nhận sự thật rằng phát triển kinh tế ngoạn mục ở Ðông Á khó thể thành hình nếu Hoa Kỳ đứng ngoài vai trò lịch sử như “một thị trường, nguồn viện trợ, và bảo trợ đích thực trật tự kinh tế cởi mở.”

Ông Beeson tạm kết luận: những câu hỏi quan trọng bây giờ là Washington có “sẵn sàng và khả năng tiếp tục đóng vai trò trên,” và Bắc Kinh có “sẵn sàng chấp nhận” điều này chăng? Những câu trả lời sẽ quyết định tương lai vùng Ðông Á và có thể là toàn cầu.



No comments: