Tuesday, December 30, 2014

Trên thềm 2015, ngoảnh lại và nhìn tới (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)





Cập nhật lần cuối ngày Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 10:51

Sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong năm 2014 đã là sự suy yếu thấy rõ của các thế lực chống dân chủ trong khi làn sóng dân chủ gia tăng hẳn khí thế.

Năm 2014 đã bắt đầu một cách bất lợi cho dân chủ. Đầu năm một cuộc cách mạng dân chủ vụng về đã tạo lý cớ cho Nga xâm chiếm miền Đông Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea trước phản ứng lúng túng của chính quyền Obama. Putin xuất hiện như một anh hùng dân tộc trước mắt đa số người Nga. Nghiêm trọng hơn, lực lượng khủng bố "Nhà Nước Hồi Giáo" Daesh sau khi củng cố cơ sở tại Syria đã ào ạt tiến công và trên đà đánh gục chính quyền dân chủ non yếu tại Iraq. Tình trạng Ai Cập gây bối rối lớn cho những người dân chủ. Một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi, một chính quyền xuất phát từ bầu cử dân chủ nhưng sau đó đã dần dần phản bội dân chủ. Những người dân chủ cũng như các chính phủ dân chủ trên thế giới không thể ủng hộ Morsi nhưng cũng không thể ủng hộ cuộc đảo chính của tướng Al-Sissi. Rồi Trung Quốc đưa dàn khoan HD-981 vào hải phận Việt Nam, vừa xâm phạm chủ quyền nước ta vừa thách thức luật pháp quốc tế. Để chỉ kể một vài sự kiện quan trọng.

Nhưng rồi Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ đã nhận ra rằng sự nhu nhược là tai họa lớn nhất. Họ đã phản công và tình thế đã đảo ngược nhanh chóng vì so sánh lực lượng quá chênh lệch. Lực lượng khủng bố Hồi Giáo chỉ là một thiểu số không đáng kể, sức mạnh của chúng chỉ là sự liều lĩnh tuyệt vọng. Các nước chống dân chủ chỉ có một trọng lượng kinh tế tổng hợp chưa bằng 15% kinh tế thế giới và đều rất tụt hậu về mọi mặt, kể cả về quân sự. Các nước dân chủ không cần và cũng không sợ các nước độc tài. Điều đáng sợ chỉ là sự nhát sợ. Và thực tế quả đã chứng minh như thế.

Làn sóng dân chủ vẫn tràn tới và còn mạnh hơn

Chúng ta đang thấy gì ?

Lực lượng Hồi Giáo khủng bố đang đánh trận cuối cùng. Hầu hết các phần tử rải rác trên thế giới của nó đã tập trung về Iraq và Syria dưới cờ của tổ chức "Nhà Nước Hồi Giáo" Daesh, chỉ để cùng bị tiêu diệt. Chúng đang bị tiêu diệt. Sự kiện các phần tử Hồi Giáo cực đoan từ khắp nơi kéo nhau về Syria và Iraq trước hết chứng tỏ rằng chúng đã không thể phá hoại tại các nơi khác, nghĩa là cuộc chiến tranh chống khủng bố, dù khó khăn và tốn kém, đã thắng lợi. Cuộc chiến Trung Đông đang thanh toán các tàn dư Hồi Giáo toàn nguyên cuối cùng. Điều đáng được lưu ý là các lực lượng khủng bố Hồi Giáo đã chiếm phần lớn quan tâm của thế giới, trước hết là các nước dân chủ, trong hơn một thập niên qua. Sắp tới chúng sẽ không còn quan trọng nữa và các nước dân chủ sẽ có thể dành những cố gắng lớn hơn hẳn cho việc củng cố nền tảng thực sự của một thế giới hòa bình và hợp tác, nghĩa là dân chủ và nhân quyền.

Tại Nga chế độ độc tài Putin cũng đang rất khốn đốn sau khi đã ngang ngược thách thức thế giới. Những biện pháp trừng phạt cùng với việc dầu sụt giá đã khiến hối suất đồng Rúp sụp đổ, hàng trăm tỷ USD đã đào thoát ra nước ngoài, thu nhập quốc gia và dự thu ngân sách của Nga đột ngột suy giảm gần một nửa. Trọng lượng kinh tế của Nga trước đây -với một GDP 2000 tỷ USD- vốn đã chỉ là 3% kinh tế thế giới, hiện nay lại chỉ còn là 1,5%, nghĩa là không đáng kể. Chế độ Putin đang sống dở chết dở và sẽ không còn khả năng giúp đỡ hay đe dọa ai nữa ; chính sự tồn tại của nó cũng không chắc chắn.

Trung Quốc ngày càng khó che đậy thực trạng kinh tế suy thoái. Những dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện ngày càng nhiều và đều đặn. Một trong những nguyên nhân khiến dầu sụt giá là vì mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã giảm, vì sản xuất công nghiệp giảm. Vấn đề hiện nay chỉ là Bắc Kinh sẽ phải công khai hóa tình trạng khủng hoảng vào lúc nào và khủng hoảng sẽ nghiêm trọng đến mức độ nào. Điều chắc chắn là một tình trạng nguy ngập càng bị che giấu lâu bao nhiêu thì càng thảm khốc bấy nhiêu khi cuối cùng bị phơi bày, và từ nhiều năm qua Bắc Kinh đã cố tình tạo ảo tưởng vào một tăng trưởng giả tạo, bằng xây dựng và chi phí công cộng. Sự thực sẽ rất phũ phàng. Bắc Kinh không chỉ khủng hoảng về kinh tế mà còn đang chao đảo về nhiều mặt. Những tranh giành quyền lực - cụ thể như các vụ thanh trừng các phe đảng Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang - và mâu thuẫn giữa các vùng đang rất gay gắt và có thể nổ bùng bất cứ lúc nào. Thêm vào đó là môi trường bị hủy hoại, đất cằn cỗi, nước và không khí ô nhiễm. Tất cả những thành tựu kinh tế chưa chắc đã bù đắp nổi sự tàn phá môi trường sinh sống, nghĩa là ngay trong chính cơ thể Trung Quốc. Sự phá sản của mô hình Trung Quốc đã đến lúc không che đậy được nữa. Nó có thể rất kinh khủng.

Các thế lực chống dân chủ không chỉ suy yếu mà còn sứt mẻ. Cuba đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và sẽ dân chủ hóa rất nhanh chóng dù anh em Castro muốn hay không. Venezuela, đồng minh duy nhất của Cuba tại Nam Mỹ, đã hoan nghênh sự chuyển hướng này, nghĩa là cũng sẽ chuyển hướng theo. Châu Mỹ La Tinh sẽ không còn một liên đới nào với Nga và Trung Quốc.

Trong khi các thế lực chống dân chủ yếu đi thì dân chủ được củng cố tại nhiều nơi và trên nhiều mặt, nhất là về ý chí. Không một chính quyền dân chủ nào không tán thành việc can thiệp quân sự vào Trung Đông hay châu Phi để tiêu diệt lực lượng Hổi Giáo khủng bố. Không một chính quyền nào bị dân chúng phản đối vì trực tiếp hay gián tiếp tham chiến tiêu diệt quân Hồi Giáo khủng bố hay vì tham gia trừng phạt chính quyền Putin. Tại Mỹ tổng thống Obama đã phải đổi thái độ sau khi bị phê phán vì sự nhu nhược và đã phải lấy một thái độ quả quyết hơn hẳn theo chiều hướng bảo vệ các giá trị dân chủ trong quan hệ đối ngoại. Dân chủ cũng đã được cải tiến đáng kể tại các nước Trung Đông và vừa được xác nhận một cách ngoạn mục tại Tunisia.

Nói chung trong năm qua làn sóng dân chủ thứ tư, mà có lúc nhiều người bi quan cho rằng đã khựng lại, vẫn tiến tới và không những thế còn gia tăng cường độ một cách đáng kể. Sự kiện một năm bắt đầu một cách rất bất lợi nhưng lại kết thúc một cách rất thuận lợi tự nó cũng rất có ý nghĩa. Nó chứng tỏ rằng trào lưu dân chủ hóa không thể đảo ngược được.

Một thời điểm nguy hiểm cho Đảng Cộng Sản Việt Nam

Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ cần một sự sáng suốt tối thiểu cũng có thể nhận ra là hy vọng dựa vào một "quốc tế độc tài" mới mà hai cột trụ là Nga và Trung Quốc để duy trì chế độ toàn trị đang tan biến. Trong khi nội tình của chế độ rối loạn hơn bao giờ hết. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên; khi một đảng cầm quyền đã mất lý tưởng chung thì tranh giành quyền lực và quyền lợi là điều không tránh khỏi ngay cả nếu mọi người đều muốn tránh. Quyền lợi bất chính chỉ chia rẽ chứ không bao giờ gắn bó những con người với nhau. Nhưng ngày nay Đảng Cộng Sản còn lý tưởng nào ? Ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng, còn ai dám ca tụng chủ nghĩa Mác-Lênin mà không xấu hổ ? Một thí dụ về sự xung đột phe phái là dự luật Tổ Chức Chính Phủ. Dự luật này trên thực tế là một âm mưu "đảo chính hợp pháp" vì hai lý do :  một là nó trái hẳn với tinh thần Hiến Pháp 2013, nó dành hầu như mọi quyền hành cho thủ tướng trong khi hiến pháp 2013 dành phần lớn quyền hành cho chủ tịch nước ; hai là nó đã không được bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam thảo luận và chấp nhận trước như qui luật từ trước đến nay, như thế nó là một hành động thách đố của phe Nguyễn Tấn Dũng đối với bộ chính trị mà đa số từng muốn kỷ luật ông Dũng. Dự luật này đã không được thông qua nhưng cũng không bị bác bỏ. Những đấu đá nội bộ như vậy vẫn chưa ngã ngũ và sẽ rất gay gắt trước đại hội thứ 12 của Đảng Cộng Sản.

Đại hội này cũng sẽ diễn ra trong một bối cảnh kinh tế và xã hội cực kỳ đen tối. Mọi sinh hoạt kinh tế đều trì trệ, nợ công và nợ xấu chồng chất. Trong khi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cố tình biện luận rằng nợ công vẫn ở dưới mức 65% GDP thì theo các ước lượng nghiêm chỉnh nó đã vượt mức 200%, nghĩa là rất nguy ngập. Ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn tiết lộ trước quốc hội rằng số tiền để trả lương quân đội, công an và công chức -khoảng 20 tỷ USD- chiếm 72% số thu ngân sách thay vì 50% như trong năm 2013 và số tiền còn lại chưa đủ để trả nợ. Những con số mà ông Sang đưa ra cho phép ta làm vài con tính nhẩm: như vậy số thu ngân sách năm 2014 chỉ còn là non 28 tỷ USD, giảm 30% so với năm trước, và chúng ta phải vay để trả nợ. Nhưng ai sẽ cho Việt Nam vay ?  Nước ta đang đứng trước nguy cơ phá sản, hậu quả của một chính quyền vừa hoàn toàn bất tài vừa cực kỳ tham nhũng. Đã thế trong cơn bối rối chính quyền cộng sản còn làm những hành động thô bạo khiêu khích lương tâm dân tộc và thế giới như bắt giam những blogger rất ôn hòa như Hồng Lê Thọ, thậm chí bại liệt như Nguyễn Quang Lập. Những hành động này, mà nguyên nhân là những đấu đá nội bộ, chỉ có tác dụng khiến chính quyền bị cô lập hơn nữa.
Sinh hoạt kinh tế xã hội sẽ xấu đi nhanh chóng và ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải chịu trách nhiệm vì ông là người trực tiếp điều khiển chính quyền. Uy tín và thế lực của ông sẽ suy sụp từ đây đến đại hội đảng thứ 12. Tình trạng này có thể khiến ông sử dụng quyền lực áp đảo hiện nay để tự cứu mình bằng một cuộc đảo chính và mở ra một giai đoạn đầy bất trắc.

Còn phong trào dân chủ ?

Mặc dù khung cảnh đen tối đó triển vọng để nước ta thoát ra khỏi bế tắc và vươn lên không chỉ có thực mà còn lớn. Một trật tự dân chủ đang hình thành trên thế giới và một làn sóng dân chủ mới đang tràn tới. Nếu thành thực chuyển hóa về dân chủ Việt Nam sẽ được các nước dân chủ và các định chế quốc tế nâng đỡ để ra khỏi khủng hoảng. Loại trừ tham nhũng cũng sẽ khiến chúng ta trút bỏ được một gánh nặng lớn. Chúng ta có khá nhiều tiềm năng địa lý cũng như con người. Chúng ta tụt hậu bi đát như hiện nay vì bị trói chứ không phải vì kém. Vấn đề của chúng ta chỉ là vượt qua được rào cản vô lý mà Đảng Cộng Sản dựng lên. Đó là dù đã thất bại trên mọi mặt và đã mất hết uy tín, thậm chí còn rất phân hóa và không có cả một ảo tưởng để rao bán, Đảng Cộng Sản vẫn xấc xược đòi giữ nguyên chế độ toàn trị, nghĩa là đòi đạp trên đầu dân tộc thay vì chấp nhận một chỗ đứng hợp tình hợp lý trong lòng dân tộc. Nó là một lực lượng chiếm đóng.

Năm 2015 sẽ đòi hỏi rất nhiều sáng suốt và quyết tâm.
Phong trào dân chủ trong năm qua tuy đã sút giảm về lượng và sức nhưng lý do của sự sút giảm đó là vì nhiều người đã nhận ra rằng không nên tiếp tục đấu tranh như trước nữa. Như vậy sự sút giảm sức vóc chủ yếu là hậu quả của một sự trưởng thành về nhận thức, điều kiện bắt buộc để phong trào dân chủ có thể lớn mạnh. Đại đa số những người dân chủ đã thấy sự vô ích và vô duyên của những yêu cầu, thỉnh nguyện và kiến nghị. Họ đã hiểu sự vô vọng của những cố gắng thay đổi từ bên trong, bởi vì người ta chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi một chính quyền tham những và chính quyền này không chỉ hung bạo mà còn rất tham nhũng. Họ cũng đã thấy giới hạn của những cuộc biểu tình không có chuẩn bị và không có lãnh đạo thống nhất. Rất nhiều người cũng đã nhìn ra sự phù phiếm của những cố gắng gây tiếng vang khi chưa có thực lực. Chúng ta đã hiểu những điều đáng lẽ đã phải biết từ lâu, đó là tự do không thể cầu xin để được ban phát, dân chủ phải tranh đấu để có, và đấu tranh chính trị bao giờ cũng phải là đấu tranh có tổ chức. Chúng ta cũng đang dần dần hiểu rằng tổ chức chỉ có thể xây dựng được bằng những cố gắng bền bỉ bắt đầu từ một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đúng đắn.

Một nhận thức quan trọng cũng đang hình thành là chỉ có một tổ chức chính trị có tầm vóc và một dự án chính trị đúng đắn và quảng đại, phù hợp với yêu cầu của đất nước mới có khả năng thuyết phục và buộc Đảng Cộng Sản chấp nhận đối thoại để tìm một giải pháp đưa đất nước, và chính những người cộng sản, ra khỏi bế tắc.

Lời cuối :

Ông Nguyễn Tấn Dũng, người có nhiều quyền nhất hiện nay, đã từng lặp lại nhiều lần là "nhất định không để nhen nhúm những tổ chức đối lập". Tuy vậy trong xã hội Việt Nam hiện nay, với mức độ tự do mà người dân đã giành được (xin nhấn mạnh là đã giành được chứ không phải do chế độ ban phát), chúng ta vẫn có thể xây dựng một lực lượng dân chủ có tầm vóc nếu thực sự muốn. Chúng ta chưa có lực lượng này vì chưa thực sự muốn chứ không phải vì không thể có.

Vậy chúng ta hãy chúc nhau quyết tâm và sáng suốt để sẵn sàng cống hiến cho đất nước một bước tiến quả quyết vào kỷ nguyên dân chủ.

Nguyễn Gia Kiểng
(28/12/2014)


Tái bút của người viết

Qua một người bạn chung, anh Bùi Tín, một số trí thức có uy tín ở  trong nước mà tôi hằng kính mến đã bày tỏ sự phiền lòng khi đọc câu sau đây trong bài này: "Đại đa số những người dân chủ đã thấy sự vô ích và vô duyên của những yêu cầu, thỉnh nguyện và kiến nghị".

Các vị này cảm thấy bị xúc phạm vì theo họ những kiến nghị và yêu cầu này - đã được hàng chục nghìn người ký tên hưởng ứng - là một phương thức đấu tranh và kết hợp những người dân chủ chứ không hề là một cách ứng xử trong logic xin-cho. Họ càng cảm thấy phiền lòng vì vẫn dành cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và cá nhân tôi khá nhiều cảm tình.

Tôi xin thưa lại như sau: Tôi hoàn toàn không có ý định xúc phạm những người bằng cách này hay cách khác, mỗi người tùy hoàn cảnh, cố gắng đóng góp cho cuộc vận động dân chủ. Riêng đối với các vị đã trao đổi với anh Bùi Tín tôi còn có một sự quí trọng đặc biệt. Có lẽ đã có sự hiểu lầm. Câu này được viết với thời quá khứ, như chữ "đã" chứng tỏ. Nó cũng nằm trong một đoạn nói về sự thay đổi nhận thức so với giai đoạn trước. Như vậy thì hiện nay và từ nay không ai cần thắc mắc nữa. Nhắc lại chỉ để chúng ta cùng quan sát một tiến bộ. Chúng ta đều nhận thấy là từ một thời gian gần đây những từ "yêu cầu", "kiến nghị", "thỉnh nguyện thư" hầu như không còn được dùng nữa, thay vào đó là những từ "tuyên ngôn", "tuyên bố", "lên tiếng chung" v.v.  chính xác và nghiêm chỉnh. Nhắc lại quá khứ cũng là để gián tiếp hỗ trợ những người khởi xướng, để cho dư luận thấy đã có những người rất ôn hòa yêu cầu một cách rất khiêm tốn những điều rất hợp tình hợp lý mà cũng không hề được chính quyền này đáp ứng, như vậy họ có lý do để có một thái độ khác. Ít nhất chúng ta có thể đồng ý với nhau trên một điểm: chính quyền này chưa bao giờ trả lời một kiến nghị nào. Có lẽ cách hành văn của tôi đã không được rõ ràng nên đã tạo ra hiểu lầm và khiến những người mà tôi quí mến phiền lòng. Xin lượng thứ.

Mặt khác tôi coi thông điệp mà anh Bùi Tín gửi tới như một nhịp cầu giữa những người cùng chia sẻ một ước vọng chung là dân chủ hóa đất nước. Cho tới nay cảm tưởng của nhiều người trong đó có tôi là vẫn còn một khoảng cách giữa hai loại người dân chủ, những người xuất phát từ chế độ và những người khác, khoảng cách vô lý mà từ hơn ba mươi năm nay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi là một thành viên luôn luôn chủ chương phải xóa bỏ. Nếu đó là bàn tay đưa ra thì chúng tôi sẽ hân hoan nắm lấy. Chúng ta là chí hữu và anh em.

Trân trọng,
Nguyễn Gia Kiểng



No comments: