Sunday, December 28, 2014

Việt Nam tiếp tục bắt những cây viết phản biện (FB Người Buôn Gió)






Trong vòng thời gian ngắn, có lẽ là kỷ lục ngắn nhất thời gian giữa bắt giữ các cây viết này với cây viết khác. An ninh TPHCM đã bắt giữ liên tiếp 3 blogger là Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Đình Ngọc.

Hiện nay chưa rõ nguyên nhân nào đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng việc liên tiếp bắt giữ các cây viết có uy tín trong cộng đồng mạng ở Việt Nam. Nhiều ý kiến dư luận tập trung ở những lý do sau đây :
- Do đấu đá nội bộ.
- Do phục vụ đối ngoại.
- Do ý đồ kiểm soát thông tin.

1/ Cả ba lý do trên đều có cơ sở. Thứ nhất về đấu đá nội bộ. Những hội nghị trù bị về sắp xếp nhân sự cho trung ương ĐCS khoá tới đang đến gần. Phục vụ cho mục tiêu tranh giành quyền lực này, đã xuất hiện những trang mạng cung cấp những thông tin chi tiết, những con số, địa chỉ về tài sản, việc làm bất minh của những quan chức lãnh đạo cấp cao. Tuy chưa khẳng định thông tin này có là sự thật hoàn toàn không, nhưng đọc có thể thấy tác giả của những thông tin này không phải là loại tay mơ.

Việc tranh giành quyền lực diễn ra một cách công khai giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TT Nguyễn Tấn Dũng. Cả hai đều nỗ lực muốn nắm quyền chỉ đạo quân đội, công an và kinh tế, truyền thông. Đây là những yếu tố quan trọng chính để kiểm soát quyền lực bảo đảm cho chế độ độc tài. Trong cuộc chiến đầy gay gắt giữa hai thế lực như thế này, chuyện phải thanh trừng những tiếng nói bên ngoài can thiệp , tác động dư luận xã hội khiến phe mình bị ảnh hưởng xấu là điều tốt nhất là điều tất nhiên.

2/ Diễn biến quan hệ quốc tế trở nên phức tạp, hạ viện Hoa Kỳ đã ra nghị quyết về Biển Đông, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của TQ trên biển Đông. TQ gia tăng ve vãn các lãnh đạo Việt Nam để cách ly Việt Nam ra khỏi những hưởng ứng với quan điểm của Hoa Kỳ. Để chứng tỏ rằng Việt Nam không theo đuổi những giá trị của Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp những người có tư tưởng chống đối, bài Trung, thoát Trung... để lấy sự tin cậy của nước đàn anh Trung Quốc.

3/ Các chiến dịch kiểm soát thông tin, trấn áp tin "lề trái" được khởi đầu từ Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị vào những ngày cuối năm 2013. Sự chỉ đạo này được bộ Công An và Bộ TTTT phối hợp dưới những ý kiến lãnh đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Mục tiêu là trấn áp, kiểm soát. Tuy nhiên trong các bộ này, có những cơ sở của các lãnh đạo khác nhau. Cho nên nghị quyết 30 CT/BBT thanh trừng,kiểm soát thông tin được các phe phái cấp dưới khi thực thi mượn cớ để tha hồ bắt giữ những cây viết bất lợi cho phe mình.

Tổng hợp cả ba ý kiến trên đều thấy rằng, dù cuộc tranh giành quyền lực của phe nào trong ĐCSVN thắng lợi đi nữa, thì chuyện bắt bớ những cây viết, blogger có uy tín thu hút lượng độc giả lớn vẫn sẽ cứ xảy ra. Vì phe nào thắng cũng cần đến quan hệ tốt đẹp với TQ, cũng cần kiểm soát thông tin để bảo đảm uy tín của mình.

TP HCM là nơi mà TT Nguyễn Tấn Dũng gần như thống trị ảnh hưởng. Các đối thủ chính trị người miền Bắc của Nguyễn Tấn Dũng rất ít khi công cán đến phía Nam trong nhiệm kỳ của họ. Nếu như việc bắt giữ một mình Nguyễn Quang Lập có thể cho rằng đó là phục vụ mục tiêu kiểm soát thông tin của Ban Tuyên Giáo theo chỉ thị 30 CT/BBT... nhưng khi đến mức bắt liên tiếp các blogger như Hồng Lê Thọ, Nguyễn Đình Ngọc... những người đều trú tại TPHCM thì mọi việc có thể không phải là như vậy. Liệu trên vùng đất ảnh hưởng của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể cho đối thủ của mình thải mái thực thị quyền lực dễ dàng không? Trong khi những hoạt động gần đây cho thấy ông Dũng dường như vẫn kiểm soát tất cả, ông chỉ đạo quân đội, chỉ đạo công an, cấp phó tin cây của ông là Vũ Đức Đam sau thời gian im tiếng bỗng trở lại chính trường giành lại quyền kiểm soát thông tin.

Cho dù ba người bị bắt là Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Ngọc là thực hiện mục tiêu của nghị quyết 30 CT/BBT đi nữa thì không thể không thông qua ông Nguyễn Tấn Dũng. Bởi những cây viết nổi tiếng, thu hút độc giả này đều sinh sống tai vùng đất mà uy quyền của ông Dũng vẫn là tuyệt đối.

Mặt khác ông Nguyễn Tấn Dũng thường nói về cải cách, về dân chủ, về tự do và chỉ trích cả những hành vi xâm lược của Trung Quốc.

Những thứ đó khiến nhiều người hoài nghi, không biết ai là tác giả của những vụ bắt bớ. Một số người giải thích ông Dũng nói một đằng, làm một nẻo. Miêng hô hào cởi mở quyền con người, phản đối hành vi xâm lược của TQ nhưng vẫn chỉ đạo viết bắt giữ những người viết và những người phản đối TQ. Nhưng chưa ai giải thích được vì sao ông Dũng làm những điều trái ngược như thế, nhất là ông ra mặt kình địch với phía Đảng do TBT Nguyễn Phú Trọng, một người thân TQ, thích đàn áp dư luận, kiểm soát thông tin.

Có lẽ cách giải thích duy nhất là ông Dũng làm thế để nắm quyền lực thực, mọi chỉ thị từ Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị muốn được thực thi phải qua tay ông. Ví dụ Bộ Chính Trị tức ông Nguyễn Phú Trọng muốn làm việc này, định giao quyền cho ban Nội Chính, Ban Kinh tế Trung Ương, Ban Tuyên Giáo thực hiện. Nhưng ông Dũng trong vai trò đứng đầu Chính Phủ đã nhanh chóng chỉ đạo những bộ, ngành, cục dưới quyền của mình thực thi. Làm như thế tức ông Dũng đã vô hiệu hoá vai trò có măt của các ban bệ dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng.

Vây là mấu chốt của chuyện bắt bớ, đàn áp thông tin nằm ở chế độ cộng sản, chế độ độc tài. Bởi những chế độ độc tài như vậy mới coi tự do thông tin là kẻ thù. Còn chuyện phe nào bắt bớ chỉ là giành quyền lực, giành quyền chỉ đạo với nhau. Dù phe nào chiến thắng đi nữa thì vẫn là cộng sản hay độc tài, và chuyện bắt bớ , đàn áp tư do thông tin vẫn còn tiếp diễn.

129 people like this. 






No comments: